Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

NĂM MỚI-CÙNG CẦU TRỜI

Dương Quốc Việt

Thế là chỉ còn hơn nửa ngày nữa là sang năm 2022!

Chắc bạn cũng như tôi, trước hết đều mong cho đại dịch sẽ sớm qua, hoặc nhân loại sẽ chế ra được những viên thuốc đặc trị, khiến cho nó chỉ còn như một loại cúm thông thường. Tức là mọi sinh hoạt được trở lại như xưa, ai bị nhiễm thì chỉ việc kiêng khem một chút- rồi uống mấy viên thuốc đó là khỏi. Tôi tin rằng, nhiều nhà khoa học đã và đang nỗ lực để hướng đến mục tiêu này. Vậy chúng ta hãy CÙNG CẦU TRỜI, để cái ngày như thế sẽ sớm đến! 

 

Dẫu vậy trước mắt vẫn chưa tới cái ngày đó. Bởi thế chúng ta vẫn phải gắng trong cái bình thường của dịch, và dẫu không nên để nỗi sợ hãi xâm chiếm, thì cũng không thể "Mải vui quên hết... bộ Y dặn dò” được. 

 

Còn những nhức nhối trong xã hội thì sao? Tôi bỗng nhớ đến những vần thơ, từ thuở những năm 60 của thế kỷ trước. 

 

"Mỗi người làm việc bằng hai

Để cho cán bộ mua đài, mua xe

Mỗi người làm việc bằng ba

Để cho chủ nhiệm xây nhà, lát sân".

 

Thì ra tham nhũng có từ lâu rồi đấy chứ. Nhưng bao nhiêu năm qua, người dân ở khắp nơi khổ sở vì bất công, tham nhũng, thử hỏi đáng độ bao nhiêu kẻ đã bị trừng trị!? Rõ ràng đây là vấn đề của thể chế. 

 

Vậy thì chúng ta lại CÙNG CẦU TRỜI, để người Việt sớm kiến tạo nên một thể chế tốt, để không chỉ hạn chế được những tiêu cực đã qua, mà còn làm cho mọi nguồn lực trong xã hội được phát huy hiệu quả.

 

Cuối cùng xin chia sẻ cùng các bạn đôi vần về phận con dân đất Việt:

 

Ơn trời được sống đến nay

Cháo rau cũng đủ tháng ngày cũng qua

Dám đâu mơ phận người ta

Dẫu rằng chỉ thế mà ơn đã dày(!)


Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2021

CẢM NHẬN VỀ BÓNG ĐÁ QUA KÝ ỨC TUỔI THƠ

Dương Quốc Việt

Cũng như không ít người, tuổi trẻ tôi rất mê bóng đá! Không phải chỉ là khán giả, tôi còn là cầu thủ. Quả thật trên sân cỏ lạ lắm! 

Chẳng hạn trong vai trò thủ môn, có những trận tôi bắt bóng vụng đến mức khó tin, để bóng chui qua háng, mặc dù tốc độ bóng nào có nhanh. Tôi còn xấu hổ mãi khi nhớ lại những hình ảnh vụng về đó. 

Nhưng cũng là tôi, có những trận tôi bắt dính đến mức, mà chính bản thân tôi cũng bất ngờ về mình. Thậm chí tôi còn mong được đội bạn “làm mưa, làm gió” trước khung thành, để tôi được thể hiện mình. Trong các vai cầu thủ khác cũng xảy ra tình trạng tương tự như vậy!

Ngẫm lại tôi thấy, sức mạnh của một cầu thủ trên sân, còn phụ thuộc vào “cái vận” của anh ta khi đó. Nhưng hình như, không phải là trong sự tỉnh táo, mà là sự “si mê”. Còn sức mạnh của toàn đội, chính là cái sức mạnh-trong cơn say của mỗi cá nhân được cộng hưởng. 

Tất nhiên, không phải ai, không phải lúc nào, trong cơn say, cũng có thể “xuất khẩu thành chương” như Lý Bạch. Vì vậy, trong trạng thái “si mê” của mỗi cầu thủ, để một đội bóng chơi hiệu quả, thì cần phải như thế nào, theo tôi đây chính là vấn đề muôn thuở của bóng đá. 

