Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

GIỚI HẠN VỚI NHỮNG CÁI “NHƯNG”

 Dương Quốc Việt 

Đã đăng trong Tạp chí VHNA  Giới hạn những cái “Nhưng”

Nỗ lực vươn đến những mục tiêu cao đẹp, luôn luôn là động lực sống của hầu hết mọi con người, mọi quốc gia. Tuy nhiên, đó cũng còn là một “cuộc chiến” gian khổ, mà không phải lúc nào cũng thành công. Les Brown (1945)-nhà diễn thuyết, tác gia, chính trị gia người Mỹ, cho rằng: “Giới hạn duy nhất cho những triển vọng của ngày mai là những cái “nhưng” bạn sử dụng hôm nay”.  Vậy thì những cái “Nhưng” cụ thể của ngày hôm nay là gì? Rõ ràng để tránh hoang tưởng, gây ra đổ vỡ-bi kịch, nhất thiết phải nhận ra đầy đủ những cái “Nhưng” đang bủa vây chủ thể, để rồi thấy được cái giới hạn đang chờ đợi kia. Từ đó nhận ra những vật cản, những hạn chế, cũng như những mục tiêu khả thi, hay bất khả thi.  

 

Quả thật, chính những cái “Nhưng” đã tạo ra những bức tường cản ngăn, thậm chí đôi khi còn chặn đứng những nỗ lực của con người, đến với những mục tiêu. Vậy rút cục những cái “Nhưng” thường xuất phát từ đâu? Thật không khó để nhận ra, chúng thuộc về chủ thể, hay thuộc về khách quan, những cái “Nhưng” hiển hiện, hay cũng có thể tàng ẩn, không dễ thuyết phục, không dễ thừa nhận, không dễ nhận ra…

Một người quyết chí luyện quặng để lấy vàng, nhưng tiếc thay thứ mà anh ta đang luyện lại chỉ là những quặng sắt. Bởi thế mà mục đích ra vàng không thể đạt được. Nhưng thật trớ trêu, câu chuyện “luyện sắt thành vàng”, lại không hiếm xảy ra trong lịch sử và trong cuộc sống. Đó chính là những đeo đuổi các mục tiêu bất khả thi, không xuất phát từ thực tế, hay không đánh giá đúng thực tế. Và chính những điều này, đã từng gây nên những cảnh đau thương, tang tóc cho hàng triệu người.

Nguyên nhân của hiện tượng trên, có thể do người ta không nhận ra-cái vật liệu đang được luyện kia chỉ là quặng sắt. Hoặc còn là do: “Đôi khi người ta không muốn nghe sự thật, bởi vì họ không muốn ảo tưởng bị đánh vỡ”, như Friedrich Nietzsche (1844-1900)-triết gia, nhà văn, nhà phê bình văn hóa Đức-người có ảnh hưởng sâu sắc tới nền triết học phương Tây, đã chỉ ra. Và còn có một nguyên nhân khác, xuất phát từ động cơ tồi tệ của những thế lực, những cá nhân, không chịu thừa nhận sai lầm, vòng vo lảng tránh thực tế, cốt để trục lợi, hay giữ uy quyền.     

  

Để đạt được những mục tiêu nào đó, con người không chỉ gặp phải những trở ngại đương nhiên, mà còn là những giới hạn. Tuy nhiên hành xử trước thực tế này, trong phạm vi cá nhân, con người có thể mạo hiểm-dũng cảm, để vượt qua giới hạn. Nhưng đối với những chủ thể hoạch định đường lối mang  tầm quốc gia, thì  việc nhận ra những giới hạn, chính là điều sống còn, bởi nó không được phép phiêu lưu-mạo hiểm. Điều đó, khiến họ bắt buộc phải nhận ra đầy đủ những cái “Nhưng”, tạo ra cái giới hạn kia.Tất nhiên sẽ có những cái “Nhưng” khách quan-tất yếu không thể loại bỏ. Còn lại là những cái “Nhưng” chủ quan như luật pháp, thể chế, hay chỉ là những yếu tố tâm lý, tính cách…         

Rõ ràng chỉ có nhận thức đầy đủ những cái “Nhưng” của ngày hôm nay, đặc biệt là những cái “Nhưng” mang tính quyết định, thì mới có thế nhận ra cái giới hạn đang chờ đợi ở phía trước. Và cũng cần lưu ý rằng, không phải giới hạn nào cũng có thể vượt qua nhờ quyết tâm và nỗ lực. Vấn đề mấu chốt là cần phải loại bỏ tối đa những cái “Nhưng” có thể.           

