Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

VÔ ĐỀ

Dương Quốc Việt

Lòng tin đã ra đi 
Đâu hẹn ngày trở lại
Ngoái đầu về quá khứ
Lệ tuôn rơi thấm nỗi thương đau
Hướng về tương lai
Sao lòng rối bời bề bộn
Thế gian muôn nẻo chênh vênh !?
Quá khứ đã qua
Tương lai vô định
Chẳng dựa núi bởi có ngày núi đổ
Chẳng dựa sông
Bởi con nước vơi đầy
Cũng chẳng thể dựa người
Bởi ngày kia người có thể ra đi
Tiến đã khó lùi càng thêm khó
Nhục làm sao thói theo đóm ăn tàn
Mãi dối lừa
Giờ biết tính sao đây
Kẻ mất gốc bán hồn cho ác quỷ
Nghiệt ngã thay
Lịch sử không bút xóa
Hỡi ôi!
Trời chẳng chiều người
Luật đời nhân quả
Tạo hóa vần xoay
Kẻ nổi nông tìm kiếm trời xa
Có thấu chăng
"Lối đi ngay dưới chân mình"!?
___________________

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

CÓ NÊN CHĂNG MỘT MÌNH MỘT KIỂU

06/9/2014
Dương Quốc Việt

Vừa xem bài toán tính số gà mà giật mình! Xem
Theo thông lệ từ đời sống văn hóa đến văn bản khoa học của loài người  từ xa xưa cho đến ngày nay thì
8 con gà+8 con gà+8 con gà+8 con gà = 4 lần 8 con gà = 4×8 con gà = 32 con gà.
Chẳng hạn xem link:
Trong khi đó SGK tiểu học và rất nhiều người, thậm chí  ngay cả một số giảng viên có trình độ cao thì lại cho rằng:
8 con gà + 8 con gà + 8 con gà + 8 con gà =  8 con gà x 4 = 32 con gà.
Phải chăng cách viết này cũng chính là cách thể hiện khác của cách viết
8 con gà + 8 con gà + 8 con gà + 8 con gà = 8 con gà 4 lần ???
Đành rằng chỉ là quy ước “số lần” viết trước hay viết sau mà thôi( xem  thêm TỰ DO LỰA CHỌN-BÀI TOÁN CON GÀ ).  Nhưng  một mình một kiểu viết, cô lập với tất cả thì có nên chăng?!
Mặt khác cũng nhớ lại bản cửu chương xem, người ta đã đọc 4×8 như thế nào, đọc là “4 lần 8” hay “8 lần 4”?  Và “4 lần 8” có phải là 4 số 8 cộng với nhau không?
Đây là một vấn đề  không còn chỉ nằm trong khuôn khổ của một bài toán lớp 3.  Thật khó hiểu vì toàn bộ SGK tiểu học (chẳng hạn xem SGK Toán 2 do Đỗ Đình Hoan chủ biên) đã viết như vậy, điều này đi ngược hoàn toàn với cách viết truyền thống trong khoa học và đời sống của nhân loại! Tức là họ đã quy định bắt buộc “số lần” phải đặt bên phải. Sự thay đổi đã dẫn đến một đảo lộn xuyên suốt trong việc viết tất cả các công thức có  hệ “số lần”, và người ta cũng chẳng ngần ngại thay thế bảng Cửu Chương bởi bảng Nhân và ép học sinh theo một cách hiểu  “kinh dị”! Rồi chẳng hạn như công thức chu vi hình vuông cạnh a, thì SGK  tiểu học sau năm 2002 yêu cầu bắt buộc phải viết là ax 4, chứ không viết là 4a hay 4xa như truyền thống SGK của Việt Nam trước đó, cũng như  các quốc gia khác đã  và đang dùng. Thật sự chúng tôi thấy bàng hoàng về những đảo lộn này! Và mong rằng cần có một cuộc khảo sát nghiêm túc tất cả các khâu dẫn đến sự thay đổi, để trả lời cho được vì sao lại có sự thay đổi này, nhất là những người nào thực sự là tác giả của nó, chắc sẽ thu được nhiều bài học bất ngờ!  Quả thật nếu sự thay đổi này là đúng đắn, thì chúng tôi tin rằng đây sẽ là một kỳ tích của người Việt Nam trong quá trình đổi mới, mà thế giới chắc sẽ phải ghi nhận và học tập!
Cần nhắc lại rằng, từ dân gian đến khoa học, từ  SGK ở bậc tiểu học đến những cuốn sách khoa học hiện đại của thế giới, thì
a + a+ a + … + a (100 lần)  đều được viết là 100a, chứ không ai viết là a100 ở đâu cả?!
Nhớ rằng, mặc dù chỉ là quy ước, hay đặt tên, thì trong mọi lĩnh vực, người ta bao giờ cũng phải xem xét hết sức cẩn thận và khoa học, từ truyền thống, đến văn hóa và khoa học của nhân loại, xem người khác đã làm như thế nào. Kẻo viết “4 cái nhà” thành “cái nhà 4”… mà những người biết lẽ sống sẽ không bao giờ dám làm liều như thế!
Với cách viết như thế sẽ tạo nên một thứ ngôn ngữ khoa học dị biệt…  Ví như một quốc gia nào đó, sử dụng một loại đồng hồ, có kim chạy  ngược chiều với kim  đồng hồ ở các quốc gia khác, thì tình hình sẽ ra sao ?  Đó là một điều gây tác hại lớn như thế nào, chắc mọi người đã rõ, thiết tưởng không cần phải nói gì thêm! Còn một điều đáng tiếc nữa là, cái dị biệt này đã đẻ ra một lớp người “sống“ theo nó, và rồi họ coi nó như một lẽ thường tình, là chân lý, đến khi muốn thay đổi thì họ ra sức chống trả. Họ  bỏ ngoài tai tất cả! Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm giáo dục rất khó thay đổi!