Cũng bởi tại tất cả những người trên sân cỏ đều là những kẻ đang say, nên bóng đá thường hay tạo nên nhiều bất ngờ và hấp dẫn. Và cũng vì thế, khi xem bóng đá, không nên nhìn nhận-phán xét các cầu thủ như những kẻ tỉnh táo, thậm chí đôi khi cả với huấn luyện viên và trọng tài cũng không ngoại lệ. 

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

ĐỨC TIN MÙA GIÁNG SINH 2021

Dương Quốc Việt

Năm 2021 sắp qua! Một năm có vẻ như, có nhiều cái bất ngờ đến với người Việt. Nhưng có lẽ bất ngờ nhất chính là câu chuyện dịch Covid. Hóa ra chúng ta cũng chẳng thể hơn ai trong thế giới này về năng lực phòng chống. Tạo hóa cũng chẳng có gì ưu ái đặc biệt cho người Việt. Thảm họa của đại dịch được chia đều cho tất cả nhân loại! Đó là một thực tế, cần được chấp nhận.

Đặc biệt là cũng chẳng nên hốt hoảng, bất ngờ về những gì đã, đang và sắp xảy ra. Cũng như mọi bệnh tật trong con người đều đã được ủ sẵn, đến lúc nó phải phát tác. Chưa kể nếu đó là một thực thể đã già nua-cũ kỹ, thì dẫu có phát tác bất cứ bệnh gì, cũng chẳng nên lấy làm lạ. Bởi cái quy luật có sinh-có diệt của tạo hóa.

Dẫu vậy, chúng ta có quyền tin vào sự trường tồn của dân tộc mình. Rằng đó còn là một niềm tin chính đáng nhất. Hơn thế nữa, trong thời đại ngày nay, thì niềm tin ấy, cũng chính là niềm tin vào sự phát triển-tiến bộ. Vì thế, như một logic tất yếu, sẽ dẫn đến-niềm tin vào một ngày kia, tất cả những thứ chống lại sự phát triển, sự tiến bộ của đất nước sẽ phải ra đi, sẽ bị cáo chung…

Chúc tất cả có một mùa giáng sinh an toàn và nhiều hy vọng!

Chiều 23/12/2021

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

ÁN TỬ HÌNH DÀNH CHO CHA TÔI?

Dương Quốc Việt

Cha tôi sinh năm 1924, tức tuổi Giáp Tý, là con trai trưởng của ông nội tôi. Thời Pháp ông học trường Bách Nghệ và làm nghề Điện tại Hà Nội. Năm 1956, khi ông nội tôi bị quy địa chủ, thì cũng là lúc cha tôi gặp phải một kiếp nạn kinh hoàng! 

Cha tôi bị bắt giam, không chỉ do con địa chủ, mà còn bị cáo buộc là Quốc dân đảng. Tiếp đó, người ta đã đốt một ngôi nhà của một gia đình địa chủ khác, rồi đưa cha tôi-đang bị giam đến đó chụp ảnh. Họ làm thế, rồi vu cho cha tôi đốt nhà và dùng tấm ảnh làm bằng chứng, như thể bị bắt quả tang. Tôi còn nghe nói, tấm ảnh này còn được đưa lên báo-nhằm minh chứng tội ác của con cháu địa chủ. Như vậy ông đã bị cáo buộc 3 tội danh: con địa chủ, quốc dân đảng và đốt nhà. Nguy cơ cha tôi mang án tử hình là hiện hữu!

Nhưng đâu chỉ có vậy, trong nhà giam, ông còn phải gánh thêm một nỗi sợ hãi khác. Đó là nỗi lo-hai thằng con trai còn quá nhỏ của ông, tức tôi và em tôi, bị đầu độc-hãm hại. Tôi còn nhớ như in, hình ảnh ông nội tôi và cha tôi hai chân bị cùm. Thỉnh thoảng tôi được mẹ đưa đến thăm, cho đến khi cha tôi bị đưa đến một nơi xa, thì tôi không được đến thăm cha nữa. 

