Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

KIÊU CĂNG

Dương Quốc Việt

Đã đăng trong Tạp chí VH Nghệ An-Số 414-10/6/2020: Kiêu căng

Harry Sinclair Lewis (1885-1951)-tiểu thuyết gia, nhà văn truyện ngắn, nhà soạn kịch, người Mỹ đầu tiên nhận giải Nobel Văn học (1930), đã nhận xét về loài người như thế này: “Ai cũng là nhà vua chừng nào có người để cúi đầu nhìn xuống”. Danh ngôn này, đã lột tả sinh động cái “máu vua con”, trong mỗi con người. Phải chăng đó cũng chính là một trong những động lực thúc đẩy cho những cuộc đua tranh không ngừng nghỉ, nhằm đoạt được những “ngôi vị”-trên đầu người khác (!?) Có lẽ, cũng bởi tính khốc liệt của chạy đua, nên nếu bồng bột-nông nổi-chủ quan, nảy sinh lòng kiêu căng-tự phụ, thì sẽ không chỉ là nguyên cớ để tạo ra những định kiến xấu, mà còn dẫn chủ thể đến với tổn thất-gục ngã. Như nhiều căn bệnh khác, căn bệnh kiêu căng-tự phụ, cũng cần phải được nhìn nhận đầy đủ. Một mặt để  con người biết cảnh giác với bản thân, hạn chế sự phát tác của nó, mặt khác, để góp phần củng cố, những cái nhìn nhân văn-về khuyết tật của người khác. Đặc biệt, còn để biết ghi xương khắc cốt như một luân lý cơ bản, rằng: “Chúng ta đầy khiếm khuyết và sai lầm; hãy để chúng ta cùng tha thứ cho sự nực cười của nhau-đó là luật đầu tiên của tự nhiên”. Cái điều mà François-Marie Arouet (1694-1778)-nổi tiếng qua bút hiệu Voltaire, nhà văn, tác giả, bình luận gia, nhà thần luận và triết gia người Pháp, đã chỉ dạy.

Và để thêm rộng đường trong câu chuyện của chúng ta, trước hết, xin trở về với bản chất gốc gác của con người. Nhân loại đã đúc kết rằng, con người khi sinh ra, đã mang những thị dục-bản năng: bảo toàn sinh mạng; ăn; ngủ; tiền của; sức khỏe; thỏa nhục dục; con cái được mọi sự đầy đủ; để tiếng lại đời sau; muốn được người khác cho là quan trọng. Trong đó “tình dục” và “thị dục huyễn ngã”(lòng mong muốn được người khác cho mình là vẻ vang, quan trọng), là hai thị dục căn bản nhất. Điều mà nhà tâm lý học vĩ đại người Đức-Sigmund Schlomo Freud (1856-1939), đã chỉ ra. Như vậy, khát khao được người khác công nhận mình- vẻ vang, quan trọng, là một bản năng rất mạnh, đã thôi thúc hầu hết mọi hành động của con người.
Từ cái khát khao-dục vọng bản năng mãnh liệt này, người ta sẽ giải thích được nhiều thuộc tính có thể xuất hiện ở con người, trong đó có lòng kiêu căng-tự phụ. Nhưng liệu kiêu căng-tự phụ có phải chỉ là một thuộc tính riêng biệt, cho những cá thể nào đó hay không? Có lẽ câu trả lời, dường như đã được chỉ ra, trong danh ngôn thẳng thắn sau đây, của thần đồng toán học Blaise Pascal (1623-1662)-nhà toán học, nhà vật lý, nhà phát minh, tác gia, triết gia người Pháp: “Tính kiêu căng tự đại neo chắc trong trái tim con người đến nỗi một người lính, một thường dân đi theo quân đội, một người đầu bếp hay một người gác cổng cũng sẽ khoe khoang và muốn sự thán phục, và thậm chí ngay cả các triết gia cũng muốn nó; những người viết chống lại nó muốn có được danh vọng vì đã viết hay, những người đọc muốn có được danh vọng vì đã đọc, và có lẽ chính tôi người viết những dòng này cũng muốn điều đó”. Hiện thực về bản năng của con người là vậy, nó vừa là động lực, vừa là vật cản, trong quá trình phát triển của mỗi cá thể.

Kiêu căng-tự phụ thường phát lộ ở những cá nhân, có điểm mạnh nổi trội, ở một vấn đề nào đó. Dường như đó vừa là một nhược điểm, lại vừa ẩn chứa một giá trị nào đó của chủ thể. Shusaku Endo (1923- 1996)-nhà văn người Nhật đã cho biết: “Mỗi điểm yếu đều chứa đựng một nguồn sức mạnh bên trong nó”. Sách xưa đã từng viết: Kiêu căng là sự khoe khoang của những tâm hồn cao thượng, còn khoe khoang là sự kiêu căng của những tâm hồn nhỏ nhen. Và dẫu rằng kiêu căng-tự phụ, đâu đó có thể được người đời rộng lượng-tha thứ, cảm thông, thì cũng xin lắng nghe những lời dạy bảo chí tình sau đây của Aesop (620 TCN-560 TCN)-nhà kể truyện ngụ ngôn người Hy Lạp cổ, nổi tiếng vì những câu chuyện ngụ ngôn, truyền tải tới người nghe sự thật, về cuộc đời và bản chất con người: “Đừng bao giờ để tính cách và giá trị đặc biệt của bạn, bí mật mà chỉ bạn mà không còn ai khác biết, sự thật-đừng để nó bị lòng tự phụ ngấu nghiến nuốt”.

Tiến sĩ Tăng Quốc Phiên (1811-1872)-Thị lang các bộ Binh, Lễ, Lại, Hình, một Nho gia lỗi lạc theo phái Đông Thành, nhân vật tiêu biểu của địa chủ người Hán, Nội các Học sĩ trong Triều đình Mãn Thanh, đã tổng kết rằng: “Xưa, nay người tầm thường mà bại hoại, đều là vì tính “lười”; người tài giỏi mà bại hoại, đều là vì tính “kiêu””. Còn triết gia, nhà văn châm biếm, nhà viết luận, sử gia và nhà giáo người Xcốt-len trong thời Victoria-Thomas Carlyle (1795-1881), thì đã đúc rút:“Tính tự cao tự đại là nguồn gốc và lời tóm tắt của tất cả mọi sai lầm và khổ sở”. Mới thấu thêm, những lời thơ bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du (1766–1820):
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần”.

