Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

MỘT CHÚT LẠM BÀN VỀ CÔNG DANH

Dương Quốc Việt
Theo Sigmund Schlomo Freud (1856-1939) nhà tâm lý học vĩ đại người Đức thì nhân loại mang hai thị dục căn bản nhất, là “tình dục” và “thị dục huyễn ngã”(lòng mong muốn được người khác cho mình là vẻ vang, quan trọng). Còn John Dewey (1859 -1952)- nhà triết học, tâm lý học, và cũng là một nhà cải cách giáo dục người Mỹ cho rằng: “Thị hiếu mạnh nhất của con người là thị dục huyễn ngã”. Vì thế, có phải chăng khao khát công danh-sang giàu- quyền lực, luôn đi cùng với con người!?
Abraham Lincoln (1809 -1865)-tổng thống thứ 16 của Mỹ, ông còn được mệnh danh là người giải phóng vĩ đại, đã từng nói: “Ai cũng muốn được người ta khen mình”. Khốn thay được khen, hay được thừa nhận đâu có dễ! Chẳng thế mà người Việt có câu: “Được tiếng khen ho hen chẳng còn”. Thế mới thấy cái danh thơm thật nghiệt ngã biết bao!? Nhưng dường như: “Được tiếng khen ho hen chẳng còn” còn để lại nhiều thông điệp sâu xa, chẳng hạn như cần phải biết lượng sức mà lập danh, kẻo được danh rồi, thì thân tàn ma dại, hoặc nếu đã dám vì cái danh, thì cũng phải dám chịu, chấp nhận những khổ công hay những mất mát nào đó…
Chính nhờ có thị dục huyễn ngã cực mạnh và có giáo dục, nên một người    sinh trưởng trong một gia đình nghèo-học vấn dở dang-để chỉ làm một thư ký quèn trong một tiệm tạp hóa, đã mua những cuốn sách rách nát  nghiền ngẫm-tự học, để trở thành một vĩ nhân Lincoln. Nhưng có bao nhiêu người được như Lincoln? Thật không khó để nhận ra, trong lịch sử nhân loại biết bao người có cái tài, cái chí và cái đức miệt mài như Lincoln, nhưng không thành được Lincoln, bởi còn vận may, còn thời thế, và nhiều điều kiện khác nữa…
Thị dục huyễn ngã không chỉ sản sinh ra những thiên tài chân chính, cùng với tài đức-những khổ công của họ cống hiến cho đời, mà còn sản sinh ra những “quái kiệt”, gây khổ đau nhân loại. Thị dục huyễn ngã cũng không chỉ tạo nên chủ nhân của những tấm bằng, những tấm huy chương đúng giá trị, mà cũng còn cả những chủ nhân không tương xứng. Rồi biết bao vị vua và các vị thủ trưởng tin dùng những kẻ xu nịnh-tâng bốc, dẫn đến tan nát cơ đồ, cũng chỉ vì thị dục này mà ra cả. Cũng do thị dục huyễn ngã mà thời đại nào cũng có những vị quan thanh liêm, nhưng cũng không thiếu những kẻ quan tham tài hèn-đức mỏng.
Trong lao động sáng tạo, có mấy tác phẩm được để đời, cũng như có được mấy ai thành danh. Nhưng không sao, thế giới của những đam mê, khát vọng lao động sáng tạo, vẫn không vì thế mà nản lòng, ngưng nghỉ. Bởi dẫu không thành danh, thì người ta vẫn làm nên những giá trị nào đó cho chính cuộc đời mình, tức là “thành nhân” vậy! Và sẽ ra sao trong “chốn công danh”, nếu  ở  đó xuất hiện những  kẻ “ngồi nhầm chỗ”?
