Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

LUẬN VỀ XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC

Dương Quốc Việt

Đã đăng trong Tia Sáng: Luận về xã hội hóa giáo dục

Bấy lâu nay xã hội đã và đang phải chịu đựng rất nhiều bất cập trong giáo dục phổ thông, như sự quá tải trong nhiều lớp học, tệ nạn bắt ép trẻ học thêm, bệnh thành tích, bằng cấp, và nhiều tệ nạn khác… Rồi vấn đề trả lương, vấn đề thừa thiếu giáo viên ở các cấp học, hay những sinh viên tốt nghiệp sư phạm mà không được tuyển dụng. Chưa kể chương trình và sách giáo khoa ít nhiều còn  áp đặt, chủ quan, lên mọi vùng miền, và mọi đối tượng. Hơn nữa tính cạnh tranh trong giáo dục còn rất thấp.
Một số vấn đề nổi cộm khác, giáo dục phổ cập trong nhiều năm qua, mang  nhiều khuyết tật, như  đâu  đó chất lượng còn bị buông lỏng, hay các chương trình còn cứng nhắc, rồi dường như yếu tố văn hóa đặc thù còn chưa được quan tâm đúng mức. Còn giáo dục tinh hoa, hình như được hiểu theo kiểu trường chuyên, lớp chọn. Kết quả như  đã thấy, nguồn  nhân lực chất lượng cao ở mọi lĩnh vực còn rất hạn chế, làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình hội nhập của đất nước.
Tất cả những vấn đề như thế, đã tạo sức ép rất lớn lên giáo dục công lập. Trong khi đó sức quản lý và kinh phí trong hệ thống giáo dục hiện hành, tỏ ra không đáp ứng nổi, để giải quyết những phát sinh ngày càng gia tăng đó. Có lẽ giáo dục phổ thông đang cần một cú hích, để tạo đà cho phát triển bền vững. Tất nhiên nó không thể là, vấn đề giữ hay bỏ biên chế, mà đã có thời điểm gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội.
Nếu nhìn nhận từ  góc độ kinh tế thị trường, cũng như quá trình phát triển các nền giáo dục của các nước tiên tiến, thì có thể thấy rõ lời giải bài toán giáo dục phổ thông hiện nay, chính là cần phải thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, theo dòng chảy của kinh tế thị trường. Để làm điều này, trước hết cần phải xây dựng  một hệ thống luật pháp phù hợp, giúp cho việc hình thành các không gian giáo dục mở, mà ở đó sự cạnh tranh lành mạnh và thực chất về chất lượng giáo dục được thực thi. Thêm nữa, nó còn tạo điều kiện để mọi công dân đều có thể tham gia và đóng góp vào giáo dục.
Cũng cần chú ý thêm rằng, xã hội hóa giáo dục, không chỉ là vấn đề: xã hội tham gia vào việc dựng trường, mở lớp, hay tài trợ, mà còn có nghĩa là, xã hội cần được (có trách nhiệm) tham gia vào quá trình xây dựng các chương trình giáo dục. Từ đó mà xã hội hóa được nội dung giáo dục. Đặc biệt là, giúp đa dạng hoá, hiện đại hóa chương trình, nhằm  đáp ứng được những đòi hỏi phong phú của xã hội. Ngoài ra  giáo dục trong nhà trường phải luôn được gắn kết với xã hội, trên cơ sở những nghiên cứu và tổng kết khách quan về các vấn đề xã hội, trong đó xã hội phải được coi là một thực thể sống luôn biến đổi và phát triển không ngừng.
