Thứ Tư, 17 tháng 4, 2024

"NỀN VĂN MINH LÀ DÒNG CHẢY VỚI NHỮNG BỜ ĐẤT"

Dương Quốc Việt

"Nền văn minh là dòng chảy với những bờ đất. Dòng chảy đôi khi tràn ngập con người, trộm cướp, la hét và làm những điều mà các sử gia thường ghi lại, trong khi trên bờ, không được chú ý, con người dựng tổ ấm, yêu nhau, nuôi dưỡng con cái, ca hát, làm thơ và thậm chí dựng tượng. Câu chuyện của nền văn minh là câu chuyện của những điều xảy ra trên bờ. Sử gia là những kẻ bi quan bởi họ tìm đến dòng chảy mà bỏ qua bờ đất".

 

Will Durant

 

Đọc những trang sử, nhất là vào những thời kỳ-các thế lực chính trị tranh giành quyền lực, người ta thường nghĩ-đó là những thời kỳ thiên hạ đen tối-ngột ngạt, không có đất cho an lạc, cho mùa xuân-mùa của sự sống sinh sôi và phát triển... 

Nhưng thực tế lại không hẳn như vậy!

 

Chẳng hạn, Trung Quốc thời Chiến Quốc, lại là thời của tự do tư tưởng. Trong khi đó, sau ngày Trung Hoa được thống nhất- 221 TCN, lại là những ngày ngạt thở. Tần Thủy Hoàng (259 TCN-210 TCN) đã loại bỏ hàng trăm tư tưởng bao gồm Nho giáo và các triết lý khác. Ông cho đốt phần lớn sách. Theo Sử ký Tư Mã Thiên- ở Hàm Dương có hơn 460 nhà nho bị chôn sống do sở hữu những cuốn sách bị cấm.

 

Còn thời kỳ Lã Hậu của nhà Hán, đã được Sử Ký ghi lại như thế này: "Thời Lã hậu cầm quyền tuy có làm đảo lộn cung đình nhà Hán, giết hại các hoàng tử nhà Hán nhưng không làm xáo trộn đời sống xã hội, ít dùng hình phạt với dân chúng, thiên hạ được yên, nhân dân lo cày cấy, ăn mặc no đủ".

 

Rồi thời kỳ Võ Tắc Thiên chiếm đoạt nhà Đường tàn khốc là thế, nhưng lại được đánh giá là đã đạt được nhiều thành tựu. Cụ thể, trong 15 năm trị vì của bà, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, trọng dụng nhân tài, thưởng phạt nghiêm minh, đời sống của nhân dân dưới thời đó luôn được ăn no mặc ấm, an cư lạc nghiệp.

 

Ngoài ra có thể tìm thấy vô vàn những sự thực tương tự như thế, trong lịch sử nhân loại. Đó là những bằng chứng cho thấy, những thời đại, ổn định quyền lực chính trị, lại chưa hẳn là thời đại-dễ chịu với người dân, và ngược lại, không ít những thời kỳ, được coi là tranh chấp quyền lực chính trị, nhưng đời sống của "con dân" lại được thông thoáng-tự do tư tưởng. Vua hề Charlie Chaplin (1889-1977) đã từng đúc kết: 

 

“Kẻ độc tài giải phóng chính mình, nhưng lại nô dịch hóa nhân dân”.

 

Như vậy, nhìn chung, không có sự tương thích, giữa sự tập trung hay ổn định của "thế giới quyền lực" và lợi ích hay sự dễ chịu của "thế giới dân sự". Và cái "thế giới dân sự" mới là cái thế giới "vạn đại", làm nên dòng chảy văn minh nhân loại. Nhưng tiếc thay, "thế giới dân sự", cái quyết định văn minh nhân loại ấy, lại thường ít được chú ý-ghi lại, hoặc mờ nhạt trong các trang sử. Điều mà Will Durant (1885-1981)-nhà văn, sử gia và triết gia người Mỹ, nhận Giải thưởng Pulitzer trong lĩnh vực Phi Tiểu thuyết (1968), và Huân chương Tự do (1977), đã đề cập-cảnh báo trong danh ngôn được nêu trên của ông! 

Thứ Ba, 13 tháng 2, 2024

XUÂN XỨ SỞ

Dương Quốc Việt

Xuân của mùa hoa đào
của mưa xuân
nhẹ rơi trong mê mải
Xuân của mùa hoa mai
đua sắc vàng
trong nắng dịu phương nam
Xuân của mùa sum họp:
kẻ bắc-người nam
miền xuôi-miền ngược
con Lạc cháu Hồng
khắp bốn phương trời
hướng về nguồn cội
Xuân của những nỗi nhớ
Lòng người tha hương
khắp chốn cùng nơi
phút giao thừa
lẻ loi
vọng hồn xứ sở
Xuân của những ký ức:
tiếng pháo giao thừa
những cánh đồng mênh mang
nhạt nhòa trong mưa bụi
từ ngàn đời xưa
in dấu ấn quê hương
Xuân của những mỏi mong
của những lứa đôi
những cụ già
ánh mắt thần con trẻ
của những dõi tìm
ánh sáng tương lai
Xuân của những nỗi lòng
những trở trăn
của những lương tri
ngày xuân hướng về tiên tổ
những tháng năm dài
những chuỗi ngày thất vọng
Xuân của đội ơn mưa móc
chất chồng
núi cao-biển sâu
Thân cô hồn
nợ nần
khôn trả
Xuân của những phận nghèo
bao đời nay ám ảnh
Tháng ngày sau tết
giêng-hai lê thê
đói giáp hạt
chu kỳ bao thuở
Xuân của những nguyện cầu
Hỏi có ai hay
những tiếng kêu than
của bao thân phận
kiếp tỳ nô
sao mãi đến hôm nay
Xuân của chuỗi ngày lễ hội
ngát khói hương phủ chốn vô thường
Hàng nối hàng
theo nhịp mõ khua
gội những hồi chuông ngân
vô cảm
Xuân của những buông bỏ
những sám hối
những thứ tha
xua đi ác mộng
kiếp trần gian
giành giật mưu sinh
Xuân của những ngày thư thả
Người người lịch thiệp
Những giữ gìn
nhường nhịn
trong sắc màu
rạng rỡ-trinh nguyên
Xuân của mùa hy vọng:
hùng thiêng sông núi
nước non này
sẽ có ngày
nơi chín suối
hồn cha ông thanh thản ngậm cười
XUÂN ở trong TÂM
Lòng người hướng THIỆN
Xuân của NGHĨA TÌNH
ăn ở trước sau
Ta cầu chúc cho nhau
cho NƯỚC NON này MUÔN THUỞ!

