Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

THẤY NGƯỜI MÀ NGHĨ ĐẾN TA

 Dương Quốc Việt

Những năm gần đây tôi hay chia sẻ với những đồng nghiệp và sinh viên rằng-đừng có vận động ai theo hay thích toán học cả. Đặc biệt cũng chẳng cần phải “ca tụng” toán học để thuyết phục ai làm gì. 

Dẫu rằng bạn có được đào tạo, hành nghề giảng dạy, hay nghiên cứu về toán, sống bằng toán thật đấy, thì cũng đừng bao giờ tự coi mình là “dân toán”, như thể chỉ có mình mới là người của “làng toán”, mà sinh ra “tự ái” hay “tự phụ” cũng như có thể “tự ti” nghề nghiệp, hay nhìn người khác, như kẻ xa lạ với toán. 

Dĩ nhiên toán học không cần ai, mượn ai, thuê ai, làm cái việc đó. Bởi toán học là của tất cả mọi người, nó gắn bó mật thiết với con người. Nó hiện diện trong mọi vấn đề của cuộc sống. Con người luôn sử dụng đến nó, dẫu là vô thức, hay có ý thức. Rằng tinh thần toán học cũng là một phần tinh thần của nhân loại. 

Tại sao tôi lại chia sẻ cái điều-có phần “bỗ bã” như thế?

Số là vì, vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, sau Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, và hiệu ứng của nó, dẫn đến những cuộc đàm luận trái chiều về học thuyết Marx-Lenin. 

Tất nhiên đó là câu chuyện rất đỗi bình thường! 

Nhưng cái bất bình thường, là ở chỗ-không ít vị chẳng biết học được thuyết Marx-Lenin bao nhiêu, nhưng lại tỏ ra mình là người phải có trách nhiệm bảo vệ học thuyết này. Đặc biệt họ còn nhìn người khác như những kẻ phản động. 

Bởi thế, mới có đoạn thuyết, mà sau đây tôi xin nhắc lại.

“Thưa các ngài, học thuyết Marx-Lenin có như thế nào, thì điều đó là thuộc về nhân loại. Cụ thể hơn nữa, là thuộc về những nhà triết học, các chính trị gia, những bộ óc đại diện xứng đáng cho nhân loại tiến bộ. 

Còn chúng ta, chỉ là những người học theo, nếu không muốn nói là những kẻ “ăn theo nói leo”-một cách cảm tính, thì cũng chỉ nên dựa vào thực tiễn nước mình, mà nhìn nhận và tỏ thái độ-tin tưởng hoặc nghi ngờ, thậm chí yêu hay ghét mà thôi.


Tức là, những người như chúng ta, không đủ khả năng để bảo vệ cũng như bác bỏ nó”.

Đó là câu chuyện có thật, mà tôi chứng kiến, và đã để lại những ám ảnh trong tôi. 

Điều này đã khiến tôi liên tưởng đến những lĩnh vực khác, trong đó có toán học. Vì thế mà có câu chuyện như đùa, đang được chia sẻ này.

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

KẺ BIẾT ĐÁNH CƯỢC VỚI CUỘC ĐỜI ?

Dương Quốc Việt 

Tôi không còn nhớ rõ, mình đã được đọc “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư (1911-1991) từ khi nào? Một bài thơ chỉ có chín câu, nhưng nó đã đi vào huyền thoại của thi ca Việt Nam: 

Em không nghe mùa thu 
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

Tôi cảm như “Tiếng thu” của đất trời, không ai có thể “nghe” thấy, ngoài “Con nai vàng ngơ ngác” kia. Và phải chăng chú “nai vàng ngơ ngác”-thánh thiện ấy, cũng chỉ có thể đột nhiên xuất hiện, trong cái tâm hồn của những người như Lưu Trọng Lư, thuở nào.

Cũng kể từ đó, trong ký ức của tôi, hình ảnh tác giả của “Tiếng thu” luôn gắn với hình ảnh “nai vàng ngơ ngác”, trước cuộc đời. 

Thế rồi, bỗng một ngày, do được đọc một Stt của Đạo diễn Điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn, tôi được biết đến một tuyên ngôn của Lưu Trọng Lư: “Ta thà bị lừa còn hơn không tin vào con người“. Và cùng với việc liên tưởng đến một danh ngôn của đại thi hào Johann Wolfgang (von) Goethe (1749-1832): “Bị bạn bè lừa gạt vẫn tốt hơn đi lừa gạt bạn bè“, tôi mới ngộ ra, nhà thơ của chúng ta, thật tỉnh táo biết nhường nào. 

