Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

MÙA LỰA CHỌN

Tối  30-9-2014-Đã đăng: Mùa lựa chọn (.com) – Thơ Dương Quốc Việt(.net)   và  CHÙM THƠ CỦA THÀY GIÁO TOÁN; VNNĐ:  Mùa lựa chọn (Dương Quốc Việt)
 _____
Ta cho ngươi mùa thu
Mùa sắc màu vàng úa
Trời xanh cao vời vợi
Se lạnh mùa heo may.
 
Và như bao mùa thu
Mùa tình buồn dang dở
Mùa vui hồn trẻ thơ
Người nghèo lo trở gió.
 
Hồn thu trong mùa thu
U hoài trong vô hạn 
Tái tê mùa trút lá 
Tịnh không chiều thu vàng!
 
Như muôn thuở mùa thu
Mùa của mùa lựa chọn
Trăng sáng hồn thông tỏ
Kìa đường đi lối về!
 
Ta trao ngươi mùa thu
Hẹn mùa đông sẽ tới
Hãy bình tâm tỉnh táo
Dàn đồng ca ngất trời.
 
Ta trao ngươi mùa thu
Chỉ mùa này thôi nhé! 
Nấm mồ kia Đông tới
Thời vận ngươi đâu còn!
 
Như có một mùa thu
Biết bao mùa chờ đợi
Khuôn trăng ngà vời vợi
Hồn lửng lơ giữa trời.
 
Ôi! Thu vàng định mệnh
Chọn đường đi hỡi người
Mong mồ kia Xuân tới
Vòng kết vòng hoa tươi!

TỰ DO LỰA CHỌN-BÀI TOÁN TÍNH SỐ GÀ


Đêm 6-9-2014-DQV.  Đã  đăng trong Tia Sáng:  http://www.vusta.vn/vi/news/Trao-doi-Thao-luan/Tu-do-lua-chon-bai-toan-tinh-so-ga-55161.html    

Tự do lựa chọn – bài toán tính số gà – Liên hiệp các hội khoa học và …


Để giúp tính toán có hiệu quả đối với các phép toán số học, người ta đã  viết phép cộng nhiều số giống nhau qua phép nhân, sau đó  đưa ra các bảng nhân cho các cặp số không vượt quá 10, gọi là bản Cửu Chương-cần phải thuộc để làm dữ liệu. Nhờ đó loài người biết tính nhanh và chính xác, các phép toán số học trong đời sống, mà đỡ tổn công sức và hao tổn trí tuệ. Vấn đề chúng ta muốn bàn ở đây, là quy tắc viết phép cộng lặp các số giống nhau qua phép nhân, nên được thống nhất như thế nào? Nhớ rằng ở đây không có vai trò của sáng tạo-kiểu “phá cách”, mà là cần nắm vững “ luật” để tính toán. Và đương nhiên đã là luật, thì tính nhất quán và tính phổ biến càng rộng càng tốt. Rõ ràng một mình một kiểu, chắc chắn là  rất không ổn, nhất là trong thời hội nhâp! Cũng cần nhấn mạnh rằng,  các quy trình tính toán 4 phép toán số học, là do văn minh bên ngoài mang đến VN, mà không phải do VN tự có. Mặt khác nó dường như đã được tối ưu hóa, qua trải nghiệm hàng nghìn năm của nhân loại. Vậy ta có nên và có thể phá vỡ một quy tắc nào đó của quy trình tính toán này hay không?

Bây giờ xin trở về với câu chuyện hiện thời về “bài toán tính số gà” đang “ầm ĩ” ở ta. Để khách quan cứ tạm coi như ta là người được quyền sáng tạo, hay phá bỏ quy tắc, cái mà nhân loại đã có bề dày truyền thống và trải nghiệm, mà ta đã học được, xem liệu ta có thể làm được hay không ?

Thực tế (8+8+8+8) viết 4×8  hay 8×4  chỉ hoàn toàn là quy ước. Nhưng nếu chỉ là các quy ước nhất thời không ảnh hưởng đến ai, hay  bạn chỉ để trong đầu hoặc không viết ra để giao dịch với ai, cốt để dùng bảng Cửu chương (hay bảng nhân) để tính cho nhanh ra kết quả là 32, thì rõ ràng bạn có thể tùy thích lựa chọn, mà không ai có quyền phán xét bạn. Bạn có quyền tự do tuyệt đối trong trường hợp này!

Bây giờ giả sử nếu nó không phải là thứ quy ước nhất thời, mà là một quy ước bắt buộc phải nằm trong một nguyên tắc phổ quát nào đó, mà người ta yêu cầu  bạn phải lựa chọn nguyên tắc phổ quát này, rằng “số lần” đặt trước hay đặt sau trong phép nhân? Chỉ có thế thôi, bạn hãy chọn đi! Và lẽ đương nhiên bạn sẽ lựa chọn nó theo cái lý của bạn, hoặc có thể bạn không cần có cái lý nào.

