Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

LỜI CỦA TRÁI TIM VÔ CẢM

Dương Quốc Việt

 



Ta kể những dòng này
Không hẳn thanh minh
Trong khổ đau
Khiếp nhược tầy đình
Ta nợ đời-nợ Chúa
Kẻ bỏ rơi chức phận
Ta đã chết
Bởi ta vô cảm
Hãy chỉ một lần
Xin được lắng nghe!

Theo lũ các người
Ta xa dòng sữa mẹ
Những áng văn
Vần thơ
Những bản tình ca
Thắm tình nhân loại
Khiến thân ta
Cây khô cành héo
Trên đồi trọc
Ta bám vào sỏi đá

Ta được nuôi trong thù hận
Lấy sục sôi lấn lướt lương tri
Ta được dạy
Chỉ yêu màu của máu
Ta bơ vơ vô định
Chẳng đức tin
Vô thánh vô thần
Ta vụng trộm
Trong thổn thức bản năng
Giấu mình-khắc khoải

Theo lũ các người
Đi vào trận mạc
Đầu rơi máu chảy
Ta quặn hoài
Bao cảnh thương đau
Đến một ngày kia
Ta chai lì
Trong hoang tàn đổ nát
Trước xác chết
Ta đâu còn ghê sợ

Theo lũ các người
Biết bao lần
Thấp thỏm-ngóng tương lai
Ngày nối ngày
Trong hy vọng ngươi gieo
Để một ngày kia
Ta nhận ra ảo ảnh
Thất vọng ngập tràn
Bị dối lừa
Sao chẳng dám kêu than !?

Theo lũ các người
Đến những giảng đường
Ta được nghe
Những chuỗi ngày rao giảng
Chất chứa những ngôn từ
Làm ta xa lạ
Khiến ta mơ màng
Trong giấc ngủ triền miên
Những kho chứa chất đầy
Đâu còn chỗ cho ta thổn thức

Theo lũ các người
Đến nơi công sở
Ta ngỡ ngàng
Những cái bắt tay
Những cái nhìn lạnh lẽo
Nhân danh ta
Những miệng lưỡi điêu ngoa
Trong lấp vùi
Ngày nối ngày
Khiến thân ta hoen rỉ

Theo lũ các người
Ta phải sống
Trong thương vay khóc mướn
Sân khấu cuộc đời
Dẫu chẳng vui
Ta vẫn gắng hò reo
Dẫu chẳng buồn
Ta cũng vờ nhỏ lệ
Những tháng năm dài
Biến ta thành kẻ diễn

Theo lũ các người
Ta chìm trong đám đông
Dàn đồng ca
Bổng trầm trong hoang tưởng
Ta chỉ biết họa theo
Người cầm lái
Ta chỉ được vui
Được cất tiếng tụng ca
Nào còn chỗ
Cho mình ta thổn thức

Ta chẳng có góc riêng
Cho khao khát
Yêu thương
Bao lần rỉ máu
Những quặn đau
Chẳng thể sẻ chia
Ta đâu dám thét gào
Khi gặp cảnh trái ngang
Bởi những bài học thế gian
Xui khiến ta câm lặng

Hỡi các ngươi!
Bao cuộc đổi thay
Khiến thân ta run rẩy
Phận ta nhỏ nhoi
Đâu được tự do bày tỏ
Thân ta bầm dập
Kẻ chịu trận
Quen dần
Biến thành sỏi đá
Ta trở nên VÔ CẢM!
____
Đêm 26/12/2018

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2018

CUỘC CHIẾN VỚI DỤC VỌNG

Dương Quốc Việt


Đăng trong GDVNhttp://giaoduc.net.vn/gdvn-post193838.gd     và đăng lại trong VHNACuộc chiến với dục vọng