Với phạm vi cá nhân, đã có không ít những cuộc đời nỗ lực hết mình đi tìm cái đẹp, cái bất biến, cái quy luật diệu kỳ…, thậm chí cả những điều tưởng như bình dị, để rồi đến một lúc nào đó bỗng nhận ra:

Ta ngỡ tưởng vươn tay hái được

Mà ngàn năm còn đứng giữa cheo leo…” (*).

 

Cũng thật dễ hiểu, bởi bàn tay và cuộc đời thì ngắn, lại còn bị rào cản bởi biết bao nhiêu những cái “Nhưng” khác nữa. Bởi vậy, đôi khi con người  dường như không thể, thậm chí không bao giờ chạm tới, cái mà chỉ có thể thấy được bởi khát vọng, ảo ảnh, hay đức tin.

Và phải chăng sự ngộ ra cái cột mốc, cái giới hạn đang chờ đợi, cũng có giá trị như một khám phá, một phần thưởng dành cho mọi kiếp người, đã khát khao và miệt mài không ngừng nghỉ,vì những mục tiêu cao đẹp. Vì vậy, cái phút giây “ngộ đạo” ấy, thật đáng yêu, đáng được trân trọng, đáng được tha thứ, đáng được hưởng sự thanh thản biết bao! Khoảnh khắc ấy cũng đẹp như chính “cánh hoa” không chạm tới được kia.

Cuộc sống với những cái “Nhưng”, tạo nên những giới hạn, và cũng tạo nên những kỳ tích. Nhưng quả thật, loài người không thể tha thứ, cho những thế lực tạo ra những cái “Nhưng” cản ngăn sự phát triển của xã hội. Người ta một mặt luôn khuyến khích sự nỗ lực lược bỏ những cái “Nhưng” không đáng có, mang đậm tâm lý đặc thù như: tự ty, mặc cảm, sợ hãi…, mặt khác cũng kịch liệt lên án những chủ thể hoang tưởng, bốc đồng, đốt cháy giai đoạn, dẫn dắt xã hội hướng đến những mục tiêu nào đó, mà bất chấp hiện thực cùng khả năng thực tế. Đặc biệt luôn dành sự quý trọng cho những cá nhân với những nỗ lực lớn lao, không chỉ thành công vượt qua giới hạn, mà còn cả sự bất thành- để ngộ ra những giới hạn không thể vượt qua, trên con đường chinh phục cuộc sống.

______________________

(*) Được trích trong trường ca “Khúc hát hoa ban của Đạo diễn điện ảnh Mai An Nguyễn Anh Tuấn.

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2021

AI SẼ THAY TRỜI?

Dương Quốc Việt

Có lẽ sau nhiều đổ vỡ, ở tất cả các lĩnh vực, đã khiến người ta đang nghĩ đến phải tìm kiếm nhân tài. Nhưng nhân tài có tìm ra được không, rồi có sử dụng được không, đều là những vấn đề không đơn giản. 

Nhưng có một sự thật hiển hiện rằng, vẫn những con người cũ, nhưng thái độ của họ thay đổi, thì rõ ràng mọi tác động từ họ sẽ khác đi nhiều. Vả lại sự thay đổi thái độ còn là tiền đề, để đề xuất, hay tiếp nhận cái tiến bộ, và xóa bỏ định kiến. 

Hơn nữa, William James (1842-1910)- nhà tâm lý học và triết gia người Mỹ, đã có một đúc kết rất đáng lưu ý rằng: “Thành công hay thất bại phụ thuộc nhiều vào thái độ hơn là vào năng lực… Khám phá vĩ đại nhất của thế hệ tôi là sự thật rằng con người có thể thay đổi cuộc đời bằng cách thay đổi thái độ”.

Từ kinh nghiệm lịch sử cho thấy, cứ như trong bối cảnh hiện tại của đất nước, để nhân tài nảy nở và phát triển, cũng như nuôi dưỡng và phát triển được những nguồn lực mới, trước hết, cần phải làm cho bộ máy công quyền thay đổi thái độ. Bởi nếu việc này mà không thể làm, thì sao có thể tìm kiếm và sử dụng được nhân tài, cũng như các nguồn lực mới !?

Ở tầm vĩ mô, thay đổi thái độ, sẽ dẫn người ta đến thay đổi đường lối. Cũng cần nói thêm rằng, chính thái độ hoài nghi đã dẫn không ít con người đến với thành quả lớn lao, ngược lại thái độ tuyệt đối tin tưởng cũng đã từng dẫn người ta đến với đổ vỡ ê chề. 

