Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

NHỜ LÀNG PHÁN XÉT

Đã đăng trong VHNA: Một tính cách của người… Ta!? , đăng lại bởi TNc: NHỜ LÀNG PHÁN XÉT  và TPM:  Một tính cách người…Ta

____________________

Phải chăng mỗi dân tộc dường như  đều có một số phận riêng, mà chính văn hóa và tính cách của họ đã tạo nên số phận riêng ấy.

_____________________

Dân chín mươi triệu thành học giả                                                                                               

Mỗi đình làng một viện hàn lâm.

Ngồi rỗi nhặt lại vài mẩu vặt, chẳng biết là góp vui, hay góp buồn để làng phán xét!

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

BỘ MÔN PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY TRONG CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM

Dương Quốc Việt

Bộ môn phương pháp giảng dạy trong các trường sư phạm, Tia Sáng, 8 (20. 4. 2017)41-42. Online:  Bộ môn phương pháp giảng dạy trong các trường sư phạm

__________________
Thực tế nước ta trong nhiều năm qua, ở tất cả các khoa của các trường đại học Sư phạm đều có Bộ môn Phương pháp giảng dạy, mà những người bảo vệ luận án tiến sĩ, hay nhận học hàm phó giáo sư, giáo sư thuộc chuyên ngành này, đều được xem là thuộc về khoa học giáo dục, tức là những kết quả nghiên cứu mới của họ, như những đóng góp mới cho khoa học giáo dục. Mặt khác, có không ít những bộ môn phương pháp giảng dạy, đã và đang là những cơ sở đào tạo tiến sĩ rất mạnh, rồi không ít thành viên của họ nhanh chóng đạt được học hàm cao. Như vậy về logic thì những cơ sở này ắt phải là những cơ sở có nghiên cứu khoa học mạnh. Hơn nữa, vì đặc thù của bộ môn này, như  chính tên gọi, người ta có thể thấy sự ảnh hưởng không nhỏ của nó đến  giáo dục. Rằng đó chính là những điều khiến xã hội quan tâm đến thực chất của chuyên ngành này.
Lựa chọn các phương pháp giảng dạy, hay các phương pháp học tập, trong quá trình dạy và học, đương nhiên phải là sự gắn kết cao giữa khoa học chuyên ngành với khoa học giáo dục, cùng với thực tiễn. Nếu chỉ trong một tiết dạy, thì ảnh hưởng của việc lựa chọn phương pháp giảng dạy đúng hay sai, không lớn. Nhưng nếu đưa ra một phương pháp giảng dạy mới, hay một phương pháp học tập mới, và được phổ biến như một kết quả khoa học, thì đó là một vấn đề cực kỳ hệ trọng. Vì vậy tối thiểu trước hết nó cần phải được công bố, thông thường là trên các tạp chí có uy tín, và đương nhiên phải được phản biện kỹ càng  qua các chuyên gia. Rồi ngay cả khi đã được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, thì việc ứng dụng những kết quả đó, người ta cũng cần phải hết sức thận trọng. Điều này cũng như các phương pháp điều trị bệnh trong ngành Y vậy!
Điều gì sẽ xảy ra, khi hầu hết các kết quả nghiên cứu mới của các tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư của chuyên ngành phương pháp giảng dạy ở ta không có khả năng công bố trong các tạp chí quốc tế. Chẳng hạn, theo thống kê của GS Hoàng Xuân Phú: “Ngành giáo dục học có 272 tạp chí ISI, nhưng tất cả 34 PGS và GS được phong năm 2016 của ngành này gộp lại chỉ có mỗi 1 bài ISI/Scopus” (xem bài “Nghịch lý giáo sư, phó giáo sư: Sững sờ trước những con số”, Chuyên mục Giáo dục, Thanh Niên, 11-4-2017). Rõ ràng với tư cách là một khoa học, thì khoa học giáo dục với các kết quả của nó, không có lý do gì, không thể cất cánh ra khỏi biên giới quốc gia. Vậy thì những bài báo đã công bố của các tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư của chuyên ngành phương pháp giảng dạy ở dạng nào, chúng có phải là những bài báo khoa học (original articles) hay không, có thể mang ra để tính điểm công trình trong việc xét học hàm PGS/GS  được không ? Và nếu chúng được áp dụng thì rủi-may trong giáo dục sẽ ra sao, và ai là người chịu trách nhiệm ?
Một thực tế nhức nhối, là sự xuất hiện những phương pháp dạy và học kiểu “mỳ ăn liền”, được sử dụng công khai ở không ít trung tâm, thu hút không ít người học, đặc biệt là trẻ em, không thể không liên quan đến các bộ môn phương pháp giảng dạy. Cần nhấn mạnh rằng, ngay cả lối dạy học có khuynh hướng  thực dụng, cũng luôn được cảnh tỉnh, huống chi lại là phương pháp kiểu “mỳ ăn liền”.  Xin lắng nghe Einstein  cảnh báo: “Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở  thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có được một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có được một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng” (A. Einstein, Thế giới như  tôi thấy, NXB Tri thúc 2007, trang 48).
Như vậy việc giảng dạy ngay cả khi đã đạt được kiến thức chuyên môn cho người học vẫn chưa đủ, mà còn cần phải hướng tới mục tiêu cao cả trong giáo dục con người. Điều này càng đòi hỏi gắt gao về độ chuẩn xác của phương pháp giảng dạy. Do đó những kết quả nghiên cứu, được sản sinh ra từ các “chuyên gia phương pháp giảng dạy”,  không có khả năng công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, cần phải được đánh giá lại đúng thực trạng của nó. Rằng nếu nó chỉ được “đắp chiếu” để đấy, và chủ nhân của chúng chỉ lấy những học hàm, học vị cốt để có danh, hay hưởng lương thì đi một nhẽ (!) Nhưng những kết quả ấy cùng chủ nhân của nó, được thừa nhận và được trọng dụng trong giáo dục, thì hệ quả sẽ ra sao? Ngoài ra, sự không tương thích giữa năng lực nghiên cứu khoa học với việc có nhiều học hàm học vị cao cũng như đào tạo tiến sĩ rất mạnh, là những điều rất không bình thường ở nhiều thành viên của chuyên ngành này, chắc chắn để lại nhiều hệ lụy cho  xã hội,  rõ ràng đó  còn là một vấn đề của quản lý giáo dục.
Xin nhắc lại rằng, phương pháp giảng dạy các bộ môn chỉ có thể tin cậy được, nếu nó thể hiện được sự  kết hợp nhuần nhuyễn giữa khoa học chuyên ngành với khoa học giáo dục, cùng với nhu cầu của thực tiễn. Việc tùy tiện đưa ra và phổ biến các phương pháp giảng dạy mới, là điều không thể, nhất là nếu nó còn chưa được công nhận bởi một hệ thống phản biện đủ mạnh. Vì vậy các Trường đại học Sư phạm, cần phải đánh giá đúng thực trạng của Bộ môn Phương pháp giảng dạy, từ chương trình và giáo trình trong đào tạo đại học, đến những đề tài luận án tiến sĩ… Nên chăng cần phải xác định rõ đối tượng và nhiệm vụ của bộ môn này một cách khoa học, trên cơ sở tham khảo từ các nền giáo dục tiên tiến, từ đó định ra những yêu cầu tối thiểu về trình độ của giảng viên. Vì vai trò quan trọng của nó, trong việc đào tạo nghề cho những nhà giáo tương lai, nên nó cần phải được đặc biệt quan tâm, từ khâu tuyển chọn giảng viên, đến việc đòi hỏi gắt gao tính chuẩn mực và công bố quốc tế đối với các kết quả nghiên cứu mới!
_____________________________________

Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

SUY NGHĨ VỀ MỘT TRƯỜNG SƯ PHẠM QUỐC GIA


Dương Quốc Việt
_______________________________
Đặt vị trí tương xứng cho Trường  ĐHSP Quốc gia là một việc hết sức nghiêm túc. Rõ ràng nó không thể chỉ là một trường thực hành, đào tạo nghề, mà nó phải là một đại học nghiên cứu, mạnh về khoa học cơ bản, trong đó đặc biệt mạnh về khoa học giáo dục!
Hệ thống các trường đại học Sư phạm trong suốt nhiều năm qua đóng vai trò quan trọng trong nền giáo dục nước nhà. Trong hệ thống này, Trường Đại học Sư  phạm Hà Nội (ĐHSPHN) có một vị trí đặc biệt. Nó dường như là cỗ “máy cái” của hệ thống Sư phạm. Ngày nay không ít khoa của trường, đang có những bước phát triển tốt về khoa học cơ bản. Nhưng vấn đề mà xã hội đang quan tâm, là sẽ định hướng phát triển Trường ĐHSPHN như thế nào, rằng nó được đặt ở vị trí nào trong hệ thống giáo dục ?
Từ lịch sử phát triển của Trường ĐHSPHN trong hơn 65 năm qua, thì rõ ràng trường này phải chịu trách nhiệm không nhỏ đối với giáo dục nước nhà. Nhưng sứ mệnh của Trường ĐHSPHN còn hay hết, và tương lai của nó sẽ ra sao? Trong hiện tại, người ta hay bàn thảo về loại hình của trường này, rằng nó cần được ưu tiên phát triển khoa học giáo dục, hay khoa học cơ bản, hay cả hai, hoặc nó có là một đại học nghiên cứu hay không ? Nhưng dù bất kể quan niệm như thế nào, thì rõ ràng một trường như ĐHSPHN, phải là trường dẫn đầu về khoa học giáo dục. Vấn đề là khoa học  giáo dục  ở Trường ĐHSPHN đã và đang phát triển đến đâu ?
Cũng cần nhấn mạnh rằng, phương pháp dạy học, phương pháp giáo dục cũng như việc tổ chức dạy học, luôn xuất hiện ở mọi loại hình đào tạo. Song những công việc đó dường như mới chỉ dừng lại ở đúc rút kinh nghiệm, thực hành, chưa thành một vấn đề khoa học. Trong khi đó cái mà chúng ta cần đó là khoa học giáo dục. Rõ ràng nó có vai trò như một khoa học cơ bản, gắn liền với các trường Sư phạm. Phải chăng đất nước đang gặp nhiều khó khăn trong cải tổ giáo dục, rồi ngay cả triết lý giáo dục, đó là vì khoa học giáo dục còn nhiều hạn chế. Khắt khe hơn, có người đã đặt câu hỏi: Chúng ta đã thực sự có khoa học giáo dục hay chưa ?
Nhân đây người viết kiến nghị rằng, các trường đại học Sư phạm nói chung, đặc biệt Trường ĐHSPHN, nếu vai trò là Trường  ĐHSP Quốc gia, thì nó cần phải là một trường đại học nghiên cứu, trong đó nhất thiết phải mạnh về khoa học giáo dục. Bên cạnh đó, phương pháp dạy học, phương pháp giáo dục… phải là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các khoa học chuyên ngành và khoa học giáo dục, cùng với thực tiễn phát triển xã hội! Rằng quyết không thể dùng chủ nghĩa kinh nghiệm, thay cho khoa học.
Cũng cần nói thêm rằng, nền học thuật của chúng ta chưa bao giờ đạt tới “hàn lâm”, cũng như khoa học giáo dục chưa thực sự phát triển, vì thế mà khuynh hướng thực dụng trong giáo dục luôn dễ có cơ hội nảy nở. Điều này thật nguy hại như  Einstein  đã từng cảnh báo: “Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở  thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có được một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời.  Anh ta phải được dạy để có được một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng” (A. Einstein, Thế giới như  tôi thấy, NXB Tri thúc 2007, trang 48).
Sơ bộ có thể thấy khoảng 250 tạp chí trong hệ thống ISI về nghiên cứu giáo dục-một sân chơi rộng mở. Rõ ràng với tư cách như  một khoa học cơ bản, thì khoa học giáo dục với các kết quả của nó, không có lý do gì, không thể cất cánh ra khỏi biên giới quốc gia.  Phương pháp giảng dạy các bộ môn chỉ có thể tin cậy được, nếu nó thể hiện được sự gắn kết cao giữa khoa học chuyên ngành với khoa học giáo dục, cùng với nhu cầu của thực tiễn.
Cuối cùng  người viết cho rằng, đặt vị trí tương xứng cho Trường  ĐHSP Quốc gia là một việc hết sức nghiêm túc. Rõ ràng nó không thể chỉ là một trường thực hành, đào tạo nghề, mà nó phải là một đại học nghiên cứu, mạnh về khoa học cơ bản, trong đó đặc biệt mạnh về khoa học giáo dục!
________________________
Xem thêm “Giả cày’ – Phiếm luận của Dương Quốc Việt – Hội-Nhà-Văn-Hải-Phòng   

Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

CÂN BẰNG CỦA TỰ NHIÊN

Dương Quốc Việt
Đã đăng trong VHNA: Cân bằng của tự nhiên   và  TS:  Cân bằng của tự nhiên
________________
Không biết chúng ta đã lấy đi cái gì của bụt, mà loay hoay không sao trả được, để mong ngài đại xá (?)  Cũng như con người đã lấy đi màu xanh của rừng, cướp đi không gian sinh tồn của bao loài, để đến hôm nay, chính con người đang bị trả giá, bởi sự nổi giận của thiên nhiên. “Cái gì của Ceasar thì trả lại cho Ceasar“, âu cũng là lời nhắc nhở người ta nhiều điều…
Nhìn vào một xã hội có quy củ, không ai là không thích. Nhưng cái mà được coi là quy củ, thì lại không có chuẩn mực chung. Tự nhiên cũng như xã hội, những quần thể trong đó, bao giờ cũng được điều chỉnh bởi “luật tối ưu” cục bộ và tính cộng sinh cục bộ… Dường như tạo hóa được chi phối bởi “luật cân bằng”. Nhưng cái sự cân bằng của tạo hóa, lại đôi khi, thậm chí chống lại cái mong muốn công bằng, hay quy củ của con người. Nhưng như những gì mà loài người đã trải qua, thì tất cả những ước muốn đổi thay, hay kiến tạo của con người, dù động cơ có tốt đẹp đến mấy, thì đều bị kiểm chứng khắt khe bởi “luật cân bằng” của tạo hóa. Rằng tất cả những gì thuộc về con người kiến tạo, chúng có đứng vững được hay không, là tùy thuộc vào sự phù hợp với “luật cân bằng” của tạo hóa đến đâu.
Xin kể  lại một câu chuyện có thật, đã xảy ra ở một trường cấp 3, mà sau này nó đã bị giải thể. Ngày ấy vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ông hiệu trưởng của trường đó, rất muốn xây dựng trường thành một trường điểm. Để làm điều đó, ông đã quản giáo viên rất chặt, vi thực chất ông không muốn giáo viên làm thêm bất cứ việc gì, tất nhiên trong đó có cả việc dạy thêm. Nhưng trớ trêu thay, ngay cả ông nữa không ai sống được bằng lương. Kết cục ở đó, người ta gầm ghè nhau suốt ngày, đơn kiện lên sở liên tục về chuyện này chuyện kia. Rồi ngay cả những việc nhỏ nhặt nhất, cũng được giáo viên, học sinh trường đó phóng đại. Các thầy cô khổ quá, nên chỉ đứng lớp giảng bài cho xong giờ (!) Vi vậy mà chất lượng của trường rất thấp, thậm chí còn xuất hiện tệ nạn trò hối lộ thầy, để xin điểm. Thế rồi một lần, ông bị một giáo viên, bắt tận tay, cùng với người làm chứng, vì cái tội, ông đã mang 2 bao xi-măng mà ông ăn bớt, từ việc xây dựng trường về nhà mình, thế là ông bị mất chức. Cái sự ông bị trả giá chỉ là chuyện nhỏ, nhưng cái điều đáng bàn ở đây, chính là cái luật sinh tồn-tính cân bằng của tạo hóa đã bị người ta phá vỡ. Hình như ông đã xây dựng trường theo một quy củ-đúng quy chế, nhưng ông đã đi ngược  lại cái “luật cân bằng”  của tạo hóa !?
Ngày nay không phải đa số không muốn thay đổi, không muốn làm lại, để đất nước khá hơn. Nhưng tại sao nhận thức thì như thế, mà khó làm đến thế ?! Mặc dù các cách lý giải cho nghịch lý này vốn đã quá nhiều, nhưng có lẽ thử bình tâm nhìn lại một chút về đội ngũ hưởng lương trong khu vực công từ xưa đến nay, sẽ có cái nhìn thực tế hơn chăng ?
Số đông trong một thời gian quá dài đồng lương không đủ sống, gần như cả một xã hội công chức như thế. Nhưng cuộc sống vẫn phải đi lên, vẫn phải sống! Và không ai bảo ai, phải lăn vào kiếm tiền, để thoát nheo nhóc… Mỗi một cá nhân công chức, đã phải mưu sinh trong hai thế giới, một thế giới cơ quan với đồng lương nhà nước, và một thế giới ngoài cơ quan với thu nhập không công khai. Mọi người đều phải thế, nhà nhà đều phải thế. Hơn thế nữa, dường như hai cái thế giới này hỗ trợ cho nhau. Người ta còn có thể chấp nhận làm việc tại cơ quan, là nhờ những đồng tiền kiếm được từ bên ngoài. Ngược lại chỗ đứng ở cơ quan, cũng tạo cho họ một cái thế nhất định với thế giới bên ngoài. Cuộc sống cứ thế kéo dài, đại đa số người ta làm công việc cơ quan chỉ mang tính chất đối phó, nghĩa vụ, giữ chân, và tạo thế cho mình. Một thực trạng kéo dài như vậy, và người ta phải vui vẻ chấp nhận-thích ứng, vả lại không chấp nhận thì cũng chẳng làm gì khác được.  Rằng đó là một kiểu “cân bằng tự nhiên” cục bộ trong các cơ quan. Tất nhiên cái thích ứng với không gian đó, sẽ được thể hiện dưới dạng tối ưu: “tiền nào của ấy”,  hay “khó người khó ta”, chẳng ai bảo ai, người ta theo nhau, học nhau, biết điều mà sống (!)
Không phải không có người không biết trăn trở,  mong mỏi,  có một giải pháp hữu hiệu nào đó, để tiến lên phía trước, để không bị sa chân vào cái bẫy thu nhập trung bình của thế giới, hoặc chí ít xã hội cũng bớt đi tiêu cực, hay xuống cấp về đạo đức.  Dân gian có thơ rằng:
Của bụt mất một đền mười 
Bụt hãy còn cười, bụt chả lấy cho
.”
Không biết chúng ta đã lấy đi cái gì của bụt, mà loay hoay không sao trả được, để mong ngài đại xá (?)  Cũng như con người đã lấy đi màu xanh của rừng, cướp đi không gian sinh tồn của bao loài, để đến hôm nay, chính con người đang bị trả giá, bởi sự nổi giận của thiên nhiên. “Cái gì của Ceasar thì trả lại cho Ceasar“, âu cũng là lời nhắc nhở người ta nhiều điều. Và phải chăng khoán 10, ruộng đất trả lại cho nông dân, cũng chính là cái điều người ta trả lại tự nhiên cái vốn dĩ của nó, để đã làm nên một bứt phá ngoạn mục trong nông nghiệp. Nhưng dường như để giữ được sự thăng bằng, bình thường theo dòng chảy của tạo hóa, nhân loại luôn bị trả giá từ những điều bất bình thường, bất tự nhiên, xuất hiện thường trực. Và hơn thế nữa, chính trong cái không gian bất cân bằng  đó, cũng tạo nên một cộng đồng thích ứng, chưa kể những tầng lớp thành đạt-hưởng lợi từ nó, vì thế sự đổi  thay luôn là những thách thức to lớn đối với con người.

