Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

QUEN NHÌN MỘT CHIỀU?

Dương Quốc Việt

Những cái nhìn của kẻ phản biện, có thể khiến nhiều thực thể xã hội không ưa, nhưng chỉ có những cái nhìn đó, mới làm cho con người có ngày thức tỉnh. Và từ thực tế lịch sử cho thấy, nếu một thực thể chỉ quen với cái nhìn một chiều, thì thật khó có thể thoát khỏi sự suy nhược và tụt hậu. 

Chẳng hạn, với con mắt phản biện, người ta sẽ nhìn thấu cái mệnh đề: nếu không làm mất nước, thì sẽ không phải cứu nước. Vì thế, nếu một dân tộc chỉ một mực ca ngợi sự cứu nước, mà không biết nghiêm khắc tự hỏi vì sao để mất nước-để rút ra những bài học xương máu, thì có thể nói dân tộc ấy chưa trưởng thành và nguy cơ mất nước có thể sẽ còn lặp đi lặp lại. 

Rồi vế trước của những chiến tích gọi là anh hùng của một dân tộc, chắc chắn phải là những sự cố hèn hạ nào đó-của chính dân tộc ấy. Cũng như vậy, đêm trước của sự khôn ngoan-thức tỉnh, chính lại là những u mê-dẫn dụ nhầm đường lạc lối. Và thật khôi hài, nếu người ta lại sớm quên, hoặc không chịu thừa nhận nhược điểm, để mong rút ra được những bài học lâu dài, mà chỉ một mực tụng ca thành tựu. 

Cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu-truyền đời, không thể đứng ngoài sự lười nhác, hay “bóc ngắn cắn dài”. Ấy thế mà chỉ biết dành tình thương cho cái nghèo, mà không biết căm ghét cái lười nhác, cái lãng phí, cũng như chỉ biết khinh cái trọc phú, mà không biết trọng sự siêng năng sự làm giàu, thì thử hỏi liệu con người ta có thể biết nuôi chí để thoát nghèo hay không? 

Trọng tình, nhưng phải biết đề cao sự tuân lý. Ghét giả dối, nhưng phải biết kính trọng thẳng ngay. Đề cao sự học, nhưng phải biết trọng dụng hiền tài. Ghét sự kiêu ngạo, nhưng phải biểt nhận diện cái khiêm tốn giả tạo. Đề cao lý luận, nhưng phải biểt tẩy chay sự rối rắm, ngụy biện. Đặc biệt, cần phải thấu rằng, chữ nghĩa cũng có thể làm cho người ta thông tuệ, nhưng cũng có thể làm cho người ta thêm u tối.

Thế giới này, vốn có nhiều quốc gia, nhiều dân tộc, cũng như không phải quốc gia nào cũng có điều kiện địa lý thuận lợi. Và đành rằng “sông có khúc-người có lúc”, nhưng rõ ràng chỉ có nghiêm túc học hỏi, suy xét-tự vấn, cầu tiến, mới mong có ngày khá lên được.

Vì vậy sẽ ra sao, khi con người phải sống trong một không gian văn hóa đậm âm tính, thiếu phản biện, chậm hành động, đặc biệt là văn chương nghệ thuật phiến diện, một chiều, thiếu tính khai sáng-thức tỉnh, xa rời bản chất cuộc sống, thậm chí cả bản chất con người?

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

MỘT DÂN TỘC CHUỘNG SỰ TRÒN TRỊA?

Dương Quốc Việt

Shusaku Endo (1923-1996)-nhà văn người Nhật đã cho biết: “Mỗi điểm yếu đều chứa đựng một nguồn sức mạnh bên trong nó”. Quả thật đó là một phát hiện, mà không phải ở đẳng cấp văn hóa nào cũng có thể nhận ra. 

Hơn nữa, lịch sử nhân loại đã ghi nhận biết bao cá nhân “lắm tật nhiều tài”, tạo lập những kỳ tích, ở tất cả các lĩnh vực. Tiếc rằng, ở những xứ sở, mắc chứng hoang tưởng, quen tôn thờ các truyền thuyết và “các loại thánh”, sẽ khó có thể dung nạp được những kiểu người này. 

Vậy thử hỏi, với cái văn hóa, đòi hỏi sự “hoàn hảo” ở người khác, hay chuộng sự “tròn trịa”, chưa kể còn ưa “cào bằng”, lại lười nhác-kém hành động, thì liệu có thể phát hiện ra nhân tài, cũng như sử dụng được họ hay không? 

Quang Trung-Nguyễn Huệ (1753-1792) đã từng nói “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc“. Bởi thế, một dân tộc phát hiện và sử dụng nhân tài kém, chắc chắn cũng sẽ tụt hậu. 

Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2021

MỘT DÂN TỘC SUY NHƯỢC?

Dương Quốc Việt

Tôi còn nhớ, có một cuốn sách xưa đã từng đúc kết: “Một cơ thể suy nhược không thể chứa một tinh thần dũng mãnh“.

Bởi thế, dẫu có thông minh và hiểu biết đến mấy, nhưng “cơ thể suy nhược”, thì con người cũng không đủ ý chí và sức lực, để đeo đuổi những công trình sáng tạo-dài hơi, dù ở bất cứ lĩnh vực nào.

Vì vậy, nếu một dân tộc với văn hóa và giáo dục, làm hao mòn sức lực của con người, khiến cho hầu hết các cá nhân bị “hụt hơi”, trong công cuộc marathon-cuộc đời của họ, thì dân tộc ấy nhất định sẽ tụt hậu.