Mẹ tôi cùng những thân hữu của gia đình tôi, rất lo cha tôi không chịu đựng được, rồi nghĩ quẩn mà tự tử. Nhưng lạ thay, tại thời điểm đó, mẹ tôi mỗi ngày nhận được một mẩu giấy được vê tròn-thả nơi đầu ngõ nhà bên ngoại, ghi những tin tức-nuôi niềm hy vọng cho cha tôi và gia đình tôi. Trong lúc đang tuyệt vọng, mẹ cũng chẳng kịp nghĩ nhiều, mà chỉ bọc mẩu giấy đó vào nắm cơm-tiếp tế cho chồng, và cũng chỉ mong mang đến cho cha tôi chút hy vọng, để ông khỏi tự sát.

Thế rồi cái gì đến sẽ phải đến, ơn trời, cha tôi đã được thả ra. Ngày gặp lại cha, tôi còn ngượng ngùng (thuở bé tính tôi rất hay thẹn), nấp vào cánh cửa nhìn ông, đến khi ông ra đỡ, tôi mới bật khóc. Cảnh đoàn tụ của gia đình ông tôi, tại ngôi nhà ông dựng từ năm 1924, không chỉ có gia đình, mà còn khá nhiều khách. Trong ký ức của tôi thì đó là một ngày hội ấn tượng nhất trong đời. 

Rồi sau một vài năm sống ở quê, năm 1960 cha tôi được nhận vào làm việc ở Sở Điện Lực Hải Phòng. Ông đặc biệt yêu nghề, là người đã từng tham gia thiết kế hệ thống điện cho một số công trình quốc gia-quan trọng, phụ trách thi công nhiều đường điện ở Miền Bắc trong những năm chiến tranh. Nhưng quá trình thăng tiến của ông luôn bị vướng. Bởi mỗi lần người ta về quê thẩm tra lý lịch, thì chính quyền địa phương, vẫn luôn đưa ra nhiều khúc mắc. Mà đâu chỉ có cha tôi, cái kiếp nạn ấy, còn ảnh hưởng đến cả thế hệ chúng tôi sau này!

Cha tôi mất năm 2006. Người ra đi thanh thản như một ông tiên, sau bữa cơm tối. Sinh thời, ông cũng như mọi người trong gia đình, không muốn nhắc đến những câu chuyện về CCRĐ. Đặc biệt càng không muốn chúng tôi thù hận ai cả. Dẫu vậy, tôi vẫn phải chứng kiến những cái chết tức tưởi-thương tâm, cũng như những cảnh nheo nhóc-điêu tàn nơi quê nhà, cùng với những lời thì thẩm bên tai tôi của những người hàng xóm, rằng đó là những cảnh bị quả báo. Tôi nghe mà xót xa, mà thương cho tất cả những người dân quê tôi ngày ấy!

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2021

THỜI CỦA CÁI NHẤT

Dương Quốc Việt

Chúng tôi lớn lên mọi thứ đã thành khuôn
Vừa hay chật đặt đâu nằm đấy
Mơ về nước Nga thiên đường xứ sở
Say Mao đài quên Bắc thuộc ngàn năm
Ngóng Washington giãy chết từng ngày
Thời đại mới của muôn vàn cái nhất
Hỏi ngôn từ nào xứng để tụng ca
Hỏi bốn nghìn năm đã từng thấy bao giờ!?

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

PHẬT SỐNG CỦA TÔI

Dương Quốc Việt

Vào một buổi tối năm 1956, cái ngày mà “sai nha” xông vào nhà tôi lấy hết mọi thứ-ông nội tôi bị quy thành địa chủ, tôi và em trai tôi, được mẹ đưa sang quê ngoại ở làng bên, để cụ nuôi. Cụ là bà nội của mẹ tôi. Khi đó tôi 3 tuổi, còn em trai tôi 1 tuổi. Cụ chiều chúng tôi lắm. Đêm đêm cụ ôm anh-em tôi vào lòng, với chất giọng trầm buồn miền Trung, cụ kể những câu chuyện, mà tôi có thể hiểu được.