Có lẽ, trong cái thế giới cạnh tranh khốc liệt của những “ông vua”, như đã đề cập ở lời mở đầu, thì kiêu căng-cậy tài, khoe khoang, chắc chắn sẽ là mầm mống của những hiểm họamà ngay cả những tài năng xuất chúng, cũng có thể bị hủy hoại vì nó. Điều mà đã xảy ra với biết bao số phận, trong lịch sử nhân loại. Louisa May Alcott (1832-1888)-một tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ, đã có tổng kết rằng: “Sự kiêu căng làm hỏng cả những thiên tài tốt đẹp nhất. Không nhiều mối nguy hiểm-rằng tài năng hay những điều tốt đẹp thật sự sẽ không được chú ý; và thậm chí ngay cả trong trường hợp đó, nhận thức được mình có nó và sử dụng tốt nó là điều rất quan trọng, và nhớ rằng sự quyến rũ lớn nhất của mọi quyền năng là tính khiêm tốn.

Đành rằng, kiêu căng-tự phụ vốn là thứ virus đeo bám trong mỗi con người, chỉ chờ dịp để bùng phát, nhưng bạn có bất ngờ không, khi đọc khẳng định này: “Tính tự phụ là mạnh nhất khi ở trong những con người yếu đuối”Một danh ngôn của William Shakespeare (1564-1616)-nhà thơ, nhà soạn kịch người Anh, được coi là tác giả vĩ đại nhất của ngôn ngữ Anh. Liệu đó có phải chính là một kiểu chống đỡ của những loài, dùng vỏ cứng bên ngoài, để bảo vệ tấm thân mềm yếu bên trong, như tạo hóa đã sáng tạo ra chúng hay không? Dường như phạm vi của danh ngôn này, còn bao gồm cả cái thứ  “quốc dân tính”, chảy trong huyết quản của nhân vật AQ-trong tiểu thuyết “AQ chính truyện” của văn hào Lỗ Tấn (1881-1936), điều cũng thường thấy ở những dân tộc nhược tiểu.

Aesop còn cho rằng: “Tâm trí càng nhỏ, sự tự cao tự đại càng to”. Thông điệp này, không chỉ như muốn gửi gắm một sự thật, thước đo về tầm vóc-tâm trí con người, mà còn cho thấy tính kiêu căng sẽ suy giảm đi, khi mà tâm trí ngày càng được mở rộng. Điều này còn là một lý giải, một cái nhìn nhân văn về sự tự cao-tự đại, giúp xóa bỏ đi những định kiến về những cá nhân, nhất là khi họ còn ở độ tuổi trẻ-nông nổi. Rằng trong quá trình phát triển, thụ hưởng giáo dục, trải nghiệm, sẽ làm rộng mở tâm trí, đồng thời cũng có nghĩa là-làm suy yếu đi cái khuyết tật kia nơi họ. Như vậy, câu chuyện của giảm thiểu kiêu căng-tự phụ, cũng còn là câu chuyện của mở mang tâm trí. Bởi khi tâm trí được mở mang, con người sẽ sáng suốt, mà “Người suy nghĩ sáng suốt chẳng bao giờ kiêu ngạo vì tài năng của mình. Đó là một khẳng định của Harper Lee (1926-2016)-tiểu thuyết gia người Mỹ, được biết tới nhiều nhất với tiểu thuyết “Giết con chim nhại”.

James Matthew Barrie (1860-1937)-tiểu thuyết gia và nhà viết kịch người Xcốt-len, đã đúc kết rằng:“Những lời khen ngợi đến từ tình yêu thương không khiến ta trở nên kiêu căng, mà khiến ta biết tự khiêm hơn”. Nhưng tiếc thay, trong cái thế giới của những “vua con”, thì “lời khen ngợi đến từ tình yêu thương” đâu có nhiều(!) Không những thế, trong thực tế, đã không ít những khả năng, những thành công vượt trội, phải hứng chịu những lời mỉa mai-cay độc, nhất là ở những môi trường-được bao phủ bởi bầu không khí ghen ghét-đố kỵ. Trong những trường hợp như vậy, đôi khi “kiêu căng-tự phụ” đã trở thành một thứ vũ khí đáp trả của chủ thể. Có thể nói, môi trường văn hoá xã hội, cũng góp phần không nhỏ, trong việc làm hạn chế, hay gia tăng sự bùng phát của “virus kiêu căng” trong mỗi con người.        

Giãi bày, chia sẻ những nhìn nhận, trải nghiệm về những khuyết tật khách quan-cố hữu đeo bám con người, đã được tạo hóa ký gửi, có lẽ cũng là những việc hữu ích. Qua đó, cũng sẽ góp phần làm thấu hiểu những giá trị của giáo dục, răn dạy, đức tin, văn hóa, truyền thống…, và tất cả những gì mà xã hội cần gầy dựng, nhằm giúp phát triển sở trường, hạn chế sở đoản của con người. Mặt khác, còn nhằm giúp con người, thêm hiểu bản thân và đồng loại, cũng như những cái nhìn đa diện, nhân văn, hướng đến sự chung sống ngày càng văn minh-nhân ái, biết tha thứ, thấu hiểu và cảm thông. Cuối cùng, xin được kết thúc bài viết bởi một tục ngữ dưới đây-của người Campuchia:
Chớ vội hí hửng vì người lầm lỗi.
Chớ vội kiêu căng vì mình được khen
.