Trong kho tàng dân gian của nhiều dân tộc trên thế giới, đã để lại những câu chuyện tương tự như câu chuyện:”Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Rằng, nguyện vọng ban đầu của bà vợ ông lão đánh cá chỉ là một cái bát gỗ mới. Nhưng khi được bát gỗ mới rồi, bà lại muốn có nhà gỗ, rồi muốn làm quý bà, tiếp đến muốn thành nữ hoàng. Mặc dầu vậy, cá vàng vẫn nhẫn nhịn đáp ứng lòng tham của bà. Tuy thế bà lão vẫn không chịu dừng lại, mà còn muốn làm nữ vương-thống trị biển cả, cưỡi trên lưng cá. Để rồi cá vàng phải nổi giận, trả lại bà về vị trí xưa, tức là một mụ già bẩn thỉu bên chiếc máng lợn sứt mẻ.

Một câu chuyện khác, bởi người Ấn Độ vốn biết loài khỉ không bao giờ chịu buông những thức ăn mà chúng  đã nắm trong tay, nên họ đã nghĩ ra một loại bẫy khỉ.  Đó là những chiếc cũi bằng gỗ-trong cũi để thức ăn. Thế là lũ khỉ thò tay vào cũi để lấy thức ăn-mà không rút tay ra được. Bởi nếu muốn rút tay ra, thì chúng phải bỏ thức ăn ra khỏi bàn tay, nhưng khỉ nào biết buông bỏ, vì thế chúng bị mắc bẫy-chờ chết!

Nhân loại văn minh, đã nhận ra rằng, tạo hóa sinh ra con người, đã có sẵn những thị dục-bản năng: sức khỏe và sinh mạng; ăn; ngủ; tiền của; để tiếng lại đời sau; thỏa nhục dục; con cái được mọi sự đầy đủ; được người khác cho là quan trọng. Và theo nhà tâm lý học vĩ đại người Đức-Sigmund Schlomo Freud (1856-1939), thì “tình dục” và “thị dục huyễn ngã”(lòng mong muốn được người khác cho mình là vẻ vang, quan trọng) là hai thị dục căn bản nhất. Còn John Dewey (1859 -1952)- nhà triết học, tâm lý học, và cũng là một nhà cải cách giáo dục người Mỹ cho rằng: “Thị hiếu mạnh nhất của con người là thị dục huyễn ngã”. Những thị dục này, một mặt thúc đẩy nhân loại ngày càng văn minh tiến bộ, nhưng mặt trái của nó, cũng để lại những thảm họa cho chính con người.

Mọi sự đều có giới hạn “an toàn”, nếu vượt quá giới hạn đó, sự vật bị phá vỡ, kẻ gây ra sẽ bị trả giá. Dẫu  rằng  không ít người đã được răn dạy như vậy, nhưng tiếc thay dục vọng của hầu hết con người lại là những hố sâu thăm thẳm-không thể lấp đầy. Bên cạnh được răn dạy cảnh giác và khống chế dục vọng, con người còn luôn được nhắc nhở sự buông bỏ. Buông bỏ những đeo đuổi nhằm thỏa mãn dục vọng, nhất là sự hoang tưởng, là điều vô cùng quan trọng.

Trở lại câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Mặc dù lúc đầu bà lão chỉ có một ao ước nhỏ, chắc cũng như bao thân phận nghèo khác, nhưng thói đời “thấy bở thì đào mãi”. Rồi từ khát khao giàu có đã được đáp ứng dễ dàng, thì ham muốn quyền lực lại đến… Để rồi đến mức tham vọng quyền lực tới tột đỉnh, thậm chí hoang tưởng tới mức, muốn kẻ ân nhân-thần thánh kia cũng phải làm nô lệ cho mình. Dường như bà ta đã quên khuấy đi thân phận xuất phát của mình, chưa kể mọi thứ đạt được do quá dễ dàng, khiến bà không còn biết mình là ai, mà ngỡ rằng mình là chúa tể thế giới này!? Thế mới thấy dục vọng của con người, khi có cơ hội, thật khó mà lường đoán.

