Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

LỜI THẦY ĐÃ HƠN NỬA THẾ KỶ?

Dương Quốc Việt


Đã đăng trên tạp chí VHNA: Lời thầy đã hơn nửa thế kỷ?

Đất nước này nhỏ lắm, lạc hậu lắm, đã thế lại còn cắt cứ chia rẽ, thì hết! Đó là câu mở đầu, khai giảng ở một lớp học cấp 2, cách đây đã hơn nửa thế kỷ của thầy tôi. Chả là ngày ấy, lớp học của chúng tôi, học trò tứ  xứ sơ tán về, và đã xảy ra chuyện mất đoàn kết, giữa kẻ vùng này, người vùng kia. Sau này trải nghiệm càng nhiều, chúng tôi càng nhận ra, đó chỉ là cái thông điệp mở đầu, trong chuỗi những thông điệp sau này, mà thầy mong muốn chúng tôi thấm được cái đạo lý “Tổ quốc trên hết”.          

Rồi những ngày này, khi mà lãnh thổ quốc gia, luôn bị xâm lấn, đe dọa, thì cái tinh thần “Tổ quốc trên hết” của nhân dân lại trỗi dậy. Người Việt lại có dịp được thể hiện tinh thần quật cường và lòng yêu nước, cái mà đâu đó đã bị lẩn khuất, trong những lo toan cuộc sống cá nhân, trước những bon chen, tiêu cực, nhức nhối hàng ngày.   

Năm tháng đã trôi qua, không biết lũ chúng tôi đã giác ngộ được cái đạo lý này đến đâu, nghĩ lại-quả thật không khỏi giật mình. Người ta thường chứng minh cho lòng yêu nước, cũng như thấm nhuần cái đạo lý “Tổ quốc trên hết” của người Việt, qua chiến đấu-hy sinh bảo vệ đất nước. Quả không sai, nhưng liệu thế đã đủ chưa?          

Nhớ lại năm xưa, lời thầy dạy, mới thấy, nếu người ta thấm nhuần cái đạo lý “Tổ quốc trên hết”, thì chắc chắn sẽ không có “lợi ích nhóm”, sẽ không xuất hiện “chủ nghĩa hậu duệ”, cũng như không có tư tưởng “vùng miền”. Và hẳn người ta sẽ thấu hiểu được, cái giả dối, cái tham nhũng-lãng phí, cái vô trách nhiệm, cái kìm hãm, cái dại chợ-khôn nhà, cái khuyết tật-yếu kém của hệ thống công quyền..., là những nỗi “quốc nhục.”  Rồi đành rằng, kẻ xấu là việc của người, nhưng để cho kẻ xấu tùy tiện nhảy vào ao nhà, bất kể khi nào chúng muốn, thì hẳn lại là vấn đề của chủ nhà. Rằng, phải chăng chỉ vì chủ nhà hèn yếu hay bị lệ thuộc, mới để xảy ra cơ sự!? 

Hóa ra dường như người ta đã quá nông nổi-chủ quan, về lòng yêu nước-thương nòi, về sự giác ngộ cái đạo lý “Tổ quốc trên hết”. Và phải chăng, ca ngợi đất nước-con người, căm thù kẻ xâm lược, sẵn sàng ra trận để bảo vệ giang sơn-đất nước, mới chỉ thể hiện được một phần của cái đạo lý “Tổ quốc trên hết”!? Vậy phần còn lại sẽ là gì? Trả lời đầy đủ cho câu hỏi này, thiết nghĩ sẽ là bổn phận của tất cả chúng ta! Nhưng chắc chắn, đặt quyền lợi của quốc gia lên trên tất cả, kiến tạo được một nhà nước-phát huy được mọi nguồn nhân lực, dập tắt được ý chí xâm lược của ngoại bang, sẽ phải là một phần của câu trả lời! Và rõ ràng trong cái lộ trình đó, thì việc trước mắt phải làm ngay, là kiến tạo được một nền giáo dục, mà trước hết đào tạo ra được những lớp người, có giác ngộ đầy đủ và sâu sắc  bổn phận của cá nhân đối với đất nước.    

