Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

KỶ NIỆM VỚI HỌC SỬ

Dương Quốc Việt

Hồi học lớp 4, chúng tôi dường như đã có môn lịch sử, nói đúng ra, thì chúng tôi học những bài tập đọc lịch sử. Điều đáng kể ở đây, là thầy dạy sử của lớp chúng tôi, trong phần kiểm tra miệng bài cũ, ông yêu cầu gọi đến tên ai, thì người đó, chỉ việc đứng ngay tại chỗ, đọc một mạch bài lịch sử vừa học lần trước, nếu không thuộc, thì bị ông phạt rất nặng. Vì thế mà có nhiều bài đến bây giờ tôi vẫn có thể đọc thuộc.

Tôi thuộc loại học trò thích học môn lịch sử, nhưng quả thật, không ít những phần lịch sử cận hiện đại, hay hiện đại, nhất là về các phong trào bãi công, bãi khóa, biểu tình, cũng như vắng bóng những cá nhân, hay vai trò cá nhân, tôi thường không thích học. Có lẽ do ảnh hưởng của các tiểu thuyết lịch sử chăng, mà ngày đó, tôi ao ước được học lịch sử, thông qua những nhân vật!?

Vào kỳ 2 của năm học lớp 9, tức là nửa đầu năm 1970, trong số những  bài kiểm tra viếttôi bị một điểm 4 với hệ số 2, do không thuộc bài. Nguy cơ vì điểm 4 này, sẽ kéo tổng kết môn sử xuống thấp, ảnh hưởng đến kết quả toàn diện, khiến tôi thêm quyết tâm học để bù đắp. Thế rồi không chỉ đọc, tôi đã thay đổi phương pháp, cần phải viết luận cho những câu hỏi tổng hợp, trong đó có một câu mà tôi ưa thích nhất, rằng: "Hãy cho biết vì sao người ta nói chủ nghĩa Phát xít, là thứ chủ nghĩa tối phản động?" Thôi thì tôi sử dụng tất cả vốn liếng có được, để viết, không chỉ trong bài học, mà cả tư liệu bên ngoài, cho câu hỏi này

Thế rồi kỳ thi chất lượng cuối năm, tháng 5-1970, môn lịch sử được ra hai câu, trong đó có câu tôi vừa nhắc ở trên. Trong suốt  buổi thi tôi chỉ viết xong bài luận cho câu hỏi đó, thì vừa hết giờ, không còn thời gian cho câu hỏi thứ hai nữa. Buồn bã, vì như thế tôi mới chỉ làm được già nửa bài. Nhưng may thay, đến khi trả bài, thầy cho biết, vì đề quá dài, nên ty giáo dục đã quyết định bỏ câu 2, chỉ tính điểm cho câu đầuThế là tôi nhận được điểm 10, một điểm 10 hiếm hoi đối với môn sử thời đó.

Ngày nay, thấy trẻ học sử rất mỏi mệt, khiến tôi vẫn ao ước, như cái ao ước của thời học trò thuở trước. Rằng nên chăng dạy lịch sử thông qua các nhân vật?  Và cũng nên chăng, ưu tiên cho việc viết những bài luận lịch sử với kiến thức tổng hợp, thay vì kiểm tra các sự kiện đơn lẻ, cũng như những bài học lịch sử-còn mang nặng đánh giá chủ quan, khuôn sáo. 

Sau cùng rõ ràng để cho học sinh chán ghét môn lịch sử, cũng là một tội lỗi lớn, không thể bù đắp, bởi vì:
Những mảnh hồn trống trơn lịch sử
Thân lừa ai dắt có sao đâu!?
Hà Nội-28-5-2019

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

THÈM ĐƯỢC NGHE TIẾNG GÀ GÁY

Dương Quốc Việt

 

Mấy ngày qua dân Việt được nghe, được đọc bài diễn văn nhậm chức của tân tổng thống Zenlenski xứ Ukraine, như những kẻ đang thao thức mong trời sáng, thì được nghe tiếng gà trống gáy, dẫu chỉ là tiếng gà gáy nơi trời xa vọng lại. Trong khi đó, người ta vẫn còn bận rộn mổ xẻ, cắn xé lẫn nhau, rồi vẫn ồn ào với những câu chuyện cũ…

Nước non ngàn dặm trời nam bắc
Sao chẳng thấy đâu bước chuyển dời
Hè về quẩn gió bên chuyện cũ
Người phán xét người dạ hả hê

Vang vọng trời xa gà trống gáy
Ngậm ngùi trong dạ mỏi mòn trông
Bao công nuôi dưỡng sao không gáy
Quanh quẩn cối xay hỏi lũ gà?