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

XAO NHÃNG

Dương Quốc Việt     

Đông tàn khắc khoải  
Rét dài lê thê  
Lò thiêu lốp đốp  
Củi nhỏ củi to  
Củi tươi củi mục  
Hả hê đồng bào  
Mừng xuân-tin tưởng    

Ồn ào xao nhãng  
Chùa sâu ngõ vắng  
Cô quạnh đìu hiu  
Tiếng vọng hồn xưa  
Đất lành hóa quỷ  
Mê cung thăm thẳm  
Biết ngày nào qua?!    

Sáng 20 tháng Chạp Quý Mão.

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

BA NGƯỜI KHỔNG LỒ

Dương Quốc Việt

 Đâu phải thần

trí thức nhân gian

Những hải đăng 

nối nhau rực sáng 

Sừng sững Athens 

đêm trường nô lệ...

 

Platon là học trò của Sokrates, và là thầy dạy của Aristoteles, ba người này có ảnh hưởng quyết định tới nền văn minh nhân loại.

Sokrates: "Minh triết đến với mỗi người khi nhận ra mình hiểu ít đến thế nào về cuộc đời, về bản thân, và về thế giới quanh ta".

Platon: "Sự ngu dốt, đó là gốc và thân của mọi cái ác".

Aristoteles: "Học hỏi không phải là trò chơi con trẻ; chúng ta không thể học hỏi mà không có đau đớn".

________________________________


SOKRATES: 


"Minh triết đến với mỗi người khi nhận ra mình hiểu ít đến thế nào về cuộc đời, về bản thân, và về thế giới quanh ta".

Sokrates (470-399 TCN)-triết gia Hy Lạp cổ đại, được coi là một trong những người sáng lập ra triết học phương Tây, cũng như triết gia đầu tiên về luân lý học. Ông không viết gì để lại cho đời sau.

Tất cả thông tin về ông mà người ta biết được đều qua lời kể của những người sống sau thời ông, đặc biệt là hai người học trò của ông là Platon và Xenophon.

Sokrates được coi là một nhà hiền triết, một công dân mẫu mực của thành Athens-Hy Lạp cổ đại. Ông có tư tưởng tiến bộ, nổi tiếng về đức hạnh với quan điểm: "Hãy tự biết lấy chính mình", "Tôi chỉ biết mỗi một điều duy nhất là tôi không biết gì cả".

Ông bị chính quyền Athens kết tội làm bại hoại tư tưởng của thanh niên do không thừa nhận hệ thống các vị thần cũ được thành Athens thừa nhận, mà bảo hộ và truyền bá các vị thần mới. Vì thế ông bị tuyên phạt tự tử bằng thuốc độc.

Dẫu vậy, ông vẫn có thể thoát khỏi án tử hình-nếu như ông công nhận những cáo trạng và sai lầm của mình, hoặc là rời bỏ Athens.

Nhưng với quan điểm "Thà rằng chịu lỗi, hơn là lại gây ra tội lỗi", ông kiên quyết ở lại, đối diện với cái chết một cách hiên ngang. Bởi theo ông sự thật còn quan trọng hơn cả sự sống.

Cái chết của Sokrates khiến ông vừa là hình tượng triết gia đầu tiên vừa là hình tượng triết gia-tử vì đạo, mở đầu cho tinh thần có thể chết vì tư tưởng trong triết học phương Tây.

Cuộc đời Sokrates được coi là hình mẫu cho cuộc đời của một triết gia, không chỉ có thế, ông còn là hình mẫu về cách sống cho tất cả. Ảnh hưởng của ông sau khi chết còn vượt xa những ảnh hưởng mà một đời diễn thuyết của ông đã để lại ở Athens.

Sokrates còn được coi là ông tổ của nhân học triết học, ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh. Đặc biệt, ông là người sáng lập “biện chứng pháp”-một phương pháp giúp con người truy tìm chân lý, lẽ phải bằng cách thức tranh luận, phản biện, truy vấn, vặn hỏi. Nó được thực hiện thông qua bốn bước cơ bản sau đây:

Bước 1: Chất vấn.

Bước 2: Chủ thể cuộc chất vấn phải biết “đỡ đẻ” cho đối phương.

Bước 3: Tính quy nạp.

Bước 4: Định nghĩa.


PLATON:


"Sự ngu dốt, đó là gốc và thân của mọi cái ác".

Platon (427-347 TCN)-triết gia Hy Lạp cổ đại, người sáng lập ra Trường Academy tại thành Athens-xem như trường đại học đầu tiên của phương Tây. Ông là nhân vật quan trọng nhất trong sự phát triển của triết học, đặc biệt là triết học phương Tây. Cùng với thầy của mình-Sokrates, và học trò nổi tiếng nhất-Aristoteles, Platon đã đặt nền móng cho triết học và khoa học phương Tây. 