Sau cùng để góp phần trả lời câu hỏi vừa đề cập, tác giả xin được chia sẻ bài thơ dưới đây, được viết tặng cháu đích tôn, lúc cháu hơn 2 tuổi.

GỬI CHÁU ĐÍCH TÔN  

Hà Nội-6- 4-2018-DQV

Ông viết những dòng này
Thuở cháu đang học nói
Rất có thể đến khi cháu hiểu
Ông đã lìa xa thế gian
Cháu đã lựa chọn
Đầu thai nơi đất Việt
Đất của cha ông-máu đỏ da vàng
Đất của những huyền thoại:
Hồng Bàng
Lạc Long Quân-Âu Cơ
Đồng bào-Đồng chí…
Đất của nghĩa tình
Của những anh hùng
Những người cần lao-giàu lòng yêu nước…
Đất của truyền thống:
Chị ngã em nâng
Sáng tạo thông minh
Và lòng dũng cảm…
Từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau
Có người bảo: “đất nước hình tia chớp”(*)
Đất của những điệu hò não ruột miền Trung
Những giọng Cải Lương-tiếng than vong quốc
Những lễ hội triền miên không dứt
Những cuộc say bỏ mặc ngày mai
Những mâm cỗ bên quan tài người chết…

Cháu học đi!
Không chỉ nghe huyền thoại
Những trang văn sáo rỗng vô hồn
Những dòng sử chỉ lấp lánh sao chiến thắng
Có phải chăng bạn-thù là mãi mãi
Và lịch sử sao chỉ là chiến sử!?

Cháu học đi!
Từ kho tàng nhân loại
Những áng văn lấp lánh chí làm người
Những trang sử đắng cay chân thật
Không chỉ chiến tranh mà cả dựng xây
Rằng vĩ nhân không phải bao giờ cũng đúng!?

Cháu học đi!
Để hiểu cội nguồn
Để khỏi tụng ca những điều hoang tưởng
Học để hiểu mình hiểu người
Kẻo trưởng thành trong hào quang giả dối
Để khỏi đổ tại người khi chửa nên thân!

Cháu học đi!
Để hiểu giống nòi
Những làn điệu dân ca vọng hồn xứ sở
Để bớt đi niềm tự hào ngơ ngẩn
Kẻo ngỡ mình hay
Mà không gắng từng ngày!?

Học để hiểu:
Nghĩa tình-đoàn kết…
Trăm vạn điều hay
Có thật chăng
Hay chỉ là huyễn hoặc
Như bao kẻ gian tự nhận thật thà!?

Cháu học đi để hiểu:
Sao bao niềm vui trên đống tro tàn
Bên những đổ vỡ của đồng bào đồng chí
Kẻ thắng người thua
Lòng dạ phân ly 
Tim Người tan nát- Mẹ Âu Cơ!?

Cháu học đi để hiểu:
Sao bao lần mất nước
Sau liệt oanh là một chuỗi ngày buồn
Kẻ công thần tranh nhau chia quả thực
Con dân lầm than bên những tượng đài
Máu đổ trong chiến trận
Tiếng khóc than ai oán thời bình!

Cháu học đi để hiểu vì sao
Giàu biển cả mà không người cưỡi sóng
Vượt trùng dương chinh phục bến bờ xa
Rừng đại ngàn mà sao vắng hùm thiêng
Tiếng gầm thét vọng vang bốn cõi!?

Cháu học đi!
Để biết mình non kém
Để biết cúi đầu
Mà gắng học người những điều huyền diệu
Để thấu những dại khờ
Những thiển cận nổi nông
Sao mãi sa vào chu kỳ mất nước!?

Cháu học để hiểu:
Thế nào là độc lập
Khi còn cơ hàn độc lập sao đây!?
Cháu học đi!
Để phân biệt háo danh hay hiếu học
Những lý thuyết “đầu Ngô mình Sở”
Có phải đặc thù!?