Đành rằng thị dục huyễn ngã là bản chất của nhân loại, nhưng có mấy người hời hợt-lười nhác-dựa dẫm-thụ hưởng, lại dám liều lĩnh chen chân vào chốn đòi hỏi gắt gao lòng đam mê, tài năng và lao động sáng tạo, để hòng kiếm chác danh lợi!? Cũng như chốn linh thiêng nơi cửa Phật, đâu phải là chốn cho những kẻ còn nhiều ham hố bận lòng. Nhân loại nói chung luôn suy nghĩ như thế, văn hóa và đạo lý của người Việt hàng nghìn năm nay cũng thế. Nhưng tiếc thay, ngày nay ngay cả những nơi, những vị trí tưởng như rất kén người, ấy thế mà vẫn không ít kẻ lọt lưới.
Từ lịch sử cho thấy, thị dục huyễn ngã hướng những mục tiêu cá nhân cao cả hay thấp hèn, trước hết bởi thước đo của những giá trị xã hội. Thị dục huyễn ngã cũng có thể được nuôi dưỡng và tác động-phát huy tích cực, cũng có thẻ bị kìm nén, hoặc thậm chí đâu đó còn có khi không muốn thừa nhận, hay bị tác động méo mó. Thị dục huyễn ngã, hạt giống sản sinh ra những cá nhân tốt hay xấu, dường như phụ thuộc vào văn hóa-giáo dục-tín ngưỡng và hoàn cảnh xã hội mà cá nhân ấy được thụ hưởng.
Thị dục huyễn ngã là đặc trưng của loài người, mà loài vật không có dục vọng này. Nhờ thị dục huyễn ngã, mà nhân loại ngày càng văn minh, một cá nhân có xuất phát điểm khiêm tốn, có thể nỗ lực vươn lên trở thành người có uy tín cao trong xã hội. Tất nhiên mặt trái của nó, sinh ra những kẻ tàn ác-bất chính, thậm chí như nó cũng đã từng sản sinh ra những kẻ mang trọng tội chống nhân loại, hay những kẻ kéo lùi lịch sử.
Cuối cùng tác giả xin được chia sẻ chân thành về bài thơ liên quan đến câu chuyện công danh và cuộc sống dưới đây, được viết gửi cho con trai, khi cậu ấy 30 tuổi, và chuẩn bị được làm cha.
GỬI CON TRAI
Hà Nội đêm 24-5-2015-DQV
Ông nội dạy cha:
Danh dễ có sẽ tan thành hư ảo
Thẫn thờ tiếc nuối hóa thành điên
Tiền bạc đến nhanh sớm đội nón ra đi
Chỉ còn tấm thân tàn tạ.
Bà nội dạy cha:
Danh do công mà ra
Công không xứng ấy chỉ là danh hão
Lọc lõi ư? chẳng được đâu con
Đảo điên cho lắm-tai ương sẽ nhiều.
Cụ nội dạy cha:
Thiên hạ nhân thiên hạ tài
Tầng tầng lớp lớp
Chim kêu vượn hót…
Kẻ săn mồi rình rập.
Nhìn đỉnh cao nhớ vực kia thăm thẳm
Mỗi vinh quang một nghĩa địa oan hồn
Cánh đồng hoang xương trắng điêu tàn
Chỉ một vài khóm hoa bên cỏ dại!
Công danh đến ngẫm suy phần phúc phận
Phúc chưa dày sao có thể vinh hoa
Phận còn mỏng có được chăng phú quý
Nợ đời ai trả kiếp phù du?!
Vòng luân chuyển kiếp người dâu bể
Cha mong con cuộc sống bình thường
Vốn công đức phủ bao phần thụ hưởng
Thấu nỗi lòng bất hạnh trần ai!
Khi gặp may con chớ vội mừng
Khi gặp rủi hãy bình tâm hóa giải
Cuộc đời dài cha chẳng thể dạy con
Con luôn gắng hiểu lòng tạo hóa!