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

NỖI SỢ HÃI

Dương Quốc Việt

Đã đăng trong Tạp chí VH Nghệ An-Số 413-25/5/2020: Nỗi sợ hãi

Câu chuyện về nỗi sợ hãi, không chỉ là những chuyện thường nhật, đơn lẻ-để rồi qua đi trong cuộc sống hàng ngày, mà còn là những chuyện dài-nhiều tập song hành-tồn tại cùng nhân loại. Trong suốt cuộc đời, con người luôn phải đối mặt với việc bỏ qua hay nhận diện, chiến thắng hay đầu hàng, những nỗi sợ hãi. Và rõ ràng, trong cuộc sống, không chỉ cần phải loại trừ nỗi sợ hãi-để hành động, mà còn cần nhận ra những điều đáng sợ, những nguy cơ-để ngăn chặn, thậm chí còn cần biết sợ-để chấp nhận-thua cuộc, hay còn cần cả biết kính sợ-để trân trọng-giữ gìn. Francis Quarles (1592-1644)-nhà thơ của nước Anh được biết tới với cuốn sách biểu tượng với tiêu đề Emblems, đã  để lại một danh ngôn-khiến hậu thế không thể không trăn trở-suy ngẫm: “Đừng sợ hãi bất cứ điều gì ngoại trừ thứ mà nỗ lực của anh có thể ngăn chặn; đừng tự tin về bất cứ điều gì ngoại trừ thứ mà số phận không thể đánh bại. Sợ hãi thứ không thể tránh cũng ngu ngốc chẳng kém gì yên tâm về thứ có thể bị tước đoạt”.

Thomas Hardy (1840-1928)-nhà thơ, nhà tiểu thuyết người Anh-một trong những văn hào tiêu biểu trong thời đại của Nữ hoàng Victoria, đã phát biểu: “Nỗi sợ hãi là mẹ của sự lo xa. Quả vậy, trong sự phát triển của cá nhân, hay xã hội, do biết sợ hãi trước những nguy cơ đe dọa, mà con người đã sớm biết hành động, để có thể ngăn chặn. Chẳng hạn, biết sợ cái đói nghèo, dốt nát, mà con người nỗ lực làm việc, học hành, tiết kiệm. Biết sợ tụt hậu, mà các quốc gia đã phải liên tục cải cách thể chế, kiến tạo đường lối để phát triển bền vững. Rồi vì thấu-sợ nỗi nhục mất nước, họa xâm lăng, mà con người luôn phải cảnh giác, xây dựng kế sách-giữ yên bờ cõi. Và có lẽ lời nhắn gửi: “Hãy để nỗi sợ hãi trước nguy hiểm trở thành động lực để ngăn chặn nó; người không biết sợ khiến nguy hiểm có được lợi thế”của Francis Quarles, sẽ còn mãi tính thời sự.

Đối lập với biết lo sợ trước nguy cơ, đó là những cảnh thái bình giả tạo, hội hè-đình đám-lãng phí, những kiểu tự tin-“điếc không sợ súng”, hay “ếch ngồi đáy giếng”… Rồi ngay cả cái thói quen khuếch trương chiến quả-thắng lợi, cũng là những lối hành xử của những kẻ không biết lo sợ trước nguy cơ. Tất nhiên, nhận thức cũng như ứng xử của mỗi con người, mỗi thực thể, trước những nguy cơ, sẽ không giống nhau, thậm chí còn đối nghịch nhau. Chẳng hạn, nguy cơ mất nước là nỗi sợ chung-lớn nhất của mọi dân tộc, nhưng có thể, lại là không phải, đối với một nhóm người nào đó-đặt sự tồn vong của họ, lên trên tất cả. Vì vậy, mới có cái cảnh “rước voi về giày mả tổ” hay “bán nước cầu vinh”, những điều không ít lần, đã xảy ra trong lịch sử dân tộc cũng như nhân loại.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926)-giảng viên-nhà văn với bút danh Nguyễn Lang-nhà thơ-nhà khảo cứu-nhà hoạt động xã hội-người vận động vì hòa bình, đã tổng kết rằng: “Con người luôn gặp khó khăn trong việc buông bỏ đau khổ. Với nỗi sợ hãi về những điều bất định, họ chọn chịu đau khổ trong những thứ quen thuộc. Có lẽ với cách hành xử-lựa chọn như vậy, do tính cách, do hoàn cảnh, mà không ít kiếp người, đã  cam chịu khổ đau. Danh ngôn này, dường như, nói về một hiện thực khá phổ biến, đối với hầu hết con người, ở các dân tộc-chậm phát triển, vốn là những thực thể sợ mạo hiểm, đặt sự an toàn lên trên tất cả, mà không coi trọng sự phát triển. Và lịch sử cho thấy, những dân tộc mang tính cách như thế, không chỉ tụt hậu, mà còn liên tục bị ngoại bang xâm lăng.

Brian Tracy (1944)-một tác giả viết về chủ đề tự-giúp-bản-thân, chủ tịch của công ty Brian Tracy International, đã đúc kết: “Thất bại không phải là thứ kéo con người lại; chính nỗi sợ thất bại mới là thứ làm bạn tê liệt”. Còn Lev Davidovich Landau (1908-1968)-nhà vật lý Liên xô nhận giải Nobel năm 1962, thì đã bày tỏ thẳng thắn rằng: “Ai cũng có khả năng sống đời hạnh phúc.Tất cả những lời nói rằng những ngày tháng ta đang sống mới khó khăn làm sao, chỉ là một cách khéo léo để biện minh cho nỗi sợ và sự lười biếng”. Đọc những lời này, khiến người ta liên tưởng đến những tiếng thở than của những con người, thời bao cấp, chịu đựng cuộc sống eo hẹp và rất ít cơ hội, bị kìm kẹp trong sợ hãi-biếng lười và nghèo khổ, ở Việt Nam cũng như một số nước Đông Âu trước đây.