Cháu học đi!
Sao có thể vẻ vang
Khi vẫn còn nghèo nàn lạc hậu
Để thấu lẽ đời
Không hẳn người nghèo là tử tế
Rằng không phải giàu sang là mang tội!?

Cháu học đi!
Để hiểu ý trời
Thế giới muôn loài chủ-tớ
Phận tôi đòi khi vùng lên làm chủ
Thế giới này phút chốc tan hoang!

Cháu học đi để hiểu:
Chung đức tin là nơi tụ hội
Những linh hồn lạc lối bơ vơ
Thiếu đức tin vô vọng bốn bề
Ấy đức tin là cội nguồn chân lý!

Cháu học đi!
Để hiểu nghĩa quê hương
Và thấu hiểu nghĩa-tình yêu tổ quốc!
Cháu học đi!
Để hiểu nghĩa bạn bè
Và trân quý những tâm hồn đa cảm!

Cưng của ông ơi!
Biển học vô bờ
Ngẫm suy lắng đọng
Kiếp người nhân-quả
Cháu nhớ đừng quên!
________________
(*) Là tên một bài thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.


Lời thầy đã hơn nửa thế kỷ? – Bài viết Dương Quốc Việt (.com)    
 Lời thầy đã hơn nửa thế kỷ? – Bài viết Dương Quốc Việt (bl.com)


Đã đăng trên trang TN: LỜI THẦY ĐÃ HƠN NỬA THẾ KỶ?

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

KẺ SỐNG SÓT

Dương Quốc Việt

Đã đăng trong Tạp chí văn hóa Nghệ An-Số 398-10/10/2019:  Kẻ sống sót

Lịch sử nhân loại, cũng như dân gian, đã ghi nhận biết bao tên tuổi, mà cuộc đời của họ  không chỉ được người đời tôn kính về nhân cách-đức độ-khoan dung…, mà còn là những câu chuyện cho hậu thế học hỏi, suy ngẫm. Những con người này, dẫu là bậc khai quốc-công thần, hay kẻ hoàn lương làm lại cuộc đời, thì họ cũng thường là những người phải nếm trải những khó khăn gian khổ, và là những kẻ sống sót-khi đi ngang qua bão tố cuộc đời. Họ cũng có thể là kẻ viên mãn, hay người bất hạnh, nhưng đã được xã hội đón nhận như những con người chiến thắng thử thách, những nhân chứng-khẳng định cho những giá trị cao đẹp của loài người.

Người phương Đông có câu:“Ngọc bất trác bất thành khí.” Còn Elisabeth Kübler-Ross (1926- 2004)-một nhà tâm thần học nổi tiếng người Mỹ gốc Thụy Sĩ, người tiên phong trong nghiên cứu cận tử, đã để lại danh ngôn rằng: “Những con người đẹp nhất là những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát, và đã tìm được đường ra khỏi vực sâu. Những người này có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời, cuộc đời đã làm họ tràn đầy sự cảm thông, sự dịu dàng và quan tâm yêu thương sâu sắc. Người đẹp không tự nhiên mà có.” Dường như đó là những thông điệp nhắn nhủ hậu thế rằng, người có trải qua “kiếp nạn” mới có thể trở thành hiền tài.

Cũng xin nói thêm rằng, Helen Adams Keller (1880-1968)-nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả người Mỹ, là một người khiếm thị, khiếm thính và đã được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ XX, đã đúc kết:“Tính cách không thể phát triển một cách dễ dàng và yên lặng. Chỉ qua trải nghiệm thử thách và gian khổ mà tâm hồn trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành và thành công đạt được.” Vì thế để được trao và hoàn thành một vị trí quyền lực nào đó, cá nhân không thể-không phải trải qua những thử thách, để chứng tỏ cái tính cách, cái “hơn người”, cái xứng đáng của mình. Nếu không họ sẽ trở thành kẻ gây họa. Nhất là trong thời đại cạnh tranh khốc liệt này!