Đăng lại: Một chút lạm bàn về công danhMột chút lạm bàn về công danhLạm bàn về công danh

Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

Bàn về những chỉ tiêu bốc đồng

Trong xây dựng và kiến tạo, cái đáng sợ nhất là người ta đưa ra những chỉ tiêu “bốc đồng” hay “trên trời”. Nhưng những chỉ tiêu tùy tiện này, lại rất dễ được che đậy, bởi nó có vẻ như thúc đẩy để sớm vươn đến một thành quả nào đó. Điều này khiến cho những người dẫu có nhìn thấu sự thất bại, đổ vỡ cũng khó lòng bác bỏ, chưa kể có khi họ còn bị “chụp mũ” chậm tiến, hay chống đối. Hơn nữa, do dễ được ngụy tạo bởi động cơ tốt đẹp, nên tác giả của những chủ trương này thường vô tội, hay người ta không nhìn ra hoặc ít quy tội cho họ, kể cả đã gây ra tổn thất lớn khi thực hiện.
Vào những thập niên 60 của thế kỷ XX, trường cấp 1 Bắc Lý, Lý Nhân, Hà Nam, là lá cờ đầu của toàn ngành giáo dục. Lúc đó các lớp học của chúng tôi, thường mít tinh, trống giong cờ mở, hô khẩu hiệu: “Quyết tâm học tập để đuổi kịp và vượt Bắc Lý”. Lớn lên, tôi được nghe kể lại, trong một lần họp các trưởng ty giáo dục toàn miền Bắc, có một vị trưởng ty tuyên bố, sẽ  đưa tất cả các trường cấp 1 thuộc ty của ông thành “Bắc Lý”. Thế rồi ngay lập tức bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) hỏi ông ta: Anh T anh có biết để được một “Bắc Lý” thì Bộ, Ty, Phòng…  phải làm những gì không? Anh hãy cố gắng làm cho ty của anh trường ra trường, lớp ra lớp trước đã, ông Bộ trưởng nói tiếp.
Trong câu chuyện này, có lẽ vị trưởng ty kia không có ý phá hoại, mà chỉ là thiếu hiểu biết nên bốc đồng, hay nhiễm máu “phong trào”, hoặc quen “hô khẩu hiệu”, mới thành ra thế. Cũng may mắn là ông đã được bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên lập tức chấn chỉnh. Nhưng nếu giả sử, một ngài bộ trưởng nào đó, lại hưởng ứng-khuyến khích tuyên bố của vị trưởng ty bốc đồng nọ, thì hậu quả sẽ như thế nào cho giáo dục?
Ngày nay, một trong những ví dụ có thể kể đến về các mục tiêu “trên trời” trong ngành giáo dục là Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Tiến sĩ Lương Hoài Nam đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đặt ra mục tiêu nghe rất “kêu”: đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp Trung cấp, Cao đẳng và Đại học có đủ năng lực ngoại ngữ, sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập…  Còn 4 năm nữa mới đến năm 2020, nhưng đã có thể thấy trước là mục tiêu đó không đạt được, cho dù chỉ ở mức 50%”. Hay “Đến năm 2020, mục tiêu của đề án dạy ngoại ngữ trong giáo dục quốc dân có đạt được không? Tôi xin trả lời luôn là không- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn trả lời đại biểu về thất bại của đề án phổ cập ngoại ngữ gần 10.000 tỷ Đồng đầy tham vọng được đưa ra từ năm 2008” (xem bài “Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 thất bại, vì đâu?”, Thế Giới & Việt Nam, 21/11/2016). Có lẽ người ta sẽ còn đặt ra nhiều câu hỏi cho đề án này, đặc biệt ai sẽ là người chịu trách nhiệm !? Rằng nó cần phải được đánh giá đầy đủ sau năm 2020.
Còn nhiều suy ngẫm hơn, khi đọc nhận định tiếp theo của tiến sĩ Lương Hoài Nam (cũng cùng trong bài báo trên): “Công bằng mà nói, đây không phải là mục tiêu 2020 duy nhất bị thất bại. Chúng ta có thể nhìn thấy trước một số mục tiêu không thể trở thành hiện thực như Việt Nam có một số trường đại học trong Top 200 thế giới, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020 (mà Đề án Ngoại ngữ 2020 nhắc đến)”. Thật khó hiểu vì sao, những người đứng đầu một nền học thuật, lại có thể đưa ra những mục tiêu hoang tưởng đến như vậy.
Ngoài những mục tiêu bốc đồng được “vẽ ra” trong các đề án giáo dục như vừa nêu, người ta còn đưa ra nhiều tiêu chí xa vời bắt buộc người giảng dạy phải hoàn thành, mà không tính đến hệ lụy của nó. Chẳng hạn đòi hỏi tất cả các giáo viên phổ thông phải viết sáng kiến kinh nghiệm hàng năm. Việc làm bắt buộc này, không chỉ làm khổ các thầy cô, mà còn làm cho công việc học thuật trở nên nông cạn và mang tính hình thức. Có lẽ nên chăng thay vì tất cả, chỉ nên tập trung xem xét và khen thưởng thích đáng cho những thầy cô có sáng kiến, mang lại hiệu quả thực tế cho việc dạy và học.