Cần nhấn mạnh thêm rằng, cũng nên có một cái nhìn xuyên suốt từ toán phổ thông đến toán đại học, cũng như các khoa học khác, để thấy vấn đề. Nếu không mỗi một cấp học mới lại phải sửa lại một khuyết tật mắc phải không đáng có ở cấp học trước,  thật rất không nên!
Thông thường ở những nơi còn làm ăn manh mún, có tính “tự cung tự cấp” thường dễ mang  tư tưởng tự do bịa đặt, có vẻ ta đây là “người thoáng”, thoải mái quy định theo ý mình. Kiểu  họ trồng thứ rau chỉ để họ ăn, nên họ đặt tên là gì cũng được, vì họ không mang đi bán đâu cả!  Vì thế rất có thể những người còn mang tư tưởng này, rất dễ cho đây là một chuyện nhỏ, chuyện vặt. Trong khi đó thì những người có óc làm ăn lớn, nhìn xa trông rộng, đương nhiên không thể nghĩ và làm tùy tiện như vậy.
Lẽ ra những người giảng dạy ở khoa Tiểu học ĐHSPHN phải biết và chủ động kiến nghị với bộ  Giáo Dục để  thay đổi, thì họ lại có vẻ nóng vội đồng tình, dựa vào SGK. Vấn đề ở đây là, chúng tôi muốn làm rõ tính bất hợp lý trong quy ước của SGK, chứ không phải là vấn đề đánh giá về bài kiểm tra này. Và cuối cùng mong mọi người lựa chọn được  quy tắc chuẩn xác, hợp logic cả trong khoa học và thực tiễn.
Khi viết và post bài này lên website, chúng tôi đã hình dung khá đầy đủ về cảnh hỗn mang những phán xét của mọi thứ hạng người-ở một quốc gia còn chưa đủ tầm để hưởng một nền dân chủ thực sự, khi đọc bài viết  này. Mặt khác lại còn những lớp người, sản phẩm của “một nền giáo dục chưa trưởng thành- sản sinh ra những lớp người mãi mãi không trưởng thành”,  nên đương nhiên là sẽ có những phản ứng kỳ cục. Nhưng không sao, bởi chúng tôi coi đây là trách nhiệm làm người, mà thực ra chúng tôi có thể lẩn tránh trong  im lặng!  Những mong cộng đồng cùng chia sẻ để thấu hiểu những tai ương, biến dị không đáng có trong học thuật như thế này, để mà sửa chữa hoặc không để tái diễn!
Chúng tôi  đề cập tới vấn đề này, cũng chỉ mong muốn, các nhà giáo dục, hãy bình  tâm  xem xét  cần thận và  khoa học về quy tắc viết này trong SGK, để lựa chọn phương án phù hợp nhất, đảm bảo cho giáo dục được chuẩn mực. Quyền lợi của con em chúng ta cũng như quyền lợi của  đất nước được đặt trên hết, nên sai thì sửa, chưa hợp lý thì làm cho hợp lý hơn, đó là lương tâm và trách nhiệm của mọi công dân.
Bài học cho những nhà quản lý: Mặc dù đây chỉ là một quy ước , nhưng lại rất quan trọng, mà những người lúc đó có thể quá nông nổi, tầm nhìn hạn hẹp, trình độ bất cập, lại không có tâm, nhưng lại thích sài sang, nên đã không thấy tầm quan trọng, đã tùy tiện đặt ra quy ước mới-đảo ngược! Một quy ước gây đảo lộn về mọi phương diện-tác động đến nhiều thế hệ, chỉ có thể làm khi mà thu được lợi ích thực sự. Nhưng đây thì hoàn toàn không, thì có nên làm hay không, chưa kể lại gây tốn kém thời gian và tiền củaVề mặt chuyên môn, trong những trường hợp cụ thể như thế này, thì chỉ có thể hỏi đúng các chuyên gia đại số (xịn theo đúng nghĩa) với văn hóa đủ độ chín và có tinh thần trách nhiệm cao, nhất là buộc họ phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình! Tại sao vậy? Bởi chỉ có những chuyên gia như thế với việc gắn trách nhiệm như thế, thì họ mới có thể có đủ khả năng và sự cẩn trọng, nhận thức đầy đủ vấn đề, có đủ tầm để nhìn xuyên suốt, thống nhất cho  quy ước, để mãi mãi được kế thừa, được là ngôn ngữ chung…mà không bao giờ phải làm lại, phải thay đổi! Vì thế cũng nên thông cảm với những người còn bất cập không chấp nhận nổi chân lý “số lần phải đặt ở bên trái”,  bởi làm sao mà bắt họ có tầm vóc vượt quá họ được, nhất là họ lại không bị chịu trách nhiệm về việc phán bừa làm ẩu của mình!  Về bộ Giáo Dục những năm đó, có thể  nói là đã dùng sai người…  Những người đó, thậm chí đến bây giờ người ta có thể vẫn không thể “tâm phục khẩu phục”, rằng  tại  sao “số lần”  phải để  bên trái.  Bởi tầm vóc của họ, chứ chưa hẳn đã phải  do họ bào thủ?!
_____________
Xem  thêm 2 bài sau của cùng tác giả:  TỰ DO LỰA CHỌN-BÀI TOÁN CON GÀ