Trở lại thực tế lịch sử, hậu duệ đa phần của các triều đại suy vong, thường là những kẻ non nớt, thừa hưởng, mà thiếu được trải nghiệm, rèn rũa nghiêm khắc như cha ông họ. Trong chế độ Phong kiến, thiên hạ được coi là của nhà vua, vì vậy việc lên ngôi ở các đời sau, chỉ là cha truyền con nối. Bởi thế mới xuất hiện những ông vua “ngồi nhầm chỗ”-không xứng làm vua. Còn trong thời đại mới, thì chính những nền độc tài, đã sản sinh ra cái “chủ nghĩa hậu duệ”, làm biến dạng và tha hóa quyền lực nhà nước. Và chỉ có những nền dân chủ thực sự, mới có thể chế ngự được tình trạng nhức nhối này!

Truyện Tam quốc kể lại rằng, được thừa hưởng ngai vàng từ vua cha Lưu Bị, Thục đế Lưu Thiện-một vị vua ăn chơi, không biết lo việc triều chính. Một ông vua mà như Tư Mã Chiêu đã phải thốt lên: dẫu Gia Cát Lượng có phục sinh cũng không cứu được nước Thục. Nhà Thục bị diệt, Lưu Thiện được triều đình nhà Ngụy cho làm An Lạc huyện công. Tấn chủ Tư Mã Chiêu vẫn còn đề phòng Lưu Thiện, nên một hôm ông cho mời Lưu Thiện đến phủ của mình dự tiệc và xem các cung nữ múa điệu múa của nước Thục. Nhân đó, Tư Mã Chiêu hỏi Lưu Thiện có còn nhớ đất Thục không, thì ông ta đã ngay lập tức trả lời: ở đây rất vui, nên tôi không còn nhớ gì đến đất Thục nữa. Khi đó Khước Chính -một viên quan nước Thục nghe thấy lời nói của Lưu Thiện thì không hài lòng, nên khuyên ông ta rằng, nếu Tư Mã Chiêu có còn hỏi thì nên nói: mồ mả tổ tiên vẫn còn ở Thục nên không ngày nào không nhớ. Lát sau Tư Mã Chiêu lại hỏi, Lưu Thiện đáp y như vậy. Chiêu bèn bảo: sao giống lời Khước Chính thế, Lưu Thiện thản nhiên, thú nhận hết việc này.

Ngược với Lưu Thiện, Tư Mã Chiêu vốn là người vào sinh ra tử, có tài kinh bang tế thế, người đã kế thừa xuất sắc sự nghiệp của cha anh. Vì thế trước cảnh ngây ngô đến tột đỉnh của Lưu Thiện, đã làm Tư Mã Chiêu bật cười, rồi mặt mày biến sắc, lát sau ông gục xuống bàn tiệc, như bị trúng phong. Nhiều người xem đoạn phim này cho rằng, có lẽ trước gã Lưu Thiện-một hôn quân đến nhường ấy, đã khiến ông nhức nhối-đứt mạch máu não!? Hóa ra kẻ “ngồi nhầm chỗ” còn gây phản cảm, nhức nhối, hạ nhục nhân phẩm, thậm chí hủy diệt sự sống của bậc quân tử.

Thực tế cho thấy, từ những người bình thường, đến những thiên tài xuất chúng, để tạo lập được những thành tựu ích nước lợi nhà, cũng như trở thành những công dân tử tế, đều phải vượt qua những thử thách. Thành quả càng lớn, thì thử thách gặp phải càng nhiều. Cũng ví như cây càng cao, càng phải hứng chịu nhiều gió bão. Và xin lắng nghe thông điệp của một nhà thuyết giáo nổi tiếng người Mỹ, người đã từng hai lần giữ vị trí giáo sĩ của thượng viện Mỹ-Peter Marshall (1902-1949): “Khi chúng ta mong ước cuộc đời không nghịch cảnh, hãy nhớ rằng cây sồi trở nên mạnh mẽ trong gió ngược, và kim cương hình thành dưới áp lực.”