HÃY ĐỂ ĐƯỢC BÌNH THƯỜNG

  Dương Quốc Việt
 ___________________
Lịch sử loài người cho thấy, càng mong manh yếu đuối, rối loạn, thì càng nhiều lý sự rối rắm, chiến tích, danh hiệu, bằng sắc, minh chứng mơ  hồ.  Bức tường sừng sững với dây leo quanh mình. Một ngày kia dẫu tường có đổ, nhưng dây leo vẫn còn. Ấy là một hiện tượng tự nhiên bình thường. Nhưng chết nỗi là không ít những kẻ giáo điều-lươn lẹo, lại ra công ca tụng cái khí phách và bản lĩnh của dây leo…  Ô hay, đã là dây leo thì chúng chỉ cần có chỗ bám là chúng sống được, nhưng nguyên cớ nào người ta lại cứ cố làm cho điều bình thường trở thành phi thường (!?)  Hóa ra thiên hạ vẫn luôn tồn tại những thuyết lý về sự trường tồn của dây leo.  Dây leo vốn không có hình thù, mà hình thù của chúng phụ họa theo hình thù của vật mà chúng  bám. Ấy thế mà nhung nhúc một lũ ăn không ngồi rồi, cứ ra công tô vẽ cho hình thù của nó. Vì thế mới thành ra, tầng tầng lớp lớp những lý thuyết hổ lốn cho hình thù của dây leo, khiến thiên hạ bị nhồi  sọ khốn khổ (!)
***
Xin được dẫn lại (chẳng hạn như từ Cổ Học Tinh Hoa) cuộc đối thoại giữa hai nhà tư tưởng cổ đại Trung Hoa dưới đây, đã để lại cho hậu thế nhiều điều suy ngẫm.
Ngày 1 tháng 9 năm 478 trước công nguyên, Lão Tử (93 tuổi) đi về nước Tần. Lúc đi qua cửa Hàm Cốc, quan Lệnh tên là Doãn Hỷ đã biết trước, nên sai người quét dọn đường để nghênh đón.  Gặp Lão Tử, Doãn Hỷ nói: “Tiên sinh Ngài muốn ẩn cư, sau này không còn được nghe Ngài dạy bảo nữa, kính xin tiên sinh viết sách để truyền lại cho hậu thế!”. Lão Tử ở Trung Nguyên chưa từng viết ra điều gì. Ông thấy  Doãn Hỷ thành tâm, nên tạm dừng lại nơi này một thời gian ngắn, viết ra cuốn: “Đạo Đức kinh”. Sau đó, Lão Tử ra khỏi cửa Hàm Cốc đi về phía Tây, vượt qua vùng Lưu Sa-một vùng sa mạc lớn ở Tân Cương, rồi không ai biết   ông đã đi đâu.
Khổng Tử từng đến kinh đô nhà  Chu, thỉnh giáo Lão Tử về lễ chế. Một ngày, Khổng Tử cưỡi một chiếc xe cũ do trâu kéo, lắc la lắc lư tiến vào thành Lạc Dương – kinh đô của nhà Chu. Ông đi lần này mục đích là để tham quan “các nguyên tắc trị nước mà các vị tiên vương đã dùng”, khảo sát “nguồn gốc của lễ nhạc”, học tập “các quy phạm đạo đức”. Và sau khi hoàn thành việc khảo sát lần đó, ông đã nói một câu, được lưu truyền  rằng: “Trong số rất nhiều học thuyết trên đời, ta chọn theo (học thuyết) của nhà Chu”. Chế độ lễ nghi thời đại nhà Chu là phỏng theo lễ chế thời đại nhà Hạ và nhà Thương, và Khổng Tử chủ trương sử dụng lễ chế của thời đại nhà Chu.
Khổng Tử bái kiến Lão Tử. Lão Tử hỏi Khổng Tử đọc sách gì, ông đáp:“Chu Dịch”-và Thánh nhân đều đọc sách này. Lão tử nói: “Thánh nhân đọc sách này thì được, còn ông vì sao cần phải đọc nó? Tinh hoa của quyển sách này là gì?”.  Khổng Tử trả lời: “Tinh hoa của nó là tuyên dương nhân nghĩa“. Lão Tử nói: “Cái gọi là nhân nghĩa, đó là một thứ mê hoặc lòng người, giống như  muỗi rận ban đêm cắn người, chỉ có thể làm người ta thêm hỗn loạn và phiền não mà thôi. Ông xem, con chim Thiên nga kia không cần tắm rửa mà lông vũ tự nhiên vẫn trắng như tuyết, Quạ đen hàng ngày không nhuộm lông mà tự nhiên vẫn đen. Trời vốn là cao, đất vốn là dày, mặt trời mặt trăng từ trước tới nay đã phát ra ánh sáng rực rỡ, tinh thần từ trước tới nay chính là đã được an bài có trật tự, cây cỏ từ lúc sinh ra thì đã khác nhau. Nếu như ông tu Đạo, vậy cũng thuận theo quy luật tồn tại của tự nhiên, tự nhiên là có thể đắc Đạo. Tuyên dương những thứ nhân nghĩa để làm gì đây? Chẳng phải điều đó cũng đáng tức cười như việc vừa đánh trống vừa đi tìm một con dê thất lạc hay sao?”
Lão Tử lại hỏi Khổng Tử: “Ông cho rằng tự mình đắc Đạo rồi chưa?”. Khổng Tử đáp: “Tôi đã tìm cầu 27 năm rồi, vẫn chưa đắc được”.  Lão Tử  mới nói: “Nếu như Đạo là một thứ hữu hình có thể tìm kiếm và dâng hiến cho con người, thì người ta sẽ tranh giành nó đem dâng tặng cho quân vương. Nếu như Đạo có thể đem tặng cho người khác, thì người ta sẽ đem tặng nó cho người thân. Nếu như Đạo có thể giảng rõ ra được, người ta sẽ đem nó giảng giải cho anh em của mình. Nếu như Đạo có thể truyền thụ cho người khác, thì người ta đều sẽ tranh nhau truyền nó cho con cái mình. Song những chuyện như thế là không thể được. Nguyên nhân rất đơn giản, Đạo ấy chính là thứ mà một người bình thường không thể nhận thức một cách chính xác được, Đạo tuyệt đối sẽ không thể nhập vào tâm của người thường được”.
Khổng Tử nói: “Tôi nghiên cứu ‘Thi Kinh’, ‘Thượng Thư’, ‘Lễ’, ‘Nhạc’, ‘Dịch’, ‘Xuân Thu’, giảng nói đạo lý trị quốc của các vị tiên vương, hiểu rõ con đường thành công của Chu Công, Triệu Công. Tôi đã lấy đó để bái kiến 70 quân vương, nhưng họ đều không chọn dùng chủ trương của tôi. Xem ra người ta thật là khó thuyết phục được!”.  Lão Tử nói: “Ông nói ‘Lục Nghệ’ ấy tất cả đều là những thứ xưa cũ của thời đại các tiên vương, ông nói những thứ đó để làm gì đây? Thành tựu tu học mà ông đạt được hôm nay cũng đều là những thứ xưa cũ rồi”.