Rồi bởi không biết buông bỏ, con người, sẽ bị mắc bẫy như những con bạc khát nước-càng chơi càng thua-thêm mắc nợ, không lối thoát. Cũng như bầy khỉ sa bẫy, đơn giản chỉ vì chúng không có khả năng buông bỏ, kể cả để cứu lấy chính sinh mệnh của mình. Câu nói của nhà toán học nổi tiếng George Polya (1887-1985): “Thật ngu xuẩn nếu chỉ khư khư ôm lấy giả thuyết của mình” như nhắc nhở con người ta nhiều điều. Nhưng sự buông bỏ đối với con người, phải chăng còn diễn ra phức tạp hơn nhiều!? Chẳng thế mà biết bao kẻ bị nhồi nhét bởi những lý thuyết lỗi thời, hay giáo điều, vẫn cứ ôm lấy những lý thuyết đó, như một thứ chân lý vĩnh hằng, thậm chí còn bảo vệ điên cuồng bằng bạo lực với những ai chống lại nó. Chưa kể, không ít những trường hợp, những kẻ hèn nhát-bất lương, vì cốt cứu lấy mình, nên đã không thể hoặc không dám từ bỏ những băng đảng phản động, để trở về với nhân loại văn minh.

Có lẽ trải qua sự tiến hóa, mà mọi nền văn hóa, cũng như hầu hết các thể chế, loài người luôn giáo dục, cũng như đưa ra những đạo luật, nhằm khắc chế, thức tỉnh con người, khỏi sa chân vào những “mê lộ” bởi những dục vọng bất kham. Và từ thực tế lịch sử cho thấy, ở những thời điểm những thiết chế-những cái phanh hãm cần thiết này, bị phá vỡ, ấy là những thời khắc mà dục vọng của con người mặc sức hoành hành, không có khả năng kiểm soát. Người xưa cho rằng, những thời kỳ như thế, là thời đại của ma quỷ.

Đối lập với dục vọng bất kham, sản sinh ra cái ác, cái tuyệt vọng, thì lương tri chính là thứ cứu vớt con người. Phần hồn cao quý này, là kết quả của văn hóa và giáo dục. Xin được dẫn ra câu chuyện dưới đây, mà các sử gia đã bình luận rằng: xuất phát từ lòng nhân ái và trách nhiệm cao cả của một vị tổng tư lệnh tối cao đối với con người, đã giúp ông thoát khỏi bị ám sát, nếu không lịch sử Thế chiến thứ II có thể đã phải viết lại. Vậy ông là ai?

Đó là tổng thống Mỹ thứ 34 (1953-1961)-Dwight David Eisenhower (1890 -1969), người mà trong Thế chiến thứ II, là tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh tại châu Âu. Một lần đang trên đường quay về tổng bộ ở Pháp để tham dự một hội nghị quân sự khẩn cấp- trên đường đi tuyết rơi dày đặc, xe phóng rất nhanh, bất ngờ Eisenhower nhìn thấy một cặp vợ chồng già run rẩy bên đường. Ông lập tức ra lệnh dừng xe, bảo người phiên dịch xuống xe hỏi thăm. “Thưa ngài, chúng ta phải đến kịp cuộc họp ở tổng bộ-việc này cứ giao lại cho cảnh sát địa phương xử lý”-một viên tham mưu đã nhắc nhở. Nhưng Eisenhower đã kiên quyết và nói: “Nếu như đợi cảnh sát địa phương đến thì hai ông bà này đã bị lạnh chết rồi”! Rồi khi hỏi thăm thì biết được, họ đến Paris để thăm con trai, nhưng xe hỏng, trong khi tuyết dày đặc không nhìn thấy gì. Không do dự, ông lập tức mời cặp vợ chồng già này lên xe và đưa họ về nhà con trai ở Paris trước, sau đó mới quay về tổng bộ.