Không chỉ có vậy, ông còn được coi là một trong những người sáng lập của tôn giáo và thuyết duy linh phương Tây. Ảnh hưởng của Platon đến tư tưởng của đạo Thiên chúa bắt nguồn từ ảnh hưởng của ông đến Thánh Augustine-một trong những nhà triết học và thần học quan trọng nhất trong lịch sử đạo Thiên chúa. 

Từng bị bán làm nô lệ, nhưng ông đã được giải thoát, Platon sinh ra tại Athens, được hưởng giáo dục tuyệt vời từ gia đình, ông sớm tỏ ra nổi bật trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là triết học. 

Sokrates chết, khi Platon mới 28 tuổi. Từng chi tiết trong phiên tòa xét xử Sokrates đã ăn sâu vào tâm trí Platon, khiến ông ám ảnh suốt đời. Đối với Platon, Sokrates là người thầy vĩ đại nhất trong tất cả. 

Vì thế, có rất nhiều tác phẩm của Platon được viết theo kiểu đối thoại của Sokrates. Chẳng hạn, tác phẩm Cộng hòa của ông chính là những cuộc đối thoại giữa thầy mình với các triết gia tài ba cùng các nhà văn, nhà thơ. 

Cộng hòa là tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất tới sự phát triển tư duy triết học và học thuyết chính trị-trong suốt hơn 2.000 năm qua. Có người còn ví rằng-dẫu có đốt hết tất cả các sách vở trên thế gian này, thì cũng không sao, nếu ngoại trừ quyển Cộng hòa. 


ARISTOTELES: 


"Học hỏi không phải là trò chơi con trẻ; chúng ta không thể học hỏi mà không có đau đớn".

Aristoteles-nhà khoa học và triết gia người Hy Lạp, là một trong hai trí thức vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại (người kia là Platon). Ông sinh vào năm 384 trước Công nguyên tại Stagirus-một thuộc địa Hy Lạp và cảng biển dọc bở biển vùng Thrace. Cha ông-Nichomachus là thầy thuốc riêng của vua Amyntas vùng Macedonia. Vì vậy, Aristoteles có mối quan hệ mật thiết với triều đình Macedonia. Và mối quan hệ này ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời ông sau này.

Cha Aristoteles mất từ khi ông còn nhỏ. Vào tuổi 17, người bảo trợ của ông, Proxenus, gửi ông tới học tại Athens-trung tâm tri thức của thế giới thời bấy giờ. Ông vào học viện và theo học Platon, tham dự các buổi giảng của Platon trong suốt hai mươi năm. Sau khi Platon mất vào năm 347 trước công nguyên, khi đó khả năng của Aristoteles đáng lẽ ra đã đủ để ông trở thành người đứng đầu học viện. Tuy nhiên, do ông đi khác hướng so với sự giảng dạy của Platon quá nhiều, nên cuối cùng người ta đã chọn Speusippus-cháu trai của Platon vào vị trí đó. Vì vậy, theo lời mời của Hermeas-người trị vì vùng Atarneus và Assos ở Mysia, Aristoteles đã tới đó trong ba năm.

Sau này, khi Hermeas bị người Ba Tư lật đổ, ông tới Mytilene. Tiếp đó, theo lời mời của Philip-vua vùng Macedonia, trong mười ba năm, ông là thầy dạy cho hoàng tử Alexander, người sau này đã trở thành Alexander Đại đế. Sau khi vua Philip mất, Aristoteles trở về thành Athens và lập ra trường Lyceum. Từ đó, ông cống hiến toàn bộ sức lực của mình cho giảng dạy và hoàn thành các luận thuyết triết học của mình. Sau khi Alexander mất và chính quyền Macedonia bị lật đổ, ông bị gán tội bất kính. Vì 20 năm trước, ông đã sáng tác một bài thơ tưởng niệm Hermeas, trong khi lẽ ra danh dự đó chỉ được giành cho Thượng Đế. Aristoteles chạy trốn về miền Chalcis ở Euboea, và không lâu sau ông mất vào năm 322 trước công nguyên.

Ông nghiên cứu tất cả tri thức vùng Địa Trung Hải vào thời ông sống. Hiểu biết của Aristoteles rất rộng, bao trùm lên hầu hết các ngành khoa học thời đó, và nhiều loại hình nghệ thuật. Ông nghiên cứu về vật lý học, hóa học, sinh học, động vật học, và thực vật học; về tâm lý học, học thuyết chính trị và đạo đức học; về logic và siêu hình học, về lịch sử, văn học và thuật hùng biện. Aristoteles đã đưa ra một phương pháp suy diễn logic lấy tên là Tam Đoạn Luận. Tam Đoạn Luận đóng một vai trò quan trọng đối vời Triết Học cho tới ngày nay, vì đó là cơ sở để tạo nên các hệ thống lý luận phức tạp hơn. Có thể nói Aristoteles là một nhà triết học, một nhà khoa học có ảnh hưởng hết sức lớn lao tới nền văn minh phương Tây, và cả nhân loại. Cùng với Platon, Aristoteles được coi là một trong những nhà triết học Hy Lạp vĩ đại nhất.

***

Như vậy, Aristoteles-học trò của Platon vĩ đại, và Platon-học trò của Sokrates vĩ đại!


SỰ HỌC ĐÂU PHẢI TRÒ ĐÙA!


Sokrates-Platon-Aristoteles, đó là những cái tên, mà tự nó, đã trở thành những danh từ, tính từ, không được phép ghép thêm vào đó bất cứ danh từ, hay tính từ nào, càng không được phép mang những cái tên này đặt vào bất cứ bảng xếp hạng nào.

