Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

THẤY GÌ KHI DỊCH ĐI QUA?

Dương Quốc Việt

Tất nhiên đại dịch rồi sẽ qua! Và rồi đây chắc cũng chẳng vì đại nạn, mà con người thay đổi tâm tính. 

Đại dịch kéo dài, cũng là dịp kiểm chứng khả năng chống đỡ-chịu đựng, cũng như làm bộc lộ nhiều khuyết tật của con người. 

Nhưng có lẽ do nỗi sợ hãi, do trục lợi về chính trị, kinh tế, khiến cho sự tàn phá thêm nặng nề hơn, chống dịch trở nên phức tạp hơn. 

Chiến tranh-thiên tai-dịch bệnh, vốn đã xảy ra quá nhiều. Vì thế mà con người cũng đã quen với sự “mau quên”, để bắt nhịp với cuộc sống hối hả từng ngày.

Dẫu vậy, vẫn thật đáng tiếc, bởi dục vọng bất kham, mà loài người luôn bỏ qua những bài học đau thương từ lịch sử. Dẫu rằng vẫn còn đó những lời sám hối(!)

Ngày mai, ngày kia… trái đất vẫn quay, mặt trời vẫn sẽ mọc vào buổi sáng, thực thể tụt hậu, vẫn chẳng thể cầu may mà có đột biến(!)

Cuối cùng thì, tiềm lực kinh tế, khoa học-công nghệ, biết tuân thủ các nguyên tắc khoa học, cùng kỷ luật và khả năng dự báo, chính là những yếu tố quyết định, để vượt qua, hay chung sống với dịch, một cách lâu dài và hiệu quả.

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

HỌC ĐỂ BIẾT NGHĨ

Dương Quốc Việt   

Đã đăng trong Tạp chí GD và TĐ  Học để biết Nghĩ

Người Việt chúng ta, nhất là các cụ xưa, dù kẻ học nhiều, người học ít, đều hay sử dụng chữ “biết nghĩ”. Người ta khen một người trẻ biết nghĩ, như ghi nhận một sự trưởng thành nào đó. Ngược lại, chê một người ở độ tuổi trưởng thành mà chưa biết nghĩ, cũng có nghĩa là, lời chê ấy đã ẩn chứa cả sự thất vọng. Hơn nữa, dường như những lời khen-chê như thế, thường có sự cân nhắc, và đôi khi còn bao hàm cả sự chân thành của chủ thể. Đặc biệt sự “biết nghĩ”, còn được xã hội sử dụng làm thước đo, cho mức độ “tấn tới”, của những kẻ được cắp sách đến trường.

Những người làm cha mẹ, chắc chắn sẽ rất hạnh phúc, khi thấy được những đứa con của mình, trước hết là biết nghĩ cho cha mẹ. Bởi khi biết nghĩ đến cha mẹ, kẻ làm con sẽ hiểu được phải làm và sống như thế nào, để cha mẹ khỏi phiền lòng. Cũng như sẽ cảm thông sâu sắc được, những kỳ vọng mà cha mẹ gửi gắm nơi họ. Rằng đó còn là nền tảng, để ít nhất sẽ dẫn dắt họ-làm tròn bổn phận “đạo làm con”. 

Một người đàn ông biết nghĩ, là một tiền đề căn bản, để anh ta có thể dẫn dắt gia đình đến bến bờ hạnh phúc. Bởi thế, truyền thống của người Việt xưa nay, khi con gái lấy chồng, thì tiêu chí hàng đầu để kén rể là “một người đàn ông biết nghĩ”. Và thật may mắn cho những “cặp uyên ương”, nếu cả hai đều là những người biết nghĩ. Rằng điều đó, sẽ giúp họ xây dựng một gia đình, không chỉ hạnh phúc, mà còn thành đạt.       

Một công dân biết nghĩ, sẽ ý thức được đầy đủ: những bổn phận của mình, nghĩa vụ với tổ quốc, ý thức chính trị, sự hiểu biết và chấp hành pháp luật… Một đất nước, có nhiều thế hệ công dân biết nghĩ, chắc chắn sẽ là một đất nước, có tương lai phát triển cao. Bởi đó là nền tảng để xây dựng một nền dân chủ thực sự. Cũng như để tuyển lựa ra được, những đội ngũ quan chức giàu phẩm chất tinh hoa.     