Thư gửi các nghiên cứu sinh của tôi

Hà Nội ngày 13-5-2014

Dương Quốc Việt
Cho đến nay  thì đất nước này  vẫn cứ  khan hiếm  và rất khao khát những ấn phẩm có giá trị, từ  những cuốn sách  phổ biến khoa học rất thiết thực  cho những người nông dân, đến những công trình khoa học đóng góp cho cộng đồng nhân loại, được công bố trên những tạp chí quốc tế có uy tín cao-thể hiện nội lực trí tuệ của người Việt.
Rõ ràng chúng ta không thiếu bằng cấp, học hàm- học vị, và càng không thiếu các danh hiệu. Chúng ta cũng không thiếu những người “nhiệt tình” muốn làm lãnh đạo ở các cơ quan-gây nên cảnh đấu đá nội bộ đáng tiếc,  tất nhiên người lãnh đạo tài ba và tâm huyết thì luôn luôn cần và luôn luôn thiếu trong bất cứ thời đại nào.
Cái khuyết thiếu đó làm thế nào để  bồi đắp, và cái dư thừa kia làm gì để  thanh lọc-loại bỏ,  luôn là một vấn đề  mà con người  luôn phải nỗ lực tìm kiếm giải pháp trong mọi thời đại!
Nếu đứng ra khỏi ngành  Giáo Dục mà nhìn, thì người ta đã từng giải thể hàng vạn cơ quan-xí nghiệp-công ty trong những năm qua, thế thì không có lý do gì mà lại không xảy ra đối với Giáo Dục-nơi sản xuất nhiều “hàng dởm”-thành tích gian dối-bằng cấp-danh hiệu  lan tràn-cùng không khí thiếu dân chủ và thiếu thẳng thắn-háo danh bao trùm lên tất cả, mà thực tế nó đang âm thầm phá hủy xã hội ghê gớm, nên nó cũng rất  cần phải bị  “giải thể” theo một nghĩa nào đó. Giải thể để tái lập!
Tôi muốn nói điều này để  các anh cùng chia sẻ, vì không ít  người trong ngành Giáo Dục có vẻ hay cố tình rất  không muốn  hiểu sự thực, trì trệ, nên họ hay tự đánh lừa mình, rằng còn lâu mới thay đổi, hay tiêu cực ở các ngành khác còn đầy, còn nhiều hơn … mà yên tâm nằm ngủ, hay tiếp tục làm theo-sống theo thói quen xưa cũ của mình, bịt  tai  để  khỏi nghe thấy tiếng  súng.
Cũng thật dễ hiểu, vì trên con tàu dù có thể sắp đắm, nhưng hành khách chỉ nhìn vào nhau, thậm chí vẫn tranh nhau chỗ ngồi, thì sao họ biết được tàu sắp đắm, và chỉ tới khi ụp  tàu chết chìm tất cả thì …
Kẻ mông muội thường như vậy, chẳng biết nhìn xa trông rộng bao giờ! Sự thật không gì khác, chính sự khát khao muốn cuộc sống của con người luôn hoàn thiện và tốt đẹp, là động lực của mọi động lực dẫn đến sự thay đổi!
Tôi cho rằng không bao lâu nữa, người ta buộc phải bắt đầu bằng việc kiểm tra bằng tiến sĩ, cùng các học hàm  phó giáo sư  và giáo sư.
Điều này rất dễ vì chỉ việc thông qua các kết quả đã công bố-mà mọi người buộc phải kê khai. Làm xong việc này mới hoạch định chế độ lương theo bằng cấp cho tới tiến sĩ, còn phó giáo sư  và giáo sư thì sẽ trả lương  theo sản phẩm các công trình khoa học được công bố trong những năm gần nhất và phải được cập nhật theo định kỳ.
Chỉ có làm như vậy mới đủ tiền nuôi những người có năng lực làm việc, và các nhà khoa học. Rằng chỉ có như vậy thì mới tạo ra được động lực thực sự, để phát huy sức lực và trí tuệ của cộng đồng!