Chẳng hạn, ai đó cứ thử đặt "giáo sư", "viện sĩ", hay "anh hùng", nhà này, nhà kia..., vào trước những cái tên này, như Giáo sư Sokrates, Nhà giáo nhân dân Platon, Anh hùng lao động Aristoteles, xem có thấy rất HÀI, thậm chí "phàm tục" không!?

Tại sao lại như vậy? Bởi đó là những người KHỔNG LỒ, mà bất cứ "kẻ có chữ" nào cũng phải biết, cũng phải chịu ơn, và kính sợ.


14/1/2024-D.Q.V

 

Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

THỜI ĐẠI-TRÍ THÔNG MINH VÔ CƠ?

 Dương Quốc Việt

Thời vô cảm bao trùm cõi thế

Trời trầm tư và đất lặng thinh

Biển lặng sóng, núi cao ủ rũ

Ngày mau tàn, đêm chẳng buồn trôi

Trăng mờ ẻo lả, sao buồn héo

Thực ảo buồn vui chẳng tách rời!

Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2023

ÔNG NỘI TÔI

Dương Quốc Việt

Ngày 8/11-âm lịch, ngày giỗ ông-người mất năm 1977, khi đó tôi ở xa nên không thể về được. Ngày này hàng năm, đại gia đình chúng tôi, tập trung tại chính ngôi nhà ông dựng từ năm 1924. 

Ông sinh năm 1893, tuổi Quý Tỵ, tôi ẩn tuổi ông và là cháu đích tôn. Cụ cố sinh ra ông làm thợ may, mất khi ông mới 3 tuổi. Nhà chỉ có 2 anh em, anh trai của ông nối nghiệp cha. 

Ông tôi tham gia trọn vẹn Chiến tranh thế giới Thứ Nhất (1914-1918). Suốt 4 năm của cuộc chiến, ông làm nghề sửa chữa Đường Sắt tại Paris. Nhờ thế mà ông có được một khoản tiền lớn, để tậu vườn, tậu ruộng, cưới vợ-lập gia đình riêng.

Ông kể, nếu không đi Tây như thế, thì ông không lấy được bà nội, vì bà nội tôi là con gái nhà giàu. Ông cũng là người ủng hộ kháng chiến tích cực, nuôi giấu Việt Minh.

Hòa bình lập lại, ông bị quy thành địa chủ, nhà cửa ruộng đất bị tịch thu hết. Dẫu vậy, nhưng tôi cảm như ông không tiếc của! 

Mà cái điều ông xót xa nhất, chính là, cái cảnh ông bị đấu tố. Nhất là những người đáng lẽ phải chịu ơn ông, cũng vu cáo tội cho ông. Là người tin người-giúp người, ông lại bị chứng kiến cái “điêu xảo” lên ngôi, trở mặt… thử hỏi ông mất niềm tin như thế nào!?

Những năm cuối đời, ông hay kể về những kỷ niệm thời ông ở Paris. Rồi đã sau mấy chục năm về quê lập nghiệp, bỗng ông bất ngờ nhận được một khoản tiền gửi từ Pháp về. Hóa ra đó là một khoản tiền phúc lợi gì đó, nơi cơ quan cũ của ông ở Paris khi xưa, họ chia cho ông. Ông cảm động nhắc lại chuyện này, như muốn đề cập đến cái sự ăn ở-cư xử của những người văn minh!?

Và năm nay, một năm dịch bệnh, chỉ mong sao ngày giỗ ông, khi đó hậu duệ của ông, tập trung được đông đủ nhất có thể!

“Bởi đâu duyên cớ gây nên nỗi? 
Đất bằng sóng nổi lệ tuôn rơi
Những thời bão táp hồ xứ sở
Một tiếng tịnh không tấm chân tình”.
(Xuân đến-DQV)

Hà Nội-29/11/2021

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

VIỆT-MỸ

Dương Quốc Việt

 

Ta cần nhau
phải đâu vì đồng chí
Đến với nhau
dẫu cách trở nghìn trùng
Bởi Thái Bình Dương
sao chẳng bằng an
Bởi ý trời
ý Chúa
ý nhân gian.
Một hành tinh xanh

sạch máu độc tài... 

 

23/09/2023

VỀ VIỆC LẨY KIỀU CỦA CÁC TỔNG THỐNG MỸ

Dương Quốc Việt

Trong các cuộc gặp gỡ, nhằm ngày một nâng cao thêm quan hệ Việt-Mỹ, các tổng thống Mỹ, đã Lẩy Kiều. 


Tổng thống Bill Clinton khi gặp chủ tịch nước Trần Đức Lương:

 

Sen tàn cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.

 

Phó tổng thống Joe Biden tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao Mỹ: 

 

Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.

 

Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam đã đọc:

 

Rằng trăm năm cũng từ đây

Của tin gọi một chút này làm ghi.

 

Và trong chuyến viếng thăm mới đây, tổng thống Joe Biden lại lẩy hai câu Kiều:

 

Vinh hoa bõ lúc phong trần

Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày.

 

Thôi thì mỗi người, mỗi hiểu, tùy thuộc... Vì thế tôi nhờ anh chàng ChatGPT, cho ý kiến về chuyện này xem sao!?

 

ChatGPT: "Việc các tổng thống Mỹ lẩy Kiều khi gặp các nguyên thủ quốc gia của Việt Nam trong các cuộc viếng thăm có thể được hiểu như một biểu tượng của việc họ muốn thể hiện lòng kính trọng và mong muốn nâng cao quan hệ giữa hai quốc gia. "Lẩy Kiều" ở đây không chỉ là việc trích dẫn những bài thơ nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du, mà còn chứa đựng ý nghĩa sâu xa hơn về sự tôn trọng và sự kết nối văn hóa giữa hai nền văn hóa khác nhau.