Thế rồi, tin tình báo sau đó, khiến những người trên xe bàng hoàng. Hóa ra ngày hôm ấy một đội quân của Đức đã mai phục trên đường đi của ông, và thủ lĩnh Đức Quốc Xã đinh ninh rằng, vị tổng tư lệnh quân đồng minh sẽ bị quân mai phục giết chết. Nhưng kế hoạch của quân Đức đã không thành, thậm chí sau chuyện này Adolf  Hitler (1889-1945) còn nghi ngờ về tin tình báo không chính xác. Bởi Hitler đâu có ngờ rằng, vì Eisenhower cứu người mà đã phải về nơi họp bằng một con đường khác.
Câu chuyện lịch sử này, thật chẳng khác gì “cổ tích”, như thể được viết ra để nhắn nhủ người đời, rằng những việc làm tốt sẽ được đền đáp. Nhưng cũng rất có thể, ở thời điểm khác, vì phải cứu người, mà hành trình bị sai lạc, dẫn đến cái chết của chủ thể. Cũng như trong thực tế, trong ngắn hạn, trong khoảnh khắc nào đó, lòng tham, cùng thói vô nhân đạo, của những kẻ thiếu lương tri, cũng như kẻ không chịu buông bỏ, có thể đắc lợi.

Dẫu vậy, nhân loại chân chính đều nhận ra rằng, sự khuyết thiếu lương tâm, chắc chắn sẽ đẩy con người vào vòng đau khổ. Rằng để đến với những thành công, những mục đích tốt đẹp nào đó, trong dài hạn, không thể bằng những con đường, những đường lối phi nhân tính. Hơn thế nữa, những người hành động vì tương lai của nhiều đời, không thể không biết lựa chọn con đường “chính đạo”, bởi chỉ đi trên con đường đó mới có thể thành công, hoặc chí ít thì cũng thành nhân, thành người tử tế, cũng như mới có thể lâu dài,  thậm chí mới có khả năng tránh được sự hủy diệt, hay sự tự hủy diệt!

Lịch sử đã chỉ ra rằng, khi mà một thể chế suy tàn, lộ ra những mặt trái phản động-mọt ruỗng của nó, thì mọi giá trị bị đảo lộn, dục vọng như ngựa không cương… Khi đó xã hội sẽ cực kỳ rối loạn, cái ác hoành hành, lòng tham và quỷ kế lên ngôi. Trị vì xã hội, sẽ là những thế lực phản động, mang nặng dục vọng. Rằng đó là những thời điểm, mà công chúng thường hoảng loạn-mất niềm tin. Và từ lịch sử cho thấy, tình trạng hỗn loạn-suy đồi đó, tất yếu sẽ dẫn đến sự tàn tạ, cùng với những kết cục rất khó lường!

Để con người khỏi rơi vào thảm cảnh-sinh ra từ chính những dục vọng bất kham của mình, không có gì khác, đó chính là lương tri. Trong phạm vi cá nhân, thì lương tri chính là cái phanh kiềm chế dục vọng. Còn trong phạm vi rộng lớn, thì lương tri, sẽ làm nên sức hút của cộng đồng, tạo nên những lực lượng xã hội, tiêu diệt những thế lực ôm những dục vọng xấu xa-hủy hoại văn minh. Lương tri không chỉ giúp khống chế dục vọng, mà còn làm cho con người sáng suốt hơn, trước những lựa chọn của mình. Và nếu như vì dục vọng bất kham, mà con người u mê-đến với tội lỗi, thậm chí hủy diệt, thì cũng vì lương tâm thức tỉnh, mà con người dám hy sinh, gắng hết sức mình, tiễu trừ cái ác, cái phản động-bất lương, nhờ thế mà nhân loại liên tục phát triển, ngày một văn minh và tiến bộ hơn.

