Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

THÀNH CỔ-NỖI ĐAU MẸ ÂU CƠ

Dương Quốc Việt
Nhân ngày 27/7/2018, khiến tôi nhớ về Thành Cổ-Quảng Trị, bởi nơi đó nhiều bạn tôi, cũng như những người cùng trang lứa với tôi đã ngã xuống, lúc đó ở vào độ tuổi trên dưới 20. Mà đâu phải chỉ có một phía, cả hai phía ! Lịch sử càng lùi xa, khiến người ta càng nhìn nhận vấn đề khách quan hơn, tỉnh táo hơn, khôn- dại, đúng-sai, cũng sáng tỏ hơn. Nhưng dù bất luận như thế nào, dẫu ở phía nào, thì rõ ràng sự hi sinh của những người lính khi đó, cũng là hi sinh VÌ SỰ THỐNG NHẤT CỦA TỔ QUỐC. Và mặc dù có bên thắng, bên thua, kẻ vui người buồn, những điều không thể tránh khỏi, nhưng phải chăng MẸ ÂU CƠ chính là người thất bại hoàn toàn và hứng chịu mọi đau khổ !?
Thành Cổ ơi dẫu ngàn vạn năm sau
Dòng Thạch Hãn vẫn ngậm ngùi bi kịch
Gà một mẹ bỗng trở thành ta-địch
Nỗi đau nào hơn thế Mẹ Âu Cơ !?
Xin cầu nguyện cho tất cả các anh nơi chín suối!

LUẬN MỘT CHÚT VỀ “TIÊN TRÁCH KỶ...”

Dương Quốc Việt

Đã đăng trong tạp chí Văn hoá Nghệ An: Một chút về "Tiên trách kỷ..."