Đành rằng cuộc sống chẳng ai muốn phải hứng chịu khổ đau. Nhưng xã hội loài người vốn nghiệt ngã. Để có một thủ lĩnh tài ba-sáng suốt, cũng như để có được những áng văn-những vần thơ trác việt…, thì những chủ nhân của chúng dường như không thể thoát khỏi những thứ thách cay nghiệt của cuộc sống. Đó như còn là những thử thách bắt buộc mà tạo hóa tạo ra cho họ, trước khi họ được trao cái sứ mệnh, làm đẹp cuộc đời. Rằng có thể gọi họ là những kẻ sống sót!

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

NÚI CAO TA TRÔNG-ĐƯỜNG RỘNG TA ĐI

Dương Quốc Việt

Đã đăng trong Giáo dục Việt Nam: Núi cao ta trông – đường rộng ta đi
Đăng lại trên tạp chí VHNA:  Núi cao ta trông - đường rộng ta đi

Những ngày cuối tháng tám, đầu tháng chín, luôn là những ngày đặc biệt của người Việt, trong  suốt  hơn 70 năm qua. Bởi đó là những ngày người ta tưởng nhớ về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, không những thế còn là những ngày chuẩn bị cho một năm học mới với nhiều kỳ vọng. Nhưng sự thật vẫn còn đó, những tiếng thở dài trước bao cảnh nhỡn tiền nhức nhối, những làn sóng uất hận trước ngoại bang ngang ngược-xâm phạm bờ cõi… Người ta đang trăn trở về tương lai của đất nước, trăn trở về sự lựa chọn, trước những cơ hội và những thách thức, trong bối cảnh thế giới đầy biến động và rủi ro này.

Nhớ về ngày độc lập, khiến chúng ta nhớ lại quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/Độc lập-Tự do -Hạnh phúc”, trong suốt 30 năm (1945-1975). Và với quốc hiệu này, người Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc. Hơn nữa, như  nhiều phân tích khoa học,  đã chỉ ra rằng, dân chủ, nước độc lập, dân được tự do-hạnh phúc, là bốn yếu tố-lập nên một thể thống nhất-không thể tách rời. Cũng như thực tiễn lịch sử, cho thấy, trong thời đại ngày nay, những quốc gia phát triển, văn minh và tiến bộ, đều xuất phát từ việc thừa nhận “Dân chủ-Độc lập-Tự do -Hạnh phúc” là những giá trị phổ quát. Rằng đó cũng là những quyền căn bản của con người, được tạo hóa ban tặng.

Vốn là một nước nhỏ-lạc hậu, lại ở cái vị trí địa lý đặc biệt, khiến đất nước này, phải gánh chịu, ứng phó với bao toan tính của các nước siêu cường. Bởi thế “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, luôn là cái triết lý hành động của người Việt. Nhưng còn lựa chọn thì sao? Thiết tưởng cái triết lý của sự lựa chọn, có thể chăng như hai câu thơ dưới đây trong Kinh Thi:

Núi cao ta trông, đường rộng ta đi.
Tuy đích chưa đến, nhưng lòng hướng về.