Nhưng nếu người ta yêu cầu bạn lựa chọn và bạn nhất thiết phải giải thích đầy đủ lý do của sự lựa chọn đó, để sự lựa chọn của bạn sẽ được áp  dụng  cho toàn bộ các văn bản trong giao dịch ở một quốc gia, thì bạn sẽ làm thế nào? Rõ ràng trong trường hợp này, sự lựa chọn của bạn cùng với lý giải của bạn, sẽ bị (được) xã hội phán xét (đánh giá) và chắc chắn bạn sẽ phải vô cùng cẩn trọng. Khi đó rõ ràng sự lựa chọn mới của bạn cần phải nhìn thấy được rõ lợi ích hơn hẳn của nó. Chỉ trừ khi do lợi ích “băng nhóm” nên bạn biết phương án mới chẳng có ích lợi gì hơn, nhưng bạn vẫn chọn, vì cần có một sự “đổi mới”. Trong trường hợp này, có thể bạn biết sai mà vẫn làm, bạn  không còn ở trạng thái của một công dân bình thường nữa!

Bây giờ giả sử người ta yêu cầu bạn lựa chọn, như sự lựa chọn sự sống, chết của bạn. Nghĩa là nếu sự lựa chọn của bạn chỉ được dưới 50 phần trăm những người có hiểu biết thực sự về 4 phép tính số học thông thường trên toàn thế giới ủng hộ, thì bạn phải chết, và nếu kết quả ngược lại, thì bạn sẽ được nhận một phần thưởng lớn cùng với sự tôn vinh. Trong trường hợp như thế, chắc chắn bạn cũng không thể “lóa mắt trước bả vinh quang”, mà sẽ còn cẩn trọng hơn rất nhiều. Thậm chí có thể bạn sẽ  cầu khẩn xin không phải làm việc đó-mà ngồi im-im lặng-nhường quyền cho người khác, nếu bạn  là một người còn cảm thấy bất cập, còn chưa dám chắc là mình đã tường tận, nhưng vẫn còn ham sống!

Đến đây chắc bạn sẽ nhận ra, rằng nếu bạn chọn một quy tắc, ngược với quy tắc kinh điển- truyền  thống của nhân loại đã và đang thịnh hành, thì hoặc bạn sẽ bị dân tộc kết tội: bạn chống lại lợi ích tổ quốc, hoặc bạn sẽ phải chết-vì thế giới không ai bỏ phiếu tán đồng cho bạn. Nhưng may thay, đây chỉ là những giả định! Và bạn hãy tiếp tục lựa chọn đi, nếu một khi tổ quốc trao cho bạn quyền quyết định!

Trong trường hợp bạn được tự do hết thảy trong sự lựa chọn, mà không bị ràng buộc bởi một yêu cầu nào, thì chính sự tự do lựa chọn đó, cùng với những lập luận và ngôn từ mà bạn thể hiện, để biện minh cho hành động, sẽ phần nào để lộ nhân cách-văn hóa-độ trưởng thành… của bạn. Nhưng nếu bạn là người bất cần thì chắc bạn cũng không thèm để ý!

Vấn đề “tính gà”, vô tình đã để lại một “kho” dữ liệu lớn về con người, chắc sẽ là một tư liệu sống động, cho phép người ta (nhất là các nhà xã hội học) có thể đưa ra những kết luận gì đó về cộng đồng với đủ các gương mặt, nhất là những gương mặt trí thức xuất hiện, đại diện phần nào cho tầng lớp  trí thức người Việt mình.  Tôi tin là như vậy!  Chúc các bạn tiếp tục  hào hứng, tự do lựa chọn, đóng góp vào “kho” dữ liệu này. Đồng thời cũng là dịp để mỗi người tự kiểm chứng lại mình, thêm biết mình biết người, biết dân tộc mình. Đặc biệt hy vọng  rằng, chúng ta sẽ tự nhận ra được chúng ta đã đặt được chân lên đến đâu, trên cái thang bậc tiến hóa nghiệt ngã của loài người, trong cái thế giới phẳng này!

Xin mời tham khảo thêmCÓ NÊN CHĂNG MỘT MÌNH MỘT KIỂU

NHỮNG NGƯỜI BẠN VONG NIÊN


Tuổi trẻ tôi may mắn hay được các bậc đàn anh kết bạn. Trong số đó không ít người rất thông thái và được thừa hưởng nhiều tinh hoa quý giá từ gia đình của họ. Sau nhiều năm(2010) được gặp lại các anh, và đặc biệt là một anh gần gũi tôi nhiều nhất. Thế rồi câu chuyện về cái được và cái mất trong đời đã diễn ra trong bùi ngùi xúc động-trong sự nghiêm trang và sâu lắng. Cuộc gặp gỡ đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng về các anh, về quãng đời mà các anh đã trải qua. Xin phép các anh, hôm nay tôi xin post một vài cảm nhận của tôi về các anh-trong nhiều năm xa cách-ngay sau  lần gặp đó.    

Đêm 14-10-2010-DQV

Cái cốt cách văn hoá bền vững trong các anh, dường như đã ổn định và bất biến không phụ thuộc vào thời gian và thời cuộc. Nhưng thời cuộc bao phủ suốt cuộc đời các anh, đã tạo nên những thứ văn hoá đặc trưng và văn hoá thích nghi…, mà những lớp người như các anh, dường như không chịu đựng nổi. Nhiều người đã suy sụp, không gượng dậy được. Thế nhưng các anh vẫn sống khỏe mạnh, mà quan trọng hơn tất cả là, đã sống đàng hoàng, sống nhất quán, sống dũng cảm đó thôi. Lẽ nào các anh không cho rằng đó là một cái được sao?!