Hồi còn bé, được cha dẫn đi dạo phố, tôi đang mải mê ngắm nhìn khi đi qua những cửa hiệu đồ chơi, bỗng một người sấn sổ đến trước mặt ông, như tìm thấy kẻ thù của mình. Mày mất tăm mất tích tránh mặt chúng tao, mày sẽ phải trả giá về cái tội khinh người-người lạ xỉa xói vào mặt cha tôi như vậy. Không một lời thanh minh, ông lặng người xin lỗi như một kẻ mắc tội. Người lạ bỏ đi, tôi nhìn cha trong sự kinh ngạc. Lỗi tại bố-ông nhìn tôi và chỉ nói như vậy, rồi hai cha con tiếp tục dạo chơi.
Nhiều năm sau, khi đã lớn, tôi có dịp hỏi lại cha câu chuyện ngày đó. Ông kể cho tôi nghe, hồi còn học ở trường Bách Nghệ (thời Pháp thuộc), ông đã ham chơi, giao tiếp không kén chọn, và ông đã giao du với cả một nhóm, trong đó có bác mà tôi biết mặt hôm đó. Sau này biết các bác ấy thuộc dạng "bất hảo", thậm chí nhiều khi còn quấy rầy, làm ảnh hưởng đến việc học hành, nên cha tôi phải xa lánh. À ra thế ! Rồi như đoán trước được sự tò mò của tôi, ông nói tiếp, lời xin lỗi của bố khi đó, là thực tâm, bố thực tâm ân hận, mà cái ân hận lớn nhất, chính là bố đã mắc lỗi với ông nội, vì cái tội không thấm lời dạy bảo "chọn bạn mà chơi" của cụ.
Rồi một người bạn vong niên của tôi (anh đã mất), trước đây đã từng làm trưởng ban tổ chức chính quyền ở một tỉnh lớn, khi nghỉ hưu, một lần trong trạng thái ân hận-xót xa, anh đã chia sẻ với tôi về những lỗi lầm của mình, khi sắp đặt một số người sai vị trí. Anh bảo: một con người cụ thể-năng lực và đạo đức của họ chỉ có thế, còn việc đưa họ lên một vị trí nào đó, để thành gây họa, thì rõ ràng là tại mình, chứ không phải tại họ. Tôi thương, và cảm thấu nỗi niềm của anh! Và mặc dù vẫn dành nguyên vẹn sự kính yêu đối với anh, nhưng tôi vẫn tự hỏi, không biết lúc anh đương chức, anh có nghĩ đầy đủ như thế không?
Hai câu chuyện vừa kể về các bậc cha anh, tuy rất khác nhau, nhưng đều giống nhau ở một điểm-tự nhận lỗi về mình. Trong câu chuyện thứ nhất, với lời xin lỗi của cha tôi khi đó, chính là biểu hiện ra ngoài cái ân hận-tự trách mình, cùng với sự sám hối, như xin ông nội tôi tha thứ. Rõ ràng, cha tôi không có lỗi gì với bác kia cả, nhưng ông vẫn xin lỗi, và lời xin lỗi ấy phải chăng chính là lời xin lỗi ông nội tôi. Cũng không một lời trách cứ, bởi có lẽ ông tự trách mình, tại sao giao du với những người như bác ấy- những người mà không phù hợp với ông, chứ không phải là tại bác ấy thế nào cả. Chưa kể không biết sự việc hôm đó sẽ có kết cục xấu như thế nào, nếu cha tôi đổ lỗi cho bác ấy!?
Còn trong câu chuyện thứ hai, theo thói thường, người ta đa phần tự hào, kể công về một thời oanh liệt của mình, nhưng anh bạn tôi thì không, anh nhận lỗi về mình-vì cái tội dùng sai người, mà không hề đổ tại người được dùng, cũng như những tác động khách quan khác, như nhiều người thường thế. Rõ ràng, người ta không thiếu gì lí do để khỏi nhận lỗi về mình, nhưng có lẽ những người mà tôi vừa kể, họ đã ứng xử theo đạo lý: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân".
Những tấm gương về những người hành xử theo cái tâm “tiên trách kỷ”, còn phải kể đến những người thầy của tôi. Một lần thăm lại một thầy cũ với lòng biết ơn chân thành của lũ trò chúng tôi. Nhưng thật bất ngờ trong nước mắt-Thầy nói: Các anh đã trưởng thành, nên thầy nói thật thế này: không biết cuộc đời dạy học của thầy, có hại cho bao nhiêu học trò, vì biết đâu nếu không phải học thầy, mà được học thầy khác, trường khác, thì có lợi cho họ hơn nhiều!? Chúng tôi vô cùng kinh ngạc và ra về với ngổn ngang suy ngẫm. Riêng tôi thì cho rằng, chỉ với câu hỏi tự vấn của Thầy hôm ấy, cũng đã đủ cho thấy, Thầy là một người thầy xứng đáng nhất mà duyên phận đã lựa chọn cho tôi, và câu hỏi đó còn cho tôi thêm một bài học bổ ích suốt đời.
Quả thật, kẻ làm cha có trách nhiệm chắc không mấy ai dám tự hào hoàn thành tốt việc nuôi dạy con cái. Người làm thầy cũng vậy, chắc lại càng không dám tự hào đã làm tròn sứ mệnh của mình. Tiếc thay, trong thực tế tự hào và kể công dường như lại là những thứ quá đỗi quen thuộc, được phát ra từ cửa miệng của nhiều đối tượng, như cái quyền đương nhiên của họ (!) Trong khi đó, hiện thực xuống cấp về những sản phẩm mà họ tạo ra vẫn cứ hoành hành!
