Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

THAM VỌNG QUYỀN LỰC-MỐI HIỂM HỌA…

Dương Quốc Việt


Tạp chí Văn Hóa Nghệ AnTham vọng quyền lực – mối hiểm họa

Trong bài giảng nhậm chức-ngày 19 tháng 3 năm 2013 của Giáo Hoàng Franciscus có đoạn: “Đau đớn thay, trong mọi thời đại của lịch sử đều có các “vua Herodes” lập mưu lập kế để tạo ra chết chóc, hủy hoại, và bóp méo bộ mặt của con người”. Có lẽ phát biểu này còn như một thông điệp muốn nhắn gửi rằng: dưới mọi hình thức, sự  xuất hiện mưu mô hãm hại, hay xâm lược kẻ khác…, luôn song hành với lịch sử loài người.

Xin sơ lược về vị vua mà Giáo Hoàng Franciscus nhắc đến. Herodes(73 TCN- 4 SCN) được đế chế La Mã cắt đặt cai trị tỉnh Iudaea(nay là vùng đất tranh chấp giữa Israel và Palestine) từ năm 37 TCN đến năm 4 TCN. Theo sách Phúc Âm, khi Chúa Jesus mới sinh, tin đồn về nhiều đặc điểm khác lạ của một kỳ nhân vang xa, và đã đến tai vị vua này. Nhưng do không biết đích xác kỳ nhân mới xuất hiện là ai, Herodes đã hạ lệnh cho giết tất cả các bé trai mới sinh không quá 2 tuổi ở vùng Bethlehem-nơi có đứa trẻ lạ mới sinh, bởi ông lo sợ một ngày kia đứa bé này sẽ trở thành mối đe dọa cho ngai vàng của ông.

Hiểm họa thật khôn lường! Chiến tranh, hay thiên tai mà loài người phải gánh chịu đã là một nhẽ. Nhưng còn kinh hoàng hơn thế, ấy là những cuộc cướp bóc, thảm sát đẫm máu giữa thời bình, những công cuộc điên đảo, người với người bất ngờ trở mặt-“đất bằng bỗng nổi cơn sóng gió”.

Đời sống của những người nông dân ở các vùng nông thôn vốn bình yên-cùng nhau ăn ở đời đời kiếp kiếp “tắt lửa tối đèn” có nhau. Tuy có phân biệt kẻ giàu người nghèo, nhưng trật tự đó đã được thừa nhận như một lẽ của tạo hóa. Chưa kể thực tế địa vị giàu-nghèo không ấn định cho ai và nó hoàn toàn có thể thay đổi theo cung cách làm ăn, hay thời vận của mỗi cá nhân. Người ta nương nhờ vào nhau mà sống, để cùng chống thiên tai, địch họa. Thế rồi còn gì khủng khiếp hơn, cái ngày 4/5/1946, Trung Quốc phát động “Cải cách ruộng đất”, và đã cưỡng chế tàn bạo, tùy tiện, làm đảo lộn tất cả. Phong trào này, đã đưa cả xã hội vào cuộc chém giết kinh hoàng, hệ giá trị đạo lý trong xã hội truyền thống bị đảo lộn-tan vỡ, nền tảng đạo đức xã hội theo đó mà hoàn toàn bị suy sụp. Mao Trạch Đông (1893-1976) lệnh cho tổ công tác “Cải cách ruộng đất”: “Đặt chân đến đâu, việc đầu tiên là phải tạo ra cảnh tượng thật khủng bố”, và  trong một tài liệu xuất bản năm 1948, ông ta dự định: “một phần mười tá điền, địa chủ cần phải bị loại bỏ”(ước tính khoảng 50 triệu người).

Những kẻ muốn độc tôn vị trí thống trị nhân gian, sẽ có nhiều lý lẽ để biện hộ cho âm mưu của họ. Nhưng  cái cảnh con gái chỉ vào mặt bố đẻ: “Tên địa chủ kia, mày có biết bà là ai không?”, diễn ra trong Cải cách ruộng đất, có lẽ mãi mãi là nỗi hổ thẹn của loài người.