Ngôi nhà 5 gian với mảnh vườn-lối ra cổng với hai hàng tóc tiên xanh-mềm mại, đôi khi chỉ có ba cụ cháu. Tôi còn nhớ như in, những chiều hè tha thẩn một mình bên góc sân, góc vườn, khi mà cụ còn bận việc gì đó, hoặc phải dỗ dành em tôi. Những lúc như thế, tôi làm bạn với những chiếc lông gà, lông chim, rồi thả chúng lên trời theo làn gió, và dõi theo mê mải cho đến khi chúng mất hút trong không trung. Trong ký ức tuổi thơ của tôi, thì đấy là những cuộc chia ly, đầy nhung nhớ-những chiếc lông vũ được thả ra từ bàn tay tôi để chúng được bay về trời. Thậm chí đôi khi trước khi thả, tôi còn ngắm chúng rất kỹ, như thể một người bạn thân thiết nhất, sắp phải rời xa tôi vĩnh viễn.

Ký ức tuổi thơ của tôi còn là những đêm khuya vắng, với những tiếng tù và rùng rợn, báo hiệu những cảnh “tan cửa nát nhà”, đâu đó lại sắp xảy ra. Những lúc như thế, cụ thì thầm, bảo chúng tôi im lặng. Tôi nhớ nhà lắm! Vì vốn thương cháu, chiều cháu, cụ phải dẫn tôi về. Nhà bị tịch thu, những cánh cửa lim bị người ta tháo xuống làm ván nằm. Tôi chạy ra với cây na ở đầu nhà-muốn ôm lấy tất cả cành lá của nó… Rồi nằm xuống một cánh cửa và thấy cụ nói với những người canh gác: Các ông các bà nông dân cho cháu tôi nằm nhờ một lát-nó nhớ nhà quá! Ngày ấy những con cháu địa chủ phải gọi những người nông dân là “ông nông dân, bà nông dân”, thậm chí khi gặp họ còn phải khoanh tay-cúi đầu chào.

Tôi không biết mặt ông bà ngoại, nhưng cụ dường như đã gắng bù đắp cho các chắt, sự thiếu hụt này. Không chỉ tuổi thơ của tôi gắn với cụ, mà cả sau này. Khi còn là sinh viên, nhớ cụ, tôi lại đến gặp cụ, tại gia đình của cậu tôi ở khu tập thể Kim Liên. Mỗi khi gặp cụ, tôi bỗng trở lại như một đứa trẻ ngày nào.

Bà ngoại tôi mất lúc mẹ tôi còn bé, mẹ chỉ có hai chị em. Tuy ông ngoại tôi là viên chức khá, nhưng lại còn gia đình riêng với bà ngoại kế ở rất xa. Vì thế mẹ và cậu tôi lớn lên phần lớn trong sự nuôi dưỡng của cụ. Sau này, tôi nhận ra, mẹ tôi đã ảnh hưởng từ cụ rất nhiều.

Trong ký ức của tôi, cụ là một bà tiên, một vị phật sống, với khuôn mặt đầy đặn-làn da hồng hào-mái tóc bạc trắng như cước. Tuổi thơ gắn với cụ, nhưng quả thật, tôi không hề biết quê quán-gốc gác, cũng như tên thật của cụ. Mặc dù tôi cảm nhận được, ở cụ có sự sang quý khác biệt. Có lẽ không phải chỉ có tôi, mà tất cả các chắt của cụ cũng đều không biết về cụ như tôi. Tất nhiên, không thể, chúng tôi không hỏi cụ, cũng như không hỏi người lớn về chuyện này.