Trải nghiệm càng nhiều, tôi càng nhận ra: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", là lời giải hữu hiệu cho nhiều vấn đề rắc rối trong cuộc sống này.  Thật vậy nếu biết "tiên trách kỷ", trước hết sẽ giúp con người tự nhận ra nhược điểm của mình-một điều vô cùng quan trọng, thứ nữa là, biết tự chịu trách nhiệm về những sai lầm, và rõ ràng còn làm giảm đi những xung đột trong cuộc sống. Hình ảnh của hai cá nhân nào đó, ôm nhau khóc, nhận lỗi về mình, sau những xung đột nghiêm trọng, có lẽ luôn là một hình ảnh đẹp, để lại nhiều cảm xúc, cũng như những tấm gương giáo dục sinh động. Thật sự "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" thường mang đến cho con người những kết thúc có hậu!
"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", dường như còn là một trong những thước đo độ trưởng thành của một cá nhân, thậm chí là một dân tộc. Nó còn như một thuộc tính căn cốt, của những cá thể có ý thức cao và làm chủ được cái tôi của mình-một thuộc tính của người văn minh. Không chỉ có vậy, "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", cũng sẽ giúp cho thực thể “biết mình biết người”-một tiền đề quan trọng để đi đến thành công. Và rõ ràng, một cá nhân, một tổ chức, hay một dân tộc không biết: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", chắc chắn sẽ là những thực thể chậm tiến, và tất yếu sẽ là những thực thể chỉ quen "tranh công đổ lỗi". Điều này chỉ làm cho xã hội thêm rối loạn, tội lỗi tràn lan, không thể kiểm soát. Tình cảnh của một xã hội xuống dốc, tiêu cực diễn ra ở khắp nơi, khắp mọi ngành nghề, mà không thấy nói đến nguyên nhân căn cốt, không người tự đứng ra nhận lỗi, nhận trách nhiệm về mình, phải chăng chính là, người ta đã chà đạp lên cái đạo lý: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân"!? Và rõ ràng, "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", là hệ quả của văn hóa, giáo dục, mà xã hội cần phải hướng tới.
Trong thực tế, đối lập với những người, nhất là những người có trọng trách biết “tiên trách kỷ”, phải kể đến những loại người cơ hội, như lũ chuột trong câu chuyện ngụ ngôn sau: Truyện kể rằng, tại một ngôi chùa thiêng, một lũ chuột chui vào một pho tượng phật làm tổ ở đó. Thế là chúng hàng ngày không chỉ được ăn uống thỏa thích những đồ cúng lễ và tự do phóng uế bừa bãi, mà còn được người người phủ phục dưới chân. Lâu ngày, lũ chuột quên mất thân phận chuột của mình, mà nghĩ mình là phật thật. Còn đức phật thì bỏ đi, vì ngài làm sao chịu nổi sự ô uế!? Thế là, tuy tượng phật vẫn còn đó, nhưng ngôi chùa thì ngày càng nhơ nhớp, mất thiêng, khiến dân chúng trong vùng gặp nhiều tai họa.
Bất công, công bằng, chấp nhận, thích nghi, và cơ hội, luôn đồng hành với muôn loài. Riêng ở loài người văn minh, do còn thêm những quyền mặc định chung cho tất cả mọi cá nhân, chưa kể còn do con người ngày càng xa rời với thiên nhiên, thậm chí còn phá hủy thiên nhiên, hay "sáng tạo" ra những lý thuyết chủ quan-phi tự nhiên, vì thế mà ứng xử của cá nhân trước những hiện thực khách quan nảy sinh trong xã hội loài người, càng trở nên rắc rối và khó đoán định đúng sai.
Xã hội loài người là vậy, và nó sẽ đi đến đâu, ấy là việc của tạo hóa, chưa hẳn đã là việc của con người. Nhưng rõ ràng, dù tự tin, hay bất lực trước thiên nhiên cũng như xã hội của mình, con người vẫn phải sống, vẫn phải cạnh tranh và phát triển. Và có lẽ trong công cuộc sinh tồn khốc liệt, đầy rủi ro và hiểm họa ấy, cái đạo lý "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", sẽ như một cẩm nang, cứu rỗi con người, trước những vấp ngã, thất bại. Chưa kể nó còn giúp người ta bình tâm, cũng như hóa giải những xung đột, những cảnh tương tàn, tỉnh táo trước những vấp ngã-đổ vỡ-thất bại, thậm chí còn rút ra được những bài học bổ ích từ chúng, để đi đến những lựa chọn sáng suốt, hay đón nhận được những cơ hội mới.