Người Trung Quốc đã chứng kiến sự phá hoại man rợ của Cải cách ruộng đất, của Đại nhảy vọt (1958-1961), và những màn trình diễn bạo lực của hàng triệu thanh thiếu niên-thời Cách mạng văn hóa (1966-1976) với cái tên gọi dành cho họ: “Tiểu tướng Hồng Vệ Binh”. Người ta dùng một lực lượng trẻ con mới lớn, tâng bốc họ thành những “ông trời con”, để họ tha hồ hành hạ-đánh đập-bắt bớ những “cây đa cây đề”-rường cột quốc gia, hay những tinh hoa, những danh nhân… thì quả là “đắc địa”, và “hiệu quả” đến vô cùng. Mà chắc cũng chỉ có con trẻ-thần kinh được kích hoạt, mới dám làm những việc như thế. Đó quả thật là điều chưa từng có, khiến người đời chỉ có thể gọi là “kiểu Trung Hoa”. Và tất nhiên tổng đạo diễn cho vở biệt kịch này hẳn phải là một vị gấp nhiều lần “vua Herodes”.

Nhằm giữ được quyền lực lâu dài, là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất, khiến Mao Trạch  Đông  gây ra những cuộc thảm sát đẫm máu ở Trung Quốc, và ông đã đạt được vị trí độc tôn tại xứ sở này cho đến lúc chết. Tuy nhiên, do tiềm lực kinh tế và khoa học dưới thời ông trị vì còn rất yếu, bởi thế mà “giấc mộng Trung Hoa” vẫn còn chưa có cơ phát lộ!?

Lịch sử cho thấy, khi khát vọng quyền lực ở mức đỉnh điểm, trong hoàn cảnh cho phép, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến  những cuộc chiến tranh xâm lược. Trong cuộc viễn chinh tới Ai Cập (1798-1801), trước một trận chiến ác liệt, Napoleon Bonaparte (1769-1821) đã sang sảng với cây gậy chỉ lên Kim tự tháp:”Từ Kim tự tháp này 40 thế kỷ đang trông chờ chúng ta”. Hay trong cuộc chiến ở Ý (1796-1797), như để kích thích sinh khí của binh sĩ, Napoleon đã nhìn vào họ mà rằng:”Sau này trở về nhà, những người hàng xóm sẽ chỉ vào các ngươi mà nói rằng: chính hắn đã từng chiến đấu ở Ý”. Những lời lẽ này, làm người ta cảm thấy Napoleon như đang dẫn một đạo quân “thay trời hành đạo”, làm cái xứ mệnh sắp đặt lại thứ bậc của thế gian. Dường như  ông tự trao cho mình cái bổn phận phải hạ bệ cả những tượng đài lịch sử mà nhân loại hằng tôn thờ, như hai nền văn minh Ai Cập và La Mã. Vì thế có lẽ chiến tranh còn là câu chuyện riêng của chủ nghĩa anh hùng cá nhân.

Lùi lại thời điểm khoảng năm 500 TCN, lịch sử đã ghi nhận một vương triều hùng mạnh ở Tây Á-đế quốc Ba Tư. Mặc dù họ đã chiếm đóng một diện tích rộng lớn tới khoảng 2 triệu km vuông tại châu Á, Ai Cập… thế nhưng  hoàng đế Darius I (550-486 TCN)-người tự phong mình là “vua của các vị vua” vẫn tiến hành xâm lăng chinh phục, mở rộng lãnh thổ của mình. Ông đã lần lượt chiếm Ấn Độ, Thracia (nay là Thổ Nhĩ Kỳ), đè bẹp cuộc nổi dậy ở Babylon… Và chỉ đến khi người Ba Tư bị thất bại hoàn toàn khi đụng độ với nền văn minh Hy Lạp, thông qua trận chiến Marathon vào mùa thu năm 490 TCN, thì Darius I  mới chịu dừng lại.

Mới chỉ cóp nhặt một phần rất nhỏ của lịch sử, cũng đủ để thấy cái tham vọng quyền lực tiềm ẩn những hiểm họa lớn đến cỡ nào!? Dù là Herodes hay Mao Trạch Đông, và Darius I  hay Napoleon, tuy sắc thái man rợ  hay văn minh, tầm vóc hay ý nghĩa khác nhau, nhưng họ đều thể hiện là những người mang tham vọng quyền lực không giới hạn.