Tại thời điểm này, để tháo gỡ nhiều bế tắc trong giáo dục, cũng như để hội nhập thành công, cần phải đón nhận và vun đắp cho thị trường giáo dục, và xem nó như một thị trường đặc thù, một hiện thực khách quan, theo quy luật của kinh tế thị trường. Cùng với đó là nâng cao vai trò của quản lý nhà nước, để thị trường này phát triển, vừa đảm bảo quy luật cung-cầu, vừa đảm đương được xứ mệnh mà đất nước đặt hàng cho nó.
Hình ảnh của thị trường giáo dục phổ thông, rõ ràng sẽ phải gồm hai hệ thống chính, hệ thống công lập và hệ thống dân lập. Hai hệ thống này cần phải hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật, và đặc biệt là bình đẳng theo đúng luật chơi của kinh tế thị trường toàn cầu. Vì chỉ có như vậy mới có cạnh tranh lành mạnh về chất lượng giáo dục giữa các cơ sở giáo dục, mang lại tiến bộ không ngừng cho chất lượng giáo dục.
Tất nhiên trong bối cảnh hiện nay của đất nước, như  vấn đề thể chế chính trị  còn đang cần phải cải cách, vấn đề  của văn hóa, thực trạng của nền kinh tế, vấn đề của chất lượng đội ngũ nhà giáo…, đều cần phải được tính đến trong quá trình xã hội hóa. Làm sao để tiến trình này diễn ra, mà không gây sốc cho  xã hội. Thay đổi và phát triển phải luôn đi cùng với sự ổn định của xã hội, đặc biệt là luôn phải đặt quyền lợi của người học lên trên hết.
Rõ ràng bất luận như thế nào, thì giáo dục phổ thông cũng cần phải hướng tới đáp ứng giáo dục phổ cập, đại chúng, và giáo dục tinh hoa. Tất nhiên phổ cập đến đâu, hay quan niệm về giáo dục tinh hoa như thế nào cũng cần phải được làm rõ. Và có lẽ nên chăng hệ thống giáo dục phổ cập và hệ thống giáo dục tinh hoa, sẽ chủ yếu nằm trong hệ thống giáo dục công lập, nhưng vẫn phải đảm bảo được yếu tố cạnh tranh lành mạnh của cơ chế thị trường. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, nếu giáo dục phổ cập nhằm đáp ứng sự nghiệp nâng cao dân trí, thì giáo dục tinh hoa sẽ nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Tóm lại, xã hội hóa giáo dục, như  một dòng chảy tự nhiên của lịch sử giáo dục, nó không những loại bỏ được những trói buộc không đáng có trong giáo dục hiện nay,  mà còn phát huy cao nhất được nhân lực và tài lực-trí lực của xã hội đóng góp cho giáo dục, cũng như tăng sức sống cho giáo dục, và đáp ứng cao nhất quy luật cung-cầu giữa dạy và học. Rằng đó chính là cách thức đưa hệ thống giáo dục đến với tiến trình hội nhập. Tất nhiên sự thành công của nó đến đâu, trước hết còn phụ thuộc vào sự thay đổi tư duy giáo dục, sự tiến bộ của hệ thống quản lý giáo dục. Và rõ ràng  một khi thị trường giáo dục phát triển lành mạnh, thì nhiều vấn đề nan giải, bất cập như đã có, tự khắc sẽ biến mất.