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

HỌC ĐỂ CÓ NGHỀ NGHIỆP-HỌC ĐỂ BỒI ĐẮP LƯƠNG TÂM

Dương Quốc Việt

Câu chuyện dạy và học, là câu chuyện của bao đời. Thế nhưng học cái gì, học thế nào, cũng như dạy cái gì, dạy thế nào, lại luôn là những vấn đề thời sự. Bởi chính quy trình dạy và học của ngày hôm nay, sẽ tạo nên gương mặt của xã hội trong tương lai. Rồi tùy thời, tùy hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia, mà trong mỗi giai đoạn, người ta thường định hướng giáo dục, theo một triết lý riêng. Trong bài viết này, chúng tôi muốn bàn đến những tiêu chí căn cốt trong giáo dục hiện nay, để được cùng trao đổi với các bạn đọc-những người quan tâm đến giáo dục nước nhà.       

Nghề nghiệp và lương tâm-những giá trị cốt lõi 

Tạo hóa sinh ra loài người, đã mang sẵn trong mình những ham muốn: sức khỏe và sinh mạng; ăn; ngủ; tiền của; để tiếng lại đời sau; thỏa nhục dục; con cái được mọi sự đầy đủ; được người khác cho là quan trọng. Và theo Sigmund Schlomo Freud (1856-1939)-nhà tâm lý học vĩ đại người Đức, thì “tình dục” và “thị dục huyễn ngã”(lòng mong muốn được người khác cho mình là vẻ vang, quan trọng) là hai thị dục căn bản nhất. Còn John Dewey (1859 -1952)- nhà triết học, tâm lý học, và cũng là một nhà cải cách giáo dục người Mỹ cho rằng: “Thị hiếu mạnh nhất của con người là thị dục huyễn ngã”. Những thị dục này, một mặt thúc đẩy nhân loại ngày càng văn minh tiến bộ, nhưng mặt trái của nó, cũng để lại những thảm họa cho chính con người.    

Vì khát khao thỏa mãn những dục vọng, mà cuộc đời con người luôn bị xô đẩy vào những cuộc chiến với thiên nhiên, với hoàn cảnh, với đồng loại… Và rõ ràng nếu chỉ với những dục vọng bản năng, thì chắc chắn xã hội loài người còn tàn khốc hơn cả xã hội của bầy thú hoang, bởi con người còn có thêm trí khôn. Vậy điều gì đã cứu cánh con người, làm cho xã hội loài người ngày càng văn minh? Câu trả lời: đó chính là lương tâm! Như vậy, để làm nên một xã hội văn minh, con người không chỉ có trí tuệ cùng với những dục vọng bản năng sẵn có, mà cần có phần lương tâm, như Jean Jacques Rousseau (1712-1778) đã nhắc đến: “Lương tâm là tiếng nói của linh hồn, dục vọng là tiếng nói của cơ thể“.

Và thay vì trả lời cho câu hỏi: lương tâm là gì, xin dẫn ra cắt nghĩa dưới đây từ Wikipedia-mà nhiều người đã đồng thuận. Rằng:  “Lương tâm là năng lực mang tính tự giác của con người tự giám sát bản thân, tự đề ra cho mình nghĩa vụ đạo đức phải hoàn thành, tự đánh giá hành vi của mình. Nói rộng ra, lương tâm là ý thức chủ quan của cá nhân về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội, được coi như là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với bản thân. Lương tâm là kết quả của quá trình sống chứ không phải bẩm sinh. Lương tâm luôn đi với con người trong suốt quá trình hành động”.
                          
Trong xã hội, nhất là xã hội đương đại, để đảm bảo sự sinh tồn, không có gì hơn, mỗi cá nhân đều cần có nghề nghiệp. Bởi nghề nghiệp hữu dụng, chính là thứ vũ khí quan trọng nhất, giúp con người mưu sinh và đáp ứng những thị dục bản năng của mình. Vì thế mà người ta phải lao vào học, tìm thầy, tìm trường để học, học như một thôi thúc của dục vọng. Và rõ ràng chính các nhà trường sinh ra để đáp ứng nguyện vọng này.        