Khổng Tử thỉnh giáo xong lễ chế nhà Chu, liền quyết tâm trở về nước Lỗ khôi phục lại nguyên xi lễ nghi của nhà Chu. Lão Tử đối với việc này vẫn bảo lưu ý kiến. Bởi vì lễ tuy là cần phải có, nhưng muốn khôi phục toàn diện lễ nghi nhà Chu, e rằng không thể làm được. Thời thế thay đổi, chút lễ nghi nhà Chu ấy cũng không thích hợp với tình huống đương thời nữa. Vì vậy Lão Tử nói với Khổng Tử: “Ông theo lời những người đó, xương cốt của họ đều đã mục nát cả rồi, chỉ là những lời bàn luận của họ là còn tồn tại mà thôi. Hơn nữa quân tử gặp được thời cơ chính trị  thì liền theo chính, thời cơ không thích hợp thì cũng như cây cỏ bồng kia gặp sao yên vậy. Tôi nghe nói: Người giỏi kinh doanh đem cất giấu của cải hàng hóa, không cho người thác trông thấy, mặc dù giàu có nhưng dường như cái gì cũng không có. Người quân tử Đức cao thường bề ngoài cũng giống như người ngu độn, không để lộ chân tướng ra ngoài. Ông cần phải vứt bỏ tâm kiêu ngạo và dục vọng, vứt bỏ tâm thái và thần sắc mà ông đang có kia đi, vứt bỏ chí hướng quá truy cầu kia đi, bởi vì những thứ này đối với ông chẳng có chỗ nào tốt cả. Đó chính là những gì mà tôi muốn cho ông biết”.
Khổng Tử không biết  trả lời ra sao, nhưng vẫn không buông bỏ chí hướng của mình: Đại trượng phu “biết rõ những việc không thể làm mà vẫn làm”. Tham quan xong các vùng đất  khác, Khổng Tử cáo từ Lão Tử, mang theo trong lòng những nỗi niềm phấn khởi xen lẫn với thất vọng mà rời kinh đô Lạc Dương của nhà Chu. Phấn khởi là vì học hỏi lễ giáo đã thành công, thất vọng là vì những lời khuyến cáo của Lão Tử. Phía sau lưng ông, một bia đá được dựng lên ghi lại mấy chữ: “Khổng Tử đến đất Chu học hỏi lễ nghi”.
Khổng Tử trở về, 3 ngày không nói chuyện. Tử Cống thấy kỳ lạ, bèn hỏi thầy chuyện là thế nào. Khổng Tử nói: “Chim, ta biết nó có thể bay; cá, ta biết nó có thể bơi; thú, ta biết nó có thể chạy. Có thể chạy thì ta có thể dùng lưới giăng bắt nó, có thể bơi thì ta có thể dùng dây tơ mà câu, có thể bay thì ta có thể dùng cung tên bắn được nó. Còn như con rồng, ta không biết nó làm sao có thể lợi dụng sức gió mà bay tới tận trời cao. Ta hôm nay gặp mặt Lão Tử, ông ấy cũng như con rồng kia thâm sâu không thể đo lường nổi!”.
***
Như dân gian bao đời đã thấy,  “rựa mận thịt chó” chỉ có một, nhưng “giả cầy” thì nhiều vô kể. Thậm chí rồi đây món thịt  chó  có bị tuyệt diệt, thì thị trường của các món giả cầy, chắc vẫn trường tồn (!)  Chỉ có điều, giá mà người ta có thể nói rõ là “giả cầy”  gì đó hẳn hoi, chứ không nên nhầm lẫn, hay dối trá giả cầy  là thịt cầy (!)  Nhưng tiếc thay, thói thường, mặc dù thuyết của bọn dây leo chắc chắn là giả cầy, nhưng chúng thì lại không tin là giả cầy, mà chúng tin là thật, bởi có thể chúng  chưa biết đến món “rựa mận thịt chó” bao giờ, hoặc giả  chúng  cố chấp tự huyễn hoặc mình, mà đánh lừa người ?!
Dường như những triết thuyết của những hàn sĩ lao khổ, bất  đắc  chí thường dễ thoát ly hiện thực, và có vẻ đòi hỏi sự công bằng hơn những triết thuyết của các quý tộc gia có cuộc sống sung túc. Nếu như Đức Khổng Tử  ngài sớm được đắc  chí, hoặc giả người sinh vào thời thiên hạ phồn thịnh, thì chắc gì hậu thế đã được thụ hưởng giáo lý của người, trong suốt mấy nghìn năm qua như đã có. Để đến tận ngày nay, kẻ khen người chê vẫn không dứt. Nhưng dường như để giữ được sự thăng bằng, bình thường theo dòng chảy của tạo hóa, nhân loại luôn bị trả giá từ những điều bất bình thường, bất tự nhiên, xuất hiện thường trực, bởi cảm nhận được đầy đủ thông điệp của tự nhiên, của tạo hóa, luôn là những thách thức đối với con người.
_________________________
Ghi chú: Lão Tử  đã để lại nhiều câu khiến  hậu thế luôn phải  ngẫm suy.
  1. Lo thắng người thì loạn, lo thắng mình thì bình.
  2. Nếu muốn được tất cả, phải từ bỏ tất cả.
  3. Hiểu người là khôn, hiểu được mình mới là khôn thật sự.
  4. Nếu biết vạn vật đều thay đổi, thì bản thân không nên cố nắm giữ điều chi.
  5. Ai vội vàng tiến lên phía trước đều không thể đi xa.
  6. Ai muốn hiển thị mình sẽ tự làm lu mờ bản thân.
  7. Ai muốn chứng thực bản thân sẽ không tự biết bản thân mình là ai.
  8. Ai muốn ước chế người khác thường không tự ước chế bản thân mình.
  9. Không còn sự đối chọi, ma quỷ tự tiêu tan.
  10. Nếu biết nhìn vào tâm mình, anh có thể tìm thấy tất cả các câu trả lời.
  11. Nhu thắng cương, tĩnh thắng động.
  12. Hãy để mọi chuyện tùy kỳ tự nhiên.
  13. Nếu người muốn co lại, trước hết hãy cho phép nó duỗi ra. Nếu người muốn từ bỏ, hãy cho phép nó nhảy xuất ra. Nếu người muốn có điều gì, trước hết phải cho đi thứ đó.
  14. Những khởi đầu tốt đẹp thường được ngụy trang thành một đoạn kết bi thảm.
  15. Chú tâm đến sự công nhận của người khác rồi người sẽ trở thành tù nhân của chính họ.
  16. Nếu một người có thể nhận ra mình không thiếu thứ gì, cả thiên hạ đã thuộc về người đó.
  17. Vô hình vô tướng là niềm an lạc nhất.
  18. Bậc trí tuệ là người biết những gì mình không biết.
  19.  Khi bạn hài lòng đơn giản là chính mình, không so sánh hay cạnh tranh với ai, tất cả    mọi người sẽ tôn trọng bạn.
__________________________