Trong thực tế, do tính cách, văn hóa, thể chế, giáo dục, mà có thể sẽ tạo nên MỘT DÂN TỘC SUY NHƯỢC. Rằng đó là điều đáng sợ nhất! Bởi khi đó, nó sẽ bất cập ở hầu hết các lĩnh vực, nhất là với các cuộc đua tranh-tốc độ, cùng sự bền vững, trước thế giới văn minh.

Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

CUỘC CHẠY TẠC VÀO THẾ KỶ

Dương Quốc Việt

Máu anh hào 
Dáng đứng tạc vào thế kỷ
Marathon thiên lý dặm trường
Lại được tạc vào thế kỷ(!)

Hãy đứng lên 
Gắng làm người minh tỏ
Gào thét-kêu than
Phỏng có ích gì!?

Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2021

HỘI TOÁN HỌC?

Dương Quốc Việt

Mấy ngày nay, chả là trên các trang mạng xã hội, đang bàn tán rất nhiều, về Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, tôi mới để ý thấy tầm quan trọng của hội viên-hội nhà văn. Còn đối với hội viên hội toán học thì sao nhỉ? Thực tình cho đến nay, tôi cũng chưa bao giờ tìm hiểu tiêu chuẩn để trở thành một hội viên của hôi toán học Việt Nam. Nhưng hình như (không biết có đúng thế không), tất cả các giảng viên toán của các trường đại học, và các nghiên cứu viên toán học của các viện nghiên cứu, đều là hội viên thì phải. 

Đương nhiên tôi càng không bao giờ để ý đến tiêu chuẩn để trở thành hội viên hội toán học Mỹ. Chỉ biết rằng cách đây đã lâu (khoảng trên dưới 20 năm), tôi nhận được thư mời-và đã trở thành-thành viên nước ngoài của hội toán học Mỹ. Vấn đề là nghĩa vụ và quyền lợi- đặc biệt là đóng hội phí như thế nào? 

Mathematical Reviews?

Cùng lúc với giấy mời vào hội toán học Mỹ, tôi cũng được mời làm Reviewer cho Mathematical Reviews-một cơ sở dữ liệu cho khoa học toán học, được tạo lập bởi hội toán học Mỹ, và được xuất bản trên web với tên MathSciNet. Hóa ra thay vì phải đóng hội phí, mỗi năm chỉ cần hoàn thành 2 bài cho Mathematical Reviews là đủ. Tất nhiên tôi đã nhận làm Reviewer cho MR, và đã viết được khoảng 20 bài, sau do lười, nên xin thôi. Như vậy, toán học không có cái món “phê bình toán học”, mà chỉ có cái món Mathematical Reviews hoặc tương tự như thế! 

Đại hội toán học VN?

Đại hội toán học, cũng chính là lúc, người ta tổ chức các báo cáo kết quả nghiên cứu, và bầu ra ban chấp hành mới. Các đại hội toán học thường xã hội ít quan tâm. Có lẽ bởi tính VÔ HẠI của nghề làm toán chăng?

Tính hội nhập của toán học VN?

Một trong những thuộc “tính VÔ HẠI” của nghề làm toán, cần nói đến, là nó dường như không có tính dân tộc, cũng như ảnh hưởng bởi các xu thế chính trị. Thành thử toán học “thanh thản” lên đường hội nhập, như trở về với đại dương của nò. Vả lại ngày nay những người làm toán, rất ít có các đồng nghiệp hiểu-chia sẻ được kết quả của họ. Mặt khác bình duyệt những công trình toán học mới, để công bố trên các tạp chí (như còn xác nhận bản quyền tác giả), là một quá trình gian khổ, và bất cập-nếu chỉ dựa vào nguồn lực quốc gia. Vì vậy nếu chỉ đóng khung trong khuôn khổ quốc gia, thì toàn học chắc chắn sẽ lụi tàn.

Nhà toán học?

Thế nào được gọi là một nhà toán học? Tuy không ai đặt ra tiêu chí cụ thể, nhưng dường như cộng đồng toán học thế giới đều hiểu rằng, các kết quả khám phá của anh ta, ít nhất phải vào cỡ 2 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế UY TÍN thuộc danh mục các tạp chí ISI. Vì vậy nếu ai đó tò mò muốn biết, thì sẽ không khó để nhận ra Việt Nam ta, đã có bao nhiêu nhà toán học theo tiêu chuẩn này. Và hiển nhiên cái danh “nhà toán học” như chỉ có ý nghĩa thông báo-anh ta là, hay cũng là, hoặc từng là, một “người làm toán”, chứ chẳng có quyền lợi, cũng như liên quan gì đến bằng cấp, hay học hàm, học vị, tức là cũng chẳng có gì quan trọng chi cả(!)

Để kết thúc, chúng tôi xin chia sẻ thêm rằng, các bài báo cũng như các sách toán, công bố ở những nơi nghiêm chỉnh, chắc chắn chỉ có tên tác giả, chứ không bao giờ kèm thêm học hàm, học vị vào tên tác giả. Rằng đó có phải là văn hóa đặc trưng của chỉ riêng toán hay không?

Hà Nội-27/11/2020.

Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

THU VỘI

Dương Quốc Việt

Thu trôi vội vã giời cao thẳm 
Bỏ đấy trần ai mặc lũ mày
Ngạo mạn khua môi nào xấu hổ
Đông về củi cạn nói chi răng(!?)