John Adams (1735-1826)-luật sư, chính khách, nhà ngoại giao, nhà lý luận chính trị và tổng thống thứ hai của nước Mỹ, cho biết một sự thật rằng: “Sự sợ hãi là nền tảng của hầu hết các bộ máy chính quyền”. Sự thật trần trụi này, đã giải thích được nhiều điều, đặc biệt là cách hành xử bạo lực-trấn áp của những nền độc tài, gieo rắc nỗi sợ hãi xuống công chúng, nhằm bảo vệ quyền lực của mình. Tuy nhiên, cần nói thêm rằng: “Quyền lực có hai dạng. Một sinh ra từ nỗi sợ hãi bị trừng phạt và một sinh ra từ những hành động yêu thương. Quyền lực dựa trên tình yêu hàng nghìn lần hiệu quả và lâu dài hơn quyền lực dựa trên sợ hãi”. Điều mà Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948)-nhà chính trị và lãnh đạo tinh thần người Ấn Độ đã chỉ ra. Nhưng “Quyền lực dựa trên tình yêu” chỉ có thể có được, ở những nền dân chủ thực sự. Còn ở những nền độc tài, thì trái lại, chồng chất nỗi sợ hãi, bởi không chỉ người dân sợ cường quyền-bạo ngược, mà ngược lại, kẻ thống trị cũng luôn phải sống trong nỗi lo sợ sự phản kháng từ nhiều phía, khiến xã hội nghẹt thở, thậm chí khủng bố, vì thế chúng không thể tồn tại lâu dài.

René Karl Wilhelm Johann Josef Maria Rilke (1875-1926)-một trong những nhà thơ người Áo lớn nhất của thế kỉ 20, đã bày tỏ: “Con người cần phải có hành động chống lại nỗi sợ hãi một khi nó nắm được anh ta”. Mạnh mẽ hơn thế, Thomas Carlyle (1795-1881)-triết gia, nhà văn châm biếm, nhà viết luận, sử gia và nhà giáo người Xcốt-len, đã khẳng định rằng: “Nghĩa vụ đầu tiên của con người là chinh phục nỗi sợ; anh ta phải ném bỏ nó, nếu không, anh ta không thể hành động”. Nhưng chống lại nỗi sợ hãi, dường như lại là một trong những việc khó khăn nhất, đối với đa số con người. Vậy làm thế nào để chiến thắng nỗi sợ hãi?

Và Eleanor Roosevelt (1884-1962)-đệ nhất phu nhân, nhà nhân đạo, nhà hoạt động xã hội Mỹ, đã chỉ ra cách vượt qua nỗi sợ hãi như thế này: “Tôi tin rằng bất cứ ai cũng có thể vượt qua sợ hãi bằng cách làm điều mình sợ; nếu như anh ta tiếp tục làm điều đó cho tới khi có những trải nghiệm thành công sau mình” và “Chúng ta trở nên mạnh mẽ, từng trải và tự tin nhờ từng trải nghiệm mà chúng ta thực sự dừng lại để nhìn thẳng vào mặt nỗi sợ… chúng ta phải làm điều mà chúng ta nghĩ mình không thể”. Có lẽ đây là một trong những đúc rút quý giá, khả thi, cho những người, quyết vượt qua nỗi sợ hãi nào đó, trong hoàn cảnh và năng lực cụ thể của bản thân. Nhưng rõ ràng, kiên trì hành động và có phương pháp, là không thể thiếu. Và quả thật trong cuộc sống, đã không ít những tấm gương, thông qua nỗ lực luyện rèn, mà đã vượt qua được những nỗi sợ hãi, tưởng chừng như không thể, để làm nên những thành quả lớn lao.

Tôi tin rằng, bạn cũng như tôi, chắc chắn, cũng đã từng vượt qua một nỗi sợ hãi nào đó, để đạt được một thành công, trong một ước mơ nào đó của mình. Và bây giờ, bạn thử ngẫm lại xem, nó có phải như thế này chăng: “Phần lớn những khi bạn đối diện với nỗi sợ hãi của mình, bạn sẽ phát hiện ra thực chất nó chẳng phải là mối đe dọa lớn lắm. Tất cả chúng ta đều cần động lực sâu sắc, mạnh mẽ cho phép chúng ta vượt qua trở ngại để có thể sống với giấc mơ của mình”. Đó cũng chính là điều mà Leslie Calvin “Les” Brown (1945)-nhà diễn thuyết, tác gia nổi tiếng người Mỹ-từng là chính trị gia, thành viên Hạ viện Ohio, đã tổng kết!

Để tiếp tục câu chuyện của chúng ta, xin mời bạn hãy kiểm tra, để biết độ xác thực đến nhường nào, cái thời khắc “liều lĩnh”-nhất thiết phải có, đối với tất cả chúng ta, để vượt qua được nỗi sợ hãi, đã được mô tả lại bởi Oprah Gail Winfrey (1954)-nữ giám đốc truyền thông, diễn viên, nhà sản xuất truyền hình và nhà từ thiện-được mệnh danh là “Nữ hoàng của mọi phương tiện”-người Mỹ gốc Phi giàu nhất thế kỷ 20: “Ý nghĩa thực sự của lòng can đảm là thấy sợ hãi, và rồi bước lên trước khi đầu gối run lên và trái tim đập mạnh–thậm chí ngay cả khi không ai hiểu được bước chân ấy trừ chính bạn. Tôi biết điều đó không dễ. Nhưng có hành động bạo dạn là cách duy nhất để thực sự tiến lên về hướng viễn cảnh lớn lao mà vũ trụ dành cho bạn”.

Có lẽ cần nhìn lại một sự thật rằng, trong nhiều trường hợp, con người sợ hãi-không dám hành động-không dám lựa chọn, còn là vì những thứ người ta sợ mất. Nhưng hãy nghe đây, những lời thức tỉnh của Steve Jobs (1955-2011)-một doanh nhân và nhà sáng chế lỗi lạc người Mỹ: “Nhớ rằng tôi sẽ chết, đó là công cụ quan trọng nhất tôi từng có để giúp mình thực hiện những lựa chọn lớn trong cuộc đời. Bởi vì hầu hết tất cả mọi thứ-tất cả những hy vọng phù phiếm, lòng kiêu hãnh, nỗi sợ mất mặt hay thất bại-tất cả những thứ này sẽ mờ nhạt đi khi ta đối diện với cái chết, chỉ để lại điều gì thật sự quan trọng. Nhớ rằng bạn sẽ chết, đó là cách tốt nhất tôi biết để tránh cái bẫy suy nghĩ rằng bạn vẫn còn thứ để mất. Bạn thực chất chẳng có gì. Không có lí do để không đi theo trái tim.

