Thứ Năm, 13 tháng 2, 2020

PHẬN CON DÂN

Dương Quốc Việt

Trong cuộc tồn sinh hàng nghìn đời nay, ngoài việc phải chống chọi với thiên tai, địch họa đã đành, những kiếp người “thấp cổ bé họng”, còn phải hứng chịu biết bao tủi nhục gây ra bởi bọn tham quan. Nếu gặp thể chế có vua sáng, tôi hiền thì còn “có làm có hưởng”, được chở che, những khi tai ương, dịch bệnh, hay được pháp luật bảo vệ, cản ngăn kẻ khác uy hiếp. Bằng không gặp phải “thời mạt”, thể chế suy đồi, vua chẳng ra vua, quan tham cướp bóc…, thì tai họa thật khôn lường. Dẫu vậy, kiếp “vạn đại” này, lại vừa sinh, lại vừa diệt mọi thực thể, mọi triều đại, mọi thể chế, để sinh sôi nảy nở, sáng tạo ra biết bao nền văn hóa.
Cha ông ta có câu: “Quan nhất thời, dân vạn đại”, để nhắc nhở con người ta bao đời. Ấy vậy, mà có mấy kẻ làm quan thấu được. Nhất là đang lúc gặp thời- “tiền hô hậu ủng”, kẻ nịnh nọt, xu thời vây bám. Đa phần trong số họ, phải gặp cảnh “thất cơ lỡ vận”, xuống làm thường dân, họa chăng mới nhớ ra cái điều cha ông răn dạy này. Rồi còn biết bao kẻ dựa vào sức dân, mà làm nên cơ nghiệp, thậm chí hiển hách, nhưng kết cục lại trở thành những kẻ lừa dối dân, bóc lột dân đến tận xương tủy. Chuyện “phản dân, hại nước” thì nhiều đến vô kể, ở mọi thời đại.

Nhưng lòng dân thật bao la rộng lượng đến vô cùng! Kẻ có xấu đến mấy, mà biết “quay đầu là bờ”, ăn năn-hối cải, dân vẫn sẵn sàng tha thứ. Đã thế dân còn có đức nhẫn nhịn-mềm mỏng-khép mình. Kẻ làm quan mà bị dân phản kháng cũng là vạn bất đắc dĩ, chỉ trừ khi họ bị đẩy vào “bước đường cùng”, như “con giun xéo mãi cũng quằn”. Lòng dân là vậy, nhưng làm mất lòng tin của dân, thì thật khó bề lấy lại!

Rồi công to việc lớn, cái gì cũng phải dựa vào sức dân. Quốc gia-lãnh thổ được gìn giữ, cũng đều nhờ cậy vào sự hy sinh xương máu vô điều kiện của dân mà thành. Và hơn tất cả, chính nhân dân đã tạo lập nên những thực thể, mang cái thiên chức-quyết định sự tồn vong của thế giới loài người. Rằng họ mới đích thực là những chủ nhân thực sự của hành tinh này. Và nhờ những chủ nhân này, nên những kiếp “phù du, ký sinh”, mới có chỗ “ăn nhờ-ở đậu”, mà  có cơ tồn tại.
Người ta đã ví phận con dân, cũng không khác gì phận cây cỏ. Một chức phận thật cao cả! Bởi thế, thay cho nhiều điều còn muốn nói về thân phận này, xin được kết thúc bài viết, qua những vần thơ dưới đây.
PHẬN CỎ CÂY

Sống giữa đất trời
Nắng lửa bão giông
Ta gồng mình chống chọi
Thân cỏ cây
Khỏi bị đốt thiêu
Gió thổi bốn mùa
Khiến thân ta
Lắt lay nghiêng ngả
Đêm khuya mịt mùng
Bao tiếng thở than
Khiến lệ ta rơi
Kết thành những giọt sương vạn thuở