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

ĐÁM ĐÔNG

Dương Quốc Việt

Đã đăng trong Tạp chí Văn Hóa Nghệ An số 370 (10.8.2018)-Diễn đàn văn hóa.

Nhìn cảnh những đối tượng bị đám đông tấn công không thương tiếc, trong đời thực, cũng như trên các trang mạng xã hội, hay những đối tượng được đám đông ca tụng, thêu dệt hết lời, hoặc thậm chí còn được hàng đoàn người “quỳ lạy”, rồi cả những cảnh nạn nhân bị bỏ mặc trên xe công cộng, giữa đường hay giữa chợ.... khiến những người có lương tri, có ý thức trách nhiệm, chắc sẽ không khỏi suy tư. Rồi những cái chết oan uổng, những công trình văn hóa bị tàn phá, chỉ trong giây lát bởi những đám đông ô hợp-quá khích, để rồi chẳng biết quy trách nhiệm cho ai, mãi mãi như những vết nhơ của con người. Tất nhiên bên cạnh đó, cũng có những đám đông “cứu khổ cứu nạn”, giúp nhiều đối tượng qua vòng hiểm nguy. Rõ ràng chất lượng của đám đông, do chính chất lượng của đa số các thành viêntrong đám đông đó quyết định, nó cũng phần nào phản ánh chất lượng xã hội. Nhưng dù như thế nào thì đám đông, vẫn luôn là nỗi ám ảnh, nỗi khiếp nhược, mang tính bản năng của con người. 
Một vài nhìn nhận về đám đông
Có một thực tế ở Việt Nam, trong một thời gian dài, dường như yếu tố cá nhân luôn bị xem nhẹ, thay vào đó là đề cao yếu tố đám đông. Ở vào thời kỳ đó, chắc người có gan to đến mấy, cũng không dám trích câu:  “Tôi không tin vào tập hợp trí tuệ chung của những cá nhân ngu dốt” của Thomas Carlyle (1795-1881)-nhà triết học, nhà văn, nhà châm biếm, nhà sử học và nhà giáo người Scotland-một nhà bình luận xã hội quan trọng nhất trong thời đại của ông. Rồi dường như cho đến hôm nay, trong mọi phát ngôn chính thống, các đám đông thông thường luôn được vỗ về-đề cao. Nhưng người ta sẽ nghĩ gì, khi đọc phát biểu dưới đây của Vladimir Ilyich Lenin (1870-1924)-lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga: “Chẳng lượng tự do chính trị nào là đủ để thỏa mãn đám đông đói khát”.    
Nói về thuộc tính của đám đông, không thể không nhắc đến tóm lược về những kết luận của Gustave Le Bon (1841-1931)-nhà tâm lý học xã hội, được rút ra trong cuốn ''Tâm lý học đám đông'' của ông: “Những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất, họ mất đi cảm giác về bản thân và trách nhiệm, họ cần một thủ lĩnh, hay người cầm đầu-kẻ có thể dắt dẫn họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa. Họ thường không nghi ngờ gì khi đi theo những ý tưởng và cảm xúc dẫn dắt đám đông, thậm chí tạo nên hiệu ứng có khả năng lây lan giữa các cá thể như một dịch bệnh”. Còn nhà tâm lý học xã hội Leon Festinger (1919-1989) và các cộng sự thì lập luận rằng: “Trong các tình huống đám đông điển hình, các nhân tố như ẩn danh, thống nhất nhóm và kích động, có thể làm suy yếu các khả năng kiểm soát bản thân. Mặt khác bởi họ được tách mình ra khỏi nhận dạng cá nhân, nên mối quan tâm của họ về đánh giá xã hội bị suy giảm. Điều này đã làm tăng độ nhạy cảm cá nhân đối với môi trường và giảm thiểu suy nghĩ hợp lý”.
Như vậy tâm lý đám đông mang nặng tính bản năng, dù là bất cứ đám đông nào. Việc tham gia vào đám đông, là nhu cầu của không ít người, và cũng không ít người bị ép buộc, hay a dua như một thứ bản năng. Dẫu vậy, khi đám đông với số lượng đủ lớn, thì vấn đề, lại trở thành câu chuyện nghiêm túc, thậm chí lớn lao. Điều này đã được chính Lenin tổng kết:Chính trị bắt đầu nơi có đám đông, không phải hàng ngàn, mà là hàng triệu, đó là nơi mà chính trị nghiêm túc bắt đầu”. Rõ ràng đây là một cái nhìn minh triết của một chính trị gia, thiên tài về tổ chức.  
Cá nhân với đám đông
Để hòa đồng trong một đám đông, các cá nhân, phải hành động giống người xung quanh, không có chỗ cho cái tôi của mình. Rằng đó là điều nguy hại nhất, bởi nó sẽ hủy diệt bản sắc cá nhân, thủ tiêu sáng tạo. Thực tế lịch sử mà nhân loại trải qua, đã chứng minh rằng, những cá nhân có được những thành tựu nổi trội, thường là những người đứng ra ngoài đám đông. Rồi ngay cả những người trở thành thủ lĩnh-dẫn dắt một đám đông, làm nên một thay đổi nào đó, dù tốt, hay xấu, thì chính họ hầu hết, đều không hẳn đã là người của đám đông ấy.
Con người cá nhân, ngay cả những người có tài năng thiên bẩm, sẽ chẳng còn là gì, mọi điều mà tạo hóa gửi trao nơi họ đều trở thành vô dụng, nếu họ không còn độc lập, mà bị hòa tan vào đám đông. Bởi như vua hề Charlie Chaplin (1889-1977)đã từng phát biểu:"Con người là thiên tài khi đứng một mình. Nhưng đám đông con người thì tạo ra con quái vật không đầu, một thằng ngu lớn lao, tàn bạo đi bất cứ nơi nào bị thúc". Và cho dù bạn là ai, thì khi chìm vào đám đông, bạn cũng sẽ bị biến dạng theo nó, như Margaret Eleanor Atwood (sinh năm 1939)-nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình,  nhà giáo và nhà hoạt động môi trường Canada, đã cảnh báo: "Bước vào đám đông giống như chìm vào món hầm-bạn trở thành một nguyên liệu, bạn khoác lên một mùi vị riêng". 