Và quả thật không còn nghi ngờ gì, “Dân chủ-Độc lập -Tự do -Hạnh phúc”-chính là ngọn “núi cao” để người ta trông. Đó cũng chính là cụm từ, trong quốc hiệu của nhà nước non trẻ-năm 1945 như đã đề cập ở trên. 
Như vậy người Việt đã có núi cao để hướng tới. Nhưng còn cái vế “đường rộng” thì sao? Rõ ràng đó là sự lựa chọn-chọn đường để lên được đỉnh núi cao. Ngày nay, mặc dù đất nước đã có độc lập và toàn vẹn lãnh thổ-được nhân loại thừa nhận về mặt pháp lý, nhưng vấn đề giữ gìn nó, vẫn luôn không tránh khỏi sóng gió, thậm chí nguy cơ còn lâu dài. Ngoài ra còn cái đích “Dân chủ-Tự do-Hạnh phúc” của nhân đân, đã thực hiện được đến đâu, thì thực tế đã có câu trả lời. Vì thế phải chăng việc lựa chọn “đường rộng” vẫn còn đó những vấn đề mở?
Ngày nay thế giới đã có nhiều đổi khác, nhiều giá trị của thế kỷ trước đã bị sụp đổ-phe xã hội chủ nghĩa đã không còn. Việc lựa chọn quan hệ “phe phái” của một thời-đã qua đi. Người Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, bằng chính sách ngoại giao đa phương và đa dạng các quan hệ. Tuy nhiên, hình như cái bóng của “ý thức hệ”, vẫn như hạn chế tầm nhìn của chúng ta, hoặc chí ít còn làm cho chúng ta bị lấn cấn khó xử chăng!? 

Đành rằng, chúng ta chẳng muốn coi ai là thù, nhưng rõ ràng những bài học lịch sử hàng nghìn năm qua, cũng như sự tráo trở của những người, ngỡ tưởng cùng chung  “ý thức hệ”, không thể không khiến chúng ta cảnh giác, thậm chí từ bỏ. Chính điều điều này, càng thêm khẳng định cho tính đúng đắn của hành xử, giữ vững “độc lập dân tộc” và sẵn sàng làm bạn với tất cả, miễn là trên cơ sở bình đẳng-hợp tác-tôn trọng và cùng có lợi.

Những điều vừa đề cập, ấy là câu chuyện bang giao bên ngoài. Còn câu chuyện bên trong thì sao? Một hiện thực không thể chối bỏ, rằng nhiều nhức nhối hiện nay-như đang cản phá sự đi lên của đất nước. Những điều này có nguyên nhân căn cốt từ đâu? Người viết tin rằng, mỗi người Việt đều có thể tự tìm được cho mình câu trả lời.

Cũng cần lưu ý rằng“Dĩ bất biến ứng vạn biến” phải cùng với “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” (lấy tâm chúng sinh làm tâm của mình), mới làm nên câu đối hoàn chỉnh trong minh triết phương Đông. Và cái vế “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”, như muốn nhắc nhở người ta luôn phải đứng về phía nhân dân, để nhìn nhận, để trả lời, để lựa chọn. Vậy thì không có gì hơn, hãy đứng về phía nhân dân, để tìm ra câu trả lời, cho cái nguyên nhân căn cốt, phát sinh nhiều nhức nhối-tàn phá sự phát triển của đất nước hiện nay.

Rằng đất nước đang cần một câu trả lời-một đáp án chung, khách quan và xây dựng, cho câu hỏi vừa đặt ra ở trên. Để rồi từ đó cũng vì cái “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”, người ta mới có thể sáng suốt lựa chọn, từ bỏ. Sau cùng là cần phải lựa chọn như thế nào để có đường rộng-con đường phát triển lâu dài? Tất nhiên đó là con đường phải phù hợp với tâm nguyện của dân, thuận theo dòng chảy của tạo hóa.

Cũng như mọi dân tộc khác, con đường dẫn đến “Dân chủ-Độc lập-Tự do -Hạnh phúc”, đầy chông gai và những chống phá. Dĩ  nhiên, sẽ chẳng thể có một lý thuyết nào đủ khả năng bao trọn nó. Bởi lý thuyết là của con người, được tạo lập bởi con người-luôn mang dấu ấn chủ quan, còn “cây đời” là thực thể của tạo hóa. Vì vậy dẫu lý thuyết có vĩ đại đến mấy, cũng luôn có nguy cơ tụt hậu trước cuộc sống sinh động.

