Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2019

KỶ NIỆM VỚI HỌC VĂN

Dương Quốc Việt

Tôi còn nhớ rất rõ, kì thi học kỳ 2-môn văn, năm học lớp 8, tháng 5-1969. Trong bài thi này, suốt buổi thi, tôi ngồi nghĩ miên man với đề thi, mà không viết được gì-đành nộp giấy trắng. Hôm trả bài, Thầy không cho điểm, mà chỉ phê: “Suốt 2 tiếng đồng hồ, em nghĩ gì, mà không thấy viết gì?” Tại sao tôi phải bỏ giấy trắng-không viết được gì? Đó là vì, bởi chữ CỐT trong câu mở đầu Bình Ngô Đại Cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, đã khiến tôi bị sa lầy-không sao khai thông được, khi đi tìm dòng chảy nhân nghĩa-vì dân, qua tác phẩm bất hủ này, cái điều mà tôi kì vọng, nhằm đáp ứng cao yêu cầu của đề thi. Thế đấy!


Ngày ấy các môn học được đánh giá qua điểm tổng kết. Điểm mỗi bài từ 0 đến 5, cao nhất là 5, không cho điểm lẻ, nhỉnh hơn 4 chưa đạt 5, thầy có thể ghi là 4+, hay 5-. Những bài văn viết thường làm ở nhà, rồi nộp để thầy chấm, chỉ có cuối kỳ, thì mới làm một bài làm văn tại lớp. Và điểm môn văn quyết định chủ yếu thông qua điểm các bài văn viết, mỗi kỳ khoảng 4 hay 5 bài, còn lại các điểm khác, do học sinh chủ động xây dựng bài ở lớp , hoặc thầy gọi hỏi vấn đáp. 

Các bài văn viết thời đó rất bị khuôn sáo, do bị án ngữ-chủ quan về “chủ đề tư tưởng”, rồi phải liên hệ với bản thân, với thời sự chính trị, như đấu tranh giai cấp, hay chủ nghĩa anh hùng cách mạng-trong sản xuất và chiến đấu, cũng như tinh thần quốc tế vô sản… Thành thử nhiều khi văn gượng gạo-không thật, phải viết ra những điều không đúng với cảm xúc, hoặc cố “lèo lái” theo một chủ đề tư tưởng nào đó, mà bản thân câu thơ, hay đoạn văn không hẳn đã định nói như vậy…. 

Những thứ chúng tôi đọc được, thuộc được từ những luồng văn thơ khác, dẫu có thấy rất hay, có rất nhiều cảm xúc, nhưng dường như đều phải quên đi, khi làm những bài tập làm văn trong chương trình học. Đó là những cái khổ của chúng tôi, khi viết những bài “Tập làm văn” ngày ấy.

Rồi cũng không ít những bài thơ, tôi không muốn thuộc, không muốn đọc cả bài, đặc biệt cũng không muốn nghe ai, xem ai bình luận về nó cả. Tuy vậy, có những câu thơ, đã đến với tôi, như những tia chớp, mà âm hưởng của nó, chắc chắn sẽ ám ảnh tôi, trong suốt cuộc đời này.

Tôi cảm như có những dòng thơ, câu thơ đã thoát khỏi bài thơ, hay ít nhất là tôi mong muốn nó được thoát khỏi bài thơ, như hồn lìa khỏi xác. Để rồi đây mặc dù cái thân xác có mục nát trong lòng đất, thì cái phần hồn kia vẫn còn, nhập vào cõi hồn tinh túy của dân tộc, hay nhân loại.

Rồi không biết có phải do sắp đến ngày 30/4 hay không, mà một số câu thơ-những ánh chớp, lại âm thầm tái hiện trong tôi. Và dưới đây là những câu thơ như thế.

Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Huỳnh Văn Nghệ.

Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?
Chế Lan Viên.