Thế rồi cái gì đến sẽ phải đến. Cụ mất năm 1984, thọ khoảng gần 100 tuổi. Ngày cụ mất, tôi và hầu hết các chắt của cụ đều có mặt để tiễn đưa cụ. Cụ tên là Đào Diệu Huy, quê ở Bình Định. Cụ là con gái của cụ Thượng Đào (gọi theo cách của mẹ tôi), một quan thượng thư họ Đào rất nổi tiếng của triều Huế. Cũng vì thế, các chắt của cụ, mới vỡ lẽ-hiểu ra, vì sao cụ đã phải “mai danh ẩn tích”, giấu đi nguồn gốc của mình, trong thời đại mới. Và cũng mãi sau này, tôi mới được biết cụ là con gái rất giống cha.

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2021

XỨ NGHỆ VỚI TÔI

Dương Quốc Việt

Mẹ tôi quê ở Hưng Yên. Ông nội mẹ làm sếp ở nhà máy điện Bến Thủy-thành phố Vinh. Sau này khi nhắc đến cụ, người ta gọi cụ là cụ Cai. Và cha truyền con nối, con trai cụ, tức ông ngoại tôi cũng giữ chức vụ đó tại nhà máy này. Bà ngoại tôi mất năm 1938. Vì thế ông lấy bà trẻ. Mẹ tôi cũng có thời sống với cha ở Vinh và đi học tại đây. 

Bà ngoại kế của tôi-người làng Vĩnh Tuy-xã Vĩnh Thành-huyện Yên Thành-Nghệ An. Thời kháng chiến chống Pháp, bố-mẹ, cậu và chị gái tôi đã tản cư vào Vĩnh Tuy. Năm 1953 tôi được sinh ra và cô Tuyết là người đón tôi chào đời ở đó. Cùng năm này, ông ngoại tôi mất.

Trong ký ức tuổi thơ, tôi còn nhớ như in bao điều mẹ tôi kể về mảnh đất Vĩnh Tuy, về Thành Vinh. Nơi tôi sinh ra với những hàng rào rau ngót tốt tươi, nhưng ở đó người ta không dùng làm rau ăn, và mẹ thường tắm cho tôi bằng nước rau này. 

Đặc biệt Vĩnh Tuy, còn là nơi đã “đánh dấu” vào góc trên bên trái trán của tôi, như thể nhắc tôi luôn phải nhớ nơi này! Số là vì, lúc tôi độ 6 tháng tuổi, cậu đã cầm một con ba ba còn nhỏ, dứ dứ trước mặt cháu, bất ngờ bị nó thò đầu ra đớp vào trán cháu, để lại một vết sẹo. 

Mẹ tôi kể, ngày ra Bắc, tôi đã khóc suốt mấy dặm đường, ngoái đầu về “Nơi chôn rau cắt rốn” của tôi. Rồi bà kế cũng đưa tiễn một đoạn đường dài, bà cũng khóc rất nhiều, như điềm báo trước sự vĩnh biệt, cùng với những hoạn nạn nào đó sẽ ập đến. 

Thực ra, ngày ấy mẹ tôi buồn lắm, không muốn ra Bắc, mà muốn qua Lào, rồi sang Thái…, nhưng cha tôi không đồng ý. Bởi dường như bà đã linh cảm thấy những điều chẳng lành, đang đón đợi gia đình chúng tôi ngoài đó. Và quả nhiên, sau này ông nội tôi bị quy kết thành địa chủ, cùng với biết bao trắc trở, truân  chuyên khác, đeo bám gia đình chúng tôi, trong nhiều năm sau đó.

Ngày mẹ còn trẻ, mỗi khi nhắc lại những năm tháng, sống ở Vinh, hay Vĩnh Tuy, bà không khỏi tiếc nuối, và càng thêm thương chúng tôi-trong cảnh ngộ hiện tại nơi quê nhà. Mẹ luôn mong mỏi, một ngày nào đó, dẫn tôi thăm lại đất xưa. Nhưng tiếc thay, bởi chiến tranh, nên bà đã không thể thực hiện được ước nguyện này. 