Những cá nhân nuôi chí tiến thủ, không thể không biết lựa chọn cho mình những không gian văn hóa, hun đúc cho ý chí của mình. Người xưa đã dạy: "Gần mực thì đen, gần đén thì sáng", hay "Chọn bạn mà chơi". Vậy thì những cá nhân đó, không thể tùy tiện, tham gia vào đám đông, nếu đám đông đó, có nguy cơ làm thoái chí của họ. Rằng cái điều mà Jim Rohn (1930-2009)-một doanh nhân, tác giả và là nhà diễn thuyết truyền động lực người Mỹ-người đã truyền đi tư tưởng “thành công là một lựa chọn”, đã nhắc nhở:"Đừng tham gia vào đám đông dễ dãi. Ban sẽ không tiến bộ được. Hãy tới nơi mà kỳ vọng và yêu cầu làm việc và đạt được thành tựu ở mức cao". Nên nhớ rằng, đám đông, chính là nơi, "chủ nghĩa cào bằng" ngự trị. Và nếu bạn đủ khát khao thì hãy làm theo lời hiệu triệu của Margaret Hilda Thatcher (1925-2013)-nữ thủ tướng Anh (1979-1990):"Đừng đi theo đám đông, hãy để đám đông đi theo bạn", bởi thế giới luôn cần những người như thế! 
Đến đây, chắc bạn càng thêm thấu hiểu, vì sao cần phải đứng ra ngoài đám đông. Và cũng cần phải sòng phẳng mà nhìn nhận rằng, nếu bạn không thể đứng ngoài một đám đông, với bất kỳ lý do gì, thì chắc chắn bạn cũng chỉ xứng đáng, làm thành viên của đám đông đó. Vậy vị trí cho những người đứng ngoài đám đông, sẽ dành cho những cá nhân nào? Thực tế cho thấy, những người tự tách ra khỏi đám đông, thường là những người có tính độc lập cao, có bản lĩnh vững vàng, dũng cảm, rất có cá tính, và thường là có tài năng, có chủ kiến tư tưởng... Nhưng dù đứng trong hay ngoài đám đông, thì cái tôi thực sự của mỗi cá nhân cũng cần phải vững chắc, vì chỉ có như thế, cá nhân mới có chính kiến riêng, và có đủ nội lực, để thoát ra khỏi hiệu ứng tâm lý đám đông-gây nên những hệ lụy không tốt trong xã hội.  
Nếu bạn đã là thành viên của một đám đông, giờ bạn muốn tách ra khỏi đám đông đó, thì bạn không thể là người cầu toàn, cả nể, như còn muốn lấy lòng đám đông. Rằng nếu bạn không dám mạo hiểm-liều lĩnh, thì  bạn cũng phải là người tự tin, vững vàng trước những thị phi. Hãy nghĩ cách, để đám đông ấy quên bạn, và bạn cũng nên biết tự an ủi: “Có cô thì chợ cũng đông, cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui”. Cũng như bạn cần phải hiểu rằng: cố gắng để lấy lòng đám đông, cũng là một thứ ích kỷ, thậm chí bệnh hoạn. Nhưng may thay, tạo hóa vốn công bằng, cũng như “trời không phụ lòng người”, thực tế cho thấy, những người thực sự muốn thoát ra khỏi đám đông, bao giờ họ cũng đủ sức để làm được việc đó, bởi những phẩm chất khác biệt của họ, đó dường như còn là một logic.        
Khi xã hội chỉ chú ý đến số đông
Một kiến trúc, tổ chức xã hội theo kiểu “thiên vị đám đông”-mang nặng tính phong trào, chỉ chú ý đến ý kiến của số đông, biến mọi cái tôi cá nhân, hòa tan vào đám đông, chắc chắn là một xã hội, sẽ dẫn đến rối loạn, vô cảm và bi kịch. Bởi một khi cái tôi cá nhân, bị hòa tan vào đám đông, con người sẽ không có suy nghĩ độc lập, sẽ mất đi cảm xúc, và không còn khả năng sáng tạo. Một xã hội như thế, sẽ là một xã hội thiếu vắng tư duy độc lập, dẫn đến thiếu tiếng nói phản biện, thiếu óc kiến tạo, thiếu những tài năng dẫn dắt công chúng. Thậm chí nguy cơ dẫn đến, xã hội chỉ còn như một tập hợp của những đám đông vô cảm, vô trách nhiệm.  
Xã hội chúng ta ngày nay, đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề, bởi trong một thời gian dài, từ trong đời sống, cũng như trong giáo dục, cái tôi cá nhân không được vun đắp, mà luôn bị “đồng hóa” bởi những đám đông. Thậm chí người ta còn đưa ra nhiều luận điểm, như kiểu “hạt cát trong sa mạc”, hay “ba anh thợ Da bằng một ông Gia Cát”... nhằm hạ thấp  những khả năng vượt trội, trong lao động và học tập. Mọi ý kiến cá nhân bị nhấn chìm trong ý kiến số đông. Trong khi đó, những đám đông, luôn lại là nơi ẩn náu, che đậy cho những kẻ cơ hội chậm tiến, không dám chịu trách nhiệm. Do thế mà chúng ta đã và đang rất thiếu vắng, những cơ quan, những đơn vị, những cá nhân xuất sắc ở tất cả các lĩnh vực, để đưa đất nước đi lên, mà trái lại, chỉ xuất hiện ngày càng nhiều đám đông, như những lực cản lớn, thậm chí còn như chống lại sự tiến bộ. 
***
Thực tế đám đông cũng có thể xây, cũng có thể phá, nó như một thực thể phản ánh phần nào thực trạng xã hội. Thường trong một xã hội, chứa đựng nhiều bất ổn, những bất mãn trong xã hội gia tăng, nhất là “thượng bất chính”, những xung đột trong xã hội không được giải tỏa, cá nhân trong xã hội bị giáo dục lệch lạc, thì việc xuất hiện những đám đông vô cảm, hay phá phách một cách vô thức, là điều không thể tránh khỏi. Dẫu vậy, đám đông muốn hay không muốn cũng luôn tồn tại, và những người tách ra khỏi đám đông cũng luôn tồn tại, và thế giới của chúng ta luôn cần đám đông, cũng như luôn cần những cá nhân khác biệt. 
Vấn đề còn lại là ở chỗ, xã hội cần ứng xử với những thực thể này như thế nào!? Nhưng rõ ràng một xã hội văn minh, chắc chắn phải là một xã hội tôn trọng và phát huy bản sắc cá nhân, tôn trọng sự khác biệt, cũng như đám đông, thông qua hiến pháp-pháp luật, cùng với giáo dục và thực thi pháp luật. Tạo hóa sinh ra con người, vốn là những cá nhân khác biệt, nhưng con người lại cần phải chung sống và phát triển trong xã hội, vì vậy nó cần phải được huấn luyện, được giáo dục, rằng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình” như tổ chức Unesco đã khởi xướng. Cuối cùng, chất lượng hành xử của đám đông, luôn là hệ quả của thể chế chính trị, văn hóa,  giáo dục, đó cũng là những yếu tố quyết định hình thành tính cách cá nhân trong xã hội.    