 Xem:  Giả cày’ – Phiếm luận của Dương Quốc Việt – Hội Nhà Văn Hải Phòng

ÂM BINH


_____

Vòng luân chuyển  đã cho thời thế
Dương khí tàn vận hội  về ta
Trên vũ đài hô phong hoán vũ
Hỡi các ngươi đợi đó chủ nhân này (!?)
Buôn nước bọt-một bầy  dối trá
Nếp  xưa nay trộm chó xé rào
Thiên địa vần xoay dẫu có thế nào
Ta vẫn lãi-kẻ buôn không cần vốn
Ai bảo lũ người bay khờ khạo
Mộng thiên đường chẳng tốn công tu (!)
Nòi thiêu thân lao theo ánh sáng
Khát khao ánh sáng nơi người
Tham vọng đổi đời  đạp  bằng tất cả
Người với người trở mặt bao phen
“Thế giới này ta cứ tàn cứ huỷ
Nào biết rằng thế giới khác có hay chăng?”(*)
Cướp của đời bỏ túi của công
Tìm “vật cống” giữ thân ngươi vinh hiển
Trên tòa cao lộng lẫy mọi thứ đủ đầy
Hồn trống rỗng dõi về quá khứ
Tương lai hỡi đâu cần hay biết
Ngày mai sẽ là gì? đâu ta phải nghĩ suy (?!)
Mặc sức thỏa lòng thân này đắc chí
Sinh ra ta tàn phá thế gian này (!?)
***
Ngươi đã phá đến chẳng còn gì để phá
Dưới chân ngươi một cõi hoang tàn
Những hình nộm bán hồn cho ma quỷ
Sinh linh lặng câm mặc ngươi độc thoại
Loài quỷ ác ngươi cứ tàn cứ huỷ
Trong vòng xoay muôn thuở thịnh suy
Lũ các ngươi sẽ tới đoạn đầu đài
Như bao kẻ hòng  cắt ngang mạch  sống !
* * *
Kiếp nhân gian con tạo xoay vần
Người và quỷ song hành cùng trời đất
Khi người rời xa bổn phận làm người
Ấy là lúc mang thời cơ cho quỷ
Quỷ tham lam giả dối hung tàn
Mang khổ đau gieo xuống đầu nhân loại
Như những trang sử bi ai luôn lặp lại
Bởi nhân gian quên bài học tiền nhân !
_____________________
Đêm Hà Nội 3/4/2010
Dương Quốc Việt

ÂM BINH – Thơ Dương Quốc Việt (Hà Nội) | Trang Đặng Xuân Xuyến

MÙA ĐÔNG

Đã đăng bởi NBĐ: Dương Quốc Việt: CHÙM THƠ MÙA ĐÔNG 

_____
CHIỀU ĐÔNG  

Đã đăng bởi VNNĐ: Chiều đông (Dương Quốc Việt)  (15/11/2016)