Nỗi sợ hãi luôn có trong mỗi con người, không bao giờ hết. Cũng như sự can đảm hay tự tin-không có sự phân chia đồng đều, sợ hãi cũng vậy-liều lượng ở mỗi cá thể không như nhau. Tuy nhiên, ngoài yếu tố bản năng-như sự ký gửi của tạo hóa, sự xuất hiện nỗi sợ hãi trong mỗi con người, có những nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như, sự định kiến, tín ngưỡng, văn hóa, tính cách, môi trường xã hội, giáo dục… Bên cạnh những nỗi sợ hãi là cần thiết, là tất yếu, là xứng đáng, thì cũng có không ít những nỗi sợ không đáng có. Elbert Green Hubbard (1856-1915)-nhà văn, nhà phát hành, nghệ nhân và triết gia người Mỹ, đã cảnh tỉnh hậu thế rằng: “Sai lầm lớn nhất bạn có thể phạm phải trong đời là luôn sợ hãi mình sẽ phạm sai lầm”. Quả vậy, thử hỏi trong cái thế giới đầy bất định này, nếu không dám mạo hiểm, luôn sợ sai lầm-thất bại, thì con người sẽ làm được những gì(?!)

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

ĐỊNH KIẾN


Dương Quốc Việt

Đã đăng trong Tạp chí VH Nghệ An-Số 412-10/5/2020: Định kiến!

Friedrich II (1712-1786)-thành viên của Hoàng tộc nhà Hohenzollern- vua nước Phổ (1740-1786), đã để lại một danh ngôn rằng: “Lạc thú vĩ đại nhất và cao quý nhất chúng ta có trên thế giới này là khám phá ra những chân lý mới, và đứng sau nó chính là loại bỏ thành kiến cũ”. Có thể nói, lịch sử phát triển của loài người, cũng mang trong đó, lịch sử của những cuộc chiến với định kiến. Bởi cái mà được gọi là chân lý, một mặt giúp con người thêm hiểu biết, nhưng mặt khác cũng lại là những cản trở con người, đến với những khám phá mới phủ định chúng. Chính vì thế, không nên để thành định kiến cho bất cứ một vấn đề gì!

Nhà văn truyện ngắn, nhà thơ, nhà văn tiểu luận người Mỹ-Herman Melville (1819-1891), đã nói về định kiến như thế này: “Hãy nhìn xem những định kiến của chúng ta mềm dẻo đến thế nào, một khi yêu thương đến để bẻ cong chúng”. Vậy định kiến là gì mà ngoan cố như vậy? Hóa ra đây là một câu hỏi không dễ trả lời, mặc dù chúng ta luôn sử dụng danh từ này. Và dẫu được biết, có nhiều học giả đã đưa ra những định nghĩa về định kiến, tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, xin được hiểu: Định kiến về những thuộc tính nào đó của một thực thể, là một nhận định về những thuộc tính ấy, đã được chủ thể lưu giữ và mặc định chủ quan như một chân lý-bất biến. Tất nhiên định kiến có thể đúng, có thể sai, có thể xấu, có thể tốt, nhưng đã được “buộc chặt” vào chủ thể, và đặc biệt đối với chủ thể thì đó là chân lý, là “vĩnh hằng”. Vì thế, định kiến rất khó thay đổi, thậm chí người ta còn tìm cách “nhào nặn”, tạo nên những lý lẽ, để chống lại mọi sự thuyết phục, nhằm bảo vệ định kiến, dẫu nó có sai.

Thuở nhỏ, tôi rất sợ ăn thịt mỡ, hành và tỏi, vì thế đã mang những thành kiến nặng nề về chúng. Thế rồi, nhân dịp chuẩn bị cho liên hoan lớp-trong đó có mục ăn mặn, và đó chính là nguyên nhân nổ ra cuộc tranh luận về “mỡ-hành-tỏi” của chúng tôi. Vốn định kiến với mỡ-hành-tỏi, tôi đã dùng mọi lý lẽ để tẩy chay chúng, phản bác các ý kiến khác. Nhiều năm sau, khi biết ăn những thực phẩm này, tôi mới ngộ ra tội của mình khi đó. Mới thấu cho cái câu: “Định kiến là điều những thằng ngu sử dụng làm lý lẽ”, một danh ngôn của François-Marie Arouet (1694-1778), người nổi tiếng qua bút hiệu Voltaire, là nhà văn, tác giả, bình luận gia, nhà thần học và triết gia người Pháp. Và không biết trong cuộc sống này, có bao nhiêu câu chuyện đáng tiếc xảy ra tương tự như thế?

Một lần, nghe kể lại, trong một cuộc thảo luận, về phương hướng phát triển ở một cơ quan. Một vị, đã từng làm lãnh đạo cơ quan đó, sau chuyển lên một cơ quan trung ương, và còn vài năm trước nghỉ hưu, ông trở lại biên chế nơi này, đã phát biểu trong niềm kiêu hãnh, về những danh hiệu, những bảng hiệu thi đua, đã đạt được ở các thời kỳ trước, mà theo ông cơ quan cần phải hướng tới. Trong khi đó, ngày nay, kết quả công việc ở cơ quan này, đã được đo bằng những công bố quốc tế, những thành quả cụ thể, trong những không gian mở-minh bạch, thành thử câu chuyện khen thưởng, bảng hiệu, đang cần phải thực sự đổi thay, trong quan niệm của mọi thành viên. Và mặc dù đã có những ý kiến giải thích cho ông, nhưng ông chẳng những không nghe ra, mà còn như muốn chụp mũ kẻ góp ý-phản biện, khiến nhiều người trẻ ấm ức. Nghe chuyện này, tôi cảm thấy không có gì lạ, chỉ xin chia sẻ một đúc kết của Dale Breckenridge Carnegie (1888-1955)-nhà văn, nhà diễn thuyết người Mỹ: “Khi ứng phó với người khác, hãy nhớ rằng bạn không phải là đang ứng phó với những sinh vật của lý trí, mà là những sinh vật tràn đầy định kiến, và được thúc đẩy bằng lòng kiêu hãnh và tính tự cao”.

