Thứ Tư, 17 tháng 4, 2024

"NỀN VĂN MINH LÀ DÒNG CHẢY VỚI NHỮNG BỜ ĐẤT"

Dương Quốc Việt

"Nền văn minh là dòng chảy với những bờ đất. Dòng chảy đôi khi tràn ngập con người, trộm cướp, la hét và làm những điều mà các sử gia thường ghi lại, trong khi trên bờ, không được chú ý, con người dựng tổ ấm, yêu nhau, nuôi dưỡng con cái, ca hát, làm thơ và thậm chí dựng tượng. Câu chuyện của nền văn minh là câu chuyện của những điều xảy ra trên bờ. Sử gia là những kẻ bi quan bởi họ tìm đến dòng chảy mà bỏ qua bờ đất".

 

Will Durant

 

Đọc những trang sử, nhất là vào những thời kỳ-các thế lực chính trị tranh giành quyền lực, người ta thường nghĩ-đó là những thời kỳ thiên hạ đen tối-ngột ngạt, không có đất cho an lạc, cho mùa xuân-mùa của sự sống sinh sôi và phát triển... 

Nhưng thực tế lại không hẳn như vậy!

 

Chẳng hạn, Trung Quốc thời Chiến Quốc, lại là thời của tự do tư tưởng. Trong khi đó, sau ngày Trung Hoa được thống nhất- 221 TCN, lại là những ngày ngạt thở. Tần Thủy Hoàng (259 TCN-210 TCN) đã loại bỏ hàng trăm tư tưởng bao gồm Nho giáo và các triết lý khác. Ông cho đốt phần lớn sách. Theo Sử ký Tư Mã Thiên- ở Hàm Dương có hơn 460 nhà nho bị chôn sống do sở hữu những cuốn sách bị cấm.

 

Còn thời kỳ Lã Hậu của nhà Hán, đã được Sử Ký ghi lại như thế này: "Thời Lã hậu cầm quyền tuy có làm đảo lộn cung đình nhà Hán, giết hại các hoàng tử nhà Hán nhưng không làm xáo trộn đời sống xã hội, ít dùng hình phạt với dân chúng, thiên hạ được yên, nhân dân lo cày cấy, ăn mặc no đủ".

 

Rồi thời kỳ Võ Tắc Thiên chiếm đoạt nhà Đường tàn khốc là thế, nhưng lại được đánh giá là đã đạt được nhiều thành tựu. Cụ thể, trong 15 năm trị vì của bà, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, trọng dụng nhân tài, thưởng phạt nghiêm minh, đời sống của nhân dân dưới thời đó luôn được ăn no mặc ấm, an cư lạc nghiệp.

 

Ngoài ra có thể tìm thấy vô vàn những sự thực tương tự như thế, trong lịch sử nhân loại. Đó là những bằng chứng cho thấy, những thời đại, ổn định quyền lực chính trị, lại chưa hẳn là thời đại-dễ chịu với người dân, và ngược lại, không ít những thời kỳ, được coi là tranh chấp quyền lực chính trị, nhưng đời sống của "con dân" lại được thông thoáng-tự do tư tưởng. Vua hề Charlie Chaplin (1889-1977) đã từng đúc kết: 

 

“Kẻ độc tài giải phóng chính mình, nhưng lại nô dịch hóa nhân dân”.

 

Như vậy, nhìn chung, không có sự tương thích, giữa sự tập trung hay ổn định của "thế giới quyền lực" và lợi ích hay sự dễ chịu của "thế giới dân sự". Và cái "thế giới dân sự" mới là cái thế giới "vạn đại", làm nên dòng chảy văn minh nhân loại. Nhưng tiếc thay, "thế giới dân sự", cái quyết định văn minh nhân loại ấy, lại thường ít được chú ý-ghi lại, hoặc mờ nhạt trong các trang sử. Điều mà Will Durant (1885-1981)-nhà văn, sử gia và triết gia người Mỹ, nhận Giải thưởng Pulitzer trong lĩnh vực Phi Tiểu thuyết (1968), và Huân chương Tự do (1977), đã đề cập-cảnh báo trong danh ngôn được nêu trên của ông!