Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

LUẬN MỘT CHÚT VỀ “TIÊN TRÁCH KỶ...”

Dương Quốc Việt

Đã đăng trong tạp chí Văn hoá Nghệ An: Một chút về "Tiên trách kỷ..."

Hồi còn bé, được cha dẫn đi dạo phố, tôi đang mải mê ngắm nhìn khi đi qua những cửa hiệu đồ chơi, bỗng một người sấn sổ đến trước mặt ông, như tìm thấy kẻ thù của mình. Mày mất tăm mất tích tránh mặt chúng tao, mày sẽ phải trả giá về cái tội khinh người-người lạ xỉa xói vào mặt cha tôi như vậy. Không một lời thanh minh, ông lặng người xin lỗi như một kẻ mắc tội. Người lạ bỏ đi, tôi nhìn cha trong sự kinh ngạc. Lỗi tại bố-ông nhìn tôi và chỉ nói như vậy, rồi hai cha con tiếp tục dạo chơi.
Nhiều năm sau, khi đã lớn, tôi có dịp hỏi lại cha câu chuyện ngày đó. Ông kể cho tôi nghe, hồi còn học ở trường Bách Nghệ (thời Pháp thuộc), ông đã ham chơi, giao tiếp không kén chọn, và ông đã giao du với cả một nhóm, trong đó có bác mà tôi biết mặt hôm đó. Sau này biết các bác ấy thuộc dạng "bất hảo", thậm chí nhiều khi còn quấy rầy, làm ảnh hưởng đến việc học hành, nên cha tôi phải xa lánh. À ra thế ! Rồi như đoán trước được sự tò mò của tôi, ông nói tiếp, lời xin lỗi của bố khi đó, là thực tâm, bố thực tâm ân hận, mà cái ân hận lớn nhất, chính là bố đã mắc lỗi với ông nội, vì cái tội không thấm lời dạy bảo "chọn bạn mà chơi" của cụ.
Rồi một người bạn vong niên của tôi (anh đã mất), trước đây đã từng làm trưởng ban tổ chức chính quyền ở một tỉnh lớn, khi nghỉ hưu, một lần trong trạng thái ân hận-xót xa, anh đã chia sẻ với tôi về những lỗi lầm của mình, khi sắp đặt một số người sai vị trí. Anh bảo: một con người cụ thể-năng lực và đạo đức của họ chỉ có thế, còn việc đưa họ lên một vị trí nào đó, để thành gây họa, thì rõ ràng là tại mình, chứ không phải tại họ. Tôi thương, và cảm thấu nỗi niềm của anh! Và mặc dù vẫn dành nguyên vẹn sự kính yêu đối với anh, nhưng tôi vẫn tự hỏi, không biết lúc anh đương chức, anh có nghĩ đầy đủ như thế không?
Hai câu chuyện vừa kể về các bậc cha anh, tuy rất khác nhau, nhưng đều giống nhau ở một điểm-tự nhận lỗi về mình. Trong câu chuyện thứ nhất, với lời xin lỗi của cha tôi khi đó, chính là biểu hiện ra ngoài cái ân hận-tự trách mình, cùng với sự sám hối, như xin ông nội tôi tha thứ. Rõ ràng, cha tôi không có lỗi gì với bác kia cả, nhưng ông vẫn xin lỗi, và lời xin lỗi ấy phải chăng chính là lời xin lỗi ông nội tôi. Cũng không một lời trách cứ, bởi có lẽ ông tự trách mình, tại sao giao du với những người như bác ấy- những người mà không phù hợp với ông, chứ không phải là tại bác ấy thế nào cả. Chưa kể không biết sự việc hôm đó sẽ có kết cục xấu như thế nào, nếu cha tôi đổ lỗi cho bác ấy!?
Còn trong câu chuyện thứ hai, theo thói thường, người ta đa phần tự hào, kể công về một thời oanh liệt của mình, nhưng anh bạn tôi thì không, anh nhận lỗi về mình-vì cái tội dùng sai người, mà không hề đổ tại người được dùng, cũng như những tác động khách quan khác, như nhiều người thường thế. Rõ ràng, người ta không thiếu gì lí do để khỏi nhận lỗi về mình, nhưng có lẽ những người mà tôi vừa kể, họ đã ứng xử theo đạo lý: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân".