Tôi viết thư này trao đổi với các anh, những người mà tôi đã tham gia đào tạo, vì tôi ở trong ngành giáo dục đã rất lâu và nghiệm thấy rằng, ở môi trường này không hiếm những  người rất chậm thay đổi và không quen ngẩng đầu lên, cũng như không chịu dùng  tư duy phản biện, rất bào thủ trì trệ, không chịu nhìn ra ngoài, để thay đổi mình, đã thế lại chuộng thành tích và háo danh.
Rồi đây các anh sẽ có thể có vị trí  cao, thậm chí rất cao, và khi đó rất có thể các anh sẽ là những người  được ngồi ở nhiều hội đồng trong những thời gian dài, được phán xét hồ sơ khoa học của nhiều người khác, được đánh giá hết đề tài này, dự án kia, chấm luận văn này, luận án nọ, nhưng  các anh  thì không được (bị) nghe thấy ai đánh giá bản thân mình về nhân cách về kết quả  khoa học-vì không ít kẻ không dám ngẩng mặt lên nhìn các anh. Và các anh tự nhiên như một đấng tối cao, như một hiện thân của chân lý.
E rằng khi đó, nếu không biết tự kiểm soát và đánh giá bản thân, rồi lại xa rời  với học thuật, cộng với sự say mê với “quyền uy hội đồng”, các anh sẽ dễ trở thành những  kẻ ban phát, mọi ấn phẩm hay-dở  qua tay các anh đều như nhau, các anh sẽ đánh giá chất lượng của nó thông qua tình cảm của các anh  với chủ nhân của nó…
Cái mà các anh cần ở đương sự là sự tôn sùng, quỵ lụy, cùng với “chút lòng thành”  để tỏ lòng thành kính. Không chỉ có vậy, mà các anh còn trở thành “biểu tượng”, trở thành “long trọng viên” của  mọi cuộc tọa đàm-hội thảo, lời các anh dù có rất vô nghĩa, có  cắt dán “đầu Ngô mình Sở”, để chính các anh và mọi người đều không hiểu các anh định nói gì, thì những kẻ chỉ quen cúi đầu-không có óc phản biện, vẫn cho các anh là những người uyên bác, còn người nghe không hiểu là do trình độ còn hạn chế mà thôi. Nếu như thế thì thế giới học thuật-nơi thiêng liêng nhất của nhân loại đã bị các anh vấy bẩn.
Lúc bấy giờ các anh không chỉ trở thành một lực cản lớn mà còn là kẻ thù của khoa học. Đến lúc đó nếu chúng tôi còn sống-nhìn cảnh đó-thì không biết nên cười hay nên khóc?!.  Rằng đó là sự tha hóa đáng sợ nhất-mà các anh luôn cần phải ghi nhớ và cảnh giác!
Trong lúc kinh tế nước ta đã thay đổi với nhiều tiến bộ vượt bậc, nhưng đáng tiếc là Giáo  Dục và Đào Tạo lại  tụt hậu, làm ảnh hưởng rất lớn đến sự thay đổi đất nước. Vì thế  gần đây  người ta đã quyết tâm thay đổi toàn diện  Giáo  Dục và Đào Tạo, và cũng dần nhìn thấy tất cả các khuyết tật của ngành này. Cũng xuất hiện không ít những cái nhìn khá bản chất vào từng trường đại học, thậm chí cả những trường đại học mà thương hiệu của nó đã ngấm sâu vào tâm thức của công chúng.  Sự thật sẽ được đánh giá đầy đủ trước xã hội tiến bộ.
Và rõ ràng sự thay đổi cần phải được bắt đầu từ các trường đại học-là một cái nhìn đúng đắn. Nói thế để các anh biết xã hội sẽ trở lại đánh giá xác thực mọi vấn đề, mọi giá trị, vì lợi ích của xã hội! Mà điều này là một thời cơ rất tốt cho những người có năng lực và biết liên tục làm việc và phát triển bản thân-gắn với phát triển của đất nước!
Tôi tin và mong các anh thấu hiểu, phấn khởi và nỗ lực đón nhận  cơ hội mới này!
_________________

