Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

CÓ NÊN CHĂNG MỘT MÌNH MỘT KIỂU

06/9/2014
Dương Quốc Việt

Vừa xem bài toán tính số gà mà giật mình! Xem
Theo thông lệ từ đời sống văn hóa đến văn bản khoa học của loài người  từ xa xưa cho đến ngày nay thì
8 con gà+8 con gà+8 con gà+8 con gà = 4 lần 8 con gà = 4×8 con gà = 32 con gà.
Chẳng hạn xem link:
Trong khi đó SGK tiểu học và rất nhiều người, thậm chí  ngay cả một số giảng viên có trình độ cao thì lại cho rằng:
8 con gà + 8 con gà + 8 con gà + 8 con gà =  8 con gà x 4 = 32 con gà.
Phải chăng cách viết này cũng chính là cách thể hiện khác của cách viết
8 con gà + 8 con gà + 8 con gà + 8 con gà = 8 con gà 4 lần ???
Đành rằng chỉ là quy ước “số lần” viết trước hay viết sau mà thôi( xem  thêm TỰ DO LỰA CHỌN-BÀI TOÁN CON GÀ ).  Nhưng  một mình một kiểu viết, cô lập với tất cả thì có nên chăng?!
Mặt khác cũng nhớ lại bản cửu chương xem, người ta đã đọc 4×8 như thế nào, đọc là “4 lần 8” hay “8 lần 4”?  Và “4 lần 8” có phải là 4 số 8 cộng với nhau không?
Đây là một vấn đề  không còn chỉ nằm trong khuôn khổ của một bài toán lớp 3.  Thật khó hiểu vì toàn bộ SGK tiểu học (chẳng hạn xem SGK Toán 2 do Đỗ Đình Hoan chủ biên) đã viết như vậy, điều này đi ngược hoàn toàn với cách viết truyền thống trong khoa học và đời sống của nhân loại! Tức là họ đã quy định bắt buộc “số lần” phải đặt bên phải. Sự thay đổi đã dẫn đến một đảo lộn xuyên suốt trong việc viết tất cả các công thức có  hệ “số lần”, và người ta cũng chẳng ngần ngại thay thế bảng Cửu Chương bởi bảng Nhân và ép học sinh theo một cách hiểu  “kinh dị”! Rồi chẳng hạn như công thức chu vi hình vuông cạnh a, thì SGK  tiểu học sau năm 2002 yêu cầu bắt buộc phải viết là ax 4, chứ không viết là 4a hay 4xa như truyền thống SGK của Việt Nam trước đó, cũng như  các quốc gia khác đã  và đang dùng. Thật sự chúng tôi thấy bàng hoàng về những đảo lộn này! Và mong rằng cần có một cuộc khảo sát nghiêm túc tất cả các khâu dẫn đến sự thay đổi, để trả lời cho được vì sao lại có sự thay đổi này, nhất là những người nào thực sự là tác giả của nó, chắc sẽ thu được nhiều bài học bất ngờ!  Quả thật nếu sự thay đổi này là đúng đắn, thì chúng tôi tin rằng đây sẽ là một kỳ tích của người Việt Nam trong quá trình đổi mới, mà thế giới chắc sẽ phải ghi nhận và học tập!
Cần nhắc lại rằng, từ dân gian đến khoa học, từ  SGK ở bậc tiểu học đến những cuốn sách khoa học hiện đại của thế giới, thì
a + a+ a + … + a (100 lần)  đều được viết là 100a, chứ không ai viết là a100 ở đâu cả?!
Nhớ rằng, mặc dù chỉ là quy ước, hay đặt tên, thì trong mọi lĩnh vực, người ta bao giờ cũng phải xem xét hết sức cẩn thận và khoa học, từ truyền thống, đến văn hóa và khoa học của nhân loại, xem người khác đã làm như thế nào. Kẻo viết “4 cái nhà” thành “cái nhà 4”… mà những người biết lẽ sống sẽ không bao giờ dám làm liều như thế!
Với cách viết như thế sẽ tạo nên một thứ ngôn ngữ khoa học dị biệt…  Ví như một quốc gia nào đó, sử dụng một loại đồng hồ, có kim chạy  ngược chiều với kim  đồng hồ ở các quốc gia khác, thì tình hình sẽ ra sao ?  Đó là một điều gây tác hại lớn như thế nào, chắc mọi người đã rõ, thiết tưởng không cần phải nói gì thêm! Còn một điều đáng tiếc nữa là, cái dị biệt này đã đẻ ra một lớp người “sống“ theo nó, và rồi họ coi nó như một lẽ thường tình, là chân lý, đến khi muốn thay đổi thì họ ra sức chống trả. Họ  bỏ ngoài tai tất cả! Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm giáo dục rất khó thay đổi!
Cần nhấn mạnh thêm rằng, cũng nên có một cái nhìn xuyên suốt từ toán phổ thông đến toán đại học, cũng như các khoa học khác, để thấy vấn đề. Nếu không mỗi một cấp học mới lại phải sửa lại một khuyết tật mắc phải không đáng có ở cấp học trước,  thật rất không nên!