Chiến trận bao đời
Vó ngựa phi
Bánh xe lăn
Những gót chân
Hung tàn giày xéo
Đâu chỉ can qua
Thái bình kiếp nạn
Đất bằng sóng nổi
Máu chảy lệ rơi
Thân rơm nhuộm đỏ
Khiến cỏ cây
Đêm vắng khóc thầm

Đâu chỉ chịu khổ đau
Khi lũ người chiến trận
Thấu chăng những phút giây
Kẻ chiến thắng
Hò reo trên quảng trường
Khiến cỏ hoa nhàu nát
Không gian sinh tồn
Bị tổn hao
Dành chỗ cho những tượng đài
Phận cỏ cây
Ta chỉ biết nép mình
Âm thầm trong ai oán

Thân rơm cỏ
Ta phủ xanh những nấm mồ
Kẻ chiến bại-người chiến thắng
Hằng đêm lệ tuôn rơi
Khóc cho bao mảnh đời oan nghiệt
Ta nuôi lũ các người
Bầu sữa mẹ có khi nào ngưng nghỉ
Gồng mình hứng chịu khổ đau
Những mưu toan muôn thuở
Bởi những kẻ bất kham gieo gió
Vậy sao nghìn đời nay
Ta vẫn cứ thứ tha

Hỡi các người
Dẫu thành quách nguy nga
Cũng có ngày sụp đổ
Dưới chân ta
Dẫu ngươi có là ai
Kẻ được lũ người kia
Phong thánh phong thần
Liệu có thoát khỏi màu xanh che phủ
Ta là chủ nhân-tạo hóa gửi trao
Muôn thuở địa cầu
Ta trường tồn nuôi màu xanh vĩnh cửu
Còn lũ các người sẽ lần lượt ra đi !

Dương Quốc Việt 

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2020

KẺ TRỒNG TÁO?

Dương Quốc Việt

Đã đăng trong Tạp chí VH Nghệ An-Số 407-25/02/2020: Kẻ trồng táo?

Martin Luther (1483-1546)-nhà thần học, tu sĩ Dòng Augustine, và nhà cải cách tôn giáo vĩ đại người Đức, đã để lại một danh ngôn rằng: “Cho dù tôi biết ngày mai thế giới này sẽ tan thành mảnh vụn, tôi vẫn sẽ trồng cây táo của mình”. Cũng cần nói thêm rằng, trong thần thoại Celtic, táo là biểu tượng cho sự sống sinh sôi-vĩnh hằng và sự màu mỡ, táo cũng còn tượng trưng cho mặt trời, cho cội nguồn của sự sống, không những thế, nó còn là thức ăn của người chết trong thế giới “âm” của Celtic, để vượt qua mùa đông u ám, trước khi được nữ thần Olwen hồi sinh.