QUÊ TÔI

Dương Quốc Việt

Quê tôi dại chợ khôn nhà
Mưu mưu lược lược nối đời chọi nhau
Thằng kia sao khá hơn tao
Cùng chơi cùng học tòi đâu ra mày!?
Mày sang sao bọn tao hèn?
Xắn tay “giai cấp” có mày không tao
Trong nhà chẳng biết bảo nhau
Nghe phường xúi bẩy tương tàn đệ huynh
Trái ngang thiên hạ vần xoay
Quê tôi thiếu vắng hiền tài cậy trông
Dối gian-thiển cận-nổi nông
Tổ tông hương hỏa bán dần đi ăn
Lòng tham vơ vét quẩn quanh
Miệng ăn núi lở chờ ngày ra đê!
________
3/5/2018

MẸ TRÁI ĐẤT

Dương Quốc Việt

Chút lửa thiêng Mẹ tặng cho con
Làm chút vốn con gọi là trí tuệ
Dùng nó trong tính suy muôn nẻo
Cả những suy tư ảo giác dối lừa
Chút lửa thiêng Mẹ tặng cho con
Có phải đã gieo mầm tai hoạ?!
Bao giáo lý suy đồi huyễn hoặc
Đẩy kiếp người vào chốn tù lao
Sinh ra con con nào hiểu Mẹ
Mẹ tròn con dựng thuyết Mẹ vuông
Kẻ hiểu Mẹ con bảo là tội phạm
Trên dàn thiêu man rợ ngu si
Mẹ bao la Chúa ở trên cao
Lửa thiêng bùng thêm lòng tham vọng
Đầu rơi máu chảy trong lòng Mẹ
Lũ buôn thần bán thánh hoành hành
Sống nhờ Mẹ sao càng xa Mẹ
Sẽ về đâu hỡi suối mất nguồn?!
Ánh lửa kia Mẹ tặng ngày nào
Dàn hỏa thiêu lũ người nông nổi ?!
________
Hà Nội, chiều Thứ ba 9-10-2012