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

LUẬN VỀ HAI HỆ THỐNG TRONG GIÁO DỤC

Dương Quốc Việt
Thực tế xã hội từ lâu, đã đóng góp một nguồn tài chính không nhỏ cho lực lượng dạy học, thông qua việc học thêm và hệ thống các loại trường ngoài công lập. Thị trường dạy và học ngoài công lập này, gọi tắt là DHNCL, từ  gia sư đến giảng viên, đã góp phần làm nên sự ổn định thị trường dạy và học. DHNCL mặc dù hầu như tự phát, nhưng rõ ràng nó đã đi theo dòng chảy của cơ chế thị trường. Có lẽ xã hội cũng cần phải có tổng kết và đánh giá đầy đủ về thị trường này. DHNCL như âm thầm, hiệu quả,  linh hoạt, đã và  đang  song hành cùng  hệ thống giáo dục công lập (GDCL)-một dòng chảy như được coi là chính thống và được hoàn toàn bao cấp bởi nhà nước.
Trong nhiều năm qua DHNCL, một mặt nó đáp ứng được nhiều nhu cầu của xã hội, từ việc bổ sung thêm kiến thức cho người học tại GDCL đến những trường lớp đào tạo nghề thay vì GDCL. Mặc dù DHNCL dường như vẫn chỉ chủ yếu tận dụng những nguồn lực có nguồn gốc từ GDCL, tuy nhiên nó đã có những tác động không nhỏ vào chất lượng và tài chính của những cá nhân trong GDCL. Mặt khác do DHNCL gắn bó với cuộc sống hơn, nên nó đã góp phần điều chỉnh nhiều vấn đề của GDCL.
Cũng như nhiều khu vực ngành nghề trong các khu vực công, GDCL bị hạn chế bởi nhiều mặt. Đặc điểm nổi cộm của GDCL là hầu như nó được nuôi dưỡng bởi ngân sách nhà nước, tính quan liêu-bao cấp-bệnh thành tích rất nặng nề, lương trả còn rất thấp…, và rất chậm thay đổi so với các ngành nghề khác. Đây chính là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho GDCL bị sa sút nghiêm trọng. Cũng chính từ nguyên nhân này, khiến người ta khó đánh giá được đầy đủ-khách quan về hiệu quả của mọi dự án nhằm thay đổi giáo dục trong những năm qua.
Sự khác nhau căn bản giữa DHNCL và GDCL, là ở chỗ nguồn thu từ DHNCL là học phí, còn học phí từ GDCL gần như không đáng kể. Do cách tiếp cận của GDCL và những chính sách của nó, dường như đang làm tắc nghẽn dòng chảy tài chính của xã hội vào khu vực này. Vì vậy dòng chảy này bị phân nhánh thành những “con suối” nhỏ, một mặt chảy về GDCL vòng qua DHNCL bằng  việc dạy thêm học thêm, mặt khác còn là những dòng chảy khác làm xói mòn GDCL và đạo đức xã hội.
Bài toán rất cơ bản của GDCL hiện nay, là phải làm sao trả lương cho những người giảng dạy ở mức có thể chấp nhận được, để họ toàn tâm với nghề. Rõ ràng trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, thì trước hết cần cải tổ hệ thống GDCL, làm cho ngân sách nhà nước được sử dụng thật hiệu quả. Cùng với nó là khơi thông dòng chảy tài chính của xã hội vào khu vực này. Rằng trong bối cảnh của đất nước hiện nay, ngân sách phải đi cùng với nguồn đóng góp của xã hội, mới có thể giải quyết được vấn đề trả lương thỏa đáng cho người giảng dạy trong khu vực GDCL.
DHNCL và GDCL làm nên thị trường dạy và học (TTDH). Và vấn đề đặt ra,  là làm thế nào để TTDH ổn định và phát triển lành mạnh? Rõ ràng TTDH chỉ có thể ổn định khi nó tuân thủ theo quy luật cung-cầu, theo nguyên tắc đáp ứng tối đa nhu cầu được học tập của xã hội, tức là tuân thủ theo quy luật của kinh tế thị trường.
Những năm gần đây người ta thường thống kê những con số những người học nghề xong ở mọi bậc, nhưng không được hành nghề mình học. Điều này cũng rất đáng quan tâm, nhưng vì thế mà đổ lỗi cho TTDH thì cũng không hẳn, tất nhiên TTDH cũng cần chịu trách nhiệm một phần. Tuy nhiên có một sự thật rằng, một mặt hàng loạt cơ quan và công ty nhà nước bị xóa bỏ, trong khi đội ngũ các nhà tư bản còn chưa phát triển như mong muốn của cơ chế thị trường, mặt khác việc tuyển dụng nhân lực ở các khu vực công còn thiếu khách quan, đã góp phần tác động xấu đến thị trường tuyển dụng.
Nhưng cũng cần chú ý thêm rằng, rõ ràng sự tiếp nhận của xã hội với một đội ngũ chưa được hành nghề sau khi đã được đào tạo sẽ yên tâm hơn tiếp nhận một đội ngũ những người đang cần học mà không được học. Mặt khác nhu cầu học của cá nhân, không hẳn chỉ là học để lấy nghề và để hành nghề, người ta học còn do nhu cầu hiểu biết, do mong muốn hoàn thiện bản thân. Ngoài ra việc đáp ứng cao nhất nhu cầu học tập còn góp phần hiệu quả vào sự nghiệp nâng cao dân trí và ổn định xã hội.
Cũng cần nói thêm rằng, trong nhiều năm qua, GDCL bị bao cấp quá nặng nề, dàn trải, chủ nghĩa thành tích và bằng cấp hoành hành, cùng với đó là bệnh hình thức và phong trào không được ngăn chặn, khuyến khích  và sử dụng nhân tài còn kém hiệu quả, thậm chí đâu đó người làm giáo dục còn bị tước đi quyền làm chủ nghề nghiệp… Tất cả những điều đó đều đã ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển lành mạnh của GDCL.
Ngày nay nhu cầu phát triển và hội nhập, đã tạo sức ép lên TTDH rất lớn. Nhưng rõ ràng vấn đề của TTDH chính là những vấn đề của thể chế-văn hóa-kinh tế, vấn đề của thị trường tuyển dụng, vấn đề của hệ thống quản lý giáo dục, vấn đề chất lượng của những con người làm giáo dục… Nhưng có lẽ cải cách hệ thống quản lý giáo dục, là công việc cần làm trước tiên và khả thi hơn cả.

Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

LUẬN VỀ THỊ TRƯỜNG DẠY VÀ HỌC

Dương Quốc Việt
Trước mắt chúng ta là một hệ thống tầng tầng lớp lớp các loại hình dạy học, và đội ngũ những người hành nghề dạy học. Đông đảo hơn hàng chục lần, chính là lớp lớp những người cần học. Nhìn một cách tổng thể theo quy luật cung cầu một cách tự nhiên, khách quan, bỏ qua mọi vấn đề khác, thì rõ ràng thực tế xã hội đang cân bằng giữa hai lực lượng này. Người có nghề thì được hành nghề, kẻ có nhu cầu học thì được học. Rõ ràng điều này đang làm ổn định hệ thống dạy và học. Tất nhiên sự ổn định này có mang đến sự phát triển lành mạnh hay không, thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Người ta bức xúc vì nhìn thấy một đội quân học xong mà không được hành nghề (tạm gọi là A) đang bị gia tăng hàng năm, nhưng dường như còn chưa để ý thấy tại thời điểm này, chính đội quân này đã phần nào thay thế cho đội quân gồm những người muốn học mà không được học (tạm gọi là B) và đội quân đang hành nghề dạy học mà bị dừng dạy (tạm gọi là C). Và có phải chăng trong hoàn cảnh thực tại của đất nước, chỉ có thể lựa chọn một trong hai, hoặc A hoặc B và C ?
Về bản chất nếu đáp ứng càng cao cho nhu cầu được học, tức B được giảm thiểu, thì C cũng được giảm thiểu, và đương nhiên khi đó A sẽ có thể bị gia tăng, và đôi khi có chiều ngược lại. Như vậy trong thời điểm hiện tại, xã hội có vẻ như đang đứng trước sự lựa chọn hoặc A hoặc B, xem đằng nào lợi hơn!? Sự thật không ít người đã trả lời ngay được rằng, nên cần đáp ứng tối đa nhu cầu được học tập của xã hội. Và rằng hãy để quy luật cung cầu giữa dạy và học  được phát huy cao nhất có thể, theo cơ chế thị trường.
Cần nói thêm rằng, A bị gia tăng, tức là những người học xong mà không được hành nghề gia tăng, không hẳn chỉ là hệ quả của thị trường dạy và học, mà nó còn có nguồn gốc từ nhiều nguyên nhân luôn biến động  khác. Vì thế thực tế hơn, người ta thường tập trung quan tâm làm cho thị trường dạy và học được phát triển lành mạnh, tức là người học có nhu cầu thực học, còn phía nơi dạy phải đảm bảo được đúng chức năng nghề nghiệp của mình, cùng với nó là thị trường tuyển dụng lành mạnh.
Sự thực  ở Việt Nam trong những năm qua, một mặt đội ngũ các nhà tư bản còn chưa phát triển như mong muốn của cơ chế thị trường, cùng hàng loạt cơ quan và công ty nhà nước bị xóa bỏ, mặt khác việc tuyển dụng nhân lực ở các khu vực công còn thiếu khách quan, đã góp phần tác động tiêu cực đến thị trường dạy và học. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân văn hóa như  bệnh háo danh-trọng bằng cấp…, cũng góp phần tác động đến thị trường dạy và học này.
Cũng cần chú ý thêm rằng, trong một thời gian dài, nhiều tác động tiêu cực đến giáo dục, như tính bao cấp còn quá nặng nề, bệnh thành tích và bằng cấp hoành hành, bên cạnh đó là chủ nghĩa hình thức và bệnh phong trào còn không được ngăn chặn, sử dụng và khuyến khích nhân tài còn chưa hiệu quả, thậm chí người làm giáo dục đâu đó còn bị tước đi quyền làm chủ nghề nghiệp…, đều đã ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển lành mạnh của thị trường dạy và học.
Quốc gia nào cũng vậy, để thị trường dạy và học phát triển lành mạnh, thì không có gì khác là vai trò của thể chế. Rồi vấn đề là nhà nước cần nắm giữ những loại hình đào tạo chủ chốt nào phục vụ cho mục tiêu chiến lược quốc gia, đặc biệt là cần được đầu tư thích đáng, để nó trở thành những lực lượng chủ lực, làm chỗ dựa cho giáo dục. Thứ nữa là phải làm cho thị trường tuyển dụng lành mạnh.
Rõ ràng cuối cùng thị trường dạy và học luôn cần được ổn định, một cách khách quan, dưới bất cứ một hình thái chính trị nào. Vì sự ổn định này góp phần quan trọng vào ổn định xã hội. Tuy nhiên việc thị trường này có phát triển lành mạnh theo hướng văn minh và hiệu quả hay không, thì hoàn toàn trước hết phụ thuộc vào thể chế chính trị, thứ nữa là văn hóa dân tộc, và còn lại là khả năng kinh tế.
__________
Hà Nội 16/8/2017

Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

LUẬN VỀ CUỘC CHƠI VÀ CÂY ĐỜI

Dương Quốc Việt 
Đã đăng trong giáo dục Việt NamLuận về cuộc chơi và cây đời
Đăng lại trong VHNA: Cuộc chơi và cây đời
_______________________