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

CÁI GIÁ CỦA TỰ DO

Dương Quốc Việt

Đã đăng trong Tia Sáng: Cái giá của tự do

Những nỗ lực hướng tới dân chủ và tự do là một câu chuyện diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Tự do là một thuộc tính tự nhiên của con người, như Jean Jacques Rousseau (1712-1778)-nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng có ảnh hưởng lớn tới cách mạng Pháp-1789, đã từng nói: “Con người sinh ra đã có tự do”. Nhưng thuộc tính tự do của mỗi cá nhân luôn có xu hướng bị “đồng hóa”, bởi quyền tự do của các cá nhân luôn ràng buộc, thậm chí khống chế lẫn nhau. Bản tính tự do tự nhiên của con người được phát huy hiệu quả ở mức độ nào là tùy thuộc vào tầm vóc văn hóa và những điều kiện riêng của từng cá nhân, cùng kết quả quá trình tiến hóa của toàn xã hội.

Con đường tới tự do

Những con người tự do đích thực là tài sản quý giá không bỗng dưng mà có. Mỗi con người sinh ra đã có tự do, nhưng để làm người tự do là kết quả của nỗ lực phấn đấu không ngừng từ bản thân mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội, mà trước hết đó là sản phẩm của nền giáo dục. Một trong những điều kiện cơ bản để có con người tự do là họ phải được hưởng một nền giáo dục tốt. “Trẻ em cần phải được giáo dục và được hướng dẫn những nguyên tắc của tự do” như John Adams (1735-1826)-phó tổng thống đầu tiên của Mỹ (1789-1797) và là tổng thống thứ 2 của Mỹ (1797-1801), đã đúc kết.

Đối với đại đa số con người, điều kiện cơ bản đầu tiên của tự do là một đời sống vật chất ở mức tối thiểu. Chỉ cần bằng trải nghiệm ít nhiều trong cuộc sống, người ta cũng không khó để nhận ra cái minh triết trong lời nhắn nhủ: “Hãy kiên quyết đừng để mình trở nên nghèo túng; hãy sử dụng ít hơn bạn có. Sự nghèo túng là kẻ thù lớn đối với hạnh phúc con người; nó phá hủy tự do, và nó khiến một vài đức hạnh trở thành không thực tế, và số còn lại cực kỳ khó khăn” của Samuel Johnson (1709-1784)- nhà văn, nhà đạo đức học người Anh, thật đáng giá và thực tế biết bao! Hóa ra muốn có tự do thì trước hết con người cần phải thoát nghèo. 

Tuy nhiên, để thoát nghèo, con người cần nhiều đức tính, nhưng phải chăng không thể không có những lựa chọn mạo hiểm! Người ta đã đúc kết rằng: “Một người nông dân từ bỏ một mái lều tranh, còn khó hơn một nhà tư sản từ bỏ một lâu đài”! Rằng đó phải chăng cũng chính là những “cái quẩn quanh”, không dám mạo hiểm-bứt phá, khiến chủ thể khó thoát nghèo!? Vì vậy cái “không gian tự do” của họ cứ mãi hạn hẹp! Lịch sử đã chứng minh rằng: những dân tộc chậm phát triển, tất nhiên khó mà có dân chủ và tự do nơi họ, thường cũng là những dân tộc có lịch sử ít mạo hiểm.

Nhìn sâu hơn vào bản chất, sự mạo hiểm chính là một phần của tự do, bởi rõ ràng tự do trước hết được thể hiện ở quyền tự do lựa chọn, mà gắn liền với mỗi lựa chọn luôn tiềm ẩn khả năng sai lầm. Erich Seligmann Fromm (1900-1980)- nhà tâm lý học xã hội, nhà phân tâm học, nhà xã hội học, triết gia nhân văn và nhà xã hội học dân chủ người Đức, cho rằng: “Không thể có tự do thật sự mà không có tự do vấp ngã”. Cái giá phải trả cho tự do thực sự, chính là sự vấp ngã. Hay như Mahatma Gandhi (1869 -1948)-người hùng dân tộc Ấn Độ, đã phát biểu: “Tự do không đáng để có nếu nó không bao gồm tự do được sai lầm“.