 

Những câu thơ được trích dẫn trong tình huống này có thể được diễn giải như sau:

 

Bill Clinton trích dẫn câu thơ: "Sen tàn cúc lại nở hoa, Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân": Câu này có thể thể hiện mong muốn của ông về sự thăng tiến và phát triển trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, dù có những khó khăn và sự buồn bã trước đó.

 

Joe Biden trích dẫn câu thơ: "Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời": Câu này có thể thể hiện hy vọng vào một tương lai tươi sáng và trong sạch cho quan hệ hai nước, dù đã có những khó khăn và sương mù trong quá khứ.

 

Barack Obama trích dẫn câu thơ: "Rằng trăm năm cũng từ đây, Của tin gọi một chút này làm ghi": Câu này có thể ám chỉ tới việc xây dựng một tương lai dựa trên lòng tin và hợp tác, và rằng quan hệ giữa hai quốc gia có giá trị lâu dài.

 

Joe Biden trong chuyến viếng thăm gần đây lẩy hai câu Kiều: "Vinh hoa bỏ lúc phong trần, Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày": Câu này có thể thể hiện lòng tôn trọng và sự đánh giá cao về những đóng góp và thành tựu của Việt Nam trong quá khứ, đồng thời khẳng định mong muốn tạo thêm sự thịnh vượng và phát triển trong tương lai.

 

Như vậy, việc lẩy Kiều trong các cuộc gặp gỡ này có thể thể hiện sự tôn trọng, hiểu biết về văn hóa và lịch sử của đối tác, cũng như mong muốn xây dựng mối quan hệ đối tác tích cực và bền vững giữa Mỹ và Việt Nam". 

 

Dù như thế nào thì đây cũng là ý kiến "trung tính", mà những người quan tâm có thể tham khảo, rồi từ đó điều chỉnh, làm sâu sắc thêm.

 

Cuối cùng trang nhà xin góp thêm đôi lời dưới đây. 

 

VIỆT-MỸ

 

Ta cần nhau
phải đâu vì đồng chí
Đến với nhau
dẫu cách trở nghìn trùng
Bởi Thái Bình Dương
sao chẳng bằng an
Bởi ý trời
ý Chúa
ý nhân gian.
Một hành tinh xanh

sạch máu độc tài...


23/09/2023


Thứ Hai, 26 tháng 6, 2023

BÀI HỌC ĂN CHÁO

 Dương Quốc Việt

Sáng nay, tôi mới thử vào chợ để ăn cháo, sau một vòng đi bộ. Quán lúc đó chỉ có tôi và ông bà chủ quán.

Ông chủ cởi mở trò chuyện với khách những câu chuyện thân mật.

Rồi nhìn vào bát đang ăn, ông nói với tôi-bác đừng vừa ăn vừa khuấy!

Tôi lập tức nhìn vào bát, nhận ra phần cháo còn lại trong bát bị vữa.

Tôi hiểu rồi, thưa ông-thảo nào tôi cứ thấy cháo bị vữa mỗi khi ăn cháo.

Cám ơn ông-hóa ra mãi đến hôm nay tôi mới học được cách ăn cháo!

7/4/2023

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2023

NHÌN NHẬN VỀ THẾ HỆ?

 Dương Quốc Việt

Thú thực cho đến hôm nay, tôi đã từng nghe, từng đọc, từng thấy, biết bao diễn ngôn về thế hệ. Nào là thế hệ vàng, thế hệ lót đường, thế hệ anh hùng, thế hệ ăn theo, thế hệ được thụ hưởng này, thụ hưởng nọ…

Nghe để mà nghe, thấy rồi để mà thấy, nói thì cứ nói, diễn thì cứ diễn…, chẳng ai “đánh thuế”, hay kiểm tra người nghe ngấm đến đâu, phản ứng thế nào, kẻ diễn có tròn vai hay không.

Dẫu vậy, có lẽ cũng nên tìm hiểu, cái tâm tính cố hữu của con người sẽ như thế nào, khi nhìn nhận thế hệ mình và các thế hệ khác. Để qua đó có một cái nhìn độ lượng-cảm thông, cũng như góp phần thức tỉnh, trước cái thực trạng chung, một căn bệnh thuộc về con người.

Vậy thì, chúng ta cùng lần giở lại những đúc kết của tiền nhân về vấn đề này xem sao! 

Và bạn hãy xem đây-có một phát hiện bất ngờ thú vị. Rằng “Mỗi thế hệ đều tưởng tượng mình thông minh hơn thế hệ trước mình, và sáng suốt hơn thế hệ sau mình“. Cái điều đã được phát biểu bởi George Orwell (1903-1950)- tiểu thuyết gia, phóng viên, nhà viết luận văn người Anh, được biết tới với tác phẩm “Trại súc vật” và “Một Chín Tám Tư”.

Ngoài ra, Igor Stravinsky (1882-1971)-nhà soạn nhạc Nga, một trong những nhà soạn nhạc hàng đầu thế giới của thế kỷ 20, còn cho biết về một thực tế: “Bởi chính là do một đặc điểm của tự nhiên, mà chúng ta thường cảm thấy gần gũi với những thế hệ xa xưa hơn là thế hệ ngay trước chúng ta“.

Các phát biểu trên của George Orwell và Igor Stravinsky, dường như nói về căn bệnh chủ quan-có phần hoang tưởng của con người với thế hệ của mình. Điều này cũng không thật khó hiểu, nếu nhìn từ dục vọng của loài người.

Tuy nhiên, với những con người sáng suốt vượt trội, họ sẽ có cái nhìn “thoát tục”.

Chẳng hạn, James Madison Jr. (1751-1836)- tổng thống thứ 4 của Hoa Kỳ, người được ca ngợi là “Cha đẻ của Hiến pháp Hoa Kỳ”, đã để lại danh ngôn rằng: “Mỗi thế hệ đều cần phải đón nhận gánh nặng từ những cuộc chiến của chính mình, thay vì để chúng tiếp tục, buộc những thế hệ khác phải gánh chịu“.