Một chàng trai còn rất trẻ, nhìn ra ngoài kia, thấy cảnh nhộn nhịp thanh bình của phố phường, mà lòng đầy tiếc nuối, tiếc nuối với công trình còn chưa được thừa nhận, tiếc nuối với bao dự định, chỉ vì anh đã bị sa bẫy, mắc vào một cuộc chơi sinh tử, để sáng ngày mai phải đấu súng. Đó là đoạn mà hậu thế đã từng có người viết về thiên tài toán học Evariste Galois (1811-1832) trước ngày anh từ giã cõi đời. Có lẽ nhân loại, không hiếm những người bị gục ngã thê thảm hoặc bị loại bỏ, thậm chí bị chết bởi những cuộc chơi, để lại những tiếc nuối, những xót xa, những mất mát cho những người thân yêu, và thậm chí cho cả cuộc đời này.
Những người có lương tri, chắc không khỏi ai oán thốt lên, vì sao Galois hoặc những người kia, không gắng thoát ra khỏi các cuộc chơi, mà về với cây đời đang luôn đón chờ họ. Đành rằng thế, nhưng thoát ra khỏi một cuộc chơi, đâu có dễ! Bởi tín ngưỡng, bởi luật chơi, bởi phẩm chất cá nhân, và trăm nghìn cái bởi khác nữa, khiến chủ thể khi đó chẳng thấy gì hết, ngoài cuộc chơi mà họ đang phải sống mái tham gia.
Tác giả đã từng chứng kiến, những bạn học, bạn đồng nghiệp, những học trò của mình, chỉ vì thất bại trong các kỳ thi, mà bi quan, chán nản, thậm chí còn thể hiện như một kẻ mất hết. Nhưng họ đâu có đến nỗi nào, thậm chí họ còn là người có khả năng, ở ngay chính cái môn học mà kỳ thi ấy họ phải nhận kết quả rất tồi tệ. Thế đấy! Trong những trường hợp như thế, cần những người quanh họ, giúp họ thoát ra khỏi cơn đau, và làm cho họ tỉnh ra, rằng đó chỉ là những cuộc chơi nhất thời, thậm chí rất nhỏ hẹp, thực sự không phải là cuộc đời, càng không phải là giá trị mà họ cần đeo đuổi. Chưa kể cuộc đời còn dành cho họ rất nhiều sân chơi khác.
Vào một chiều xuân 1993, một người bạn vong niên (hơn tôi đúng 10 tuổi), khi đó anh đang là lãnh đạo chủ chốt của một học viện, dẫn một cháu trai đến gặp tôi. Chả là cháu được cha dẫn ra Hà Nội, theo đuổi một lớp luyện thi vào đội tuyển quốc gia. Cháu như hút hồn tôi, vì cháu đẹp trai, thông minh và lễ độ. Tôi cảm  thấy cháu, như một bông hoa quý của đất trời. Rồi được biết cháu đạt giải ba, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm ngoái, khi đang học lớp 10, còn năm nay cháu lại vừa đạt giải nhì. Hai hôm sau, tôi chia sẻ với anh bạn: anh ạ, nếu là con em thì em sẽ không cho cháu luyện thi vào đội tuyển quốc gia làm gì, mà cứ để cháu thi, được hay không cũng thôi. Thế rồi  mùa xuân năm sau 1994, cha con cháu lại gặp tôi, như quyết tâm còn cao hơn nữa, anh bảo phải “phục thù” năm ngoái chú ạ. Họ nhà tôi, cùng các thầy cô trường cháu, đều động viên và đặt niềm tin vào cháu, rằng năm nay cháu phải lên đường đi HK với đội tuyển quốc gia. Tôi không biết nói gì mà chỉ trao tay cháu một cuốn sách khá dày. Hai tháng sau cháu gặp lại tôi, người hốc hác, như kẻ mất hồn, nhìn cháu chắc ai cũng đoán biết được chuyện gì đã xảy ra. Cha cháu buồn bã nói: cái bài số… trong cuốn sách của chú, cháu đã dịch nhưng giải chưa được, mà cũng lại chưa xem đáp án, thì thi đúng vào bài đó. Giá cháu mà giải được bài ấy, thì chắc chắn cháu được. Rồi anh kể lại cái cảnh nhiều cháu khóc, ủ rũ chán trường, khi ra khỏi phòng thi, thật thê thảm! Tôi chỉ còn biết nói với anh: được như cháu là quá quý rồi, với lại giả sử cháu có được giải nhất quốc tế, thì rồi vẫn cứ còn phải là một sinh viên học ở một trường đại học nào đó cơ mà. Anh như sực tỉnh, như nhớ ra, chỉ còn mấy tháng nữa cháu phải thi đại học. Câu chuyện sau này cháu thi và học đại học… rồi cháu bị bệnh và mất sau khi ra trường được vài năm, là cả một chuỗi những câu chuyện buồn, khiến tôi không thể kể thêm nữa. Chỉ xin tiết lộ, một lần khi cháu còn đang là sinh viên, như gạt nước mắt, cha cháu nói với tôi: chú ạ, ngày ấy cháu như một cái cây non bị nhấc gốc cho mau lớn… Tôi cũng nghe bác T nói ý chú khuyên, nhưng lúc đó tôi không nghe ra.