Dẫu rằng được biết câu thơ “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” của Huỳnh Văn Nghệ có nhiều dị bản, chẳng hạn như “Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long“, mà cũng không cần biết đâu là gốc, tôi chỉ thích câu “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long“. Và mặc dù với lòng mến mộ-khâm phục và kính trọng tác giả của câu thơ này, nhưng quả thật, với tôi ngoài tác giả là Chúa Nguyễn Hoàng-Nguyễn Thái Tổ (1525-1613), tôi không muốn nó là của ai khác.

Khác với nhiều câu thơ, đã đi vào ký ức, những câu thơ trên, tôi như không muốn nhớ, muốn biết tác giả cũng như bối cảnh sáng tác ra nó, hay nó là những câu thơ, trong một bài thơ nào cả! Mà đó là những câu thơ độc lập-hồn cốt của Đại Việt, của Người Việt, với những trở trăn, những đau thương, những giữ gìn-khai khẩn trong suốt chiều dài lịch sử. Để đến hôm nay dân tộc này có cả Hồng Hà và Cửu Long, nhưng sao lòng vẫn cứ hỏi lòng!?

Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?
Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?
Chế Lan Viên.

Trong thực tế, có không ít câu thơ, đoạn văn, với tôi đã là những viên ngọc, những thỏi kim cương, đi vào ký ức… Vì vậy, nếu  “vô phúc” nhỡ phải nghe, phải thấy, những tiếng búa của ai đó đập vào nó, cái mà người ta hay bảo là “phê bình”, thì thật ngán ngẩm vô cùng! 

Nhớ lại cái khoảng thời độ trên 10 tuổi, tức là giai đoạn học lớp 4, 5, 6, tôi đã đọc những số báo văn nghệ thời kỳ chống nhân văn giai phẩm, cùng với cuốn sách có tên là “Dao có mài mới sắc“. Đọc bài viết của Trần Độ phê phán tiểu thuyết “Người người lớp lớp” của Trần Dần, đến mức “cạn tàu ráo máng”, khiến một đứa trẻ non nớt khi đó chỉ còn biết hãi hùng kinh sợ. Còn “Dao có mài mới sắc” thì vô cùng trừu tượng với tôi, với bao thuật ngữ khó hiểu, nhưng tôi vẫn gắng đọc, và chỉ thấy sự dữ dội, tàn khốc cùng những rắc rối. Những tên tuổi như Phan Khôi, Hải Triều, Hoài Thanh…, cùng khẩu khí của họ, lần đầu tiên tôi được biết là nhờ đọc cuốn sách này. Tất nhiên khi đó tôi làm sao mà hiểu được những điều tôi vừa nhắc, nói đúng ra, là ở tuổi đó, tôi chưa nên đọc. Tuy không biết lợi hại đến đâu, nhưng nó làm tôi thấy sợ “thế giới văn chương”. Có lẽ đây chính là cái điều thu được rất có lợi cho tôi, chưa hẳn đã là quá sớm.

Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông-năm 1971, môn văn được chọn một trong hai đề. Một đề thuộc về thơ Tố Hữu-chủ yếu bài thơ Việt Bắc, còn đề kia: Hãy bình luận…. “Lao động là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta. Trong xã hội ta không có nghề nào là thấp kém, chỉ những kẻ ngồi không ăn bám mới đáng hổ thẹn.” Không đắn đo gì tôi chọn lảm ngay đề này, vả lại thơ Tố Hữu tôi chỉ thuộc lõm bõm. 

Bài văn ấy, tôi viết trong cảm xúc dạt dào. Nào là chính lao động sáng tạo ra con người…. tôi mở đầu cho bài viết trong đó có ý này. Và những vốn liếng đọc được bấy lâu về những thành tựu của những vĩ nhân, những người dân cần lao, đã làm nên những kỳ tích, thay đổi bộ mặt của thế giới này…, đã được “huy động” minh họa cho bài viết. Có lẽ đây là một trong những bài văn viết, mà tôi có nhiều cảm xúc, trong thời kỳ học văn ở bậc phổ thông. Kết thúc bậc phổ thông với bài làm văn này, với tôi thật có hậu!

14-4-2019.