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

THẾ GIỚI ẢO FB

Dương Quốc Việt
Đời thực kia
Sao cái nghĩa tự do thăm thẳm
Nghìn năm qua nhân loại trở trăn !?
Liệu cần chăng
Trong thế giới vô hình
Khi mỗi con người bỗng hóa thần hóa thánh !?
Luật thế gian
Luật của con người
Đâu có cần cho “siêu nhân thần thánh”(!?)
Thế giới ảo
Nơi nhà nhà cùng gáy
Trời tự do hoang dại đến vô cùng (!)
Trong cuộc đời, để làm một con người tự do vốn đã rất khó. Nó vốn là kết quả của quá trình tiến hóa, thông qua giáo dục và trải nghiệm. Vậy phải chăng trong thế giới ảo, cái nghĩa tự do ấy có phải còn “cao cấp” hơn nhiều !? Nó như cần phải đạt tới cái tự do của các bậc “thần thánh”, tức là cao hơn cái triết lý tự do trong đời sống thực. Vì thế mà con người lại càng phải được “tu luyện” hơn nữa, mới có thể làm cho “xã hội ảo” phát triển lành mạnh và văn minh.
Trong thực tế, một lựa chọn nào đó, trong cái quyền tự do hết thảy, cùng với những lập luận và ngôn từ mà người ta thể hiện, để biện minh cho hành động, sẽ phần nào để lộ nhân cách-văn hóa-độ trưởng thành… của người lựa chọn.
Hóa ra cái “thế giới ảo Fb” lại là cái thế giới hoang dã hơn cả cái thế giới thực nguyên thủy. Vì thế mà sự bị nô dịch cũng cao hơn hẳn ở thế giới thực. Chỉ có điều có thể có người không nhận ra, mà chỉ mang thêm những nỗi ám ảnh khiếp nhược, bởi các “chúa sơn lâm” xuất hiện cùng với những tiếng “gầm thét”, hay những trận càn quét của lũ “ong vò vẽ”, cái mà vốn trong cuộc đời thực không hẳn đã tồn tại. Rồi ngay cả các “chúa sơn lâm”, cũng không phải không bị tấn công, khiến bị tổn hao sinh lực. Chưa kể chúng còn bị lóa mắt bởi những ảo ảnh, sự dối lừa, gây những hoang tưởng, ngộ nhận…
Trong cái thế giới ảo Fb đó, nhiều khi người ta phải nạp cả những món ăn “sống sít”, khiến con người như càng nguyên thủy hơn. Bởi thế những kẻ còn thấp kém về “tu luyện”, sẽ bị thiêu trụi trong thế giới này. Cũng như trẻ lên hai nếu thả tự do, chắc khó tránh khỏi gặp tai nạn. Còn những “chúa sơn lâm” kia thì lại như những chàng “Đông ki sốt” giữa cuộc đời thực. Bởi vậy mà phải chăng người dùng Fb cần được trang bị bài bản, để biết cách tham gia một cách có văn hoá vào cái thế giới ảo này, âu cũng là điều rất cần thiết!
_________
Hà Nội-06/6/2018

LONG HỔ TRANH HÙNG

Dương Quốc Việt
Ngậm khối nhục sau đêm trường bừng tỉnh
Chúa sơn lâm ôm giấc mộng “hí cầu”
Kẻ mặc định phận mình làm chúa tể
Xoay trục địa cầu chuyển đổi càn khôn
Liếm biển Đông Thái Bình Dương đại náo
Hồn tự do như gặp bão từng ngày
Bóng hủ bại nguy cơ trùm thế giới
Cây muốn lặng
Gió chẳng dừng
Khiến Nữ Thần nổi giận
Kiếp nạn can qua
Trời long đất lở
Long hổ tranh hùng
Những vòi rồng khạc lửa
Sấm vang chớp giật bốn bề
Thái Bình Dương
Chảo nước sục sôi
Hỡi sư tử súc sinh
Chúa tể miền hoang dại
Chống đỡ sao tài nghệ lũ rồng
Hướng theo đuốc Thần Tự Do rực sáng
Hang ổ tan hoang
Khiến ngươi gục ngã
Tang tóc điêu tàn
Bao vùng hủy diệt
Lịch sử đớn đau
Trăm năm lặp lại
Kẻ bức hại muôn loài
Ắt phải tiêu tan
Trời quang mây tạnh
Bốn biển thanh bình
Ranh giới phân chia
Sách trời định phận
Đổi chủ thay thầy
Lũ cáo chồn thoát hang hùm miệng sói
Khải hoàn ca theo khúc hát tự do
Hòa dòng chảy suối nguồn tạo hóa
____________
Hà Nội 31/5/2018