Hơn thế nữa như nhà giáo dục người Mỹ-William Arthur Ward (1921-1994) đã lý giải: “Người không mạo hiểm điều gì, chẳng là gì. Anh ta có thể tránh được đau buồn và thống khổ, nhưng anh ta không thể học hỏi, cảm nhận, thay đổi, trưởng thành hay thực sự  sống. Bị xiềng xích bởi sự khuất phục, anh ta là kẻ nô lệ đã từ bỏ tất cả tự do. Chỉ người dám mạo hiểm mới có tự do”. 

Do đó những kẻ cầu toàn, sợ mắc sai lầm, đều không thể có tự do đích thực. Và tương tự như thế, những kẻ không dám nhận trách nhiệm cho mỗi quyết định của mình cũng không thể là con người tự do. Rằng như Elbert Green Hubbard (1856-1915)- nhà văn và triết gia người Mỹ đã nói: “Trách nhiệm là cái giá của tự do”. Theo Anna Eleanor Roosevelt (1884-1962) (phu nhân của tổng thống Mỹ- Franklin D. Roosevelt (1882-945) - nhà tiên phong trong phong trào ủng hộ nữ quyền, tích cực trong nỗ lực hình thành nhiều định chế, trong đó đáng kể nhất là tổ chức Liên hiệp quốc) thì: “Tự do đòi hỏi rất nhiều ở mỗi người. Đi cùng với tự do là trách nhiệm. Với người không sẵn sàng trưởng thành, người không muốn mang sức nặng của chính mình, đây là một viễn cảnh đáng sợ“. Điều này có nghĩa là, đối với những thực thể “chưa trưởng thành” thì quyền tự do, hay “không gian tự do” sẽ tự nó bị tước đoạt, hay chính họ lại muốn nhường quyền tự do quyết định cho người khác. Cũng như họ dễ dàng bị kẻ khác cướp đoạt quyền tự do của mình. Họ dường như không dám “độc lập”, không dám “tự chủ”, bởi họ không có khả năng “tự quyết định” cũng như “tự chịu trách nhiệm”. Đây chính là hình ảnh thực tế, về những lớp người chưa trưởng thành, những dân tộc chưa trưởng thành. Và thật khó nói đến những ý tưởng kiến tạo, những tư tưởng khai mở, cũng như sự đột phá từ họ!

Ý thức về phẩm giá cũng như trách nhiệm với bản thân và đồng loại cùng với những mạo hiểm và sự hi sinh có thể gắn với các lựa chọn, một cách tự nhiên những yếu tố đó chính là khuôn khổ đằng sau quyền tự do của con người. Và con người chỉ tự do thực sự khi chấp nhận khuôn khổ ấy một cách tự nguyện. Một người có ý chí khát khao vươn tới mục tiêu của mình, sẽ nhận ra, tự do chính là “tự do phục tùng những luật lệ mà một người tự thiết lập cho chính mình”, cái điều mà Jean Jacques Rousseau cũng  đã đề cập. Và rõ ràng mục tiêu càng cao thì cái luật lệ mà họ tự thiết lập càng nghiêm ngặt, cũng như tính tự phục tùng phải càng lớn. Đó là cái giá tất yếu phải trả để làm người tự do đích thực, bởi nếu không người ta buộc phải thuộc về một thái cực khác trong thực tế cuộc sống, đó là tự nguyện một cách có ý thức hoặc vô thức bằng lòng với sự mất tự do, hoặc phải chấp nhận một thứ tự do giả hiệu, thứ tự do trong phục tùng nghiêm ngặt những luật lệ, những quy tắc mang tính áp đặt từ người khác.

Tự do và những kẻ thù

Kẻ thù đầu tiên của tự do là thái độ hèn yếu không dám đấu tranh để có quyền tự quyết cũng như tiếp nhận trách nhiệm gắn liền với nó, nhưng đó không phải là kẻ thù duy nhất. Ở thái cực ngược lại, kẻ thù của tự do còn là khi người ta không tự nhận ra tính hữu hạn về sức mạnh và khả năng của mình, nên đã tự cho mình cái quyền tự do vô lối, nên liều lĩnh trong hành động, hoang tưởng như mình có quyền uy và năng lực tuyệt đối, trong việc tác động vào đời sống xã hội. Rằng tính chủ quan này, chính là một dạng suy thoái năng lực của con người. Điều này thường xảy ra ở những “kẻ độc tài giải phóng chính mình, nhưng lại nô dịch hóa nhân dân” như vua hề Charlie Chaplin (1889-1977) đã bóc mẽ. Và như thế, chúng trở thành những kẻ bóp chết tự do, không chỉ của người khác, mà của cả chính chúng. 