Bởi thế chủ động đón nhận sự khác biệt trong quan điểm, và biết lấy thực tiễn làm thước đo-để điều chỉnh nhận thức, mới hạn chế được “nhầm đường-lạc lối”. Và dẫu rằng cái đích kia vẫn còn xa, còn chưa thể tới, nhưng lòng luôn phải hướng về. Để một ngày kia dân tộc này, như chim ưng bay lượn trên bầu trời cao rộng, cái ước vọng ngàn năm của cha ông!

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

VÌ LÝ THUYẾT CHỈ LÀ MÀU XÁM

Dương Quốc Việt

Đã đăng trên Tia Sáng: Vì lý thuyết chỉ là màu xám
Chỉ có thái độ chủ động đón nhận sự khác biệt trong quan điểm, và luôn biết lấy thực tiễn làm thước đo-để điều chỉnh nhận thức, mới là hành xử đúng đắn trong cuộc sống này!

Mọi lý thuyết đều là màu xám 
Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi.

Đó là những lời thơ trong tác phẩm Faust của đại thi hào Johann Wolfgang (von) Goethe (1749-1832). Nó như muốn nhắc nhở con người, cần phải biết cảnh giác với mọi hiểu biết, cũng như áp dụng lý thuyết, thậm chí kể cả với những điều được coi là chân lý. Tại sao lại như vậy? Và có cái gọi là chân lý tuyệt đối, hay chân lý khách quan hay không?

Trở về với cuộc đối thoại diễn ra vào ngày 14/7/1930 gữa hai thiên tài Albert Einstein (1879-1955)-nhà vật lý lý thuyết và Rabindranath Tagore (1861-1941)-một triết gia, nhà thơ, người cũng từng đoạt giải Nobel như Einstein, bàn về tính khách quan của chân lý, đã để lại cho nhân loại nhiều suy ngẫm-học hỏi (xem bài “Einstein và Tagore: Đối thoại về tính khách quan của chân lý”, Tia Sáng, 20/08/2017). Tuy vậy, trước đó rất lâu, các nhà toán học đã đặt câu hỏi rằng, các chân lý trong toán học có khách quan hay không? Rồi có thể chứng minh tính khách quan của các chân lý trong toán học hay không? Và từ định lý Bất toàn-năm 1931 của Kurt Friedrich Gödel (1906-1978), người ta rút ra rằng, nói chung, việc chứng minh cho tính khách quan của các chân lý toán học là không thể. Như vậy, hóa ra xét đến cùng, để nhận thức chân lý không thể thiếu vắng vai trò của “đức tin”!

Bởi thế, những ai đã nhận thức được điều này thường sẽ lảng tránh những tranh luận tự do về quan điểm lý thuyết. Không phải là vì họ sợ tranh luận, mà do họ ý thức được rằng, mọi cuộc tranh luận quan điểm lý thuyết  một cách tự do, cho dù giữa những người cùng có năng lực nhận thức cao-có tâm sáng và biết phục thiện, cũng sẽ không thể có phân định đúng sai. Bởi một trong hai người, đều có cái “quyền” không tin-không chấp nhận cái lý thuyết cũng như cách lập luận mà đối phương sử dụng trong lập luận của họ.

Xem ra mọi cuộc tranh luận lý thuyết đều chỉ có thể ngã ngũ khi những người tranh luận, có cùng nhân sinh quan và thế giới quan, và cùng chấp nhận một hệ tiên đề hay những giả thuyết ban đầu nào đó. Cũng giống như những người học trò tranh cãi về những điều bị giới hạn trong khuôn khổ các giả định và quy tắc mà bài giảng từ thầy của họ đã định ra. Và tất nhiên khi các tiên đề, các giả thuyết, hay các giả định... không còn đúng nữa, thì các luận điểm tranh cãi cũng tức khắc trở nên vô nghĩa.

Cũng xin nói thêm rằng, khi người ta không ý thức được giới hạn chủ quan của lý thuyết mà họ tin vào, thì các cuộc tranh luận sẽ trở thành những cuộc “so găng” của những định kiến, và thường có kết thúc tồi tệ. Thậm chí đôi khi các đối tượng còn thóa mạ nhau, bất chấp cả đạo lý. Cái điều mà đã từng diễn ra không ít, nhất là trên các trang mạng xã hội.