Nhớ lại khi xưa, kể về những chuyện liên quan đến vùng đất Thanh-Nghệ-Tĩnh, mẹ tôi thường nhắc đến một câu đầy bí ẩn: “Của Thanh-Thanh hóa, của Nghệ-Nghệ tan”. Còn với tôi, cho đến nay, được ngồi trên tàu chậm, ngắm nhìn dải đất Miền Trung, vẫn luôn là những điều mà tôi ao ước, dẫu có bao nhiêu lần lặp lại như thế.

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

KỶ NIỆM VỚI “BẬC TỬ TẾ”

Dương Quốc Việt

Lúc còn nhỏ tôi hay được nghe, những người trong đại gia đình, mà trước hết là cha mẹ tôi, nhắc đến chữ Tử Tế, trong rất nhiều câu chuyện thường nhật. Mẹ tôi vốn là người rất khó tính với con cái, mỗi khi bà không bằng lòng với chúng tôi về điều gì, nhất là về hành xử, bà hay nói “tử tế quá”, hay “tử tế thế”, là tôi rất sợ, vì đó chính là lời chỉ trích của bà. 

Nếu tôi nhớ không nhầm, thì chữ “tử tế”, lại ít được dùng trong nhà trường-kể cả trong các bài học. Có lẽ thời học trò của chúng tôi, dường như là thời kỳ của những bài văn Tụng Ca, hay Tố Cáo, cũng như mọi suy nghĩ và hành động đều được định hướng theo chuẩn “đoàn-đội”, vì thế mà chữ Tử Tế không có đất để sử dụng chăng!? 

Vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, tôi cũng không còn nhớ rõ-một lần nào đó đàm đạo cùng một vài bậc đàn anh về chất lượng con người trong các tiểu thuyết cũng như ngoài đời, và chữ Bậc Tử Tế đã được anh em chúng tôi sử dụng. Tất nhiên, chúng tôi cũng chẳng hề bàn thảo thế nào là “bậc tử tế”.

Thế rồi từ đó trong nhiều giao tiếp, nhất là những khi đàm đạo, “bậc tử tế” đã được tôi sử dụng, để khẳng định thứ bậc-một con người, hay một nhân vật nào đó. Chẳng hạn bàn luận về những nhân vật trong Tam Quốc diễn nghĩa, thì Lỗ Túc là bậc tử tế, nhưng Chu Du và Gia Cát Lượng thì tôi không xếp vào bậc tử tế, mặc dù hai người này có mưu lược vượt trội so với Lỗ Túc…

Hồi tưởng lại về một khoảng thời gian-độ mươi năm, từ đầu những năm 70 đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chẳng hiểu sao, tôi rất hay dùng chữ “bậc tử tế”-trong những câu chuyện vui với bạn bè, và bù lại cũng rất được các bạn hưởng ứng.

Vì thế nhiều khi gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, các bạn lại vui đùa kể bữa nọ bữa kia gặp những “bậc tử tế”, hoặc không phải “bậc tử tế”, như cố ý nhắc lại chữ này với tôi, nhằm để đùa vui và làm tăng thêm độ thân mật-gần gũi. Thậm chí có bạn còn hỏi đùa tôi- ông A, ông B gì đó có được là “bậc tử tế” không?

Rồi cũng từ lâu lắm rồi, chắc cũng vào khoảng 40 năm qua, “bậc tử tế” dường như không còn được tôi sử dụng, cũng như không được nghe thấy ai nói đến nữa. Nhưng có lẽ suy nghĩ cho tử tế, nói cho tử tế, ăn mặc cho tử tế, làm việc cho tử tế, sống cho tử tế… chẳng phải là những nỗ lực và kỳ vọng của mỗi cuộc đời sao?

Trải nghiệm càng nhiều tôi càng nhận ra, sự tử tế, mới chính là cái đã và đang bị thiếu hụt nhiều nhất trong xã hội này. Và phải chăng, chỉ khi nào cái TỬ TẾ lên ngôi, và những người có vai trò lãnh đạo-dẫn dắt công chúng ở tất cả các lĩnh vực, đều là những BẬC TỬ TẾ, thì xã hội mới có cơ hội phát triển lành mạnh và tiến bộ!?

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

CỐT CÁN?