Có lẽ cũng nên cần đặt vấn đề trong sự tương phản ở cùng một thời cuộc, để bàn về cái được-cái mất, có phải không các anh!? Dưới góc độ của tôi nhìn nhận, thì hình như giai đoạn các anh đã sống, người ta đã hiểu và đánh giá sai rất nhiều giá trị, cái được, cái mất. Vui nhầm, khóc nhầm, cảm xúc nhầm, ngưỡng mộ nhầm… là không ít, còn thương vay, khóc mướn, hay hùa theo bày đàn là phổ biến.  Còn miệt thị cho loài người hơn thế, là không ít người đã ngộ nhận, mông muội-học đòi, cơ hội, hoặc bị đầu độc bởi những khái niệm đã bị đánh tráo, khiến họ đã đeo đuổi những mục đích-ngày càng xa rời với nhân loại văn minh, phá hủy xã hội và chính cả những gì xung quanh họ. Họ đã phải sống trong sự lừa lọc-toan tính-cướp đoạt-luồn lách để mưu cầu danh lợi, để lại những bộ mặt bất nhân của những kẻ chất chứa những âm mưu. Cuộc kiếm tìm danh lợi của họ đi liền với tội lỗi của họ-thật báo hại cho đời! Họ như những gã đua xe điên loạn trên đường phố, thậm chí dọc đường đua còn đâm húc vào những khách bộ hành, chỉ đến khi … thì họ mới chịu  dừng lại. Những con người như thế, họ đã được gì sao !? Mà cho dù có gọi là được, thì cũng chỉ là cái được của những kẻ “bán hồn nuôi miệng-bán phúc vinh thân“, điều tối kỵ trong đạo làm người-mà nhân loại văn minh từ cổ chí kim đều cố tránh, thật tội nghiệp cho họ biết bao!

Cốt cách cao đạo của kiểu người như các anh-một câu cửa miệng thân quen-trân trọng-mà ngày xưa tôi hay dùng  để nói về các anh, có làm các anh gặp bi kịch hay không, khi các anh đi tìm một điểm tựa nào đó, một sự hòa đồng trong lớp người kia. Các anh có đủ kiêu hãnh hoặc đủ tự tin, đủ tỉnh táo-trước những dòng xoáy thời cuộc,  để nhận ra  không, rằng  những người như các anh nên “đứng xa”, và  quyết không cần phải nếm thử mùi vị của thứ văn hoá đó. Đằng này biết đâu các anh lại gắng gượng “tắm  mình” trong văn hoá của họ, để rồi gây ra kịch chiến giữa hai luồng văn hoá, và có thể các anh đã bị tổn thương. Chưa kể có thể các anh còn bị văng “chổi cùn” còn bị chụp “rế rách” bởi ngón đòn rất phổ biến của bọn “đạo chích”, bọn “cào mặt vu vạ”, bọn cơ hội, lươn lẹo, bọn tìm mọi cách-kể cả những cách hèn hạ và bỉ ổi nhất nhằm hạ gục người khác. Mà tựu chung lại là, chúng luôn thủ sẵn những vũ khí như thế, cùng nhiều thứ vũ khí mọi rợ khác-mà những người như các anh không bao giờ nghĩ tới, làm bùa hộ mệnh nhằm để chống lại và triệt tiêu sự tiến bộ và văn minh, bởi tiến bộ và văn minh không phải là không gian nơi sinh tồn của họ. Chẳng thế mà có người đã phải tạc lại hình ảnh: “Chổi cùn cắp nách khăng khăng-thằng nào đụng đến ông văng chổi cùn” để lưu truyền cho hậu thế về những kẻ phá phách một thời. Rồi người ta còn tái đạo diễn triền miên cho cả cái trò “Khỉ vặt lông khỉ ”  mà các anh bắt buộc phải tham gia cuộc chơi… Một kiểu hủy diệt sự tiến hóa trong xã hội loài người! Và có phải như thế này chăng:

Ôi còn đâu những ý tưởng  diệu kỳ
Ngươi chết yểu khi lạc vào xứ sở
Bất mãn, công thần, ghen ăn tức ở…
Những hồn ma thiêu đốt những thăng hoa.

Vâng! Đó là những bi kịch mà không ít người đã mắc phải, mà thực chất đó còn là một trong những bi kịch của đất nước này, trong quá trình phát triển và đổi mới! Nhưng hy vọng đối với các anh, thì đây chỉ còn là những câu chuyện bi hài-làm tăng thêm sự trải nghiệm và hương vị cuộc đời, như sự kiểm chứng bản lĩnh của các anh, hoặc giả chỉ là một giả thuyết-một sự tưởng tượng của tôi-trong tình thương nỗi nhớ-những năm tháng xa các anh.