Và rõ ràng, không thể có một nền hành chính lành mạnh, nếu các quan chức hành chính không biết nghĩ đến dân. Bởi những nền hành chính-không biết nghĩ cho dân, sẽ trở thành những cỗ máy “hành là chính”, như người ta đã từng gặp ở nhiều thể chế. Chưa kể, chính những nền hành chính này, còn sản xuất ra biết bao điều luật của bộ ngành, địa phương, những thứ bủa vây, kìm hãm người dân, gây tổn hại cho các nguồn nhân lực, góp phần làm cho quốc gia thêm chậm phát triển.   

Thật dễ dàng nhìn thấy, những giá trị lớn lao do sự “biết nghĩ” mang lại. Cũng như không khó để nhận ra, sự tàn phá ghê gớm-hệ lụy do những hành xử và việc làm thiếu suy nghĩ, không biết nghĩ gây ra. Từ việc học hỏi thiếu suy nghĩ, đến việc máy móc vận dụng các lý thuyết, các quy trình nào đó… đều dẫn con người ta đến với những thất bại thê thảm. Qua đó để thấy sự “biết nghĩ”, đóng vai trò quan trọng-sống còn như thế nào.        

Ngoài ra, trong thời đại ngày nay, một quốc gia muốn phát triển, nhất định phải có một nền khoa học-công nghệ vững chắc, một nền hành chính kỷ cương và linh hoạt. Vì thế, đối với những quốc gia còn lạc hậu, muốn vươn lên, thì nhất thiết phải đào tạo cho được những thế hệ công dân chất lượng cao, tương thích.

Bởi vậy, chúng ta cần nỗ lực để có một thể chế, một nền giáo dục tốt, nhằm đào tạo ra những thế hệ công dân “biết nghĩ”. Rằng đó cũng chính là vấn đề căn cốt của người Việt hôm nay. Và thiết nghĩ, nên chăng trên cái mặt bằng chung: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình”, như tổ chức Unesco đã khởi xướng, người Việt chúng ta nên coi HỌC ĐỂ BIẾT NGHĨ, là một tiêu chí cốt lõi nhất cho triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay!

VAI TRÒ NHẬN THỨC CHÍNH TRỊ CỦA CÔNG CHÚNG

Dương Quốc Việt

Chính những học giả và những chính trị gia Trung Quốc, đã tự nhận xét về dân của họ rằng: sở dĩ đất nước TQ phát triển chậm, là vì đa phần con người của nước họ trong suốt nhiều thời đại, chỉ là những “động vật kinh tế”, mà rất ít quan tâm, hay ấu trĩ về chính trị.

Người ta rất dễ nhầm lẫn, những kẻ biết những tiểu xảo, bè cánh, hay biết ăn nói lươn lẹo, lấy lòng, để rồi kiếm được một vị trí quyền lực nào đó, là những kẻ biết làm chính trị. Điều này thường xảy ra ở những nơi có nền chính trị thấp kém, con người không có ý thức chính trị, cũng như không có tâm thế của chủ nhân, hay chỉ mang cái tâm của những kẻ tôi tớ, trục lợi.

Bàn về những vấn đề như thế này, là cả một câu chuyện rất dài. Chỉ xin đơn cử, cuộc bầu cử của người Mỹ năm 2016, đã chọn ra Donald Trump, một biểu tượng của xu thế chính trị mới. Sự kiện đã khiến cho ngay cả giới truyền thông Mỹ cũng như quốc tế bất ngờ. Đến nay nhìn lại, người ta càng thấy dân Mỹ rành về chính trị như thế nào.

Trong khi đó người Nga đã bỏ qua một cơ hội chính trị vàng, đó là cách mạng Tháng Chạp năm 1825, hay người Trung Quốc với cách mạng Tân Hợi năm 1911 cũng vậy. Kết quả là, cho đến tận hôm nay, cả Nga và Trung đều chưa có một thể chế chính trị tốt, vững vàng, để đất nước phát triển thịnh vượng và lâu dài, theo kịp thời đại.