Tình cảnh như trong câu chuyện đau lòng vừa kể trên, có lẽ không phải là hiếm. Nhưng đáng tiếc hơn, chẳng ai thèm học, chẳng ai thèm nghe, mà nó vẫn cứ diễn ra. Kẻ thắng thì ít, người bại thì nhiều! Người ta đã vô tình, hay hữu ý, cổ xúy, dẫn dụ những tâm hồn non trẻ vào những cuộc chơi, như vắt cạn sức lực của họ, mà lẽ ra họ đang cần phải được vun đắp, nuôi dưỡng, mới hy vọng có được những thành công sau này. Rút cục, những kỳ thi và những tấm huy chương, vẫn như là cái đích đến của bao thế hệ, để rồi đất nước vẫn cứ nghèo hèn, èo uột ở mọi nguồn nhân lực.
Cũng cần phải nói thêm rằng, khi mà xã hội kém phát triển, ngành nghề đơn điệu, nhiều năng lực của con người không được khai thác và sử dụng đến trong cuộc sống, thậm chí còn không được biết đến. Trong hoàn cảnh như vậy, người ta thường chỉ biết ghi nhận một vài năng lực nào đó, thông qua một số ít cuộc chơi hạn hẹp. Để rồi kẻ được trao giải, lấy đó như một cái phao, bám bơi trong suốt cuộc đời. Vì thế phải chăng nó đã tạo nên một thứ văn hóa gì đó, trường tồn cho đến ngày nay.
Tôi đã được nghe kể lại, gần đây một nhóm những bậc đàn anh-bạn học của nhau, họ tụ tập và nói hết về giai đoạn đã qua của họ. Tớ nói thật với các cậu, cuộc chơi nào tớ cũng thắng, từ lúc học với các cậu tớ đạt giải nhất học sinh giỏi, tốt nghiệp đại học tớ cũng thủ khoa, tớ cũng nhận bằng tiến sĩ sớm, rồi đến phó giáo sư, giáo sư cũng khá nhanh, cùng với nó là nhiều giải thưởng và danh hiệu khác, anh T nói. Nhưng thực ra nhìn lại tớ chẳng làm được gì, anh tự thú. Thì các cậu bảo, công việc giai đoạn bọn mình công tác có đòi hỏi trình độ gì đặc biệt đâu. Rồi tớ cũng có thừa những báo cáo và những ấn phẩm, thú thật với các cậu mặc dù chất lượng rất thấp, nhưng luật chơi nó chỉ đòi hỏi có thế, nên tớ vẫn thắng. Chưa kể tớ lại luôn ở vị trí gần như dẫn đầu, nhất là người ta lại dựa vào các danh hiệu của các lần xét trước, như những cái mốc cho các lần sau. Trong nhiều năm tớ vẫn tưởng những thứ đó là công danh-sự nghiệp, nhất là luôn được người ta khiêm nhường cung kính, nên luôn nghĩ mình là một người thành đạt (!)  Nhưng kỳ thực tớ chỉ là một cái giá để treo bảng hiệu. Còn như thằng H, nó chẳng có cái danh hiệu nào như tớ.  Học xong đại học, công tác trong nhà nước thấy bon chen, nhàm chán, nó bỏ ra ngoài, tự  lăn lộn. Bây giờ các cậu xem, công ty mẹ công ty con, thương hiệu vượt biên, toàn là thứ của nó. Rồi nó chẳng định viết văn, nhưng  tự truyện của nó, thiên hạ đổ xô tìm đọc. Nghĩ cho cùng thành công của tớ hóa ra chỉ thuộc về các cuộc chơi, những thứ mà cuộc sống không cần- anh T nói tiếp. Cho dù trong nhiều cuộc chơi ấy tớ còn được làm cả giám khảo, nhưng bây giờ kể ra thì chẳng có gì mà khoe. Còn H thì nó sống hết mình với đời, sân chơi của nó là cây đời, tài đến đâu nó hưởng đến đó, nó mới đúng là thành đạt, thật sòng phẳng! Họ như nói hết với nhau, để chia sẻ, để biết, để mà thương quý nhau hơn.
Trong thực tế, còn có vô vàn những cuộc chơi dành quyền lực, để lại những quán quân. Nhưng những quán quân ấy, có làm nên giá trị nào đó cho cuộc đời hay không, lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Vì thế mà trong lịch sử, đã không thiếu những quốc gia, những cơ quan, bị tàn lụi vì đã lựa chọn sai kẻ cầm cờ. Đành rằng luật nhân quả, sẽ bắt những kẻ gây ra tai ương phải trả giá thích đáng. Nhưng những hệ lụy mà họ gây ra cho cộng đồng thì có khi không thể, thậm chí không bao giờ trả giá hết. Trong những trường hợp như thế, thì chỉ có những tổng kết đầy đủ, khách quan-đúng đắn-nghiêm túc, mới mong để lại những bài học, những tấm “bia miệng”, làm nên những giá trị gì đó trong cuộc sống này.
Dường như mỗi một thể chế chính trị, mỗi một nền văn hóa, đều sản sinh ra những sân chơi, những cuộc chơi đặc trưng. Nhưng vấn đề là ở chỗ, giá trị của các cuộc chơi ấy có tương thích với giá trị của cuộc sống lâu dài hay không, mới luôn là vấn đề cần phải xem xét. Đối với mỗi cá nhân, mỗi tập thể, hay thậm chí một dân tộc, thì dù thành hay bại trong mọi cuộc chơi, cũng cần phải luôn hướng về cuộc sống, để tỉnh táo, để điều chỉnh, để nhận ra những giá trị đích thực mà cuộc đời cần. Rõ ràng sự nhầm lẫn giữa các giá trị của cuộc chơi với giá trị của cuộc sống, hay mê sảng ngỡ một cuộc chơi nào đó, là cả cây đời, thường sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, dẫn đến những hệ quả khôn lường.