Có lẽ cần phải hiểu, mỗi thế hệ chỉ có thể làm tròn hay không làm tròn sứ mệnh, hay bổn phận của chính mình, trước lịch sử, mà không nên nói quá về những điều gì khác.

Cuối cùng, xin được kết thúc câu chuyện này, bằng khẳng định rất đáng suy ngẫm của Quintus Curtius Rufus-nhà sử học người La Mã sống vào khoảng thế kỷ đầu tiên sau công nguyên, tác giả bộ “Lịch sử về Alexander Vĩ đại”: “Hậu thế trả giá cho tội lỗi của cha ông“.

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

CHIA TAY 2022-CẦU CHÚC 2023?

Dương Quốc Việt

Năm 2022-nhân loại dường như dần thoát khỏi đại dịch Covid-19, phần lớn các quốc gia trở lại với đời sống bình thường. Nhưng những thiên tai khác lại ập đến, đó là nắng nóng kỷ lục ở châu Âu, lũ lụt tàn phá ở Pakistan…

Rồi trong khi phải vật lộn với đại dịch-suốt hơn hai năm, ngày 24/2, Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, khiến thế giới năm qua lại phải chứng kiến thêm bao đau thương, mất mát. Cùng với đó là căng thẳng ở eo biển Đài Loan, thảm kịch giẫm đạp gây chấn động Hàn Quốc… Ấy là những thảm họa-nhân tai vậy!

Thiên tai là khách quan-xảy ra ngoài ý muốn, như thể tạo hóa tạo ra để cảnh báo, hay thử thách con người. Đành rằng thế, nhưng còn nhân tai thì biết nói sao đây? Rút cục con người được tạo hóa  sinh ra để làm gì?

Mà trớ trêu thay “Trái tim thật nhỏ, nhưng lại khao khát những điều to lớn. Nó chẳng đủ để làm bữa tối của một chú diều hâu, thế nhưng toàn bộ thế giới đều không đủ đối với nó“. Cái sự thật bi-hài này, về lòng tham của con người, đã được đúc kết bởi Francis Quarles (1592-1644)-nhà thơ Anh được biết tới với cuốn sách biểu tượng với tiêu đề Emblems (Biểu tượng). 

Có lẽ bởi thất vọng trước dục vọng bất kham của nhân loại, khiến cho Jules Verne (1828 -1905)- nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng người Pháp, được coi là một trong những cha đẻ của thể loại này, đã phải thốt lên: “Trái đất không cần lục địa mới, mà cần con người mới“.

Vậy thì chúng ta, cùng cầu chúc cho năm 2023, trái đất với “con người mới”, mà thực chất là “trái tim mới”, lương tri thức tỉnh, đặng giảm thiểu NHÂN TAI, phòng tránh và khắc phục hiệu quả THIÊN TAI!

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

BẤT NGỜ ?

Dương Quốc Việt

World Cup 2022 đã diễn ra với quá nhiều bất ngờ: Ả Rập Xê Út thắng Argentina; Cameroon thắng Brazil; Tunisia thắng Pháp; Nhật thắng cả Đức lẫn Tây Ban Nha và loại Đức; Ma Rốc thắng và loại Bỉ; Hàn Quốc thắng Bồ Đào Nha và loại Uruguay… Bất ngờ không chỉ do thắng-thua giữa các đội, mà còn do cả những tình huống trên sân cỏ.

Và cũng như nhiều điều bất ngờ khác trong cuộc sống- đó phải chăng chính là sự bất ngờ giữa hư cấu và hiện thực, giữa cái logic của hư cấu với cái bất logic của hiện thực!?

Đến đây, làm cho người ta nhớ đến phát biểu của Mark Twain(1835 -1910)- nhà văn khôi hài, người viết tiểu thuyết và nhà diễn thuyết nổi tiếng người Mỹ: “Không ngạc nhiên gì là sự thật lại lạ lùng hơn hư cấu. Hư cấu phải có tính hợp lý“.

Và sắp tới, sự thắng-thua sau các trận: Argentina- Pháp và Croatia-Morocco, sẽ không còn tạo nên bất ngờ như trước nữa, bởi cái khoảng cách giữa hư cấu và hiện thực chẳng còn là bao.

Dẫu vậy, những bất ngờ mang tính tình huống như: bất ngờ tỏa sáng, bất ngờ về cách xử lý của các cầu thủ trên sân… thì chắc vẫn còn đó.

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

AJAHN CHAH DẠY GÌ?

Dương Quốc Việt

Thiền sư Ajahn Chah(1918 -1992)-cao tăng Thái Lan nổi tiếng về pháp Thiền thuộc Phật giáo Nguyên Thủy, đã dạy các phật tử rằng:

Hành động tốt đem lại quả tốt. Hành động xấu đem lại quả xấu. Đừng kỳ vọng thánh thần, chư thiên, những kẻ khuất mày khuất mặt sẽ bảo vệ bạn. Cũng đừng tin tưởng ngày tốt, ngày xấu. Đó là những điều không thật. Bạn sẽ luôn luôn chờ đợi ngày tốt, giờ tốt, tháng tốt, năm tốt, vị thần này, vị thánh nọ. Tin tưởng vào những điều đó chỉ đem lại đau khổ cho bạn mà thôi. Hãy nhìn vào hành động và lời nói của bạn, nhìn vào nghiệp của bạn. Làm lành bạn sẽ gặt quả vui, làm ác bạn sẽ mang quả khổ“.

Lời dạy của cao tăng Ajahn Chah thật chí lý chí tình. Dẫu vậy, trong thực tế đời sống, “làm lành, làm ác” cũng như nhận ra “điều lành, điều ác”, lại là những câu chuyện không đơn giản, không phải lúc nào cũng dễ nhận biết.