Dường như ý thức chính trị của công chúng, trong suốt chiều dài lịch sử, chính là mấu chốt để sản sinh ra những thể chế chính trị tiến bộ nơi họ. Ý thức này, cao hay thấp, phụ thuộc vào những yếu tố nào? Thật không dễ trả lời, nhưng chắc chắn là có sự tham gia của tôn giáo và văn hóa. Và nhớ rằng Mahatma Gandhi (1869-1948), đã phát biểu: “Ai nói rằng tôn giáo không liên quan gì với chính trị, người đó chẳng biết gì về tôn giáo“.

3/3/2019

Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

SỰ THẬT-XƯA NHƯ TRÁI ĐẤT?

Dương Quốc Việt

Sân khấu chính trị dường như là một sân chơi của những kẻ chơi cờ, mà quân cờ chính là những con người đang sống. 

Vì thế, dưới quyền uy của những “người làm chính trị”, thì hy sinh kẻ nào, dùng người nào, cũng như người chơi cờ vậy, miễn là có lợi cho vị trí quyền lực của họ, mà đôi khi không phụ thuộc vào giá trị của các quân cờ, cũng như những lợi ích xã hội khác. 

Sân chơi chính trị luôn tàn khốc! Và đáng tiếc là, khi kẻ ác đã lên ngôi, thì nó chỉ có thế bị diệt trừ bởi những hành động ác hơn, hay vị trí quyền lực cao hơn. 

Cái ác nắm ở đâu? Tất nhiên là nó nằm ở trong mỗi con người. Và nó được bùng phát dữ dội nhất, trong những cuộc chiến giành quyền lực, một mất một còn. Vả lại trong cuộc chiến này, kẻ ác hơn sẽ thắng.

Dẫu vậy, xã hôi phải có người làm chính trị. Hơn nữa, còn như José Ortega y Gasset đã đúc kết rằng: “Để làm chủ dòng đời phóng túng, nhà học giả ngồi thiền-suy tư, thi sĩ thì rung động-ngâm nga, còn người anh hùng chính trị thì dựng lên thành lũy của ý chí“. Qua đó có thể thấy được, vai trò của người làm chính trị trong xã hội quan trọng như thế nào. 

Tuy nhiên, sẽ ra sao, nếu dân lành phải sống ở một thời đại, mà những quan chức, đều là những người làm chính trị. Chưa kể, "người anh hùng chính trị" cực hiếm, còn kẻ "cơ hôi chính trị" thường lại rất đông. Mặt khác, còn như một danh nhân nào đó đã nói:"Thật bất hạnh cho một quốc gia, nếu người ta định làm cho nhân dân hạnh phúc bằng chinh trị".

Cuối cùng, xin có “nhời” rằng, dưới bất cứ hình thức nào, cũng cần nhớ cho-đừng có “XUI DẠI” nhau, ảo tưởng hay tụng ca về tính “nhân đạo-nhân văn”, hay gì gì đó, khi bàn về cái sân chơi quyền lực-chính trị nghiệt ngã ấy.

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2021

CÁI GIỎI CỦA NGƯỜI NHÀ MÌNH?

Dương Quốc Việt

Cái giỏi của người nhà mình, trong gần một thế kỷ qua, là “tìm ĐỊCH ở trong TA”. 

Cái món tìm địch ở trong ta, đã diễn ra trong mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Điều này đã sản sinh ra những lý thuyết-những trường phái “bỏ bóng đá người”, biến báo-uyến chuyển đến lạ lùng. 

Ấy là những thứ giúp cho những tay “đồ tể”, những kẻ “khóc mướn”, thậm chí còn cả những gã “mù điếc”, không chỉ tìm ra “kẻ thù địch”, mà còn nhào nặn ra những “kỳ nhân”. Rằng chúng bảo kê cho những kẻ chuyên dìm hàng hoặc tâng bốc, vu cáo người khác, mà không xuất phát từ thực tế của chính các tác phẩm do họ làm ra.