Nhà tâm lý học và triết gia người Mỹ-William James (1842-1910), đã phản ảnh rằng: “Nhiều người tưởng họ đang suy nghĩ, trong khi họ thực ra chỉ đang sắp xếp lại định kiến của mình”. Như vậy, lấy cái hình ảnh, cái ấn tượng xưa cũ, vốn đã thành định kiến, để áp đặt lên cái thực tại-hiển hiện, chẳng phải cũng là một căn bệnh của con người đó sao!? Lợi dụng nhược điểm này của con người, mà không ít những cá nhân, những thực thể, vốn đã “lộ tẩy”, biến chất, lỗi thời, vẫn cố tạo dựng uy tín, hình ảnh cho mình, bằng cách làm sống dậy những định kiến xưa cũ của cộng đồng. Nhằm vớt vát niềm tin của công chúng, hòng giữ vững vị thế cho mình, cùng với đó, là bôi nhọ những “đối trọng”, bài bác các phản biện.

Đã có một thời, tôi từng nhiệt tình, thuyết phục những người bạn, những đồng nghiệp, về không ít chuyện họ đã hiểu sai, lại còn truyền bá cái sai đó cho người khác. Từ những đánh giá sai lầm, oan uổng về những nhà văn, những nhân vật lịch sử, hay những người bạn, thậm chí cả những thầy học..., đến những lời tụng ca-ngưỡng mộ về những “cây đa-cây đề”, những “thần tượng”, mà sự thực không hề tương xứng. Bởi trong một giai đoạn dài, con người chỉ nhận biết thông tin qua những lời đồn thổi, những tuyên truyền và giáo dục sai lệch, và để rồi trở thành định kiến với số đông. Trải nghiệm càng nhiều, tôi càng ngộ ra, việc thay đổi định kiến của con người là việc vô cùng khó. Và cái sự nhiệt tình thuyết phục khi xưa của tôi, chẳng khác gì cái cảnh anh chàng Don Quijote (Nhân vật chính trong tiểu thuyết nổi tiếng “El Ingenioso hidalgo Don Quijote de la Mancha” của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes y Saavedra (1547-1616)), vác giáo đánh vào cối xay gió(!)

“Định kiến được truyền thụ mà thành. Bạn sẽ dạy người khác điều gì qua hành động và ngôn từ của mình?”. Rằng đó là một sự thực, mà DaShanne Stokes (1978)-một tác giả, nhà xã hội học, diễn giả cộng đồng và chuyên gia người Mỹ, đã phát biểu. Thế mới thấy, tác hại của định kiến còn cả ở tính “di truyền”, và sự lây lan của nó. Bởi thế mà “Từ bỏ thành kiến không bao giờ quá muộn”, đó là lời khuyến cáo của Henry David Thoreau (1817-1862)-nhà văn, nhà thơ, sử gia và triết gia người Mỹ. Và còn đây, một bày tỏ mạnh mẽ của Jean-Jacques Rousseau (1712-1778)-một nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng người Pháp có ảnh hưởng lớn tới Cách mạng Pháp 1789: “Tôi thà làm người đầy chuyện ngược đời hơn làm người đầy thành kiến”.

Một tác giả khuyết danh nào đó đã viết: “Cuộc sống thường không chật hẹp trong những ngôi nhà, trên những con đường, góc phố, mà chính trong những định kiến và suy nghĩ của con người”. Bởi vậy, thật bất hạnh, khi đâu đó, những thế hệ công dân đã bị giáo dưỡng, đã bị sống trong bầu không khí, tẩy chay và lên án, cái cá thể, cái tư hữu, cái ý tưởng cá nhân, cái thành phần phi cơ bản..., những nhân sinh quan, thế giới quan sai lệch. Để rồi chúng đã trở thành những định kiến, kìm kẹp con người, hủy hoại nguồn nhân lực, cũng như sự phát triển lành mạnh của xã hội, theo dòng chảy của tạo hóa. Trong những trường hợp như vậy, để thay đổi, để phát triển, sẽ càng thêm khó khăn, bởi trước hết cần phải vượt qua được rào cản của những định kiến, đã thấm sâu vào công chúng.

Trong lịch sử, xuất hiện không ít những nền độc tài, nỗ lực gieo rắc xuống đầu công chúng những định kiến, thông qua tuyên truyền, giáo dục..., nhằm nô dịch con người, hòng giữ vị trí độc tôn-thống trị xã hội lâu dài. Chúng biến con người, thành những cỗ máy định kiến, không có khả năng suy nghĩ độc lập, cũng như phản biện. Rằng đó quyết không phải là gieo trồng đức tin, mà là đối lập với việc gieo trồng những đức tin cao cả. Còn nói về đức tin và định kiến, Harper Lee (1926-2016)-tiểu thuyết gia người Mỹ đã phát biểu thẳng thắn rằng: “Định kiến, một từ bẩn thỉu, và đức tin, một từ sạch sẽ, đều có một điểm chung: chúng đều bắt đầu ở nơi lý trí kết thúc”.

Walter Leland Cronkite (1916-2009)-một nhà báo phát thanh, người thường được gọi là "người đàn ông đáng tin cậy nhất ở Mỹ", trong những năm 1960 và 1970, đã để lại hai danh ngôn về nghề làm báo, rằng: "Đạo đức của nhà báo là nhận ra những định kiến, thành kiến của mình và tránh cho chúng được in ra""Một nhà báo về chủ đề chính trị, hầu hết chúng ta đều nhận thức được sự cần thiết cố gắng để chắc chắn rằng chúng ta không thành kiến khi đưa tin. Đó là một trong những nguyên tắc cơ bản của nghề báo". Nhưng có lẽ những lời nhắn gửi này, vẫn còn nguyên giá trị với tất cả chúng ta, khiến chúng ta luôn cần phải cảnh giác với định kiến của mình, khi truyền đi những thông điệp, những bày tỏ, đến với người khác, đặc biệt là đến nhiều người. Dẫu rằng điều đó thật chẳng dễ dàng.

