Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

LUẬN VỀ HAI HỆ THỐNG TRONG GIÁO DỤC

Dương Quốc Việt
Thực tế xã hội từ lâu, đã đóng góp một nguồn tài chính không nhỏ cho lực lượng dạy học, thông qua việc học thêm và hệ thống các loại trường ngoài công lập. Thị trường dạy và học ngoài công lập này, gọi tắt là DHNCL, từ  gia sư đến giảng viên, đã góp phần làm nên sự ổn định thị trường dạy và học. DHNCL mặc dù hầu như tự phát, nhưng rõ ràng nó đã đi theo dòng chảy của cơ chế thị trường. Có lẽ xã hội cũng cần phải có tổng kết và đánh giá đầy đủ về thị trường này. DHNCL như âm thầm, hiệu quả,  linh hoạt, đã và  đang  song hành cùng  hệ thống giáo dục công lập (GDCL)-một dòng chảy như được coi là chính thống và được hoàn toàn bao cấp bởi nhà nước.
Trong nhiều năm qua DHNCL, một mặt nó đáp ứng được nhiều nhu cầu của xã hội, từ việc bổ sung thêm kiến thức cho người học tại GDCL đến những trường lớp đào tạo nghề thay vì GDCL. Mặc dù DHNCL dường như vẫn chỉ chủ yếu tận dụng những nguồn lực có nguồn gốc từ GDCL, tuy nhiên nó đã có những tác động không nhỏ vào chất lượng và tài chính của những cá nhân trong GDCL. Mặt khác do DHNCL gắn bó với cuộc sống hơn, nên nó đã góp phần điều chỉnh nhiều vấn đề của GDCL.
Cũng như nhiều khu vực ngành nghề trong các khu vực công, GDCL bị hạn chế bởi nhiều mặt. Đặc điểm nổi cộm của GDCL là hầu như nó được nuôi dưỡng bởi ngân sách nhà nước, tính quan liêu-bao cấp-bệnh thành tích rất nặng nề, lương trả còn rất thấp…, và rất chậm thay đổi so với các ngành nghề khác. Đây chính là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho GDCL bị sa sút nghiêm trọng. Cũng chính từ nguyên nhân này, khiến người ta khó đánh giá được đầy đủ-khách quan về hiệu quả của mọi dự án nhằm thay đổi giáo dục trong những năm qua.
Sự khác nhau căn bản giữa DHNCL và GDCL, là ở chỗ nguồn thu từ DHNCL là học phí, còn học phí từ GDCL gần như không đáng kể. Do cách tiếp cận của GDCL và những chính sách của nó, dường như đang làm tắc nghẽn dòng chảy tài chính của xã hội vào khu vực này. Vì vậy dòng chảy này bị phân nhánh thành những “con suối” nhỏ, một mặt chảy về GDCL vòng qua DHNCL bằng  việc dạy thêm học thêm, mặt khác còn là những dòng chảy khác làm xói mòn GDCL và đạo đức xã hội.
Bài toán rất cơ bản của GDCL hiện nay, là phải làm sao trả lương cho những người giảng dạy ở mức có thể chấp nhận được, để họ toàn tâm với nghề. Rõ ràng trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, thì trước hết cần cải tổ hệ thống GDCL, làm cho ngân sách nhà nước được sử dụng thật hiệu quả. Cùng với nó là khơi thông dòng chảy tài chính của xã hội vào khu vực này. Rằng trong bối cảnh của đất nước hiện nay, ngân sách phải đi cùng với nguồn đóng góp của xã hội, mới có thể giải quyết được vấn đề trả lương thỏa đáng cho người giảng dạy trong khu vực GDCL.
DHNCL và GDCL làm nên thị trường dạy và học (TTDH). Và vấn đề đặt ra,  là làm thế nào để TTDH ổn định và phát triển lành mạnh? Rõ ràng TTDH chỉ có thể ổn định khi nó tuân thủ theo quy luật cung-cầu, theo nguyên tắc đáp ứng tối đa nhu cầu được học tập của xã hội, tức là tuân thủ theo quy luật của kinh tế thị trường.
Những năm gần đây người ta thường thống kê những con số những người học nghề xong ở mọi bậc, nhưng không được hành nghề mình học. Điều này cũng rất đáng quan tâm, nhưng vì thế mà đổ lỗi cho TTDH thì cũng không hẳn, tất nhiên TTDH cũng cần chịu trách nhiệm một phần. Tuy nhiên có một sự thật rằng, một mặt hàng loạt cơ quan và công ty nhà nước bị xóa bỏ, trong khi đội ngũ các nhà tư bản còn chưa phát triển như mong muốn của cơ chế thị trường, mặt khác việc tuyển dụng nhân lực ở các khu vực công còn thiếu khách quan, đã góp phần tác động xấu đến thị trường tuyển dụng.
Nhưng cũng cần chú ý thêm rằng, rõ ràng sự tiếp nhận của xã hội với một đội ngũ chưa được hành nghề sau khi đã được đào tạo sẽ yên tâm hơn tiếp nhận một đội ngũ những người đang cần học mà không được học. Mặt khác nhu cầu học của cá nhân, không hẳn chỉ là học để lấy nghề và để hành nghề, người ta học còn do nhu cầu hiểu biết, do mong muốn hoàn thiện bản thân. Ngoài ra việc đáp ứng cao nhất nhu cầu học tập còn góp phần hiệu quả vào sự nghiệp nâng cao dân trí và ổn định xã hội.
Cũng cần nói thêm rằng, trong nhiều năm qua, GDCL bị bao cấp quá nặng nề, dàn trải, chủ nghĩa thành tích và bằng cấp hoành hành, cùng với đó là bệnh hình thức và phong trào không được ngăn chặn, khuyến khích  và sử dụng nhân tài còn kém hiệu quả, thậm chí đâu đó người làm giáo dục còn bị tước đi quyền làm chủ nghề nghiệp… Tất cả những điều đó đều đã ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển lành mạnh của GDCL.
Ngày nay nhu cầu phát triển và hội nhập, đã tạo sức ép lên TTDH rất lớn. Nhưng rõ ràng vấn đề của TTDH chính là những vấn đề của thể chế-văn hóa-kinh tế, vấn đề của thị trường tuyển dụng, vấn đề của hệ thống quản lý giáo dục, vấn đề chất lượng của những con người làm giáo dục… Nhưng có lẽ cải cách hệ thống quản lý giáo dục, là công việc cần làm trước tiên và khả thi hơn cả.