Nhưng nếu chỉ nặng về trang bị nghề nghiệp, mà phần lương tâm bị xem nhẹ, sẽ tạo ra những con người trần trụi: những dục vọng bản năng, những kỹ năng nghề nghiệp cùng trí khôn. Như thế sẽ rất nguy hiểm cho xã hội.Nhất là trong xã hội đương đại, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ, cùng với con người ngày càng được giải phóng. Một cá nhân thiếu lương tâm, có thể sẽ gây tác hại cho xã hội rất lớn. Vì thế, vấn đề giáo dưỡng lương tâm, trở nên như một vấn đề sống còn. 

Những biểu hiện tiêu cực cản trở giáo dưỡng lương tâm

Bởi khát khao học lấy nghề một cách hiệu quả, nên trong thực tế, khuynh hướng học lệch rất dễ xảy ra. Thói thực dụng ấy, không chỉ có ở người học, mà thậm chí còn ở cả những cơ sở đào tạo. Điều này thật nguy hại, như nhà bác học vĩ đại Albert Einstein (1879-1955) đã từng cảnh báo: “Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có được một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có được một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng” (A. Einstein, Thế giới như tôi thấy, NXB Tri thức 2007, trang 48).   

Rồi bởi “Thị hiếu mạnh nhất của con người là thị dục huyễn ngã”, nên thịdục huyễn ngã đã thôi thúc con người mau đến với công danh, mà mặt trái của nó-phát thành bệnh hiếu danh, khát khao khen thưởng bằng mọi giá... Vì thế nếu một nền giáo dục mang nặng bệnh thành tích, coi trọng bằng cấp, giải thưởng, thì sẽ như nuôi dưỡng mặt trái của thị dục này. Và thật nguy hại, khi đó người ta có thể chỉ chạy theo đối phó với thi cử, sát hạch, mà xa rời thực chất, thực học, cũng như bồi đắp lương tâm.

Không chỉ có vậy, giáo dưỡng lương tâm, còn có thể gặp phải nhiều cản trở khác, thuộc về môi trường gia đình và xã hội. Chẳng hạn như ở một xã hội, mà tiền và quyền lực chi phối tất cả, thực thi pháp luật bị buông lỏng, công chúng bị đầu độc bởi những tư tưởng cực đoan-sai lệch. Hay một xã hội vô cảm, mỗi cá nhân chỉ biết lo cho bản thân và gia đình..., cũng đều ảnh hưởng không tốt đến giáo dưỡng lương tâm.        

***
Ngày nay, khi mà ngay cả việc đưa ra triết lý, cũng như những mục tiêu phù hợp cho giáo dục, vẫn còn là mối bận tâm của toàn xã hội, thì tự nó đã là một minh chứng cho sự bất cập của giáo dục nước nhà. Nhưng phải chăng: học để có nghề nghiệp hữu dụng, học để bồi đắp lương tâm, là những  điều căn cốt nhất? Tất nhiên, để đáp ứng hiệu quả cho cái sự học này, đòi hỏi rất cao ở nhà trường, gia đình và xã hội. Rõ ràng,chỉ những người thầy có tâm, trong một nền giáo dục có lương tâm, mới có thể tạo ra những lớp người giàu lương tâm. Và những người theo nghiệp dạy người không thể không biết đến lời nhắn nhủ sâu xa của người anh hùng dân tộc Ấn Độ-Mahatma Gandhi(1869-1948): “Giọng con người không bao giờ đi được xa như giọng nói nhỏ bé của lương tri”, và dẫu không dễ, nhưng  hãy  gắng  hành xử theo hiệu triệu củaEinstein:  “Đừng làm gì trái với lương tâm, ngay cả khi chính quyền yêu cầu bạn”.