Nếu hiểu danh ngôn của Martin Luther, theo cái tâm của nghiệp “trồng người”, thì nghiệp gieo trồng các thế hệ tương lai cần phải là bổn phận như gieo trồng sự sống, sự tiến bộ, dẫu rằng, ngày mai sứ mệnh và tư tưởng của những thực thể, những cá nhân, những kẻ đang gieo trồng hôm nay, có thể sẽ bị cáo chung, thậm chí còn có thể bị hậu thế phán xét. Bởi di sản của loài người, của mọi quốc gia cho mai sau, cho tương lai, không có gì khác, đó chính là con người, và hơn tất cả, đó là những con người, những thế hệ, cần phải được nuôi dưỡng và giáo dục tử tế.
Cách hiểu như trên, hoàn toàn không có gì xa lạ với hiện thực cuộc sống, mà nhân loại đã trải qua. Như đã có biết bao ông bố, bà mẹ, mặc dù đã sống cuộc đời sai lầm, tội lỗi, thậm chí bất hảo-hư hỏng, bị xã hội ruồng bỏ, nhưng đã gắng “tầm sư học đạo” để nuôi dạy con, đến với đời sống cao cả hơn, mà họ chỉ mong sao được mỉm cười nơi chín suối. Nhân loại từ cổ chí kim, như một bản năng tự nhiên, đều thấu hiểu cái ý nghĩa sống còn của cái đạo lý “trồng người” này. Hơn thế nữa, người ta “trồng người” không phải để mưu lợi cho mình, càng không phải là để giống mình, hay làm “bản sao” của mình. Chẳng thế mà người Việt có câu: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con” và “Con hơn cha, nhà có phúc” đó thôi!
Dường như bản năng của nhân loại, luôn mong muốn mang đến cho con trẻ những điều tốt lành. Bởi thế, hầu hết người ta đều dạy bảo con trẻ những điều hay-lẽ phải, ngay cả những đứa trẻ là con của những ông bố, bà mẹ có mối thâm thù với họ. Hãn hữu mới có những kẻ cố tình làm ngược lại, tức là đầu độc, hay “xui dại” con trẻ, ấy chỉ là những kẻ mất nhân tính. Vậy thử nghĩ xem phản phúc đến nhường nào, nếu một cá nhân, một tổ chức, hay một thể chế, ra sức đầu độc con trẻ những tư tưởng hủ bại, lỗi thời, dưới nhiều hình thức khác nhau, dẫu với bất cứ động cơ gì. Chưa kể nếu đó còn là sự đầu độc nhiều thế hệ (!)
Trong lịch sử nhân loại, đã xuất hiện không ít những bạo chúa, vì muốn duy trì địa vị độc tôn của mình, mà tru diệt, hay đầu độc-kiểm soát cả phần hồn con người. Vì chúng luôn sợ một ngày kia có người chống lại chúng. Chẳng thế mà trong bài giảng nhậm chức-ngày 19 tháng 3 năm 2013 của Giáo Hoàng Franciscus đã tổng kết: “Đau đớn thay, trong mọi thời đại của lịch sử đều có các “vua Herodes”(*) lập mưu lập kế để tạo ra chết chóc, hủy hoại, và bóp méo bộ mặt của con người”. Đây cũng còn là một trong những thuộc tính đặc trưng của những nền độc tài. 
Người “trồng táo”-gieo trồng cho tương lai những cơ hội, những “quả phúc”, dẫu biết rằng một ngày kia họ sẽ đi vào dĩ vãng-quên lãng. Đó còn là một triết lý sống cao cả, mà con người luôn cần hướng tới. Điều này hoàn toàn trái ngược với thứ đạo lý của những kẻ phản động-bất lương, chúng chỉ quen với cướp bóc và tận diệt. Loài người đã từng chứng kiến sự tàn độc của những thực thể, những quái thai- như vua hề Charlie Chaplin (1889-1977) đã điểm mặt: “Kẻ độc tài giải phóng chính mình, nhưng lại nô dịch hóa nhân dân”. Rằng đó là kiểu hành xử của những kẻ, mà chúng đặt lẽ sinh tồn của chúng lên trên tất cả.
Nhưng ngay cả khi con người dồn hết tâm lực của “kẻ trồng táo”, nhằm mang lại cho đời sau những điều tốt đẹp, thì thành quả đạt được cũng đâu hẳn đã khả quan. Bởi những gì là chân lý, là lẽ sống của ngày hôm nay, nhưng sau này chưa chắc đã đúng. Chẳng hạn, trong thực tế, có không ít người đều thuộc diện “con ngoan trò giỏi”, được giáo dưỡng đầy đủ, nhưng phải đợi đến vài chục năm sau nhìn lại, sau những đổ vỡ, thậm chí tội lỗi, mới ngộ ra rằng, họ đã bị gia đình và nhà trường nuôi dạy và định hướng phiến diện, sai lạc. Vì vậy, việc giáo dưỡng con trẻ luôn phải hết sức cẩn trọng. Chính điều này đã khiến hầu hết các quốc gia phải “đau đầu”, để có được những chương trình giáo dục, cũng như những nguồn lực đáp ứng.
Cũng vì mang cái tâm của người “trồng táo”, mà cha ông ta hàng nghìn đời nay, vốn rất ghét hạng người chỉ tính chuyện tạm bợ trước mắt, không suy nghĩ đến chuyện lâu dài, và gọi chúng là kẻ “ăn xổi ở thì”. Tiếc rằng trong nhiều thập kỷ qua, căn bệnh này đã bùng phát ở hầu khắp các lĩnh vực,với những căn cớ, biện giải rất đa dạng. Điều này thật vô cùng nguy hại, đặc biệt diễn ra trong giáo dục, gây hệ lụy lâu dài đến tương lai của dân tộc. Và kết cục, rồi cái gì đến sẽ đến! Bởi:
Lòng tin đã ra đi 
Đâu hẹn ngày trở lại
Diệu kỳ thaynhân-quả
Lịch sử không bút xóa(!)