________
Bâng khuâng chiều nay
Đông dài giá lạnh
Đường Đông băng giá
Đang cản Xuân về
Đông dài lạnh lẽo
Sếu bay tầng cao
Bày chim tan tác
Dạt về phương nao?
Trời Nam ấm áp
Chim đậu đất lành
Đông qua Xuân tới
Ngày về cố hương
Bầy chim vỗ cánh
Bay khắp phương trời
Hỡi loài không cánh
Chốn nào dung thân?
Thiêu đốt đêm đông
Ngày xuân đâu tới
Năng lực huyền vi
Bốn mùa khôn chuyển
Qua đâu mùa đông
Người ơi đừng vội
Gào thét ích gì
Xuân còn xa vợi
Đi qua mùa đông
Vùi trong băng giá
Chôn sâu trong dạ
Hơi thở ngày xuân
Sưởi ấm mùa đông
Than hồng rực lửa
Chồi non ấp ủ
Đợi mùa xuân sang
________
Hà Nội-12-2012
______________
ĐÔNG TÀN
Đông dài sao lâu qua
Đất trời sao tím tái
Hoa đâu còn hương sắc
Chỉ một màu hắt hiu
Đêm  giáng sinh năm ấy
Khát vọng mùa yêu thương
Âm dương khoảnh khắc thời
Hồn với hồn giao cảm
Lẻ loi tình mùa đông
Tái tê trong băng giá
Hoài vọng về nơi nao
Xa xăm bóng hình ai
Mùa  giáng sinh huyền thoại
Phận  bé gái bán diêm (*)
Truyện kể An-đéc-xen (Andersen)
Xót đau hồn nhân loại
Đêm mưa phùn mùa đông
Lép nhép đường uể oải
Não nùng trong tiếng hát
Thương anh Xẩm thuở nào (**)
Kiếp nghèo trong mùa đông
Đói lòng trong hoang lạnh
Gió bấc tràn qua liếp
Run rẩy dài đêm thâu
Phô sắc màu mùa đông
Phường túi cơm giá áo
Bồng bềnh cùng huyên náo
Dại khôn  kẻ vô loài
Như muôn thuở mùa đông
Mùa của mùa tàn lụi
Cỏ khô bên suối cạn
Vạn vật thu hết mình
Hái tử thần mùa đông
Đổi thay bao vòng đời
Mùa đông mùa tàn khốc
Chôn bao đời phù hoa
Mùa đông rồi sẽ qua
Sao giao mùa nghiệt ngã
Bàng kia đâu còn lá
Mình thân bàng đơn côi
Lá rơi rồi lại rơi
Bỏ thân cây trơ trụi
Khẳng khiu ngậm chồi non
Gieo mầm mùa xuân tới
Mùa đông như  sắp qua
Lạnh thấu xương ập tới
Dường như còn vật vã
Hàn phong trận chuyển mùa.
_______________
(*)”Cô bé bán diêm” là truyện của Hans Christian Andersen (1805-1875), một nhà văn  nổi tiếng người Đan Mạch. Truyện kể về một cô bé nghèo khổ phải đi bán diêm giữa những đêm đông giá lạnh và từ giã cõi đời trong đêm Chúa giáng sinh. Truyện được xuất bản lần đầu tiên năm 1848 trong phần năm của quyển Nye Eventyr (Những truyện cổ tích mới) với nhan đề Den Lille Pige Med Svovlstikkerne (Cô gái bé nhỏ với những que diêm).
(**) “Anh Xẩm” một truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan (1903-1977).
Hà Nội-12-2014

