Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2021

HỘI TOÁN HỌC?

Dương Quốc Việt

Mấy ngày nay, chả là trên các trang mạng xã hội, đang bàn tán rất nhiều, về Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, tôi mới để ý thấy tầm quan trọng của hội viên-hội nhà văn. Còn đối với hội viên hội toán học thì sao nhỉ? Thực tình cho đến nay, tôi cũng chưa bao giờ tìm hiểu tiêu chuẩn để trở thành một hội viên của hôi toán học Việt Nam. Nhưng hình như (không biết có đúng thế không), tất cả các giảng viên toán của các trường đại học, và các nghiên cứu viên toán học của các viện nghiên cứu, đều là hội viên thì phải. 

Đương nhiên tôi càng không bao giờ để ý đến tiêu chuẩn để trở thành hội viên hội toán học Mỹ. Chỉ biết rằng cách đây đã lâu (khoảng trên dưới 20 năm), tôi nhận được thư mời-và đã trở thành-thành viên nước ngoài của hội toán học Mỹ. Vấn đề là nghĩa vụ và quyền lợi- đặc biệt là đóng hội phí như thế nào? 

Mathematical Reviews?

Cùng lúc với giấy mời vào hội toán học Mỹ, tôi cũng được mời làm Reviewer cho Mathematical Reviews-một cơ sở dữ liệu cho khoa học toán học, được tạo lập bởi hội toán học Mỹ, và được xuất bản trên web với tên MathSciNet. Hóa ra thay vì phải đóng hội phí, mỗi năm chỉ cần hoàn thành 2 bài cho Mathematical Reviews là đủ. Tất nhiên tôi đã nhận làm Reviewer cho MR, và đã viết được khoảng 20 bài, sau do lười, nên xin thôi. Như vậy, toán học không có cái món “phê bình toán học”, mà chỉ có cái món Mathematical Reviews hoặc tương tự như thế! 

Đại hội toán học VN?

Đại hội toán học, cũng chính là lúc, người ta tổ chức các báo cáo kết quả nghiên cứu, và bầu ra ban chấp hành mới. Các đại hội toán học thường xã hội ít quan tâm. Có lẽ bởi tính VÔ HẠI của nghề làm toán chăng?

Tính hội nhập của toán học VN?

Một trong những thuộc “tính VÔ HẠI” của nghề làm toán, cần nói đến, là nó dường như không có tính dân tộc, cũng như ảnh hưởng bởi các xu thế chính trị. Thành thử toán học “thanh thản” lên đường hội nhập, như trở về với đại dương của nò. Vả lại ngày nay những người làm toán, rất ít có các đồng nghiệp hiểu-chia sẻ được kết quả của họ. Mặt khác bình duyệt những công trình toán học mới, để công bố trên các tạp chí (như còn xác nhận bản quyền tác giả), là một quá trình gian khổ, và bất cập-nếu chỉ dựa vào nguồn lực quốc gia. Vì vậy nếu chỉ đóng khung trong khuôn khổ quốc gia, thì toàn học chắc chắn sẽ lụi tàn.

Nhà toán học?

Thế nào được gọi là một nhà toán học? Tuy không ai đặt ra tiêu chí cụ thể, nhưng dường như cộng đồng toán học thế giới đều hiểu rằng, các kết quả khám phá của anh ta, ít nhất phải vào cỡ 2 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế UY TÍN thuộc danh mục các tạp chí ISI. Vì vậy nếu ai đó tò mò muốn biết, thì sẽ không khó để nhận ra Việt Nam ta, đã có bao nhiêu nhà toán học theo tiêu chuẩn này. Và hiển nhiên cái danh “nhà toán học” như chỉ có ý nghĩa thông báo-anh ta là, hay cũng là, hoặc từng là, một “người làm toán”, chứ chẳng có quyền lợi, cũng như liên quan gì đến bằng cấp, hay học hàm, học vị, tức là cũng chẳng có gì quan trọng chi cả(!)

Để kết thúc, chúng tôi xin chia sẻ thêm rằng, các bài báo cũng như các sách toán, công bố ở những nơi nghiêm chỉnh, chắc chắn chỉ có tên tác giả, chứ không bao giờ kèm thêm học hàm, học vị vào tên tác giả. Rằng đó có phải là văn hóa đặc trưng của chỉ riêng toán hay không?

Hà Nội-27/11/2020.