Thật bất hạnh cho một dân tộc, nếu kẻ muốn độc tôn, muốn lưu danh muôn thuở, vốn không có cái tâm của “người trồng táo”, lại là những kẻ quyết định cho tương lai (!) Trong khi đó, thế giới này, lại không bao giờ dành ưu ái cho những dân tộc tụt hậu. Tất nhiên, người ta sẽ ngóng trông -hy vọng vào sự tự thay đổi. Nhưng tiếc thay, kẻ đã thiếu cái tâm của “người trồng táo”, thì sao có cái tâm để tự thay đổi tích cực. Vì thế, sự hóa giải chỉ còn trông chờ vào sức sống và sự trường tồn, vào “hồn thiêng sông núi” và “những cái chết” đúng lúc…
Hơn thế nữa, bởi tạo hóa nghiệt ngã đã dạy cho con người rằng: “Cái chết thực sự là lời chúc phúc lớn lao dành cho nhân loại, không có nó không thể có sự thay đổi, sự tiến bộ. Những người bất tử sẽ không chỉ ngăn trở và làm thối chí người trẻ tuổi, họ còn thiếu đi sự kích thích cần thiết để sáng tạo”. Đó cũng chính là danh ngôn được đúc kết bởi Alfred Adler (1870-1937)-bác sĩ, chuyên gia tâm thần học, người sáng lập ra trường phái tâm lý học cá nhân người Áo. Bởi vậy, những thực thể chống lại sự phát triển, sự tiến bộ của con người, ắt phải ra đi, theo dòng chảy của tạo hóa.

Tinh thần trong danh ngôn của Martin Luther, còn được thể hiện trong tính cách của những dân tộc lớn, những cá nhân, hay tổ chức, làm giàu thêm những phẩm chất tốt đẹp của con người. Điều này thường thể hiện rất rõ vào những thời khắc, mà “gót chân Achilles”, hay những ưu điểm vượt trội của con người được bộc lộ. Chẳng hạn, người ta thấy đẳng cấp cao trong kỷ luật của người Đức, trước hiện tượng “lội ngược dòng”-đến tận những giây phút cuối cùng trong bóng đá, rồi ứng xử rất đáng khâm phục của người Nhật trước động đất-sóng thần, hay tinh thần thép và nhân văn của người Mỹ qua vụ khủng bố kinh hoàng 11/9/2001… Đẳng cấp đó quyết không thể thuộc về loại người, mà như Jan Garrigue Masaryk (1886-1948)-nhà ngoại giao và chính trị gia người Séc, đã bóc mẽ: “Kẻ độc tài luôn luôn tỏ ra tốt đẹp chừng nào chưa tới mười phút cuối cùng”.