24-5-2019

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

CÓ SỐ PHẬN HAY KHÔNG?

Dương Quốc Việt

Ngày tôi độ 10 tuổi, lúc ấy đã có 5 chị em, mẹ tôi kể, hồi còn bé có một người anh họ của bà, đã lấy lá số Tử Vi, và xem cho bà, rằng: cô sau này có 6 đứa con…. Rồi kết thúc câu chuyện, mẹ tôi còn nhấn mạnh thêm-bác ấy đã chỉ rõ cỗ quan tài của bà thế này…, huyệt nằm chỗ này…, và nói với mẹ tôi-tuy cô có 6 đứa con, nhưng lúc cô chết, anh xem kỹ chỉ thấy có 5 đứa quanh huyệt. Mẹ tôi mất năm 2005, 6 chị em tôi khi đó chỉ còn 5, vì cô em út của tôi mất năm 2000. Những năm cuối đời, bà dặn tôi, mẹ sẽ mất trước bố anh, nhưng mẹ mất rồi, thì ông ấy cũng không sống thêm được bao lâu nữa, anh để ý cái quầng thâm ở chân ông ấy, chạy đến mắt cá thì ông ấy sẽ mất. Và quả thật cha tôi mất năm 2006, sau mẹ tôi chỉ khoảng 9 tháng. 

Năm 1993, là năm có nhiều sự kiện-bước ngoặt trong đời đến với tôi. Đầu năm đó, tôi chia sẻ lá số của mình với một vài bậc đàn anh biết xem Tử Vi, thì họ đều phán giống nhau rằng, năm đó tôi bị hạn nặng bởi chữ “Tang Môn” gì đó. Thế rồi, nhân một đêm rỗi, tôi mang lá số đến nhà một người bạn vong niên, để nhờ anh giải đoán kỹ lưỡng xem sao. Trước khi giải đoán, tôi nói với anh-hai anh em mình cùng xem thật kỹ, em phụ giúp cho anh những tham số, như kiểu anh là bác sĩ, còn em là bệnh nhân… Cuối cùng, nhờ xem xét lại toàn bộ những gì tôi đã trải qua, để đối chiếu với những thể hiện trên lá số, và kết hợp với bối cảnh thực tế của tôi khi đó, tôi mạnh dạn đề xuất với anh rằng, theo em chữ “Tang Môn” trong bối cảnh cụ thể của em, cần phải hiểu đó là sự chia ly, giã từ cái cũ.

Năm đó, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học, người ta đã dành cho tôi một cơ hội-thật bất ngờ: Trước hết về làm Hiệu phó Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Hưng, và sẽ thay Cụ hiệu trưởng-chỉ còn vài tháng nữa là nghỉ hưu, rồi khi tách tỉnh tôi sẽ về làm giám đốc Sở giáo dục Hưng Yên. Nhưng tôi đã từ chối, và nhận quyết định về giảng dạy tại Khoa Toán Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mà không phải đắn đo gì nhiều. Và quả thật, 1993 là một năm tốt đẹp, một bước chuyển rất quan trọng đối với tôi.

Vào thời kỳ cuối những năm học cấp 3, tôi đã có trong tay những cuốn sách Tử Vi rất quý hiếm, trong đó có những bài phú nổi tiếng. Cũng gắng đọc, nhưng rất khó hiểu. Tôi tin rằng, con người có số mệnh, nhưng việc giải đoán được nó là vô cùng khó. Lúc mới biết võ vẽ, tôi cũng có xem cho một vài người bạn, cùng một vài bác hàng xóm, và cũng để lại một vài lời đồn-có vẻ khẩu phục… Nhưng rồi linh cảm như cảnh báo tôi rằng, tôi không được phép xem cho ai cả, và cũng kể từ đó, tôi không bao giờ dám bén mảng đến cái “siêu khoa học” này nữa.