Chẳng hạn, thời Cải cách ruộng đất, có kẻ (sau này còn được làm quan khá to), đã đấu tố-nhục mạ cha mẹ mình. Nhưng việc làm đại bất hiếu của hắn, lại được coi là một việc làm tốt- một hành động “cách mạng triệt để”, trong “đấu tranh giai cấp”, của một con người có “đạo đức cách mạng” cao cả(!!!)

Và còn biết bao nhiêu những hành xử tàn ác khác, do những kẻ “ngây thơ”, “hoang tưởng-mông muội” hay “cuồng tín” gây ra cho đồng loại. Ấy vậy mà chúng vẫn cứ ngỡ rằng-chúng đã và đang làm điều tốt…

Hóa ra, nhận ra “điều lành, điều ác”, còn là những câu chuyện của sự sáng suốt, của hiểu biết, của văn hóa, của giáo dục…

Cuối cùng xin đặc biệt lưu tâm-một danh ngôn đã được đúc kết bởi Ernest Hemingway (1899-1961)- tiểu thuyết gia, nhà văn truyện ngắn, nhà báo người Mỹ, đạt giải Pulitzer năm 1953 và giải Nobel Văn học năm 1954: “Tất cả những điều THỰC SỰ ÁC ĐỘC đều bắt đầu từ sự NGÂY THƠ “.

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2022

CẢM XÚC

Dương Quốc Việt

Xin gửi tình thương
vào “cõi bao la”
Ôi sông thời gian
cuộn trào nhấn chìm
Bao bước chân qua
còn đâu dấu vết
Vẫn vẹn nguyên
ký ức chẳng tàn phai!

GIỜ MỚI KỂ RA…

Dương Quốc Việt

Mùa xuân năm 1978, ngày ấy anh giáo còn quá trẻ, đã phải dẫn một đoàn giáo sinh thực tập sư phạm, ở tất cả các môn học, tại Điên Biên Lai Châu. Trong đoàn, dẫu trò có kém tuổi thầy cũng không bao nhiêu, lại còn không ít trò hơn tuổi thầy. 

Chao ôi thiếu nước, đói, buồn, lại gặp mùa “ruồi vàng-bọ chó-gió Tây Trang. Thôi thì phải lấy khiêm tốn, học hỏi làm đầu, cộng với sự cố vấn của các anh chị giáo sinh đã có thâm niên nhất định, nên nhiều việc sự vụ cũng ổn. Vốn ý thức được cảnh ngộ-thân phận, anh thu mình-im lặng, để giáo sinh và thầy cô sở tại, được thể hiện tự nhiên, như không có anh ở đó. 

Những tưởng-ở cái “xứ mù”, người ta sẽ khiêm tốn học hỏi, chẳng dám khoe khoang, vả lại họ còn có cái gì mà khoe kia chứ. Quả thật lúc đó, anh giáo đã có suy nghĩ bồng bột như vậy! 

Ấy thế mà đã xuất hiện những bài toán khiến các giáo sinh của cả đoàn không ai giải được. Vẫn cho là “chuyện con trẻ”, anh giáo cũng chẳng quan tâm, thậm chí anh còn nghĩ-“việc của con trẻ cứ để con trẻ tự giải quyết”, nên anh vờ như không hay biết. 

Nhưng rồi tiếng ồn ào to dần, hóa ra những bài toán kia, người ta còn định nhằm vào cả anh giáo nữa. “Cây muốn lặng gió chẳng dừng”, anh giáo phải lập kế-ngỏ ý với ông hiệu trưởng, rằng anh muốn “đóng góp” với trường bằng buổi ngoại khóa. Ông hiệu trưởng mừng lắm, đồng ý ngay, vì đó cũng là việc được tính vào điểm thành tích thi đua mà. 

Trong buổi ngoại khóa về các loại toán, anh đã “tế nhị” lồng vào những lời giải cho tất cả các bài toán đã đề cập ở trên. Thậm chí, anh còn đưa ra cả những lời bình phê phán cái mất tự nhiên-không hay ở một số bài… Thế là cái “tai nạn” môn toán được giải quyết! 

Dẫu vậy, cái điều bất ngờ khác, lại đến. Số là một cô giáo văn “sừng sỏ”, đã chê bai đủ điều các giáo sinh do cô phụ trách, đặc biệt cô ta còn ghi vào hồ sơ thực tập của họ. Khiến các giáo sinh này chỉ còn “chờ chết”! Bạn nghĩ xem, anh giáo phải làm thế nào để cứu họ đây? 

Buổi họp tổng kết đã tới, người ta vô cùng bất ngờ, vì đã tận mắt chứng kiến, cái cảnh anh giáo chỉ ra các lỗi chính tả, cái sự mâu thuẫn trong từng lời nhận xét, của mỗi cái hồ sơ đang “chờ chết” kia. Thậm chí anh còn “hỏi thăm” cô giáo kia đã được đào tạo ở đâu… 

Tất nhiên hồ sơ phải làm lại, với lời nhận xét mới, và khỏi phải nói, người được phê vào hồ sơ, đã phải “cải tà quy chính” như thế nào. Còn anh giáo thì cũng chẳng vì thế mà thấy vui, thậm chí anh còn thấy ngượng, cho nên mãi đến hôm nay, anh mới kể ra.

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2022

XA CÁCH

Dương Quốc Việt

Dẫu chẳng giận ai
Chỉ nhớ thương
Tháng năm trôi
Rong ruổi dặm trường
Dẫu bao nhiêu lỗi
Xin nhận hết
Sao đến gần
Lòng chỉ thấy thêm xa!?