Bởi thế mà công chúng mới gặp biết bao những tác phẩm khai sáng, nhưng lại là của những “thế lực thù địch”, cũng như ngược lại, nhan nhản những tác phẩm hủ lậu-đầu độc con người, lại được coi là những tiếng nói “đại diện cho lương tri-văn hóa-tư tưởng của thời đại”.

Và không biết, cái khả năng “tìm địch ở trong ta” của người Việt-đã được tôi luyện trong gần thế kỷ qua, có còn đắc dụng trong việc phát hiện các loại F trong cộng đồng, của đại dịch này không nhỉ?

Hà Nội 7/9/2021

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

SUY TƯ VỚI CHỮ “CỐT”

Dương Quốc Việt


Đã đăng trong TS: Suy tư với chữ “cốt”

Mở đầu Cáo Bình Ngô, đã tuyên rằng “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân“. 

Sự thực, tôi đã được nghe bình giảng “áng thiên cổ hùng văn” này đến hai lần (ở lớp 7 và lớp 8), cách nay đã trên nửa thế kỷ. Nhưng trong ký ức tuổi học trò, ngay từ ngày đó, tôi đã rất băn khoăn về chữ CỐT, mà chẳng thể thổ lộ được cùng ai. 

Bạn có thể sẽ hỏi tôi-băn khoăn vì điều gì? 

Thú thực-khi đó tôi còn rất mơ hồ! Bởi có lẽ, trong tâm hồn còn ngây thơ thuở ấy, tôi đã đặt kỳ vọng quá cao về tính nhân văn-vì dân vào tác phẩm chăng? Tất nhiên, ở thời điểm đó, tôi làm sao mà ý thức được đầy đủ cái “ý nghĩa chính trị” kia chứ(!) 

Sau này, trưởng thành hơn, tôi đã tự đặt câu hỏi: Người ta sẽ hành xử như thế nào nếu chỉ CỐT Ở AN DÂN?

Và chắc chẳng cần phải bàn nhiều, ai cũng có thể nhìn thấy ngay, cái “nhân nghĩa” đã chỉ ra trong bài cáo, chỉ là một đáp án, một phương pháp để đạt được sự an dân. Rõ ràng vì CỐT Ở AN DÂN, người ta có thể hành xử bằng nhiều cách khác nhau, điều này tùy thuộc vào thời đại, thể chế, cũng như phẩm hạnh của kẻ cầm quyền. Vả lại, chẳng có chế độ chính trị nào, mà không muốn an dân, chỉ có cách làm là khác nhau mà thôi!

Hóa ra, dường như “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân“, chỉ như một tuyên ngôn chính trị, hơn là đề cao nhân nghĩa. Nó như dạy người ta một cách thức làm an dân, chứ không hẳn để xiển dương nhân nghĩa(!) 

Đành rằng, nhân nghĩa là một mỹ đức cao cả, một giá trị luôn được con người nỗ lực đeo đuổi, ở mọi thời đại. Nhưng xét cho cùng, ở vào thời đại phong kiến, thì cái ngai vàng mới là tất cả. Vì vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi Cáo Bình Ngô, coi “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân“. Bởi đó là bố cáo của một triều đại mới, một tuyên ngôn, trước bàn dân-thiên hạ, của đấng thiên tử-người được lãnh cái sứ mệnh “chăn dân trị đời”-toàn quyền sinh sát, đối với con dân. 

Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948)-nhà chính trị và lãnh đạo tinh thần người Ấn Độ đã chỉ ra rằng: “Quyền lực có hai dạng. Một sinh ra từ nỗi sợ hãi bị trừng phạt và một sinh ra từ những hành động yêu thương. Quyền lực dựa trên tình yêu hàng nghìn lần hiệu quả và lâu dài hơn quyền lực dựa trên sợ hãi”. Nhìn nhận như thế, để thấy được những tư tưởng tất yếu, cũng như những tư tưởng vượt thời gian, đặc biệt nhằm tránh đi những cái nhìn sai lệch, thiếu khách quan, không đáng có, trước “áng thiên cổ hùng văn“-nổi tiếng trong lịch sử dân tộc.