Vì định kiến, mà biết bao cặp bạn bè, đôi trai gái, phải chia tay, đã hủy hoại biết bao cuộc đời, thậm chí còn cả những cuộc thảm sát không chỉ các loài vật, mà còn cả con người. Tất nhiên, nó cũng còn đúc ra cả những thần tượng, những “đấng thiêng liêng” cùng ác quỷ nữa.Và một trong những cái đáng sợ nhất của định kiến là, kẻ che mắt, bịt tai con người, khiến người ta, không còn nhận ra những món quà của cuộc sống, cũng như những cơ hội, những hiểm nguy, thách thức... Rằng “Sự lừa lọc lớn nhất mà con người phải gánh chịu chính là định kiến của bản thân mình”. Điều mà Leonardo da Vinci (1452-1519) đã cảnh tỉnh hậu thế.

Mỗi con người luôn tiềm ẩn những định kiến, thành kiến trong mình, điều mà không thể tránh khỏi.Và dẫu Jonathan Swift (1667-1745)-nhà thơ, nhà văn trào phúng người Ai-len, đã cho biết một sự thực rằng: “Nửa sau cuộc đời con người minh tuệ, thường được dùng để xóa bỏ những điều ngu xuẩn, những định kiến và quan điểm sai lầm mà họ đã phạm phải trước đó”. Nhưng thử hỏi, xã hội có được bao nhiêu “con người minh tuệ”? Bởi thế, hầu hết con người, ít nhiều đều phải gánh chịu sai lầm từ những định kiến của mình, trong suốt cuộc đời. Biết thế, để thận trọng, để cảnh giác với bản thân, để hành xử đúng mực và tỉnh táo, trách nhiệm, trong cái thế giới của những định kiến, của những phán xét, cùng với lòng hướng về sự tha thứ, lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông. Và xin hãy chấp nhận, cuộc đời cũng còn là một cuộc chiến với những định kiến!

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

PHÁN XÉT!

Dương Quốc Việt

Đã đăng trong Tạp chí VH Nghệ An-Số 409-25/3/2020: Phán xét!

Phiên bản thu gọn đã đăng trong TSPhán xét
Thật không thể không ngần ngại, khi bàn về những nhức nhối đeo bám con người, nhất là, lại là vấn đề “phán xét”! Bởi vậy, lại càng không thể tùy tiện đưa ra những đánh giá của mình, mà chỉ xin được lần giở lại những lời nhắn gửi của tiền nhân, đặc biệt là của những con người đã góp phần làm đẹp thế giới này. Và trước hết xin bắt đầu câu chuyện của chúng ta, bằng một danh ngôn chua xót-đắng cay, của một trong những thi sĩ nổi tiếng nhất nước Anh, Nam tước Alfred Tennyson (1809-1892): “Chúng ta chẳng thể tử tế với nhau ở nơi đây, dù chỉ trong một giờ. Chúng ta thì thầm, chỉ trỏ, cười khẽ mỉa mai trước nỗi tủi thẹn của anh em đồng loại; dù nhìn như thế nào, loài người chúng ta cũng là giống loài nhỏ mọn”.

Bị phán xét chắc chắn chẳng ai muốn. Nhưng tiếc thay, ưa thích phán xét lại dường như là một thuộc tính khá phổ biến, có nguồn gốc từ dục vọng của con người. Mặt khác, con người sinh ra lại vốn không hoàn hảo, cũng như không thể làm vừa lòng tất cả, chưa kể còn lòng ghen ghét-đố kỵ…, bởi vậy câu chuyện phán xét giữa con người với nhau trở nên như “cơm bữa”. Vì thế mà Albert Camus (1913-1960)-nhà văn đoạt giải Nobel, triết gia, nhà báo người Pháp đã khẳng định: “Đừng đợi sự phán xét cuối cùng. Ngày nào nó cũng đến”. Có thể nói đây cũng là một trong những căn bệnh góp phần hủy hoại sức sống của mỗi cá nhân và cộng đồng. Do nhận thức rõ được điều này, mà trong mọi nền văn hóa, văn minh, người ta đều đã gắng răn dạy con người, nhằm hạn chế sự phát tác của nó. Và nếu coi phán xét như một thứ quyền năng tự nhiên của mỗi con người, thì cũng chính thông qua việc tự do được sử dụng cái quyền này, mà con người tự bộc lộ nhiều phẩm chất, cũng như nhân cách và độ trưởng thành của mình.

Bởi trước hết phán xét về một sự vật hiện tượng, chính là những xem xét và đánh giá, có tính chất quyết định đối với sự vật và hiện tượng đó. Rằng đó là một trong những điều mà con người thường sử dụng, trong giao tiếp với tự nhiên và xã hội của mình. Nhưng tiếc thay, nhận ra bản chất của một sự vật hiện tượng, thường đâu có dễ dàng, thậm chí còn cần phải có năng lực nhận thức, trải nghiệm, cũng như thời gian nhất định. Vì vậy biết bao sự việc đáng tiếc xảy ra trong cuộc sống, từ cái nông nổi, chủ quan, buông thả của con người khi đánh giá người khác, mà chỉ thông qua cái vỏ bên ngoài. Chẳng thế mà nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng Jean de La Fontaine (1621-1695) đã phải buông lời nhắc nhở hậu thế: “Chừng nào bạn còn sống, hãy cẩn thận khi đánh giá người khác bằng vẻ bề ngoài”.

Hơn thế nữa, “Có những điều lớn lao hơn trí tuệ của chúng ta, vượt qua công lý của chúng ta. Sự đúng và sai của điều này ta không thể nói được, và ta không có quyền phán xét”. Điều mà đã được John Griffith “Jack” London (1876-1916)-nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội người Mỹ phản tỉnh. Không chỉ có vậy, John Ronald Reuel Tolkien (1892-1973)- nhà văn, thi sĩ, triết gia và giảng viên đại học người Anh, còn cảnh báo về một thực trạng trớ trêu rằng: “Nhiều người đang sống đáng phải chết. Và một số người đã chết đáng được sống. Anh có thể trao điều đó cho họ không? Vậy đừng quá vội vã phán xét ai phải chết. Bởi ngay cả người sáng suốt nhất cũng không thể thấy hết mọi mặt. Do vậy phán xét, trong nhiều trường hợp, cần phải được ràng buộc bởi những trách nhiệm lớn lao, cũng như con người cần phải bị trừng phạt đích đáng, trước những phán xét sai lầm-tội lỗi của mình.