Dường như qua lăng kính của “kẻ trồng táo”, nhìn vào nhiều khía cạnh của con người và xã hội, sẽ giúp người ta nhận ra những vấn đề căn cốt của cá nhân, cũng như tổ chức, hay thể chế. Và cũng có thể dùng cái “kích-cỡ” hay chất lượng của “kẻ trồng táo”, như một thước đo lương tri của những thực thể trong xã hội, thậm chí còn làm thước đo cho cái “thang bậc” tiến hóa nghiệt ngã của loài người. Chưa kể, cùng với sự soi chiếu của ánh sáng “nhân-quả”, khiến người ta còn có thể, đoán nhận được tương lai, từ những hành xử của con người trong hiện tại.
___________
(*) Herodes (73 TCN- 4 SCN) được đế chế La Mã cắt đặt cai trị tỉnh Iudaea (nay là vùng đất tranh chấp giữa Israel và Palestine) từ năm 37 TCN đến năm 4 TCN. Theo sách Phúc Âm, khi Chúa Jesus mới sinh, tin đồn về nhiều đặc điểm khác lạ của một kỳ nhân vang xa, và đã đến tai vị vua này. Nhưng do không biết đích xác kỳ nhân mới xuất hiện là ai, Herodes đã hạ lệnh cho giết tất cả các bé trai mới sinh không quá 2 tuổi ở vùng Bethlehem-nơi có đứa trẻ lạ mới sinh, bởi ông lo sợ một ngày kia đứa bé này sẽ trở thành mối đe dọa cho ngai vàng của ông.

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

VÀI CẢM NHẬN VỚI “BÀI CA HY VỌNG”

Dương Quốc Việt
Trời lạnh, mưa bay, mây mù, u ám, nhiễu nhương, dịch bệnh, lòng người bất an… Khiến người ta chỉ còn biết đến cầu mong và hy vọng! Cầu mong điều gì vậy? Phải chăng cầu cho “Bốn phương gió, mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan” … Như lời kết trong một bài ca của Văn Ký, sáng tác cách đây 62 năm-1958, cái thời điểm mà miền Bắc đã và đang trải qua “kiếp nạn-kinh thiên động địa”-Cải cách ruộng đất, Cải tạo tư bản tư doanh, rồi Nhân văn giai phẩm…  “tiếng kêu dậy đất, án ngờ lòa mây”.
BÀI CA HY VỌNG
Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng
Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân
Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương
Nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ
Ước mơ những mùa xuân bóng dáng tương lai
Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm
Có mùa xuân nào đẹp bằng
Về tương lai, ngày quê hương màu xanh áo mới
Chứa chan niềm tin
Đường ta đi xanh thắm mộng đời
Vì tương lai, đàn chim ơi
Cùng ta cất cánh kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu
Bốn phương gió, mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan …
“Từng đôi chim bay đi”… Bay về phương nao-hỡi chim? Tất nhiên phải là phương “ánh sáng” vì “đất lành chim đậu” mà. Rồi đáp án như đã được tìm thấy bởi “Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương”. Phải rồi trời Nam-phương trời của tự do ngày ấy! Phương trời của “Ước mơ những mùa xuân bóng dáng tương lai”. Và xin hãy bay đi “Vì tương lai, đàn chim ơi“, hãy bay về phương Nam để Nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ”, và đó cũng còn là để Cùng ta cất cánh kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu"
62 năm đã trôi qua, nhưng bài ca đã không bao giờ cũ với người Việt Nam. Giờ nhìn lại, nghe lại, cũng như kiểm chứng lại tất cả những gì đã và đang xảy ra trên mảnh đất đau thương này, kẻ thắng-người bại, cái sai-cái đúng, cái được-cái mất, cái chân chính-cái lọc lừa…, người ta sẽ càng thấu hiểu thêm bài ca, cùng nỗi niềm mà tác giả đã gửi gắm-dẫu có thể chỉ là âm vọng được phát ra từ trong sâu thẳm của vô thức, đứng ngoài kiểm soát của lý trí. Bài ca như đã chất chứa những ước vọng-khát khao, cùng biết bao nỗi lòng xứ sở! Xin thầm biết ơn và gửi lòng thành kính tới Người-cha đẻ của bài ca cảm động này!