Ngoài ra như William Arthur Ward cũng đã chỉ rõ: “Kẻ thù của tự do là lãng phí, thờ ơ, phóng đãng, và thái độ xảo quyệt muốn có mà chẳng bỏ công”. Quả thật, nếu những phẩm tính không mong muốn này lại đồng thời tồn tại ở một nơi nào đó, thì ở đó yêu cầu thực thi quyền tự do sẽ trở thành một thứ hoang tưởng!?

Độ rộng hẹp của “không gian tự do” luôn phụ thuộc vào sức mạnh nội tại của chủ thể. Rõ ràng những kẻ phải nhờ cậy sức mạnh của người khác để có tự do thì thứ tự do đó chỉ là thứ tự do không thực chất và khó bền lâu. Đó dường như là một chân lý phổ biến trong đời sống, cũng như trong lịch sử. Đến đây khiến người ta nhớ đến lời hiệu triệu “Tự do Sancho ạ sức mạnh của ngọn giáo chiến đấu!” của kỵ sĩ Don Quijote nói với người đồng hành Sancho Panza trong  tiểu thuyết nổi tiếng “Don Quijote xứ Mancha” của nhà văn Tây Ban Nha-Miguel de Cervantes y Saavedra (1547-1616). Điều này cũng đã được bàn đến trong bài “Tự do-sức mạnh của ngọn giáo”-Tia Sáng-27-4-2016.

***

Lịch sử đã chứng minh rằng, một xã hội muốn phát triển, thì trước hết quyền tự do của xã hội ấy phải được phát triển. Thêm nữa, như Karl Heinrich Marx (1818-1883) đã từng nói: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”! Như vậy, chỉ có tự do của mỗi cá nhân được đảm bảo, mới có thể tạo nên tự do của một quốc gia, đặt nền tảng cho quốc gia phát triển. Mặt khác như chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1069) đã nhấn mạnh: “Đất nước độc lập nhưng nếu nhân dân không tự do, hạnh phúc, thì độc lập ấy không có ý nghĩa gì”. Điều này còn có nghĩa là, độc lập trước ngoại bang chỉ là một tiền đề, nó chưa hẳn đã mang đến tự do, lại càng không phải là mục đích cuối cùng! Và từ thực tiễn lịch sử cho thấy, quá trình giành độc lâp, có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn, nhưng quá trình để đi đến tự do, thường lại là một quá trình kiến tạo, gian khổ, phức tạp, chịu nhiều biến động, thử thách, mở và dài hạn.

Tự do thật mong manh và dễ đổ vỡ, nó là hệ quả của biết bao yếu tố ngoại lực và nội lực. Nhưng rõ ràng một thực thể nào đó dẫu đã có độc lập, nhưng vẫn chưa trưởng thành, thì vẫn còn rất  xa vời với tự do gắn với phát triển, thậm chí có thể sự độc lập của nó cũng sẽ bị đe dọa. Và  khả năng “tự quyết định” cũng như dám “tự chịu trách nhiệm” của mỗi thực thể, chính là những tiêu chí quan trọng, góp phần làm nên sự trưởng thành của thực thể đó! Vậy nên chăng cần bắt đầu, từ việc tạo lập quy trình, khiến cho mỗi cá nhân, mỗi tổ chức xã hội phải “tự quyết định” cũng như phải “tự chịu trách nhiệm” về mọi hành động của mình !? Rằng đó chính là khởi đầu quan trọng, nhất thiết phải vượt qua, trong lộ trình đi đến tự do cá nhân và tự do xã hội! Và điều sau cùng cần nhớ, dù có như thế nào thì cũng “không thể bảo vệ tự do trong khi nhân dân không nhận thức được nó“, cái điều mà John AdamsJohn Adams đã nhắn gửi.

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2018

MÙA XUÂN NHỚ THI SĨ THANH HẢI

Dương Quốc Việt
Tôi xin gọi tên ông:
“Một mùa xuân nho nhỏ”.
Trầm lắng hồn thơ ông
Biết bao điều gửi gắm.
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc…
Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Một nốt trầm xao xuyến
Tan biến trong hoà ca…”
Tôi thầm gọi tên ông:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời”.
Nơi xứ sở đất-người
Hàng nghìn năm cay nghiệt.
Hồn Nguyễn Du tê tái
Biển lệ tưới thân Kiều.
Hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu
“Lệ Chi Viên” còn đó.
“Cáo Bình Ngô” là thế
Thân quân tử nát tan.
Đâu quốc hồn-quốc tuý
Đất dữ hay đất lành.
Hoa tươi hay cỏ dại
Tinh hoa mảnh đất này.
Thái bình hay loạn ly
Cùng xây hay cùng phá.
Kiến tạo gần hay xa
Dài lâu hay chộp giật.
Tự hào ư? Huyễn hoặc
Nông nổi bao kiếp người.
Nghìn năm sau vẫn thế
Cỏ dại đâu còn hoa.
______
Hà Nội- 19-2-2012-Đã đăng trong Văn đàn Việt