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

LUẬN VỀ TƯ CÁCH CHỦ NHÂN

Dương Quốc Việt

Đã đăng trong Tạp chí Văn hóa Nghệ An  số 346 (10.8.2017):  Luận về tư cách chủ nhân

_________________

Nhìn lại lịch sử từ các bậc minh quân tự sáng  lập ra vương triều của mình qua các triều đại phong kiến, đến lãnh tụ Hồ Chí Minh người sáng lập ra nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tuy hình thức và động cơ có thể khác nhau, nhưng họ đều là những người mang phẩm chất chủ nhân  đất nước rất cao. Chính phẩm chất này đã tạo nên sức hút mạnh mẽ, khiến đông đảo anh hùng hào kiệt tin tưởng đi theo họ, và họ đã trở thành những người dẫn dắt công chúng.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, trong xây dựng và kiến tạo đất nước, dường như chủ nhân tính của người cầm quyền càng cao thì khoảng bao dung của họ càng rộng. Và vì thế họ sẽ thu hút được nhiều nguồn lực để kiến thiết đất nước.
Ngô Sĩ Liên là một nhà sử học thời Lê sơ sống vào thế kỷ XV, đã viết trong Đại Việt sử ký toàn thư rằng: “Trước kia người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc”.  Quả thật chỉ có phẩm chất chủ nhân đất nước rất sâu đậm, hoàng  đế  Trần  Nhân Tông (1258-1308) mới đạt đến độ khoan dung như vậy.
Chiến tranh Hán-Sở (206-202 TCN), được kết thúc bởi chiến thắng cuối cùng của Lưu Bang (256-195 TCN) trước Hạng Tịch (232-202 TCN). Tại sao Hạng Tịch một anh hùng cái thế hơn hẳn Lưu Bang về nhiều mặt, nhưng cuối cùng đã thất bại thảm hại? Nhiều học giả đã trả lời cho câu hỏi này, nhưng có lẽ câu trả lời ngắn gọn nhất, rằng đó là vì phẩm chất  chủ nhân của Lưu Bang trội hơn hẳn  phẩm chất chủ nhân của Hạng Tịch.
Hạng Tịch ngài đã là vua nước Sở, thì đáng lẽ ra ngài phải biết trọng dụng hiền tài, và mọi chiến công của tướng lĩnh dưới quyền ngài, ngài phải coi là của chính mình mà tuyên dương phong thưởng cho họ. Tuy nhiên ngài lại coi thường tướng tài, không muốn phong thưởng cho ai, thì ngài đâu còn đủ tư cách của chủ nhân nước Sở, bởi vậy ngài thất bại là phải (xem những đoạn nói về tính cách của Hạng Vũ trong Sử ký Tư Mã Thiên (109-91 TCN)).
Trong khi đó Lưu Bang thì sao? Trong Hạng Vũ bản kỷ (Sử ký Tư Mã Thiên), Tư  Mã Thiên (145-86 TCN) ghi rằng: “Dòng họ Hạng Vương đều không bị Hán Vương giết. Hán Vương phong Hạng Bá làm Xạ Dương Hầu. Đào hầu, Bình cao hầu, Huyền vũ hầu đều người họ Hạng cho đổi họ làm họ Lưu”. Như vậy mặc dù bị Hạng Tịch đánh cho thập tử nhất sinh bao lần, nhưng khi thống nhất giang san, Lưu Bang không hề trả thù họ Hạng. Rõ ràng chỉ có tâm thế của một chủ thiên hạ thực sự, Lưu Bang  mới có được hành xử như vậy.  Bởi vậy ngai vàng thiên tử quả là đúng chỗ của ngài.
Trong lịch sử đã không thiếu gì những vị vua, không đủ tư cách chủ nhân thực sự ở mỗi quốc gia mà họ trị vì. Vì thế mà mới có bao cảnh đau lòng, đất nước lầm than, lòng người ly tán… Đối nội thì thiếu khoan dung, dung nạp, đối ngoại thì mang về cái nhục quốc thể. Mặc dù với quyền lực tối cao, nhưng họ lại thiếu cái tâm, cái tầm của một ông chủ đất nước.