Câu nói của nhà toán học nổi tiếng George Polya (1887-1985): “Thật ngu xuẩn nếu chỉ khư khư ôm lấy giả thuyết của mình” như nhắc nhở con người ta nhiều điều. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, khiến việc từ bỏ định kiến của con người, không thể dễ dàng. Vì thế mà biết bao kẻ bị nhồi nhét bởi những lý thuyết lỗi thời, hay giáo điều, vẫn cứ ôm lấy những lý thuyết đó, như một thứ chân lý tuyệt đối, thậm chí còn bảo vệ điên cuồng bằng bạo lực với những ai chống lại nó.

Ở một nền giáo dục bị sai lệch, không có tinh thần “khai phóng”, sẽ tạo ra những lớp người học vẹt chỉ tin vào những thứ họ được học-được dạy. Do thiếu được giáo dục tư duy phản biện, họ trở nên mông muội-cuồng tín theo những quan niệm của các ông thầy dạy, mà không cần biết rằng, chính cái chỗ dựa-được họ coi là nền tảng ấy, cũng chẳng có gì đảm bảo là đúng đắn-khách quan cả. Đã thế họ còn mang thái độ ghẻ lạnh với những quan điểm khác biệt, và nguy hại hơn nữa khi họ máy móc áp dụng lý thuyết giáo điều hạn hẹp của mình vào thực tiễn đời sống xã hội, góp phần làm xã hội suy thoái.

Rõ ràng chỉ có thái độ chủ động đón nhận sự khác biệt trong quan điểm, và luôn biết lấy thực tiễn làm thước đo-để điều chỉnh nhận thức, mới là hành xử đúng đắn trong cuộc sống này! Bởi “cây đời” là thực thể của tự nhiên-chúng tồn tại khách quan, còn lý thuyết là của con người, được tạo lập bởi con người-không thể không mang dấu ấn chủ quan, nhằm muốn phản ánh bản chất cái thực thể khách quan kia. Do vậy dẫu lý thuyết có sâu-rộng đến mấy, cũng luôn có nguy cơ bị lạc hậu trước thực tiễn cuộc sống. Chính vì thế, mà từ lịch sử của loài người cho thấy, biết bao lý thuyết đã phải lần lượt ra đi, nhường chỗ cho những nhận thức mới.

Mặc dù “từ bỏ thành kiến không bao giờ quá muộn” như  Henry David Thoreau (1817-1862)-nhà văn, nhà thơ, nhà tự nhiên học, nhà sử học, nhà triết học, nhà địa hình học mẫu mực người Mỹ, đã khuyến cáo, nhưng tiếc thay “người ta chỉ nghe thấy điều mình hiểu”- cái mà Goethe đã cảnh báo. Hơn thế nữa con người còn bị dẫn dắt bởi những tham vọng bất kham-cái khuyết tật vốn có của loài người, mà tạo hóa đã ký gửi. Vì thế mà thời đại nào cũng có thể xuất hiện những thế lực muốn thống trị và dẫn dắt xã hội, dựa trên những học thuyết phản động-lỗi thời, xa rời bản chất tự nhiên. Do vậy việc loại bỏ thành kiến, loại bỏ những tư tưởng hủ bại, luôn là một cuộc chiến dai dẳng-khốc liệt trong xã hội loài người.

Bởi những lý do trên, nhân loại tiến bộ luôn dùng mọi biện pháp, nhắc nhở, giáo dục, răn dạy hậu thế, và đặc biệt cảnh tỉnh họ-thông qua những bài học lịch sử về mối nguy cơ của những thế lực muốn đóng khung chân lý. Cùng với đó, là tạo lập những hệ thống ngăn chặn hiệu quả để cây đời mãi mãi xanh tươi theo dòng chảy của tạo hóa.          


Hà Nội, 07/8/2019.