Dương Quốc Việt

Ấy là những người nòng cốt- đấu tố trong CCRĐ, và thường cũng là những người được chia “quả thực”. Vậy cuối cùng họ sẽ ra sao?

Đa số họ bị kích động mạnh, bị lừa phỉnh, được mớm nhời, nhất thời trở thành những kẻ điêu dối, vu cáo, hung hãn, ngộ nhận. Họ đã để lại những hình ảnh rất xấu, bị dân làng kiềng mặt. Những thứ họ được chia, người ta đều ghi nhớ nguồn gốc. 

Như vậy không chỉ cái nghèo vẫn đeo bám họ, mà nay họ còn bị đeo mang thêm cả tiếng xấu, nỗi nhục, với những cái nhìn khinh bỉ của đồng loại. Thành thử họ bị rơi vào thảm cảnh mới, thật tội nghiệp! 

Có thể nói trong lịch sử dân tộc, chưa bao giờ người Việt bị làm nhục, bị chia rẽ đến như vậy! Đau đớn thay:

“Bởi đâu duyên cớ gây nên nỗi? 
Đất bằng sóng nổi lệ tuôn rơi
Những thời bão táp hồ xứ sở
Một tiếng tịnh không tấm chân tình”.
(Xuân đến-DQV)

Dẫu biết rằng chuyện cũ nhắc lại thêm buồn, nhưng lịch sử cần phải khắc ghi những điều như thế, để nhắc nhở-cảnh báo con người. Vả lại, như Victor Hugo đã từng nói: “Lịch sử là gìĐó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ".

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

ÔNG NỘI TÔI

Dương Quốc Việt

Ngày 8/11-âm lịch, ngày giỗ ông-người mất năm 1977, khi đó tôi ở xa nên không thể về được. Ngày này hàng năm, đại gia đình chúng tôi, tập trung tại chính ngôi nhà ông dựng từ năm 1924. 

Ông sinh năm 1893, tuổi Quý Tỵ, tôi ẩn tuổi ông và là cháu đích tôn. Cụ cố sinh ra ông làm thợ may, mất khi ông mới 3 tuổi. Nhà chỉ có 2 anh em, anh trai của ông nối nghiệp cha. 

Ông tôi tham gia trọn vẹn Chiến tranh thế giới Thứ Nhất (1914-1918). Suốt 4 năm của cuộc chiến, ông làm nghề sửa chữa Đường Sắt tại Paris. Nhờ thế mà ông có được một khoản tiền lớn, để tậu vườn, tậu ruộng, cưới vợ-lập gia đình riêng.

Ông kể, nếu không đi Tây như thế, thì ông không lấy được bà nội, vì bà nội tôi là con gái nhà giàu. Ông cũng là người ủng hộ kháng chiến tích cực, nuôi giấu Việt Minh.

Hòa bình lập lại, ông bị quy thành địa chủ, nhà cửa ruộng đất bị tịch thu hết. Dẫu vậy, nhưng tôi cảm như ông không tiếc của! 

Mà cái điều ông xót xa nhất, chính là, cái cảnh ông bị đấu tố. Nhất là những người đáng lẽ phải chịu ơn ông, cũng vu cáo tội cho ông. Là người tin người-giúp người, ông lại bị chứng kiến cái “điêu xảo” lên ngôi, trở mặt… thử hỏi ông mất niềm tin như thế nào!?

Những năm cuối đời, ông hay kể về những kỷ niệm thời ông ở Paris. Rồi đã sau mấy chục năm về quê lập nghiệp, bỗng ông bất ngờ nhận được một khoản tiền gửi từ Pháp về. Hóa ra đó là một khoản tiền phúc lợi gì đó, nơi cơ quan cũ của ông ở Paris khi xưa, họ chia cho ông. Ông cảm động nhắc lại chuyện này, như muốn đề cập đến cái sự ăn ở-cư xử của những người văn minh!?

Và năm nay, một năm dịch bệnh, chỉ mong sao ngày giỗ ông, khi đó hậu duệ của ông, tập trung được đông đủ nhất có thể!

Hà Nội-29/11/2021