Tranh công đổ lỗi, luôn là hành xử của những kẻ “tôi tớ”, chứ quyết không thể có ở những người mang tư cách chủ nhân. Tư cách chủ nhân, cao nhất có thể là quốc gia, thấp hơn có thể là một bộ, một ngành, một cơ quan, hay một gia đình, thậm chí chỉ là một công việc cụ thể được giao. Nhưng nó đều giống nhau ở một điểm, là tính trách nhiệm, và làm tốt nhất có thể.
Từ trong thực tế cũng như  trong cuốn sách  “10 điều khác biệt giữa kẻ làm chủ và người làm thuê” của Keith Cameron Smith, người ta đã rút ra rằng: Kẻ làm chủ học nhiều hơn tiêu khiển, còn người làm thuê tiêu khiển nhiều hơn tự học. Kẻ làm chủ nhận trách nhiệm khi thất bại, còn người làm thuê thì đổ lỗi. Kẻ làm chủ tìm kiếm giải pháp lâu dài, người làm thuê thì tìm kiếm vấn đề trước mắt…
Một vị thủ trưởng không có đủ tư cách chủ nhân, vì nhiều lý do khác nhau, sớm muộn cũng sẽ bộc lộ sự phá phách, mà cao hơn là sẽ trở thành kẻ làm tan nát cơ quan. Chủ nhân tính càng thấp, thì việc hành xử của chủ thể càng thụ động, chộp giật, ngắn hạn…  Ngược lại nếu người đứng đầu một đơn vị, như một người chủ thực sự, thì chắc chắn mục đích tối thượng của họ, phải là làm sao để cơ quan, cũng như mỗi cá nhân trong đó, được phát triển tốt nhất. Hệ quả tất yếu là sẽ đảm bảo thực thi dân chủ, biết dùng đúng người đúng việc, trọng dụng nhân tài… Và tất nhiên sẽ không bao giờ sử dụng quyền lực bừa bãi.
Những tướng tài, những mưu sĩ xuất sắc, gặp phải Hạng Tịch, họ đã bỏ đi theo Lưu Bang, dẫn đến cái thất bại thảm hại của Sở Bá Vương. Cũng như vậy, những công ty tư nhân, nếu người đứng đầu không làm được cái việc của một chủ nhân, thì chắc cũng sẽ rơi vào thảm cảnh của họ Hạng.
Nhưng nếu bạn đang phải làm việc ở một cơ quan nhà nước, mà vị thủ trưởng của nó, lại thiếu phẩm chất chủ nhân, thì bạn chỉ nên coi vị đó, như một kẻ làm thuê thiếu trách nhiệm. Trong bối cảnh đó, bạn càng cần phải nâng cao tính độc lập, tự chủ, cũng như củng cố tâm thế chủ nhân cho chính mình, để làm việc và xem xét. Bên cạnh đó bạn  nên  nỗ lực góp phần  giúp công chúng và các cấp có thẩm quyền cao hơn, sớm nhận ra để thay thế hoặc vô hiệu hóa vị thủ trưởng không xứng đáng đó, nhưng tất cả đều phải xuất phát từ lợi ích chung.
Cần nói thêm rằng, những kẻ đứng đầu một đơn vị công  mà thiếu tư cách chủ nhân, thì chắc chắn chỉ biết dùng quyền lực để ban ơn, để thao túng, để vơ vét, và không có chính kiến bảo vệ cơ quan hay cá nhân của cơ quan khi bị o ép, hoặc bị xâm phạm quyền lợi, thậm chí sẽ sống theo kiểu “nịnh trên nạt dưới”… Họ sẽ chỉ biết hành xử như những kẻ “tôi tớ”, bất biết tương lai của cơ quan đi về đâu. Đặc biệt họ chỉ tập chung quanh mình những kẻ bợ đỡ. Điều này sẽ gây ra tổn thất rất lớn cho cơ quan đó!
Đất nước đang cải cách thể chế, nhưng dù bất luận như thế nào, thì cái điều quan trọng nhất, là phải hạn chế được tối đa cái cảnh, trao quyền cho những cá nhân, mà bản thân cá nhân đó thiếu tư cách chủ nhân, hoặc không đủ phẩm chất chủ nhân. Rằng đó cũng nên coi là một phẩm chất tiên quyết của những người đứng đầu bất cứ một cơ quan nào.