Tương phản với các anh, dù có thể cặn bã của thời cuộc-đất phát của nhiều loại “cỏ dại”, của những loại người “danh trí thức-cốt lưu manh-háo danh-ác độc”, thường là những kẻ thuộc những gia đình thiếu “căn cốt cơ bản”. Nhưng các anh thì hoàn toàn khác, bất luận về thời cuộc đã qua tác động đến các anh thế nào, thì những khuôn mặt thánh thiện bằng xương bằng thịt với những cử chỉ cao quý-chân thành của các anh đã hiển hiện  trước mắt tôi sáng nay, như ẩn sau những gương mặt ấy chỉ  có thể là những phần hồn tinh túy-vị tha, khiến tôi thêm tin yêu vào những giá trị đích thực của  cuộc  sống đã được nhân loại đúc kết-những điều mà tôi và các anh đã từng đàm đạo để hiểu cho ra nhẽ  ngày ấy-cách đây đã nhiều năm.

Các anh vẫn được là các anh trong suốt cuộc đời, vẫn còn nguyên những cảm xúc và tâm hồn trong sáng, vẫn luôn có thời gian để suy ngẫm, để du ngoạn bất tận với những nền văn hoá tinh hoa của nhân loại, vẫn thanh thản-hồn hậu-thông thái và vị tha, vẫn rất tỉnh táo với bản thân và thời cuộc… Hơn thế nữa các anh đã luôn ở tầng trên của “kiếp mưu sinh” và là những chủ nhân của những đại gia đình văn minh-hạnh phúc-ích nước lợi nhà. Các anh đã luôn giữ được mình, đã tiếp nối được truyền thống quý báu mà cha ông đã tạo dựng-vun đắp cho cái phúc, cái công đức của các gia đình ấy ngày càng được dày thêm, và rằng đó chính là những tế bào đã đang và sẽ sản sinh và giáo dưỡng ra những hiền tài cho đất nước! Mặc dù có thể chưa khi nào các anh phải hoạch tính cho bản thân, nhưng theo tôi các anh  đã được nhiều lắm đấy, những cái được làm ích nước lợi nhà!

Mặt khác tôi còn nhớ, tôi và các anh, chúng ta đã từng tranh luận rất nhiều về nguồn gốc tạo nên số phận của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi dòng họ hay mỗi dân tộc là gì ?  Rằng có vẻ dường như mỗi cá nhân, mỗi gia đình và mỗi dân tộc, đều bị chi phối bởi vô vàn những yếu tố cấu thành, mà người ta không sao hiểu hết được. Bởi vậy rất có thể là, cái được chộp giật-nhất thời hay có nguồn gốc bất chính, hay không rõ ràng của ngày hôm nay, thế hệ này, đời này, dân tộc này, sẽ chỉ là tiền đề của những mất mát đổ vỡ còn lớn hơn trong tương lai gần kề hoặc tương lai lâu dài tiếp sau họ, và ngược lại. Phải chăng những gia đình, những dân tộc giàu trải nghiệm và biết “tu thân tích đức”, nghiêm túc học hỏi lâu dài và liên tục từ lịch sử, từ những tấm gương đời, với một cái tâm trong sáng-cầu thị và hướng thiện…, sẽ được thụ hưởng nhiều giá trị, cái mà tạo nên đẳng cấp của họ. Và chính đẳng cấp của sự tiến hóa này, đã làm cho họ có bản sắc văn hóa riêng, gien, đặc biệt là cái tài sản “hồng phúc”, những điều làm nên số phận của riêng họ. Những điều “bất thành văn” này, khiến những người ngoài cuộc không thể “diệt” được và không thể “đi tắt đón đầu” để nắm bắt được, và cũng không thể có được qua “học chay” từ tư liệu-sách vở, hay sự bắt chước, và càng không thể là sự tước đoạt! Rằng đó là tất cả những gì tạo nên sức sống “tiềm tàng” của họ, những điều dường như khó nhìn thấy và khó nắm bắt nhất, những khoảng cách khó vượt nhất. Nó không phải là một thứ tri thức đơn thuần, để có thể cố học thuộc và mang ra áp dụng! Những điều mà những kẻ nôn nóng-nông nổi-tham lam, những kẻ ngộ nhận về sự khôn ngoan-sức mạnh và trí thông minh, luôn rất muốn bứt phá, muốn “ăn sống nuốt tươi”… và như rất muốn chen ngang-phủ nhận sự tuần tự, như không muốn chấp nhận quy luật “tạo hóa” nghiêm ngặt này. Chúng dường như là kẻ  “chống trả”, và vì thế chúng càng bị tổn thất nặng nề hơn. Rằng dường như nó là hệ quả của một quá trình tự “tu” và lập “công đức” lâu dài, biết nhận ra chính mình và biết tự xỉ vả vào những khuyết tật của mình, biết tự sòng phẳng, biết học hỏi nghiêm túc từ những bài học trung thực và nguyên mẫu của nhân loại, với sự bền bỉ-liên tục và thành tâm, kiên nhẫn và siêng năng, biết mình và biết người, cởi mở và phục thiện… để tuần tự vượt qua những thang bậc tiến hóa nghiệt ngã của loài người.