Những tiêu chuẩn khắt khe về chứng chỉ ngoại ngữ cho các giảng viên, khiến cho không ít giảng viên, kể cả những người có công bố quốc tế tốt, cũng trở thành những người “mắc nợ”. Thực tế là, một giảng viên dù có chứng chỉ ngoại ngữ cao đến bao nhiêu, nếu không có môi trường giao tiếp thường xuyên, không thường xuyên dịch, không viết bài cho công bố quốc tế, thì cái chứng chỉ kia không biết được dùng để “dọa” ai!?
Đành rằng hiểu biết càng sâu, càng rộng thì càng đáng quý. Nhưng khốn thay, chúng ta đang còn phải nỗ lực cho những công việc cụ thể cấp bách, mà cũng vẫn còn bất cập. Vì thế cần hết sức tránh những tiêu chí còn xa vời, mà thực tế chưa đòi hỏi, chưa kể đời sống của những người làm thầy còn bị chịu rất nhiều sức ép. Trong bối cảnh thực tế hiện nay, có lẽ chỉ nên tập trung vào những tiêu chuẩn cơ bản thiết yếu mà mỗi thầy cô nhất thiết phải gắng đạt bằng được, với sự giám sát của các đơn vị chuyên môn. Bên cạnh đó là khen thưởng kịp thời cho những thầy cô có những thành tích tốt trong giảng dạy, nâng cao hiểu biết và nghiên cứu khoa học.
Khi còn là chủ nhiệm bộ môn Đại số (6/2006-7/2017) của đại học Sư phạm Hà Nội, tác giả thường nói với các thành viên bộ môn rằng: viết sách và công bố khoa học là không dễ, không phải khi nào cũng làm được, vì thế những ai còn chưa làm được thì hãy gắng, còn những ai làm tốt thì bộ môn luôn ghi nhận và trân trọng. Bởi trong thực tế, không ai lại không muốn là tác giả của những cuốn sách, cũng như những công trình khoa học. Chưa kể bên cạnh họ, luôn có các đồng nghiệp có những ấn phẩm tốt được công bố hàng năm, và điều này cũng đã đủ gây sức ép cho họ. Mặt khác họ lại đều là những người học tập xuất sắc được giữ lại, rất tự trọng, và luôn nỗ lực vươn lên.
Tuy thế những năm gần đây, không ít trường đại học, đua nhau đưa ra những tiêu chuẩn ôm đồm và thiên về định lượng trong nghiên cứu khoa học cho mỗi giảng viên. Trong khi đó, trên thực tế hiện nay năng lực nghiên cứu của người Việt, nói chung còn rất hạn chế, thiếu truyền thống. Chưa kể cách đào tạo, cũng như không gian học thuật của chúng ta, đã ảnh hưởng không tốt đến khả năng nghiên cứu khoa học của mỗi cá nhân. Vì vậy có lẽ thay vì thúc ép họ, thì hãy nên kiến tạo môi trường học thuật, tôn trọng và khuyến khích khoa học thực sự. Mặt khác, chúng ta đang thiếu những ấn phẩm khoa học đạt chuẩn quốc tế hay hội nhập, nhưng lại thừa mứa những ấn phẩm khoa học không đạt chuẩn.
Việc thúc ép nghiên cứu cộng với việc không chú trọng chất lượng, hay đánh giá thỏa đáng ý nghĩa của các công bố đạt chuẩn quốc tế, sẽ chỉ làm gia tăng những ấn phẩm khoa học chất lượng hạn chế-dễ dãi trong các công bố. Đặc biệt cùng với đó, là làm khó cho những cá nhân đang nỗ lực hướng về những công bố đạt chuẩn quốc tế cao. Đó là một trong những mặt trái của vấn đề, khi đưa ra những tiêu chuẩn bốc đồng trong nghiên cứu khoa học, nhất là một khi chỉ chú ý về số lượng.
Những chỉ tiêu bốc đồng, thường được đề ra, trước hết bởi những người rất thiếu hiểu biết, thứ nữa là rất thiếu xây dựng, trách nhiệm, hay có thể học đòi mà không hiểu bản chất của công việc, hoặc đôi khi còn là những thủ đoạn để hướng đến những  mục đích khác… Thông thường những chỉ tiêu bốc đồng được áp đặt xuống công chúng, sẽ để lại những hệ quả nghiêm trọng. Nó có thể sẽ gây hoang mang trong công chúng, kích thích “làm thì láo báo cáo thì hay”… Tệ hại hơn, đâu đó còn ứng xử với nghiên cứu khoa học như kiểu lao động tạo ra những sản phẩm theo quý-theo mùa, rất xa lạ với sáng tạo khoa học. Điều này sẽ gây bất lợi cho những cá nhân đeo đuổi những công bố có chất lượng cao.
Cuối cùng người viết cho rằng, thay vì tạo sức ép phi thực tế lên môi trường học thuật hiện nay, đặc biệt trong sáng tạo khoa học, nên  đòi hỏi chất lượng cao hơn, hay theo chuẩn hội nhập đối với tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư. Để làm sao có sự cân đối giữa số lượng học hàm học vị cao  với số lượng và chất lượng các công bố quốc tế. Và hơn tất cả, là cần biết đưa ra những mục tiêu đúng đắn-phù hợp-khả thi, để động viên kích thích sự phát triển không ngừng. Rằng đó mới chính là cách làm bài bản, kiến tạo. Rằng cần phải nghiêm khắc xử lý với những nơi đưa ra những chỉ tiêu bốc đồng, làm suy giảm lòng tin, gây hoang mang trong cộng đồng. Đặc biệt ở những nơi cần sự “tĩnh lặng” như môi trường học thuật.

Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

BÀN VỀ THỰC THI CẢI CÁCH GIÁO DỤC

Dương Quốc Việt
Giấc mơ về một nền giáo dục văn minh để đào tạo ra những thế hệ công dân mới, những nguồn nhân lực mới, đưa nước nhà “sánh vai các cường quốc năm châu”, luôn thôi thúc người Việt trong suốt nhiều thập kỷ qua. Và thế là người ta đã học hỏi, tham khảo để gắng đưa ra những chương trình phổ thông cùng với nó là những bộ sách giáo khoa, nhằm đáp ứng mục tiêu. Tác giả cho rằng, nếu sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của đất nước, có thể kết hợp thêm với nguồn lực nước ngoài giúp đỡ, về mặt lý thuyết, người ta hoàn toàn có thể đưa ra được những chương trình cùng với những bộ sách giáo khoa tốt nhất, thuộc các môn khoa học tự nhiên. Và vấn đề chương trình và sách giáo khoa có thể cứ tạm coi là sẽ được giải quyết. Câu chuyện của chúng ta bây giờ, là xem xét vấn đề thực thi chương trình để đạt được kết quả như mong muốn.
Cũng cần nhấn mạnh lại rằng, chương trình và sách giáo khoa tốt hiện nay, đương nhiên phải có tính hội nhập cao với cộng đồng nhân loại văn minh, nhằm tạo ra những thế hệ công dân mới và những nguồn nhân lực mới đáp ứng nhu cầu hội nhập này. Bây giờ chúng ta chỉ tập trung bàn đến vấn đề thực thi. Cũng như để trình diễn một tác phẩm giao hưởng hay nhất có thể, người ta đã phải làm những gì? Rằng đó bao gồm rất nhiều cung đoạn, khiến cho người ta dễ nhận ra, không phải ở đâu, thời điểm nào, nhân lực nào, cũng có thể đáp ứng được, cho dù có cố công đến mấy.
Để thực thi một chương trình cải tổ giáo dục được như mong đợi, trước hết phải dựa vào đội ngũ những người làm thầy. Nhưng có thể thấy thực tế đội ngũ những người thầy hiện nay còn rất xa với tiêu chuẩn hội nhập. Người ta cho rằng có thể đào tạo lại và làm mới đội ngũ này. Vấn đề là làm như thế nào, và mất bao lâu để biến đổi một đội ngũ đông đảo những người thầy như hiện nay, trở thành một đội ngũ đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập? Tìm câu trả lời cho câu hỏi này, dẫn người ta trở về với đội ngũ các giảng viên của các trường sư phạm. Và bạn hãy trả lời đi, rằng đội ngũ giảng viên của các trường sư phạm hiện nay đã đáp ứng được các tiêu chí của hội nhập hay chưa? Nhưng rõ ràng thật khó khả thi, cho cái việc tạo ra những thế hệ công dân mới đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập, lại bằng chính đội ngũ các thầy còn chưa đạt được tiêu chuẩn hội nhập.
Nhưng câu chuyện đâu phải chỉ có thế, để đào tạo ra những thế hệ học trò đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập, còn cần đến một không gian văn hóa tại  mỗi cơ sở đào tạo. Để mặc dù mỗi cá nhân người học, có thể có xuất xứ bản thân khác nhau, nhưng sau những năm tháng học tập, trải nghiệm trong những môi trường văn hóa đó, họ sẽ dần “lột xác” để trở thành những con người mới như  mong đợi. Một không gian văn hóa góp phần tạo ra những thế hệ học trò, đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập là như thế nào? Mặc dù trả lời đầy đủ cho câu hỏi này thật không dễ, nhưng rõ ràng điều kiện tiên quyết của nó, là phải có một hệ thống quản trị đủ tốt, kèm với nó là hệ thống cơ sở vật chất tối thiểu đi cùng.
Thật khó mà có thể có một hệ thống quản trị tốt ở mỗi cơ sở đào tạo công lập, nếu nó không được đặt trong hệ thống quản trị ưu việt của toàn bộ hệ thống giáo dục công lập. Đặc điểm của hệ thống giáo dục công lập là nó được bao cấp toàn diện bởi nhà nước. Vì vậy có thể nói nó dường như hoàn toàn phụ thuộc vào thể chế chính trị-văn hóa-kinh tế của đất nước.