Dường như “bí quyết của thành công” nằm ở thái độ. Vì vậy việc tháo gỡ những bế tắc hiện nay, trong mọi chuyện, đều cần phải được bắt đầu từ sự thay đổi thái độ ở tất cả những vị trí chủ chốt, một cách đồng bộ. Tiếc thay, đây là một việc không dễ, thậm chí có người đã ví đó là việc của trời (!) Vậy ai sẽ thay trời đây? Dẫu vậy, để sinh tồn và phát triển, một quốc gia không thể không tìm ra giải pháp!

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2021

BÀI LUÂN LÝ ĐẦU ĐỜI ?

Dương Quốc Việt

 

Ngày ấy đang học lớp vỡ lòng (tức là qua lớp này mới vào học lớp 1), trên đường từ lớp học về nhà, tôi bắt gặp cảnh: một người dắt con trâu non đang cày-tay roi, miệng nói: 

Ăn thì phải làm

Không làm ai nuôi

Tai nghe lấy

Bụng nhớ lấy... 

 

Khỏi phải nói, khi đó tôi đã kinh ngạc như thế nào, sau mới hiểu ra, người ta đang huấn luyện trâu kéo cày. 

Rồi cứ điêp khúc ấy liên tục-không ngưng nghỉ, người dắt trâu như muốn chú trâu mới lớn phải "thấm nhuần"!

Hình ảnh đó và lời dạy trâu kia, như một bài luân lý sống động, đã đi vào ký ức tuổi thơ của tôi không bao giờ phai...

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

NGÂM CỨU BỨC VÁCH?

Dương Quốc Việt

Đã đăng trong TS: Ngâm cứu bức vách


Vốn chỉ là một bức vách trét bằng rơm trộn bùn với vô vàn những vết nứt nhằng nhịt, nhưng với góc nhìn khác nhau, người ta có thể “khám phá” ra những hình thù khác nhau. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mà ngay cả chủ thể cũng không thể biết trước được-lát nữa nhìn lại sẽ thấy những hình thù gì!?

Bây giờ giả dụ có một “Mạnh Thường Quân”, chọn một “bức vách” nào đó, rồi treo giải thưởng hậu hĩnh cho những “khám phá” về nó, tin rằng sẽ không ít những “công trình” đăng ký giải thưởng. Nhất là lại nhằm cổ súy cho những chủ đề trọng đại hoặc hưởng ứng theo những xu thế thời thượng nào đó.

Thậm chí với thời gian đủ dài, và “Mạnh Thường Quân” kia không tiếc tiền của, cũng như quảng bá thanh danh cho các “nhà nghiên cứu”, thì có khi còn thu nhận được cả những cuốn sách đồ sộ, khiến thiên hạ chết khiếp! Chưa kể, do mỗi người nhìn thấy một kiểu nên còn tranh cãi, “phản biện” kịch liệt. Từ đó, tự khắc sẽ xuất hiện các nhà “bức vách học”, thậm chí cả những trường phái “bức vách học” khác nhau nữa kia!

Câu chuyện trên tưởng chừng chỉ như một hình ảnh ngoa dụ phi thực tế, ấy vậy mà trong lịch sử vẫn có biết bao nhiêu ngành “giả khoa học” đã và đang tồn tại kiểu tương tự như vậy. Ở đó, người ta đưa ra những suy đoán và nhận định về nguyên nhân và bản chất các hiện tượng và vấn đề trong đời sống một cách chủ quan, để rồi cứ thế dần dần mặc nhiên bám rễ trong trí tưởng tượng của người đời. Và từ thực tế lịch sử cho thấy, môi trường nào càng ít chịu sự kiểm chứng minh bạch và chặt chẽ từ thực tiễn, thì càng có nhiều đất dụng võ cho những ngành như vậy sinh sôi đua nở.

Thế mới thấy, thiếu đi tính chính danh trong khoa học sẽ tạo môi trường màu mỡ sinh sôi ra các nhà "bức vách học". Đến đây bất giác làm cho người ta liên tưởng đến một danh ngôn của Thomas Hardy (1840-1928)-nhà thơ, nhà tiểu thuyết người Anh, một trong những văn hào tiêu biểu của thời đại nữ hoàng Victoria: “Còn có trạng thái tồi tệ hơn cả mù lòa, đó là thấy cả những thứ không thực sự tồn tại”.