SỨC SỐNG TỪ MỘT NỀN DÂN CHỦ


Dương Quốc Việt
____
_________________
Kiểu tự do vô chính phủ, hay độc tài đều dẫn đến sự hủy diệt sức sống của một dân tộc. Tất nhiên tập thể nào cũng cần phải có người dẫn dắt để hướng tới mục tiêu chung. Nhưng ai là người dẫn dắt, lại là một câu hỏi với biết bao đáp án trái chiều. Mặc dù nhân loại sớm nhận biết sự đồng thuận của một dân tộc sẽ làm nên sức mạnh của dân tộc đó, nhưng làm thế nào để có một sự đồng thuận bền vững, thì loài người đã phải trải qua biết bao thảm khốc, mới có thể nhận ra vai trò của dân chủ. Chân lý là vậy, nhưng thực thi để đi đến một nền dân chủ, thì muôn hình vạn trạng. Nhưng dù muốn hay không muốn, thì đa phần nhân loại đã thừa nhận, rằng đã và đang tồn tại một nền dân chủ, hay một nền dân chủ kiểu Mỹ, đã làm nên sức sống và sức mạnh của nước Mỹ!
Tuy rằng Mỹ có quân đội mạnh nhất thế giới, cùng với kinh tế và khoa học-công nghệ dẫn đầu, nhưng người ta cho rằng những cái đó không hẳn là bản chất sức mạnh Mỹ. Mà những thứ đó chỉ là hệ quả tất yếu của một nền dân chủ bậc cao. Ý tưởng dân chủ đã thấm vào máu, vào xương của người Mỹ. Đó mới là cái gốc làm nên nước Mỹ với nhiều giá trị và tính ưu việt  vượt trội.
Trước hết, hiến pháp Mỹ được thực thi từ năm 1789, một văn bản mà thủ tướng Anh William Ewart Gladstone (1809-1898) đã ví  nó như “một tác phẩm tuyệt vời nhất từng được sản sinh ra vào một thời điểm nhất định bởi trí óc và mục đích của con người“,  đã đưa ra được những quy tắc cơ bản để thực thi dân chủ. Và tổng thống Mỹ khi tuyên thệ nhậm chức phải thề giữ gìn và bảo vệ hiến pháp này. Cơ chế tuyển dụng lãnh đạo, cơ chế tranh cử của Mỹ có thể bảo đảm những người có quyền quyết sách đều là tinh hoa. Mô hình hình tháp của họ, đã luôn đưa được những tinh hoa lên các đỉnh tháp, cũng như đồng thời giảm thiểu những tai hoạ khi đám đông có thể mắc sai lầm.  Chính vì như thế mà họ không, hoặc ít mắc sai lầm, và nếu mắc sai lầm thì có thể nhanh chóng được sửa sai. Rằng đó chính là cơ chế tinh anh riêng biệt của nước Mỹ.
Một điều nữa, là nước Mỹ không phải chỉ quan tâm đến lãnh thổ như nhiều người nhầm tưởng, mà toàn bộ những gì họ đã làm, dường như là để kiến tạo vị thế trong thế giới này. Tức là, ngoài sự lớn mạnh về kinh tế thì họ chú trọng nhất là lòng dân. Bởi thế mà quốc gia này có nội lực hội tụ rất lớn. Mặt khác suy cho cùng, lãnh thổ mất rồi sẽ có thể lấy lại được, nhưng lòng người đã mất thì lãnh thổ có được cũng như không, và dẫu đất đai có được sở hữu, thì rồi cũng sẽ bị mất. Hoặc giả như người Việt có câu “Đười ươi giữ ống”, một hình ảnh thật chua chát và bi hài đó thôi!
Khi tai họa ập đến, thậm chí thân xác gục ngã, thì tinh thần thép của người Mỹ càng lộ rõ. Chẳng hạn, mặc dù trận Trân Châu Cảng- ngày 7 tháng 12 năm 1941 bị thiệt hại nặng nề, nhưng chẳng những không làm cho tinh thần Mỹ bị suy sụp, mà trái lại đã thúc đẩy họ nhanh chóng quyết định tham gia quân sự vào chiến tranh thế giới thứ Hai. Rồi qua vụ khủng bố kinh hoàng 11/9/2001, người ta cũng có thể thấy tinh thần thép của người Mỹ. Sau khi toà nhà thương mại bị máy bay đâm, lửa cháy ngút trời, thế giới như rung chuyển, khi đó những người ở tầng trên vượt qua cửa thoát hiểm chạy xuống, thì thấy tình hình không mấy rối loạn. Người ở trên lao xuống, lính cứu hoả lao lên, nhưng họ vẫn bình tĩnh nhường lối đi cho nhau. Đứng trước cái chết họ vẫn bình tĩnh như thế. Một dân tộc không có tinh thần thép, thì chắc chắn không thể có hành vi như vậy.
Rồi biết vụ 11/9 do bọn khủng bố người Ả Rập gây ra. Vì vậy một vài cửa hàng của người Ả Rập đã bị đập phá, bởi những người quá khích. Vào thời điểm đó có khá nhiều người Mỹ tự phát tổ chức đến đứng gác trước các cửa hiệu, những tiệm ăn của người Ả Rập, hoặc đến các khu người Ả Rập ở để tuần tra, nhằm ngăn chặn xảy ra thảm kịch trả thù. Có lẽ chỉ có những con người mang ý tưởng làm chủ thực sự thế giới này, mới biết hành xử như vậy!
Văn hoá Mỹ tưng bừng khí thế đi lên, rằng đó là văn hóa của sự phát triển. Ngay cả giữa châu Âu và Mỹ cũng có sự khác biệt lớn. Chẳng hạn, nếu sáng sớm, các đường phố ở châu Âu thường rất vắng, thì ở Mỹ sáng sớm các đường phố đều có rất nhiều người tập thể dục. Giáo dục Mỹ rất quan tâm đến thể chất. Như có người đã nói: tập thể dục đại diện cho một kiểu văn hoá thôi thúc khí thế đi lên. Một quốc gia có sức sống hay không, chỉ cần xem dân của họ tập thể dục hàng ngày cũng có thể nhận biết.
Nước Mỹ hành xử thường có tầm nhìn rất xa, như những sự kiện bước ngoặt trong thế kỷ XX đã minh chứng cho điều này. Tấm bản đồ thế giới ngày nay dường như đã được trải ra vào đầu thập niên 70 của thế kỷ XX tại nhà Trắng. Và như nhân loại đã thấy: Liên Xô tan rã, và ngoài châu Âu, các nước xung quanh Trung Quốc như Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Hàn Quốc, Phillippines, Indonesia, Đài Loan…  lần lượt đổi thay chế độ xã hội, để hướng dần tới các nền dân chủ thực sự. Mà hiệu ứng của các nền dân chủ, mới thực sự là mối đe dọa đối với các nền độc tài còn lại trong thế giới này.
Phải chăng tất cả những ưu việt vừa điểm qua, chỉ là hệ quả tất yếu của một nền dân chủ bậc cao tương thích với một thể chế chính trị kiểu Mỹ. Một thể chế dường như được sản sinh ra chỉ để phụng sự cho nền dân chủ kiểu Mỹ. Một nền dân chủ đã làm cho công dân của họ “nhìn thấy một nước Mỹ lớn hơn tất cả những tham vọng cá nhân, lớn hơn tất cả những khác biệt về nguồn gốc, của cải hay phe phái”, như đã đề cập trong diễn văn nhậm chức của tổng thống Obama năm 2008. Một bài diễn văn đã khiến hàng nghìn người Mỹ bật khóc, trong bối cảnh khủng hoảng trầm trọng đang đe dọa nước Mỹ. Và để rồi người Mỹ dưới sự dẫn dắt của ông Obama, một lần nữa lại tỉnh táo vượt qua tai biến ấy.
Rồi sự kiện bước ngoặt của chính trường Mỹ năm 2016 đã tới, nền dân chủ Mỹ đã lựa chọn Donald Trump, một biểu tượng của xu thế chính trị mới. Sự kiện đã khiến ngay cả giới truyền thông Mỹ cũng như thế giới bất ngờ. Nhưng dù bất luận như thế nào, thì người ta vẫn tin tưởng vào sức sống mãnh liệt của nước Mỹ, một sức sống được nuôi dưỡng bởi nền dân chủ Mỹ. Điều mà như chính ông Obama đã phát biểu: “Không có vấn đề gì, dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Mặt Trời vẫn sẽ mọc vào buổi sáng, và Mỹ vẫn sẽ luôn là cường quốc số một trên thế giới”.