Hóa ra bài toán cải cách giáo dục nhằm đạt được tiêu chí cao như mong muốn, có vẻ phải đi sau bài toán cải cách thể chế. Nhưng nếu nó được đặt cùng với vấn đề cải cách thể chế, thì rõ ràng người ta cần phải đưa ra một lộ trình phân khúc. Rằng với mỗi một khoảng ngắn hạn, mục tiêu cụ thể cần phải đạt được đến đâu. Và như một quy luật tất yếu của mỗi công cuộc cải tổ, không thể chỉ nghĩ đến cái được tất cả, mà phải tính đến cái mất mát không thể tránh khỏi. Bài toán cải tổ toàn diện giáo dục cũng không ra khỏi quy luật chung ấy, nhất là ở ta hiện thời còn nhiều bất cập.
Chúng ta đã trải qua không ít những dự án cải tổ giáo dục, nhưng dường như đều không thành công. Đáng tiếc là cái sự không thành công đó, có vẻ không làm rõ được nguyên nhân. Gian dối và yếu kém trong việc thực thi ở tất cả các khâu còn ít được đề cập đến, mà người ta chỉ đổ xô vào soi xét chương trình và sách giáo khoa. Rõ ràng  cũng với kịch bản ấy, nhưng với đạo diễn và dàn diễn viên tận tâm và đủ tầm thì kết cục vấn đề chắc chắn sẽ khác. Và rõ ràng chỉ khi đó mới có những con số xác thực, làm cơ sở để đưa ra những kết luận nguyên nhân thành-bại bởi khâu nào.
Nói về câu chuyện đào tạo, chúng ta không thể không nhắc đến một thế hệ trí thức vàng trong lịch sử nước nhà. Mặc dù xuất phát điểm từ một quốc gia với dân trí rất thấp, nhưng chúng ta đã từng được thừa hưởng một đội ngũ trí thức được đào tạo rất nghiêm ngặt và bài bản bởi nền giáo dục bản địa và nền giáo dục Pháp. Đội ngũ này tuy không đông, nhưng trước hết họ là những người thực học. Những người này đã giúp đất nước làm nên biết bao kỳ tích, mà lịch sử đã ghi nhận công lao của họ. Để đến hôm nay, chúng ta có thể nói rằng, nếu không có đội ngũ trí thức ấy, thì khó có thể giải phóng dân tộc và thống nhất được đất nước. Có lẽ sức mạnh ấy nằm ở phẩm chất “tinh hoa” của họ, một thứ phẩm chất được chắt ra bởi hai nền học thuật phương Tây và phương Đông.
Ngày nay xã hội đang rất cần một đội ngũ tinh hoa như thế, để trước hết làm nguồn nhân lực đáp ứng cho cải cách thể chế, thứ nữa là làm nòng cốt cho mọi ngành nghề khác. Vì thế phải chăng, trong bối cảnh mà mục tiêu lớn về giáo dục còn chưa đạt được, thì nên chăng cần phải đặc biệt ưu tiên đào tạo và sử dụng tinh hoa. Ngoài việc xây dựng,  sử dụng và vun đắp để có những cơ sở đào tạo ưu việt trong nước, cần đưa người ra  nước ngoài đào tạo một cách bài bản, theo những chỉ tiêu với những mục tiêu cụ thể. Bên cạnh việc gia tăng xã hội hóa vào giáo dục phổ cập và đại chúng, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và tuyển dụng của xã hội cũng như sự nghiệp nâng cao dân trí, thì nhà nước nên đặc biệt chú trọng nuôi dưỡng và phát triển giáo dục tinh hoa.
Cuối cùng thì dàn nhạc với những nhạc cụ dân tộc, dẫu có nỗ lực đến bao nhiêu cũng khó biểu diễn hay cho một bản giao hưởng, cho dù bản giao hưởng đó có là một kiệt tác. Thậm chí có thể còn gây ra cái thảm cảnh như “tàn sát” nghệ thuật. Điều này cũng tương tự như nhiều lĩnh vực khác. Vì thế  để thay đổi giáo dục thành công, trước hết cần phải đánh giá đúng  mọi nguồn lực liên quan. Từ đó mà đưa ra những mục tiêu khả thi, kể cả trước mắt và dài hạn. Nếu không sẽ “lợi bất cập hại”, như không ít lần đất nước này đã và đang phải gánh chịu tổn thất ở nhiều địa hạt, không hẳn chỉ có giáo dục.

Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

BÀN VỀ GIÁO DỤC TINH HOA

Dương Quốc Việt

Đã đăng trong báo Giáo Dục Việt Nam: Bàn về giáo dục tinh hoa

Bàn về giáo dục tinh hoa

Người ta dễ dàng nhận thấy, yếu tố con người dường như quyết định tất cả mọi công cuộc kiến tạo đổi thay. Hơn nữa, câu nói “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa” của lãnh tụ Hồ Chí Minh (1890-1969), như đã để lại nhiều thông điệp.Vì thế khát vọng vươn tới một nền giáo dục tiên tiến, nhằm cung cấp cho đất nước những nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng công cuộc đổi mới và hội nhập, đã và đang thôi thúc người Việt trong nhiều thập kỷ qua.
Từ lịch sử giáo dục cho thấy, quy mô giáo dục của mỗi quốc gia, thường tương thích với tiềm lực kinh tế của quốc gia đó. Rồi mặc dù giáo dục phổ cập hay đại chúng có thể  bị hạn hẹp, ở thời điểm này, thời điểm kia, hay thể chế này, thể chế kia, nhưng bất cứ thời đại nào, quốc gia nào, thì giáo dục tinh hoa luôn được duy trì, kế thừa và phát triển. Bởi một mặt nó cung cấp kịp thời nguồn nhân lực cho bộ máy quản lý nhà nước, tầng lớp dẫn dắt công chúng, mặt khác nó còn nuôi dưỡng và phát triển mọi lĩnh vực học thuật, làm cho nhân loại ngày càng văn minh.
Lịch sử loài người đã chứng minh rằng, sự phát triển của mỗi quốc gia, phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của tầng lớp tinh hoa. Nhìn lại thời kỳ đầu mới giành độc lập, mặc dù dân trí còn rất thấp, nhưng chế độ mới đã  được thừa hưởng một đội ngũ trí thức được đào tạo rất nghiêm ngặt và bài bản, bởi nền giáo dục bản địa và nền giáo dục Pháp. Tuy không đông, nhưng trước hết họ có nhân cách lớn, thứ nữa họ là những người thực học. Họ đã giúp đất nước làm nên biết bao thành quả, như  lịch sử đã ghi nhận. Sức mạnh ấy nằm ở cái chất “tinh hoa” của họ, một thứ phẩm chất được chắt ra bởi hai nền học thuật phương Tây và phương Đông.
Trong chế độ mới của chúng ta, giáo dục đã từng gặt hái được nhiều thành quả như:  giúp nhanh chóng thanh toán nạn mù chữ, góp phần nâng cao dân trí, cung cấp nhân lực đáp ứng cho các cuộc chiến, và nền kinh tế bao cấp-kế hoạch hóa. Tuy nhiên do giáo dục phổ cập và giáo dục đại chúng đã phát triển quá nhanh, trong tình trạng bao cấp nặng nề, lại không tương thích với nền kinh tế, nên đã để lại nhiều hệ lụy. Đặc biệt khi bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, cũng như kinh tế thị trường, nó lại càng tỏ ra không còn đủ khả năng đáp ứng. Đất nước đang cần những nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng công cuộc kiến tạo, đổi mới và hội nhập, đã thực sự  đòi hỏi gắt gao giáo dục tinh hoa.
Một hiện thực không thể không nhắc đến, trong lúc hầu hết các trường đại học đầu ngành còn rất nhiều hạn chế, đang chờ để hoàn thiện về mọi mặt, thì hàng loạt các trường cao đẳng nâng cấp thành các trường đại học. Mà nòng cốt của các trường đại học mới này, là lực lượng rất mỏng các thạc sĩ, tiến sĩ, dường như khả năng nghiên cứu khoa học còn rất yếu, nếu không muốn nói là không thể. Nhưng rồi, họ không những ngay lập tức tham gia vào cái việc đào tạo ngoài trường, ở đủ các loại hình đại học, mà còn mau chóng tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ như ai.
Hơn thế nữa, cũng do nhu cầu thành lập các trường đại học mới, đã góp phần làm gia tăng quy mô đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tại các trường đại học hàng đầu và các viện nghiên cứu, trong khi đó chính không ít các cơ sở đào tạo này cũng vẫn còn nhiều hạn chế về công bố khoa học, nếu xét theo chuẩn quốc tế. Đâu đó, nơi này, nơi kia, nguy cơ nghiên cứu khoa học để chạy theo nhu cầu đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, chứ không phải vì khoa học và sự phát triển, là có thật. Kết cục là, xã hội gia tăng đáng kể lực lượng tiến sĩ, phó giáo sư, rồi giáo sư, cũng như các trường đại học, trong khi đó các công bố quốc tế vẫn còn rất non yếu, nếu nhìn ra thế giới.