Ngày nay, ngoài những cường quốc văn minh cao quen thuộc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật…, trong vài thập niên gần đây, Trung Quốc đã nổi lên như một cường quốc về kinh tế và quân sự-mang tư tưởng đại Hán với tham vọng thống trị thế giới. Tuy nền văn minh Trung Hoa vốn là nền văn minh lâu đời nhất thế giới, nhưng ở xứ sở này, tư tưởng của con người sau thời Chiến Quốc (thế kỷ thứ 5 TCN-221 TCN), dường như bị trói buộc. Kết cục tuy là một quốc gia đông dân nhất hành tinh-có lịch sử lâu đời, nhưng họ đóng góp cho nhân loại không nhiều phát minh sáng chế!?  Vốn đã từng có “quốc dân tính” như  AQ-nhân vật trong “AQ chính truyện” của văn hào Lỗ Tấn (1881-1936), lại bị trải qua nhiều cuộc trấn áp tư tưởng tàn khốc, trong thời đại mới, nên thật khó nói về hệ thống văn hóa-tư tưởng ở Trung Quốc ngày nay.

Trong phim “Anh Hùng Xạ Điêu” có kể về nhân vật Chu Bá Thông còn gọi là Lão Ngoan Đồng-một nhân vật cổ quái-vừa trẻ lại vừa già, đã sáng chế ra một môn võ quái đản, mà chỉ có ai thật ngốc  như anh chàng Quách Tỉnh mới học được. Nhiều người cho rằng nhân vật Lão Ngoan Đồng với một tay vẽ hình tròn-một tay vẽ hình vuông, là biểu tượng của văn hóa-tư tưởng Trung Hoa, mà nhà văn Kim Dung (sinh năm 1924) muốn gửi gắm. Và nếu quả như vậy, thì liệu họ có đủ tư cách làm kẻ dẫn dắt thế giới hay không?

Dẫu vậy họ không thể không là mối lo của nhân loại, nhất là với những quốc gia láng giềng của họ. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, những kẻ văn minh-văn hóa thấp, chỉ cốt “lấy thịt đè người”, tuy không có khả năng kiến tạo và xây dựng nên những giá trị tốt đẹp cho nhân loại, nhưng có thể chúng lại có khả năng phá hoại khủng khiếp, gieo rắc đói nghèo, làm đảo lộn các giá trị!?

Trước những thế lực mang dục vọng thống trị thế giới, với đủ kiểu cách xâm lược, có lẽ không có cách nào khác, để bảo vệ được mình, các quốc gia, nhất là các quốc  gia  đang  phát triển, ngày càng phải hội nhập sâu rộng, phát triển, nâng cao văn minh-văn hóa. Và cuối cùng xin được dẫn lại lời phát biểu cách đây 29 năm của M. Gorbachev: “Sự xóa bỏ ý thức hệ trong quan hệ giữa các quốc gia đã trở nên nhu cầu của thời đại mới. Chúng ta không từ bỏ lòng tin, triết lý, hay truyền thống của chúng ta. Chúng ta cũng không kêu gọi người khác từ bỏ lòng tin, triết lý, hay truyền thống của họ. Nhưng chúng ta sẽ không tự cô lập và nhốt mình lại trong những giá trị sống của chính mình. Làm như vậy sẽ khiến cạn kiệt về mặt tinh thần, vì nó sẽ đồng nghĩa với việc từ bỏ một nguồn phát triển mạnh mẽ, đó là chia sẻ tất cả những thứ độc đáo được sáng tạo một cách độc lập từ mỗi quốc gia (Diễn văn của M. Gorbachev tại Liên Hợp Quốc- 7-12-1988 trước Đại Hội Đồng LHQ).