Đành bằng lòng thế vậy thôi, bởi thời thế tạo anh hùng! Tôi biết những người như các anh, nếu có điều kiện phát triển tốt, thì có thể các anh sẽ có đóng góp nhiều hơn nữa, thậm chí còn có những đóng góp to lớn cho đất nước. Hơn nữa, phải chăng bản thân mỗi chúng ta, cũng như mỗi gia đình, vẫn còn nhiều dang dở-bất cập trong nghiệp “tu thân” theo đạo làm người, nên những gì thu được tuy còn khiêm tốn như thế, thiết tưởng cũng đã là nhiều, đã là may mắn rồi!  Nhưng biết làm sao được, vì tất cả chúng ta đều bị chi phối bởi vận nước, bởi số phận riêng của dân tộc mình, mà suy cho cùng là văn hóa và tính cách của dân tộc mình!  Nhưng điều quan trọng là các anh đã được sống và làm việc hết mình, luôn làm những việc ích nước lợi nhà, không hưởng danh lợi vượt quá công sức bỏ ra, nên các anh không cần phải nuối tiếc, mặt khác cuộc đời của mỗi con người lại ngắn ngủi vô cùng. Và hãy còn đây vẫn vang vọng một bài thơ nổi tiếng trong “Cổ học tinh hoa” mà tất cả chúng ta đã thuộc, bây giờ chúng ta lại có dịp trở lại.

ĐỜI  NGƯỜI

Sống bảy mươi năm đã mấy người!
Trước thì tuổi trẻ, sau già lão.
Thì giờ quãng giữa được bao lâu?
Lại còn viêm lương cùng phiền não.
Hoa quá mùa xuân, hoa kém tươi,
Trăng quá mùa thu, trăng kém sáng.
Hoa tươi trăng sáng, ta ngâm nga.
Rượu năm, ba chén say chuếnh choáng.
Tiền của càng nhiều, càng oán to.
Quan chức càng cao, càng nhọc xác.
Quan to tiền nhiều, lòng những lo,
Chỉ tổ làm cho đầu chóng bạc.
Xuân đi, hạ lại, thu sang đông,
Chóng như thoi đưa, như nước chảy.
Vừa tiễn buổi chiều, chuông chùa kêu,
Đã báo rạng đông, gà sáng gáy.
Ta thử tính xem người nhãn tiền,
Một năm đã thấy khuất vô số.
Lô nhô nắm đất cánh đồng hoang,
Quá nửa không ai người tảo mộ.

Đường Bá Hổ (Thời  nhà Tống: 960-1279)

Các anh thấy sao khi nhớ về bài thơ này? Riêng tôi thì cảm nhận rằng: bài thơ dường như là một “điếu văn” chung cho mọi cuộc đời!? Nó như thức tỉnh mọi con người, trong kiếp nhân gian-tranh dành quyết liệt để mưu cầu danh lợi, luôn cần phải biết tỉnh táo-bình tâm trở lại…  Bình tâm để nhận ra sự mong manh, ngắn ngủi… mà biết yêu quý cuộc đời, để bớt đi những năm tháng-giây phút lo toan-lặn ngụp khốn khổ, làm khổ mình và khổ người-bởi những tham vọng bất kham, để  tạo lập cho mình một cuộc sống thăng bằng!

Tặng tác giả: ”NƯỚC MẮT TRONG NGÀY ĐẠI LỄ”

Một nữ văn nhân không hề quen biết với tôi, đã viết một bài trong blog của mình cách đây bốn năm rất xúc động, nhân  dịp Hà Nội kỷ niệm 1000 năm văn hiến. Vì thế  tôi đã viết cảm xúc của mình ngay sau khi đọc bài viết đó, và cũng như để chia sẻ-đồng cảm với  tác giả bài viết: ”Nước mắt trong ngày đại lễ.      

Đọc bài viết của bà, nhất là trong cái bối cảnh:

Mũ áo cân đai tràn xứ sở
Quốc hồn, ôi! sao vẫn u hoài
Vang danh kẻ sĩ, thân rơm cỏ
Nước non này trông cậy vào ai?
Hỡi ôi hào khí hồn sông núi
Đang tụ nơi nao chẳng thấy về

Cũng như nó đã được mô tả khá bản chất trong: trí thức thời nay, khiến tôi không thể không ngạc nhiên và không thể không cảm động về phẩm chất trí thức-óc phản biện mạnh mẽ và tâm huyết trong bà. Qua bài viết, bà đã cho tôi thấy đất nước này, vẫn còn có những trái tim và những khối óc đáng yêu, đáng kính như bà! Mặc dù có thể bà đã quá lo xa như tâm tính thường tình của kẻ sĩ-điều cũng dễ thông cảm, vả lại bởi bà còn là một con dân của một dân tộc đã chịu bao cảnh tang tóc đau thương. Môt cảm xúc dâng trào trong tôi, và tôi yêu bà, vì nhân cách và trí tuệ sắc xảo của bà thể hiện qua bài viết. Tôi thương bà, vì trái tim bao la và hồn hậu đầy nhậy cảm của bà, có thể sẽ khiến  bà luôn dằn vặt  khổ đau trước nhân tình thế thái. Tôi nể bà, vì sự gai góc của bà. Tôi hình dung  bà đẹp kiêu sa, cái kiêu sa của vẻ đẹp trí tuệ, mẫn cảm. Tôi trọng cái kiêu đáng kính thể hiện trong văn phong của bà, và hy vọng sẽ làm cho lũ tiểu nhân-bọn kẻ sĩ mang thân rơm cỏ và bọn chỉ quen vơ vét danh lợi, lũ chỉ mong “đục nước béo cò”…, càng thêm muôn phần nhỏ bé trước con mắt của cộng đồng.