Không ít người đã từng mỉa mai rằng, đào tạo các nhà khoa học ở Việt Nam, có những nơi, dường như chỉ để đào tạo ra những người lại tiếp tục hành nghề hướng dẫn khoa học cho người khác, chứ không phải là những người làm  khoa học. Truyện kể về một ông học xong nghề may, nhưng chẳng biết hành nghề mà sống, nên lại mở lớp dạy nghề cắt may. Hay câu chuyện một ông thầy dạy đám học trò nghề giết rồng, nhưng rồng vốn không có, nên đám học trò kia, ra ngoài đời lại tiếp tục mở lớp dạy kẻ đi sau cái nghề giết rồng, hẳn đã ngụ ý tới nhiều điều.
Rồi thực tế do tiền lương của đội ngũ giảng viên và những người làm công việc nghiên cứu-sáng tạo còn rất thấp, trong khi sức chi tiêu của mỗi cá nhân, mỗi gia đình đều gia tăng, khiến họ đã phải dành nhiều sức lực cho việc mưu sinh. Điều này rõ ràng, đã làm suy giảm năng lực nghiên cứu và sáng tạo, vốn đòi hỏi phải chuyên tâm, đam mê và bền bỉ.
Tất cả những nguyên nhân đã đề cập ở trên, khiến cho “chất tinh hoa” đòi hỏi ở nguồn nhân lực chất lượng cao vì thế mà vừa bị “pha loãng”, vừa bị bào mòn. Chưa kể còn do một số hạn chế của cơ chế và chính sách đào tạo và sử dụng lực lượng chất lượng cao trong một thời gian dài, cùng với một số mặt hạn chế của văn hóa dân tộc, cũng đã góp phần làm hư hao đáng kể lực lượng này. Vì vậy, phải chăng “nguyên khí quốc gia” đã và đang bị tổn thất !?
Vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao, trong bối cảnh hiện tại, đã đòi hỏi người ta cần phải thức tỉnh, để sớm  nhận ra vai trò của giáo dục tinh hoa. Có lẽ phải thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, để tháo gỡ nhiều bất cập của giáo dục hiện nay. Bên cạnh giáo dục phổ cập và đại chúng, phải tập trung mọi nguồn lực để xây dựng hệ thống giáo dục tinh hoa. Rằng đó là một hệ thống xuyên suốt từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Rằng nó quyết không phải là hệ thống trường chuyên lớp chọn, như chúng ta đã và đang có. Nó cần phải có chương trình riêng, cùng với một đội ngũ giảng dạy, và hệ thống cơ sở vật chất, cũng như những không gian văn hóa tương thích. Hệ thống này cần phải là địa chỉ thu hút các nhà giáo dục, các nhà khoa học, các nhà đầu tư, cùng các nguồn lực khác, không chỉ ở trong nước, mà là toàn thế giới. Nó cần phải là những không gian học thuật mở, mà ở đó mọi cá nhân đều được phát triển tốt nhất.
Thân Nhân Trung (1419 – 1499) đã dạy “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Hay Quang Trung-Nguyễn Huệ (1753-1792) đã từng nói “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc“.  Qua đó có thể thấy vấn đề giáo dưỡng và sử dụng nhân tài quan trọng đến nhường nào. Cũng cần nhắc thêm rằng “chủ nghĩa bình quân”, hay “văn hóa cào bằng”, cùng với “chủ nghĩa thành phần”, cũng đã từng là những lực cản rất lớn cho chính sách phát hiện, giáo dục, sử dụng nhân tài của đất nước. Bởi vậy càng  cần phải có những chính sách đồng bộ, cũng như làm cho xã hội có cái nhìn đầy đủ, đúng đắn về giáo dục tinh hoa. Một mặt cần có một hệ thống quản trị xuất sắc trong hệ thống giáo dục này, mặt khác cũng cần phải lành mạnh hóa thị trường tuyển dụng. Và cũng quan trọng không kém, là làm cho xã hội thức tỉnh ra rằng, chúng ta nuôi dưỡng, đào tạo và sử dụng tinh hoa, không hẳn chỉ là vì họ, mà chính là vì quyền lợi của dân, của nước, cái điều sống còn trong thời đại cạnh tranh khốc liệt này.