Về chủ đề này, tôi còn có một kỷ niệm thú vị! Đó là vào một ngày đầu Tháng 5, 1972, chả là biết tôi có cuốn Tử Vi như đã nhắc ở trên, một bác người xã bên tầm trên tuổi cha tôi, thông qua một bạn tôi, mời tôi đến nhà. Đến nhà bác tôi vô cùng ngạc nhiên về những tấm bản đồ, những sơ đồ bác vẽ. Tai bác rất “nặng”, và là người đã từng hoạt động cách mạng nhiều năm, về nghỉ tại quê. Bác xem qua cuốn sách của tôi rồi nói-cuốn sách này có bài phú rất hay. Rồi chẳng cần biết tôi có thích nghe hay không, bác hùng hồn giảng cho tôi về lịch sử Tử Vi, và khả năng tiên tri của nó. Tiếp đến bác kéo tôi ra xem những tấm bản đồ, sơ đồ, và thuyết trình cho tôi về tương lai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, của Nhà nước Liên Xô, và Nước Mỹ… Tôi nghe mà choáng! Cố trấn tĩnh cho khỏi lúng túng, tôi viết ra giấy những câu hỏi để hỏi bác. Hóa ra bác đã lập lá số cho các nước này-dựa trên ngày giờ của các quốc khánh(!) Tôi nghe để biết vậy và suy ngẫm… Thế mà thấm thoát đã gần 50 năm, chắc bác đã mất từ lâu, và tôi cũng chỉ được gặp bác lần ấy.

LỜI BÀN: Tạo hóa ban cho mỗi người một số phận, như những quân bài họ được chia vậy, và chủ thể chính là người chơi bài, bằng những “quân bài định mệnh” của mình. Chẳng hạn, nếu chẳng may người ta phải nhận những quân bài xấu, nhưng nếu giỏi chơi (biết sắp xếp và nắm bắt cơ hội), thì kết quả sẽ không đến nỗi nào. Có lẽ cái gọi là “chơi bài” ở đây, phải chăng chính là những lựa chọn, mà trong lựa chọn thì luôn có chuyện may-rủi. Trong trường hợp này, gặp may hay rủi, dường như lại được chi phối bởi “nhân-quả”, “phúc-đức”. Vì thế, theo tôi, người giải đoán Tử Vi cho một cá nhân cụ thể, đều rất cần phải biết đương số có lợi thế trong “nhân-quả” và “phúc-đức” đến đâu. Phải chăng người đời thường nói: “Đức năng thắng Số” cũng còn là vì vậy!?

Có nhiều người không hề tin có số mệnh, điều này cũng không sao cả! Bởi suy cho cùng tin hay không tin “có số mệnh” đều là những niềm tin chính đáng. Cái nguy hại nhất, là tin vào những lời tiên tri dù hay hoặc dở, rồi “vận vào mình”…, nhất là khi còn trẻ, để rồi dẫn đến những ứng xử đáng tiếc trong cuộc đời(!) Còn lợi dụng “bói toán” để “nói đểu” về người khác, thì đó là một hành xử rất tệ hại, của những kẻ rất thiếu đạo đức và văn hóa, cần phải bị lên án!

17/5/2019

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2019

TÌNH CA CỦA HOÀNG VIỆT

Dương Quốc Việt

Giữ lấy đức tin bền vững em ơi
Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời.

Đó là những lời nhắn nhủ người yêu phương xa của cố nhạc sĩ Hoàng Việt. trong ca khúc nổi tiếng TÌNH CA, viết vào năm 1957 của ông. 

Tôi cảm như TÌNH CA còn chất chứa cả những nỗi niềm gì đó, như luyến tiếc, thở than, mong mỏi, níu kéo, những BÃI MÍA NƯƠNG DÂU, ĐỨC TIN và TÌNH YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI-những giá trị căn bản của ĐỜI SỐNG THIỆN LƯƠNG, trước những nguy cơ bị TƯỚC ĐOẠT, bị HỦY HOẠI. Có lẽ vì thế mà tôi tin rằng, sẽ không thể không có những giọt nước mắt khi nghe bản tình ca này.

Khỏi phải bàn nhiều về cái nghĩa cao cả của ĐỨC TIN đối với mỗi con người. Thực tế của kiếp nhân sinh đã kiểm chứng rằng, con người sẽ gặp phải bất hạnh như thế nào, khi sống KHÔNG CÓ ĐỨC TIN, hay THIẾU DỨC TIN !? 