Thông thường ở những nơi còn làm ăn manh mún, có tính “tự cung tự cấp” thường dễ mang  tư tưởng tự do bịa đặt, có vẻ ta đây là “người thoáng”, thoải mái quy định theo ý mình. Kiểu  họ trồng thứ rau chỉ để họ ăn, nên họ đặt tên là gì cũng được, vì họ không mang đi bán đâu cả!  Vì thế rất có thể những người còn mang tư tưởng này, rất dễ cho đây là một chuyện nhỏ, chuyện vặt. Trong khi đó thì những người có óc làm ăn lớn, nhìn xa trông rộng, đương nhiên không thể nghĩ và làm tùy tiện như vậy.
Lẽ ra những người giảng dạy ở khoa Tiểu học ĐHSPHN phải biết và chủ động kiến nghị với bộ  Giáo Dục để  thay đổi, thì họ lại có vẻ nóng vội đồng tình, dựa vào SGK. Vấn đề ở đây là, chúng tôi muốn làm rõ tính bất hợp lý trong quy ước của SGK, chứ không phải là vấn đề đánh giá về bài kiểm tra này. Và cuối cùng mong mọi người lựa chọn được  quy tắc chuẩn xác, hợp logic cả trong khoa học và thực tiễn.
Khi viết và post bài này lên website, chúng tôi đã hình dung khá đầy đủ về cảnh hỗn mang những phán xét của mọi thứ hạng người-ở một quốc gia còn chưa đủ tầm để hưởng một nền dân chủ thực sự, khi đọc bài viết  này. Mặt khác lại còn những lớp người, sản phẩm của “một nền giáo dục chưa trưởng thành- sản sinh ra những lớp người mãi mãi không trưởng thành”,  nên đương nhiên là sẽ có những phản ứng kỳ cục. Nhưng không sao, bởi chúng tôi coi đây là trách nhiệm làm người, mà thực ra chúng tôi có thể lẩn tránh trong  im lặng!  Những mong cộng đồng cùng chia sẻ để thấu hiểu những tai ương, biến dị không đáng có trong học thuật như thế này, để mà sửa chữa hoặc không để tái diễn!
Chúng tôi  đề cập tới vấn đề này, cũng chỉ mong muốn, các nhà giáo dục, hãy bình  tâm  xem xét  cần thận và  khoa học về quy tắc viết này trong SGK, để lựa chọn phương án phù hợp nhất, đảm bảo cho giáo dục được chuẩn mực. Quyền lợi của con em chúng ta cũng như quyền lợi của  đất nước được đặt trên hết, nên sai thì sửa, chưa hợp lý thì làm cho hợp lý hơn, đó là lương tâm và trách nhiệm của mọi công dân.
Bài học cho những nhà quản lý: Mặc dù đây chỉ là một quy ước , nhưng lại rất quan trọng, mà những người lúc đó có thể quá nông nổi, tầm nhìn hạn hẹp, trình độ bất cập, lại không có tâm, nhưng lại thích sài sang, nên đã không thấy tầm quan trọng, đã tùy tiện đặt ra quy ước mới-đảo ngược! Một quy ước gây đảo lộn về mọi phương diện-tác động đến nhiều thế hệ, chỉ có thể làm khi mà thu được lợi ích thực sự. Nhưng đây thì hoàn toàn không, thì có nên làm hay không, chưa kể lại gây tốn kém thời gian và tiền củaVề mặt chuyên môn, trong những trường hợp cụ thể như thế này, thì chỉ có thể hỏi đúng các chuyên gia đại số (xịn theo đúng nghĩa) với văn hóa đủ độ chín và có tinh thần trách nhiệm cao, nhất là buộc họ phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình! Tại sao vậy? Bởi chỉ có những chuyên gia như thế với việc gắn trách nhiệm như thế, thì họ mới có thể có đủ khả năng và sự cẩn trọng, nhận thức đầy đủ vấn đề, có đủ tầm để nhìn xuyên suốt, thống nhất cho  quy ước, để mãi mãi được kế thừa, được là ngôn ngữ chung…mà không bao giờ phải làm lại, phải thay đổi! Vì thế cũng nên thông cảm với những người còn bất cập không chấp nhận nổi chân lý “số lần phải đặt ở bên trái”,  bởi làm sao mà bắt họ có tầm vóc vượt quá họ được, nhất là họ lại không bị chịu trách nhiệm về việc phán bừa làm ẩu của mình!  Về bộ Giáo Dục những năm đó, có thể  nói là đã dùng sai người…  Những người đó, thậm chí đến bây giờ người ta có thể vẫn không thể “tâm phục khẩu phục”, rằng  tại  sao “số lần”  phải để  bên trái.  Bởi tầm vóc của họ, chứ chưa hẳn đã phải  do họ bào thủ?!
_____________
Xem  thêm 2 bài sau của cùng tác giả:  TỰ DO LỰA CHỌN-BÀI TOÁN CON GÀ