Tôi hiểu bà đang xót xa cho đất nước như thế nào, xót xa tới  mức để rồi nhìn biển màu đỏ bao la, thấy như “biển máu”?!  “Biển máu” trong và ngoài biên ải, như dự cảm cảnh nước mất nhà tan  luôn có thể ập đến.  Bà xót thương và thông cảm sâu xa với nỗi lòng con dân đất Việt, dự cảm một nỗi uất hận trong họ, khiến “lệ khô, tiết máu đào”. Phải chăng bà còn ứa lệ-phẫn uất cho một dân tộc, bằng ấy bài học và trải nghiệm đau thương-xơ xác trải suốt chiều dài lịch sử, mà hình như vẫn còn chưa đủ để ngấm đòn, để thức tỉnh-để nhận ra mình-để bớt đi thói xấu và biết cùng nỗ lực như thế nào để tồn tại trong thế giới này sao ?!  Dù có thể sự tưởng tượng và dự cảm của bà đã vượt hơi xa với hiện thực, thực tế có thể không đến nỗi như thế, nhưng ở một đất nước đã từng trải qua biết bao tai  họa thù trong giặc ngoài, có biết bao  bài học như “Mỵ Châu-Trọng Thủy” thì  dẫu có quá một chút  chắc cũng chẳng thừa?!

Bà đã khóc-khóc thực sự, khóc vang những tiếng khóc bi ai-cho những đau thương mất mát trong suốt chiều dài lịch sử của xứ sở này, bằng cả trái tim nhân văn cao cả. Phải chăng bà đã khóc để xót thương cho quốc hồn-quốc tuý, để thức tỉnh  muôn dân hãy hết mình vì đất nước, hay đề  muôn dòng  lệ cuốn đi cảnh lố bịch ngập tràn. Hay bà khóc để người người oà khóc, khỏi phải buồn trộm khóc thầm, hay khóc: vì ngàn năm văn hiến Thăng Long-mà sao không đủ văn minh làm kẻ thù kia khiếp nhược-từ bỏ dã tâm xâm lược, hay còn  khóc cho niềm tự hào ngớ ngẩn “Người Hà Nội”, cho một thủ đô liên miên chịu đòn thù không dứt ?? Hay có phải bà đã khóc cho bốn ngàn năm đất Việt, hết chiến tranh, lại mơ mộng, cậy công, quá đỗi tự hào (xem  Có nên quá đỗi tự hào?)-với tất cả những ưu điểm của con người: về trí thông minh, về lòng nhân đạo, về tính cần cù-sáng tạo-đoàn kết, rồi giỏi cả chịu khổ cực, chịu đựng để “đất hóa thành thơ”, mà sao vẫn chưa thấy hóa rồng?!  Hay khóc vì xót đau cho con dân đất Việt, dại chợ khôn nhà, háo danh-thiển cận, kèn cựa hại nhau-hủy hoại nhân tài, kéo nhau xuống kiếp tôi đòi.

Nhưng tôi vẫn hiểu một cách lạc quan rằng, bà khóc không phải vì tuyệt vọng, mà khóc vì sự thức tỉnh, khóc vì xót xa tiếc nuối cho những điều có thể làm tốt đẹp hơn lên, khóc vì niềm tin vào dân tộc này-hoàn toàn có thể khắc phục những nhược điểm không đáng có để vươn lên, mà sao vẫn còn phải gánh chịu nhiều cơ cực !?

Đâu văn minh Sông Hồng? Đâu hào khí Đông A? Đâu chí khí Miền Trung? “Sông Hồng chảy về đâu và lịch sử?” (thơ  cụ Chế). Và  thấu chăng:

Đây xứ sở dệt thêu bao huyền thoại
Ngút khói hương bao chốn vô thường
Nơi hoang vu hằng mơ miền cực lạc
Phủ ánh lung linh lên những kiếp điêu tàn
Sông Hồng sục sôi cùng Sông La Sông Mã
Hào khi Đông A hay chí khí Miền Trung
Đất Thăng Long ôm mộng đổi đời
Hằng chiếm đoạt công danh bằng mọi giá!

Tôi còn muốn viết dài và rất dài, về văn hoá, về con người, về cả nhân cách đương thời, những thứ mà bà đã đề cập, nhưng biết bao nhiêu cho đủ !?  Liệu có hoang tưởng không, khi ao ước về một ngày nào đó-không hẳn phải đối mặt với họa xâm lăng, ngày của thời bình, nhưng dân tộc này ngộ ra được chính mình, để cả dân tộc hòa cùng một nhịp bước trong xây dựng đất nước, biết tự lựa chọn cho mình một quỹ đạo riêng, phù hợp với quy luật sinh tồn trong thế giới nghiệt ngã này.  Và mọi dòng sông sẽ hòa cùng biển lớn.