Quả thật cả hai con người này, đều là những kẻ rất biết “đánh cược” với cuộc đời. 

Bởi hơn tất cả, trong cuộc đời ngổn ngang những mờ ảo-khó phân biệt thực hư này, thì mỗi một con người cá nhân, không thể không tự xây dựng cho mình một đức tin. Đặc biệt những nghệ sĩ, hay những người làm công việc sáng tạo. Vì chính đức tin sẽ tạo nên, cũng như định hướng cảm xúc sáng tạo trong họ.

Đến đây, chắc bạn cũng như tôi, không thể không nghĩ rằng, các tác giả của những tác phẩm văn chương nghệ thuật bất hủ, ắt hẳn đều phải là những con người dũng cảm, để yêu lấy cuộc sống và biết “đánh cược” với cuộc đời này, như Goethe và Lưu Trọng Lư đã sống.

Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

CÂU HỎI VỀ MỘT LỜI TIỄN ĐƯA?

Dương Quốc Việt

Và chiều nay 
trước phút vội đi xa
Người còn nghe
thánh thót
Krup-skai-a
Đọc trang sách
Tình yêu cuộc sống”.

Đó chính là những vần kết trong bài thơ “Với Lenin” của nhà thơ Tố Hữu (1920-2002). Mà câu chót của nó, đã nhắc đến tác phẩm: “Tình yêu cuộc sống” của John Griffith “Jack” London (1876-1916)-nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Mỹ.

Và thật không đơn giản, khi “Tình yêu cuộc sống”, đã được người ta đọc, như để tiễn đưa một con người vô thần-tranh đấu quyết liệt như Lenin (1870-1924) về cõi vĩnh hằng. Tất nhiên, theo logic, thì cái khung cảnh hiện thực đó, Tố Hữu chỉ là người được nghe kể lại(!) 

“Tình yêu cuộc sống” với nguyên tác bằng tiếng Anh: “Love of Life”, đã mô tả cái “khát sống” dường như không giới hạn của con người. Nhưng ngoài cái thông điệp mà bạn đọc thường thấy, như chính cái tiêu đề của nó, thì sự hiện diện những cảnh ghê sợ, còn hơn cả cái chết-bao phủ toàn bộ tác phẩm, khiến người ta tin rằng, nó còn ẩn chứa nhiều thông điệp khác nữa.

Vì thế, mà không ít người càng thêm tò mò-muốn biết, tác giả của nó, trước hết, đã quan niệm về sự sống và cái chết như thế nào? Và phải chăng, câu trả lời dường như phần nào đã được giải đáp, qua những dòng để lại dưới đây của ông: 

“Cuộc sống là một điều lạ lùng! Tại sao lại khát khao cuộc sống như vậy? Đó là trò chơi mà không người nào thắng. Sống là lao lực vất vả và chịu đựng khổ đau, cho tới khi tuổi già trườn tới và chúng ta đặt tay xuống tro lạnh của lửa tàn. Sống thật khó khăn! Đứa trẻ đau đớn hít hơi thở đầu tiên, người già đau đớn hổn hển với hơi thở cuối cùng, cùng tất cả ngày tháng tràn đầy rắc rối và buồn thương; ấy vậy mà khi con người tiến vào vòng tay rộng mở của cái chết, lại loạng choạng, ngã dụi, đầu quay về sau, chiến đấu tới giây phút cuối cùng. Cái chết đầy tử tế! Chỉ có cuộc sống và những điều của cuộc sống mới đau đớn. Thế nhưng chúng ta vẫn yêu cuộc sống và căm ghét cái chết. Thật lạ lùng!”.

Đến đây, hẳn nhiều người sẽ nhận ra, “Tình yêu cuộc sống” của Jack London, như còn ẩn chứa cái thông điệp “sống không bằng chết”, rất đáng ghê sợ đối với loài người. Cũng vì thế, mà hậu thế sẽ không khỏi giật mình, tự hỏi, là vô tình hay hữu ý, người ta đã tiễn đưa Lenin bằng một áng văn tàn khốc đến như thế (?!) 

___________

Chiều 2/7/2021