Cũng cao cả như đức tin, TRÁI TIM YÊU ĐỜI cũng vậy. Và nếu không, thì thật bi kịch biết bao!? THÙ HẬN và VÔ CẢM của con người, cũng sẽ biến họ thành những tội đồ của đồng loại và của chính bản thân mình! 

Dường như thông qua những lời nhắn nhủ này, TÌNH CA như đã đề cập đến hai điều làm nên những giá trị căn cốt của con người, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng như thời đại nào. Nó còn như những lời gửi gắm sâu xa, như góp phần thức tỉnh lương tâm mỗi người, khi nghe TÌNH CA. 

Và sẽ là gì, nếu đâu đó hủy hoại ĐỨC TIN, cũng như TÌNH YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI VÀ CUỘC SỐNG?

Thử hỏi một xã hội sẽ ra sao, nếu những cá thể trong đó KHÔNG CÓ ĐỨC TIN, đã thế lại VÔ CẢM !? Phải chăng chỉ có thế nói đến ĐỊA NGỤC !? Và chắc sẽ còn mãi muôn đời, con người luôn phải hướng tới, phải phấn đấu, phải giữ gìn, phải giáo dưỡng, phải nhắc nhở:

Nuôi dưỡng đức tin trong cõi nhân sinh
Giáo dưỡng trái tim người sống yêu người. 

Rằng đó cũng chẳng phải là những cái giá đỡ tinh thần, giúp cho con người ta làm nên những giá trị trong cuộc sống đó sao?

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019

CẦN BIẾT NHÌN NHẬN LẠI TRUYỀN THỐNG

Dương Quốc Việt
Đã đăng trong Tạp chí văn hóa Nghệ An-Số 388-10/5/2019


Có một sự thật, rằng không ít những ngành nghề, cá nhân, gia đình, dòng họ...., đã gắng bỏ công sức, để đưa ra những minh chứng, nhằm khẳng định về một truyền thống nào đó, nhất là khi những thực thể này có những cá nhân, hay một vài cá nhân, được coi là thành đạt. Điều này không thể không khiến những người đứng ngoài cuộc đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn như, người ta làm thế để làm gì, hay như thế đã đáng được gọi là truyền thống chưa, cũng như những hệ lụy của nó...
Đầu năm 1983, chẳng biết do ai giới thiệu, mà tôi-một anh giáo dạy toán ở tuổi 29, được tiếp hai vị phụ huynh hiếu học, đang "tầm sư học đạo" cho con. Một người đang là một tài xế xe khách và một người đang làm nghề giết mổ lợn, họ không chỉ ngỏ ý xin tôi cho con học, mà còn chia sẻ những bức xúc, vì những người khác đã mỉa mai các ông ấy, rằng con cái họ làm sao mà có thể thi đậu vào đại học, khi mà  ngay cả đến những gia đình có truyền thống học hành như ông A, bà B... con cái cũng còn trượt nữa là... Ngược lại, tôi cũng đã từng chứng kiến không ít những trường hợp, người ta tự cho mình là có truyền thống này nọ, đến độ rất khôi hài!
Nếu nghiêm túc nhìn lại, trong suốt chiều dài lịch sử, ở tất cả các lĩnh vực, thử hỏi người Việt chúng ta đã để lại những gì, đã đóng góp những gì cho nhân loại? Trên cái nhìn tổng thể này, người ta không khó để nhận ra, cái mà đâu đó những cá nhân, những gia tộc, những dòng họ, những vùng đất..., nức tiếng thơm, phải chăng đã pha trộn quá nhiều huyền thoại!? Còn nếu nói một cách thận trọng, thì những cái được coi là “nổi trội” truyền thống kia, thực ra mới chỉ mang ý nghĩa “cực trị địa phương”, có nghĩa là chỉ trội khi so với mặt bằng xung quanh-còn quá thấp.
Trở lại câu chuyện mà hai vị phụ huynh chia sẻ với tôi khi xưa, lúc đó tôi không nói gì, mà chỉ tự nhắc nhở mình sẽ gắng để khỏi phụ lòng tin của họ với mình. Và thật may mắn, cả hai em đều rất chăm học, đặc biệt là khả năng tự học rất cao, kết quả năm ấy cả hai đều đậu vào đại học, trong đó một em được đi học nước ngoài. Ngày chia vui, tôi nói với họ rằng, chẳng phải có truyền thống gì đâu các bác ạ, các emham học và biết tự học, thì tự khắc sẽ đỗ. Tuy vậy cái câu chuyện kỳ thị về truyền thống mà họ phải hứng chịu, vẫn cứ ám ảnh tôi.
Trải nghiệm càng nhiều, tôi càng nhận ra rằng, hình như không ít những cá nhân, gia đình, dòng họ, cơ quan, ngành nghề..., như đã và đang muốn “nặn bệ” cho mình. Truyền thống tốt có được là rất quý, rất đáng trân trọng, nhưng nó cần phải xứng đáng, nhất là cần phải có thật. Nhưng ngay cả đã có một truyền thống được tạm coi là tốt đi nữa, thì cũng chỉ nên coi đó là một “mạch ngầm”, mà mỗi cá nhân cần phải sống xứng đáng với nó, chứ quyết không phải dùng nó như một thứ trang trí, hay bao biện, che lấp cho sự yếu kém của mình. Chưa kể nếu một truyền thống là thực sự tốt, thì tự  bản thân nó đã mang những giá trị tinh thần, cũng như những giá trị giáo dục cao, vì thế những thực thể, hay những cá nhân mang truyền thống tốt đẹp này, ắt phải có phẩm chất tương thích với nó.
Sẽ ra sao, khi một cá nhân, một cộng đồng sống "duy tình" không quen với "duy lý",  đã thế lại rất thiếu, hay không có "đức tin", chưa kể não bộ như "vẫn ngủ", khi đó rõ ràng chỉ còn lại là những "định kiến", những “truyền thống”. Có lẽ cũng bởi tại chỉ quen sống với định kiến và truyền thống, mà biết bao huyền thoại, ảo ảnh đã ra đời. Thôi thì đủ thứ, từ "huyền nhân" đến "huyền sử", lâu ngày thành quen, thành "lẽ sống" thành "chân lý"... Nghiện rồi chăng!? Mà đã thành nghiện thì chịu chết, chẳng ai có thể chữa được "nghiện"..., cũng như căn bệnh sợ ánh sáng vậy. Và một hiện thựcnhỡn tiền, thật không khó để nhận ra:

Đây xứ sở dệt thêu bao huyền thoại
Ngút khói hương bao chốn vô thường
Nơi hoang vu hằng mơ miền cực lạc
Phủ ánh lung linh lên những kiếp điêu tàn.

Quả thật, sống trong định kiến và huyền thoại về truyền thống, cũng không khác gì sống trong ảo ảnh! Và có phải chăng, người ta đang bất lực trước sự tiến bộ nhanh chóng của thế giới bên ngoài, thành ra phải tìm kiếm một liệu pháp "thắng lợi tinh thần", mà hóa ra nông nỗi!? Để rồi thực tại vẫn chỉ là những đói nghèo-lạc hậu, bên những tệ nạn hoành hành, tranh công đổ lỗi, cùng chủ nghĩa thành tích đến mức bệnh hoạn.
Trong xã hội đương đại, nhất là trong bối cảnh-sự tồn tại cần phải gắn chặt với sự phát triển, thì rõ ràng người ta phải nhận thức rõ những vật cản từ truyền thống, cũng như những giá trị truyền thống đã lỗi thời. Hơn thế nữa, cũng cần phải biết chấp nhận một sự thật rằng, không ít những mô hình, những thực thể, những lĩnh vực..., chúng ta phải xây dựng lại, xây dựng mới từ đầu, dựa trên những học hỏi từ nhân loại văn minh. Bởi có sao đâu, dẫu bắt đầu từ “hai bàn tay trắng”, nhưng biết nỗ lực, học hỏi, đoàn kết, biết từ bỏ những rào cản, thì không có lý do gì, cản ngăn sự phát triển. Ngoài ra trong sự phát triển tiến bộ đó, tự khắc những giá trị cao đẹp của những truyền thống nếu có, ắt tự nó cũng sẽ mãi tồn tại và phát triển, mà khỏi cần phải lo gìn giữ và bảo vệ chúng.