Tiếc rằng trong lịch sử, đã từng xuất hiện những thế lực độc tài-phản động dẫn dắt công chúng, dám đổi trắng thay đen, ngông cuồng phán xét tất cả. Không chỉ có vậy, chúng còn nuôi dưỡng và tạo dựng “xã hội phán xét”. Trong cái thể chế đó, “virus phán xét”-vốn tiềm ẩn trong mỗi con người, được dịp bùng phát. Bởi kẻ thống trị sử dụng nó như một thứ vũ khí, nhằm nô dịch hóa cộng đồng. Biết bao nghịch cảnh, đảo điên-phán xét, bất chấp cả luân thường đạo lý, đã xảy ra. Rồi từ những bài tập làm văn của con trẻ, đến những bài diễn văn của những kẻ “tai to mặt lớn” đều không thể thiếu vắng những lời phán xét. Một xã hội dường như không có tiếng nói phản biện, sự thấu hiểu, thay vào đó là tràn ngập những lời tụng ca, sự chụp mũ, sự vu khống. Bầu không khí phán xét bao trùm xã hội, khiến con người phải sống trong nỗi sợ hãi. Rằng đó là những thực thể dị biệt, bôi nhọ loài người, đe dọa và xúc phạm nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Nhà văn, nhà thuyết trình Mỹ- Dale Breckenridge Carnegie (1888-1955) đã khẳng định: “Thậm chí ngay cả Chúa cũng không phán xét một người chừng nào còn chưa tới ngày cuối cùng của anh ta, vậy tại sao bạn và tôi lại  làm như vậy chứ”? Còn thiền sư nổi tiếng Ajahn Chah (1918-1992)- Thái Lan, đã nhắc nhở các phật tử rằng: “Đức Phật dạy chúng ta hãy xét đoán chính mình mà đừng xét đoán kẻ khác, dầu họ tốt xấu thế nào đi nữa. Đức Phật chỉ cho ta con đường và nói: “Chân lý là như vậy đó”. Tâm ta có được như vậy không?”.  Quả thật, đây cũng chính là một trong những mỹ đức cao cả mà con người cần hướng tới, trong cuộc sống này.
Dẫu vậy, cuộc sống muôn màu cùng những lời phán xét, võ đoán, tưởng như vô hại vẫn cứ diễn ra. Chưa kể Albert Camus còn chỉ ra một thực tế rằng:“Người ta vội vã phán xét người khác để tránh chính mình bị phán xét”. Như vậy từ nỗi sợ hãi, hay hèn nhát, mà người ta cũng có thể trở thành kẻ phán xét. Vậy phải chăng, con người cũng cần phải chủ động học cách chung sống với những lời phán xét, một cách tích cực? Và có lẽ lời khuyến cáo của Henry James (1843-1916)-tác giả, nhà phê bình văn học người Anh gốc Mỹ nổi tiếng rất đáng để lưu tâm:“Đừng chú trọng bất cứ điều gì và bất cứ ai nói với bạn về bất cứ người nào khác. Hãy tự mình đánh giá tất cả mọi người và tất cả mọi chuyện”. Nhưng để hành xử được như thế, cũng như để thoát khỏi cái ầm ĩ của những lời phán xét, con người cần phải có tư duy độc lập, cũng như cần phải thoát khỏi cái “tâm lý bầy đàn”.

Như trên đã nói, bản tính của con người, nói chung là ưa phán xét, hay tò mò thóc mách, thích kiểm soát người khác. Xã hội loài người vốn là vậy! Bởi thế, những lời gan ruột dưới đây của một nhà phân tâm học, tâm lý học xã hội, một triết gia theo chủ nghĩa nhân văn người Đức-Erich Segligmann Fromm (1900-1980) thật ý nghĩa và hữu ích biết bao, đối với nhiều người, nhất là những người muốn vươn lên trong cuộc sống, cũng như muốn thoát khỏi hoàn cảnh thực tại nào đó: “Nếu những người khác không hiểu được hành vi của ta-thì sao nào? Việc họ đòi hỏi rằng ta chỉ được làm điều họ hiểu, chỉ là một nỗ lực nhằm sai khiến ta. Nếu điều này là “phi xã hội” hay “vô lý” trong mắt họ, thì mặc kệ họ đi. Họ hầu như căm ghét tự do và lòng can đảm muốn làm chính mình của ta. Ta không nợ ai lời giải thích hay phân trần, chừng nào hành động của ta không làm tổn thương và không xâm phạm tới họ. Có bao nhiêu cuộc đời đã bị hủy hoại bởi đòi hỏi phải “giải thích”, thứ ám chỉ rằng lời giải thích phải “được hiểu” hay nói cách khác, phải được thừa nhận. Cứ để hành động của bạn bị phán xét, và bạn cần phải hành động, từ ý định thực sự của bạn, nhưng hãy nhớ rằng con người tự do chỉ nợ lời giải thích đối với chính mình-với lý trí và lương tâm của mình-và chỉ có một số ít người có thể có lý do xác thực để yêu cầu lời giải thích”.

Con người cá nhân, luôn khao khát tự do. Nhưng rõ ràng, cũng như động vật sống theo bầy, con người không thể thoát ra khỏi cộng đồng. Không những thế, mỗi con người, trong sự tồn tại và phát triển của mình, còn cần phải được đặt cùng với sự tồn tại và phát triển của người khác, của cộng đồng. Mặt khác, ý nghĩa cuộc sống của mỗi cá nhân, hoàn toàn phụ thuộc vào việc thoát ra khỏi cái Tôi đến đâu và mang cái nghĩa cao cả ở mức độ nào.Vì thế, mỗi cá nhân, từ lúc sinh ra đã luôn cần phải được răn dạy, giáo dục. Để không những chỉ biết hành xử đúng mực và tỉnh táo trong cái thế giới của những phán xét, mà còn cần phải hướng tới: sự tha thứ, lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông. Và để thay cho lời kết của bài viết này, xin được dẫn lại một lời nhắn gửi rất đáng ghi nhớ của Ernest Miller Hemingway (1899-1961)-một tiểu thuyết gia, nhà văn truyện ngắn, nhà báo người Mỹ nổi tiếng: “Là người viết, bạn không nên phán xét, mà nên thấu hiểu”.