Cảm ơn tấm chân tình của bà với đất nước !

KỶ VẬT

Chiều 31-7-2014 – DQV. Đã đăng trong Vandanviet.net: Kỷ vật (.com) – Dương Quốc Việt (Hà Nội)(.net)    

Cuốn sách “Cổ Học Tinh Hoa” tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần thời học phổ thông (trước năm 1972).  Thời đó loại sách này dường như “bị cấm”.  Học sinh khi ấy rất xa lạ với những loại sách này, thậm chí không từng được nghe thấy bao giờ.  Cuốn sách được xuất bản thời Pháp chứ không phải thời ta, mà tôi đã đọc nó  như  người đọc “trộm” từ tủ sách của gia đình tôi.   Sau này tôi muốn tìm lại để các con tôi  và  những người thân  yêu quý của tôi đọc, thì không sao tìm lại  được nữa ?!  Chẳng biết cuốn sách còn giá trị về tư tưởng và giáo dục cho con người thời nay nữa không, nhưng hôm nay xem như tôi đã  tìm lại được một “kỷ vật” của riêng mình. Vì thế  tôi post trong “căn phòng” này của tôi, như  một   chia sẻ  về  một “bí mật” thời  thơ  trẻ, mặc dù nội dung sách còn bị thiếu rất nhiều.  Ngày ấy tôi đọc là một quyển sách dày, bìa được ai đó tráng lòng trắng trứng  gà để khỏi bị  nấm mốc-một cách bảo quản sách của người xưa. Sách gồm 3 phần, nó là một trong những cuốn sách nằm trong bộ sách “Học làm người” của nhà xuất bản Phạm Văn Tươi-Sài  Gòn trước 1954.

Những câu chuyện ngắn ngủi trong cuốn sách này,  đã giúp tôi lý giải được nhiều điều trong cuộc sống mà tôi đã từng trải qua, từ lúc ra khỏi nhà-xa ngôi nhà ông cha,  vào đại học, rồi bị phân công lên Tây bắc dạy học 6 năm (thời đó sinh viên được nhà nước nuôi hoàn toàn và khi tốt nghiệp thì phải chịu sự phân công công tác của bộ-mà bắt đầu là sựbí mật đề xuất của khoa và trường-thời đó ở đâu cũng rất thiếu giáo viên-nhưng sinh viên tốt nghiệp không được quyền tự do xin việc-trừtrường hợp ngấm ngầm chạy chọt, hay những thành phần có lý lịch  được hưởng ưu tiên)  đến cả những chuỗi năm tháng sau này.   Sáu năm dạy học ở trường cao đẳng sư phạm Tây bắc (1976-1982-nay là trường đại học Tây bắc (xem Cảm xúc ngày Hội trường)), khoảng thời gian  đầu đời công  tác- trải nghiệm của một thời trai trẻ, đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không phai.

Tôi lên Tây bắc, trong một cái cảm giác “mất tất cả”(ngày ấy lên đến trường cao đẳng sư phạm Tây Bắc  ở Thuận Châu-Sơn La, một trường trực thuộc bộ Giáo Dục, phải mất 3 ngày-tính từ Hà Nội, đường rất khó đi và ngay cả mua được vé để  lên cũng có khi phải chờ đợi  cả tuần). Tôi xa lạ, hay nói đúng hơn là tự tôi làm mình xa lạ với xứ sở này. Tâm hồn tôi chứa chất những ưu tư, bi kịch trong tôi:  nhu cầu hướng về  những trung tâm học thuật lớn, nhưng thực tại thì tôi đang ở vào một hoàn cảnh mà tôi tự cho là lạc hậu nhất, bi đát nhất. Khép kín lòng mình, tôi không tự tìm ra những gì đáng yêu ở đó. Tôi dường như vô cảm với tất cả.

Tôi  không bao giờ mất niềm tin về những giá trị vĩnh hằng của con người. Nhưng những gì tôi đã từng nhìn  từ lăng kính màu hồng-cũng như sự đánh bóng của xã hội về đẳng cấp-sự cao cả-nhân cách của các trường đại học và của những giảng viên-những giáo sư-những nhà khoa học thời  đó, của một thời  con trẻ  chỉ biết đam mê học tập-mà tin rằng người ta sẽ luôn hiểu-đánh giá đúng-trong sáng-khoa học-công tâm  và tạo điều kiện cho các cá nhân  phát triển,  đã  không còn nữa. Hình ảnh đó đã hoàn toàn sụp đổ trong tôi-một thanh niên vừa bước sang tuổi 22.

Mặc dù không muốn thế, nhưng trong tiềm thức sâu thẳm của tôi dường như có những mạch sóng ngầm-những tiếng vọng nào đó của tiền nhân mách bảo tôi rằng:  đó là một sự sụp đổ cần thiết-chính đáng và đúng lúc-như để chia tay-để cáo chung cho một điều gì đó-mà ở thời điểm đó tôi còn  chưa thấy được rõ ràng-nhưng đã linh cảm rất rõ sự bất ổn. Và cũng chính từ trong đống đổ nát của niềm tin-sự thất vọng tột cùng đó, tôi đã nhận ra những người thầy cao cả, những mái trường thân yêu, mà tôi đã trải qua trong những năm tháng học phổ thông-mà thời thơ trẻ tôi không thể thấy hết-tôi thầm ngàn lần biết ơn họ. Trong nỗi buồn mênh mang của tuổi trẻ còn nông nổi khi đó, tôi còn cảm thấy xót xa-tiếc nuối-xấu hổ và mắc nợ với những gì mà họ đã từng kỳ vọng ở cậu học trò nhỏ ngày  ấy!