__________

Mấy dòng này nói về tình cảnh có thật, mà chủ nhà đã trải nghiệm, qua những lần gặp lại những người quen cũ, dẫu ở đời thực, hay trong thế giới ảo. Mới thấu thêm cái câu: “Lòng người xa cách thì trời đất có bao dung cũng tự khắc sẽ lạc hướng”.
__________

Mấy dòng này nói về tình cảnh có thật, mà chủ nhà đã trải nghiệm, qua những lần gặp lại những người quen cũ, dẫu ở đời thực, hay trong thế giới ảo. Mới thấu thêm cái câu: "Lòng người xa cách thì trời đất có bao dung cũng tự khắc sẽ lạc hướng".

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

MÁU YÊNG HÙNG

 

MÁU YÊNG HÙNG

Dương Quốc Việt

Nhân 20/10, trang nhà xin kể lại câu chuyện này, để thấy những người lãnh đạo nước ta “tài tình” như thế nào, cũng như chị em nhà mình “anh hùng” như thế nào?

Ấy là vào những năm đầu Miền Bắc mới giải phóng, những người làm trong nhà nước đều có “lương” vợ và con, theo truyền thống kế thừa từ chế độ cũ.

Nhưng mấy bác nhà ta không muốn trả khoản tiền này, bèn bàn với hội Phụ nữ phải đấu tranh, vì như thế là không tôn trọng phụ nữ-phụ nữ ai lại đi ăn theo chồng bao giờ!

Thế là chị em nổi “máu anh hùng” đấu tranh, tất nhiên là chiến thắng, cái “khoản lương” đó “được” cắt vĩnh viễn.

Cùng với những câu chuyện bất ngờ khác, mới hay, chỉ cần sử dụng cái

MẸO KÍCH ĐỘNG MÁU YÊNG HÙNG,

cũng đã đủ bao phen khuấy động đất trời, làm nên đại nghiệp(!)

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2022

CHIỀU HEO MAY

Dương Quốc Việt

Triền đê nhạt nắng
Trời se lạnh
Lòng chẳng vui buồn
Dạ chẳng xốn xang
Sao cứ phải buồn vui
Phấp phỏng lo âu…
Đời kiêu bạc (*)
Bận tâm cho thêm khổ!

___________

(*) là một phần của câu thơ “Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị”, trong bài thơ PHƯƠNG XA của Vũ Hoàng Chương.

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2022

TẶNG CÁC BẠN TÂN SINH VIÊN

 Dương Quốc Việt

Những vần thơ
khúc tráng ca xứ sở 
đỏ thắm máu anh hào...
Xin đừng ngâm nga mãi nhé 

Hướng về mặt trời
khỏi phải nhìn bóng tối
Ám ảnh ngàn năm 
cản bước ta đi

"Kho trời chung vô tận"
luôn còn đó 
những góc riêng
vắng chủ ... 

Hãy mạnh bước 
tự mở 
Và có thể 
bạn làm vua ở đó!

HY VỌNG CHIỀU THU TÀN

 Dương Quốc Việt

Phe XHCN tan rã, nhưng nó đã để lại những nền độc tài man rợ. Putin và Tập cùng những thế lực độc tài-toàn trị khác, thực chất là sản phẩm chính hiệu của phe này.

Trong khi đó, công chúng ở các quốc gia đó không có khả năng phản kháng, bởi họ đã bị đầu độc toàn diện, và quen sống trong nỗi sợ hãi. Vì thế mà “vua” của họ làm mưa làm gió, bất chấp tất cả!

Hy vọng cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ làm nhân loại tiến bộ thức tỉnh. Rằng còn những nền độc tài này, thì nhân loại sẽ còn khốn khổ! Và cuộc chiến N-U sẽ được kết thúc với sự cáo chung cho một nền độc tài!

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

TÀI NGUYÊN VÔ TẬN?

Dương Quốc Việt

Dẫu chỉ thế nhưng ta đâu có thiếu
LÒNG TỰ HÀO ngất ngưởng chín tầng không
Khắp chốn nơi hội họp tưng bừng
Nguồn vô tận dụ bản năng du hí
Tuy còn kém ta vẫn chưa đội sổ
Dẫu có lùn còn khối kẻ lùn hơn
Dùng sải tay đo cao rộng đất trời
Ánh lửa nến soi đêm trường mộng mị…
Biết nói sao 
Kẻ thiếu LÒNG TỰ TRỌNG?!
 
13-5-2018

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2022

KẺ ĐẶT NỀN MÓNG

Dương Quốc Việt

Nếu bạn để ý, sẽ thấy ở tất cả các lĩnh vực, ngó đâu cũng thấy những người ĐẶT NỀN MÓNG, với những bài tụng ca CÔNG ĐỨC VĨ ĐẠI. 

Và nếu là người biết nghĩ, xin các tác giả của những bản tụng ca đó, hãy xem từ những nền móng ấy, đã và đang mọc lên những gì? 

Chưa kể, các cụ ta xưa còn có câu “tiền có đồng, cá có con” hay “sanh không thủng cá đi đường nào”. Xin chớ có nói bừa! 

Không biết sau này, hậu thế sẽ phải TRẢ NỢ CHO NHỮNG CÁI MÓN CÔNG ĐỨC VĨ ĐẠI đó, như thế nào mới xứng đây? 

Bạn có thể, chịu ơn ai đó, và muốn trả ơn họ, nhưng không phải vì thế, mà bạn được quyền truyền bá tùy tiện, hòng muốn thuyết phục thiên hạ, cùng phải chịu ơn với bạn. 

Cuối cùng, cũng cần lưu ý thêm rằng, ca ngợi ai đó, chỉ chính đáng, khi thông tin là đúng, còn nếu không, đó cũng chính là một loại tội lỗi-như tội của những kẻ dựng chuyện(!)

Ngày 1/10/2021