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

“VUA SÁM HỐI” VÀ NHỮNG BÀI HỌC TỪ LỊCH SỬ

Dương Quốc Việt

Đã đăng trong  GDVN: “Vua sám hối” và những bài học từ lịch sử

Đăng lại trong tạp chí VHNA: Những sám hối lịch sử

Chúng tôi xin bắt đầu từ nền văn minh phương Đông-một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới. Trung Quốc thời  Chiến Quốc được xem như là thời của tự do tư tưởng. Nhưng sau khi thống nhất Trung Hoa-221 TCN, Tần Thủy Hoàng (259 TCN-210 TCN) đã loại bỏ hàng  trăm tư tưởng bao gồm Nho giáo và các triết lý khác. Ông đã ra lệnh cho đốt phần lớn sách, chỉ cho giữ lại những sách về chiêm tinh học, nông nghiệp, y học, bói toán, và lịch sử của nhà nước Tần. Theo Sử ký Tư Mã Thiên: ở Hàm Dương có hơn 460 nhà nho bị chôn sống do sở hữu những cuốn sách bị cấm.
Dường  như  sự thống nhất Trung Hoa của Tần Thủy Hoàng còn bao hàm cả khát vọng thống nhất về tư tưởng. Trong thời đại  của mình, vị hoàng đế này, đã để lại không ít kỳ tích như Vạn Lí Trường Thành, hay Cung A Phòng…, nhưng dưới sự trị vì của ông, tư tưởng con người bị trói buộc. Bởi chính sách hà khắc và tàn bạo, nên nhà Tần (221 TCN-206 TCN)  chỉ tồn tại rất ngắn ngủi, và Tần Thủy Hoàng bị mang danh là một bạo chúa.
Trở về với đế quốc La Mã- một trong những đế quốc lớn nhất trong lịch sử. Cũng như các vị hoàng đế La Mã tiền triều, Flavius Valerius Aurelius Constantinus (274-337) vốn là người chỉ tin theo thuyết một thần, mà phủ nhận sự tồn tại của các vị thần khác-không thuộc tôn giáo của mình. Nhưng rồi ông đã thay đổi (có truyền thuyết cho là do một giấc mơ), và ông đã chấp nhận đa thần, tức là chấp nhận các tôn giáo khác, đặc biệt là Kitô giáo. Nhờ sự cải biến tư tưởng này, Constantinus trở thành vị hoàng đế đầu tiên thống nhất đế chế La Mã-một hoàng đế vĩ đại nhất, và cũng là người chấm dứt 300 năm thảm sát các tín dồ Kitô giáo ở xứ sở này.
Với nhiều lý do khác nhau, dường như khác với hoàng đế Tần Thủy Hoàng, đại đế  Constantinus thống nhất La Mã trước hết bằng sự chấp nhận những hệ tư tưởng đối lập với mình. Ông đã là người ban bố sắc lệnh Milano (13/6/313) chấm dứt thảm sát Kitô giáo. Ông còn được xem là người giải oan cho Kitô giáo. Và chính công lao phục hưng Kitô giáo của ông đã lập nên công đức vĩ đại nhất, ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến sự phát triển của toàn bộ nền văn minh trong lịch sử phương Tây.
Năm 2006, UNESCO công nhận Lễ Phật đản là lễ hội tôn giáo thế giới. Nhiều công trình văn hóa Phật giáo đặc sắc khắp châu Á được nhắc đến, trong đó có pho tượng Vua sám hối – chùa Hòe Nhai – Hà Nội. Người ta kể lại rằng khi vua Lê Hy Tông (1663-1716) lên nắm quyền năm 1675 đã ra sắc lệnh đuổi hết sư sãi ở các chùa lên rừng. Ai ngoan cố không đi sẽ bị khép trọng tội và đem ra xử trảm, khiến Phật giáo thời kỳ này ở Việt Nam bị rơi vào thảm cảnh. Khi đó có một vị thiền sư đắc đạo-đã dùng những lý lẽ thuyết phục của mình – làm cho nhà vua bừng tỉnh. Rồi để thể hiện sự sám hối, vua đã cho tạc một bức tượng lớn, trong đó có hình lấy theo mẫu ngài đang phủ phục dưới sàn-cõng trên lưng tượng Đức Phật đang tọa thiền. Bức tượng được người đời gọi tên là “Vua sám hối”. Bức tượng và câu chuyện cảm động này, chắc chắn đã gửi lại nhiều thông điệp răn dạy những thế hệ người Việt.
Trong lịch sử nhân loại, việc không chấp nhận đa dạng trong tín ngưỡng, hay tư tưởng  của công chúng, đã dẫn đến những xã hội nghẹt thở, thậm chí còn có cả những cuộc tàn sát đẫm máu như dưới thời Tần Thủy Hoàng, hay thời kỳ 300 năm tàn sát Kitô giáo của các vương triều La Mã. Dẫu vậy trong những câu chuyện như thế, còn có cả những câu chuyện cảm động về sự sám hối như trường hợp vua Lê Hy Tông. Tất nhiên cũng có cả những lời sám hối muộn mằn của những kẻ đã bại trận, hết thời.
Napoleon Bonaparte (1769-1821) sau khi thống lĩnh được nước Pháp, đã hung hăng ra lệnh bắt bớ các tu  sĩ và tịch thu các tu viện. Đến khi đại bại trong trận chiến Waterloo vào năm 1815, rồi bị phế truất ra đảo Saint Helena, ông mới hồi tâm và thú nhận: “Tội lỗi lớn nhất của trẫm là không chỉ xúc phạm đến loài người mà đã xúc phạm đến Thiên Chúa“.