Chính trong  hoàn cảnh đó,  những câu chuyện trong sách bấy lâu nằm sâu trong ký ức, đã lần lượt được tái hiện, chúng như nhắc nhở tôi bình tâm trở lại, nó như giúp tôi nhìn sự việc và con người bản chất hơn, nó cũng cho tôi hiểu ra nhiều lẽ  đời, mà bấy lâu  chỉ mải miết học hành, nên  tôi chưa bao giờ suy ngẫm về nó. Một giai đoạn với nhiều nhận thức mới về con người, về cuộc đời đã xuất  hiện  trong tôi.

Rồi trong cảnh hoang sơ-đói nghèo- xứ sở, nơi giao thoa văn hóa của nhiều vùng miền,  nơi mảnh đất cũng không kém phần  “lắm thầy nhiều ma” khi ấy,  thì  những câu chuyện trong sách đã cho tôi một chút vốn liếng ban đầu giúp tôi thoát khỏi “vòng xoáy man rợ”-rất dễ bị suy sụp, khi bản thân bị trải qua  một  thời như thế.

Không chỉ có vậy, những câu chuyện trong sách còn góp phần giúp tôi hóa giải được nhiều điều về cuộc sống và con người… nhất là ở vào những hoàn cảnh, những thời khắc:

Những lúc quặn đau những thói đời 
Những khi dâu bể lệ tuôn rơi
Những thời bão táp hồn xứ sở… 
Một tiếng tịnh không tấm chân tình.

Mọi thứ rồi sẽ qua đi, sẽ bị bụi thời gian che phủ! Ở tuổi này đối với tôi dường như không còn cảm thấy điều gì quá quan trọng-nhất là về công danh, khiến cho bản thân ham hố nữa. Đồng cảm với nhiều người, sự trải nghiệm khiến tôi nhận ra “Cổ học tinh hoa”-như một “túi khôn” của nhân loại, nhưng không chứa chấp trong nó những trí khôn vặt vãnh. Vì dù khôn hay dại cũng không thể  “ăn người”, vả lại đôi khi chỉ  trở thành sự bi hài-như bao bài học mà dân gian đã để lại. Hơn nữa chính “Cổ học tinh hoa” không những chỉ cho người ta thấy: sự khôn dại cũng chỉ là sự nhìn nhận hạn hẹp trong tầm mắt và văn hóa của mỗi cá nhân-trong một thế giới với bao biến động khôn lường, mà còn cho người ta biết phòng tránh và nhận diện những cái khôn ranh vặt vãnh-ăn người, hại đời… của những kẻ xấu.

“Cổ  học tinh hoa”, cũng như trong muôn vàn những bông hoa, tỏa hương sắc cho đời. Nhưng thụ hưởng phần hương sắc ấy, chắc chắn sẽ không giống nhau, mỗi loài mỗi kiểu. Người ta cũng có thể chế tác những hương sắc ấy thành những liều thuốc bổ, nhưng cũng có thể chế tác nó thành những độc tố gây hại cho đời. Mọi nguyên lý đã được các bậc thánh nhân đúc kết, xem ra học được cái hay-cái tinh túy của nó thật không dễ! Nó dường như còn phụ thuộc vào mức độ tiến hóa và giáo dục của mỗi con người, mỗi dân tộc và mỗi thời đại. Bởi nó không phải là một thứ tri thức đơn thuần, để có thể lĩnh hội bằng cách đọc thuộc, hay bằng trí thông minh. Phải chăng vì thế mà có người  bảo: “Cổ  học  tinh  hoa” là một cuốn giáo khoa bất tử,  luôn tỏa  ra những vầng hào quang vời vợi lung linh!

Còn phần thưởng của riêng tôi-trải qua nhiều năm ứng nghiệm, chính là cái điều mà tôi đã ngộ ra, rằng: Quả thật dù trong bất kể hoàn cảnh nào, thành công hay thất bại, vui say hay cay đắng, tự tin hay rệu rã, vinh quang hay nhục nhã, may mắn hay bất hạnh … đều tìm thấy trong sách những thông điệp nhắn gửi của các bậc tiền nhân, một tiếng vọng ngàn năm được chiết ra từ những trải nghiệm tinh túy của loài người-góp phần giúp ta thăng bằng trở lại. Vâng! Chính sự thăng bằng-sự tỉnh táo đã từng cứu giúp nhân loại thoát ra khỏi những cuộc chiến tranh đẫm máu, kéo con người ra khỏi vòng thù hận, tội lỗi, tham lam… “Cổ học tinh hoa” thật sự là một món quà vô giá mà tiền nhân đã để lại cho hậu thế!

 ______________________________________