Nếu như vua Hy Tông là người đủ sáng suốt để kịp sám hối, lúc ngài đang tại vị-để có dịp sửa sai, thì lời sám hối của Napoleon có lẽ chỉ có được trong cái cảnh “thời oanh liệt nay còn đâu”. Nhưng hình như những sám hối này, cũng như những bài học và những tấm gương trong lịch sử vẫn không đủ để răn dạy hậu thế!?
Vì thế hơn một thế kỷ-sau thời đại Napoleon Bonaparte, lại xuất hiện “quái kiệt” mang trọng tội chống nhân loại-Adolf Hitler (1889-1945), để rồi trong bản di chúc và tuyên cáo chính trị-1945, ông ta đã viết có nội dung rằng: “Con người của nhân dân”,đã không rút ra được bài học nào từ kinh nghiệm của những người đi trước.

Quả thật Hitler và chủ nghĩa Phát xít đã bị tiêu diệt, nhưng thế giới loài người vẫn còn đó những thảm cảnh kinh hoàng như:  Đại nhảy vọt (1958-1961)-ngoài chết đói, còn khoảng 2,5 triệu người bị tra tấn đến chết; Cách mạng văn hóa (1966-1976) với hàng triệu người bị giết và hàng triệu người bị lưu đầy… Khi là tổng thống Nga (2008-2012), Dmitry Anatolyevich Medvedev (sinh năm 1965), đã viết  trên trang blog cá nhân của mình-vào sáng 30 tháng 10 năm 2009 (nhân dịp nước Nga kỷ niệm “Ngày Tưởng nhớ Ðàn áp Chính trị,” phóng viên nhật báo BaLan, Gzeta Wyborcza, tại Moskva đưa tin): “Chúng ta chỉ cần nghĩ–hàng triệu người đã chết vì khủng bố cùng những cáo buộc dối trá. Cho đến ngày hôm nay, có thể thấy, những tổn thất to lớn trên được biện minh bằng những mục đích cao hơn của nhà nước. Tôi tin rằng, không có sự phát triển, sự thành công, và tham vọng nào của đất nước, có thể đạt được bằng cái giá của bi kịch và mất mát. Không gì có thể được đặt trên giá trị cuộc sống con người. Và không bất cứ sự biện minh nào cho sự đàn áp chính trị là có thể chấp nhận được”.  

Không chỉ  hai nhà độc tài Napoleon và Hitler, có lẽ thiếu đức tin hoặc không có đức tin, hay hủy diệt đức tin của cộng đồng, hay không chấp nhận đa tôn giáo, đa tư tưởng, là đặc điểm chung của những nền độc tài. Rằng dường như nắm quyền lực không thôi vẫn chưa đủ, họ còn muốn là những kẻ ban phát đức tin cho loài người thì phải!? Và thật có lý khi cho rằng, sẽ không có những lời sám hối đi vào lịch sử của Napoleon hay Hitler, nếu họ là những kẻ chiến thắng. Cho dù chiến thắng thuộc về họ, có gieo rắc đau thương cho cả thế giới này.
Sigmund Schlomo Freud (1856-1939) – nhà tâm lý học vĩ đại người Đức đã kết luận: nhân loại mang hai thị dục căn bản nhất, là “tình dục” và “thị dục huyễn ngã” (lòng mong muốn được người khác cho mình là vẻ vang, quan trọng). Vì thế nếu quyền lực không được kiểm soát cộng với thị dục huyễn ngã quá lớn, sẽ là cơ hội sản sinh ra những nền độc tài, hòng thống lĩnh thế giới này với cả thể xác và linh hồn, như lịch sử nhân loại đã từng diễn ra. Và cho dù những nền độc tài dẫu có “ma mãnh” đến đâu-cũng sớm muộn bị tiêu diệt, hay những bài học lịch sử đau thương-có liên tục được nhắc nhở và bổ sung, thì việc cảnh giác và kiểm soát với quyền lực, vẫn luôn cần phải được thực thi trong mỗi cộng đồng nhân loại.
________________