Những tấm gương về những người hành xử theo cái tâm “tiên trách kỷ”, còn phải kể đến những người thầy của tôi. Một lần thăm lại một thầy cũ với lòng biết ơn chân thành của lũ trò chúng tôi. Nhưng thật bất ngờ trong nước mắt-Thầy nói: Các anh đã trưởng thành, nên thầy nói thật thế này: không biết cuộc đời dạy học của thầy, có hại cho bao nhiêu học trò, vì biết đâu nếu không phải học thầy, mà được học thầy khác, trường khác, thì có lợi cho họ hơn nhiều!? Chúng tôi vô cùng kinh ngạc và ra về với ngổn ngang suy ngẫm. Riêng tôi thì cho rằng, chỉ với câu hỏi tự vấn của Thầy hôm ấy, cũng đã đủ cho thấy, Thầy là một người thầy xứng đáng nhất mà duyên phận đã lựa chọn cho tôi, và câu hỏi đó còn cho tôi thêm một bài học bổ ích suốt đời.
Quả thật, kẻ làm cha có trách nhiệm chắc không mấy ai dám tự hào hoàn thành tốt việc nuôi dạy con cái. Người làm thầy cũng vậy, chắc lại càng không dám tự hào đã làm tròn sứ mệnh của mình. Tiếc thay, trong thực tế tự hào và kể công dường như lại là những thứ quá đỗi quen thuộc, được phát ra từ cửa miệng của nhiều đối tượng, như cái quyền đương nhiên của họ (!) Trong khi đó, hiện thực xuống cấp về những sản phẩm mà họ tạo ra vẫn cứ hoành hành!
Trải nghiệm càng nhiều, tôi càng nhận ra: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", là lời giải hữu hiệu cho nhiều vấn đề rắc rối trong cuộc sống này.  Thật vậy nếu biết "tiên trách kỷ", trước hết sẽ giúp con người tự nhận ra nhược điểm của mình-một điều vô cùng quan trọng, thứ nữa là, biết tự chịu trách nhiệm về những sai lầm, và rõ ràng còn làm giảm đi những xung đột trong cuộc sống. Hình ảnh của hai cá nhân nào đó, ôm nhau khóc, nhận lỗi về mình, sau những xung đột nghiêm trọng, có lẽ luôn là một hình ảnh đẹp, để lại nhiều cảm xúc, cũng như những tấm gương giáo dục sinh động. Thật sự "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" thường mang đến cho con người những kết thúc có hậu!
"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", dường như còn là một trong những thước đo độ trưởng thành của một cá nhân, thậm chí là một dân tộc. Nó còn như một thuộc tính căn cốt, của những cá thể có ý thức cao và làm chủ được cái tôi của mình-một thuộc tính của người văn minh. Không chỉ có vậy, "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", cũng sẽ giúp cho thực thể “biết mình biết người”-một tiền đề quan trọng để đi đến thành công. Và rõ ràng, một cá nhân, một tổ chức, hay một dân tộc không biết: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", chắc chắn sẽ là những thực thể chậm tiến, và tất yếu sẽ là những thực thể chỉ quen "tranh công đổ lỗi". Điều này chỉ làm cho xã hội thêm rối loạn, tội lỗi tràn lan, không thể kiểm soát. Tình cảnh của một xã hội xuống dốc, tiêu cực diễn ra ở khắp nơi, khắp mọi ngành nghề, mà không thấy nói đến nguyên nhân căn cốt, không người tự đứng ra nhận lỗi, nhận trách nhiệm về mình, phải chăng chính là, người ta đã chà đạp lên cái đạo lý: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân"!? Và rõ ràng, "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", là hệ quả của văn hóa, giáo dục, mà xã hội cần phải hướng tới.
Trong thực tế, đối lập với những người, nhất là những người có trọng trách biết “tiên trách kỷ”, phải kể đến những loại người cơ hội, như lũ chuột trong câu chuyện ngụ ngôn sau: Truyện kể rằng, tại một ngôi chùa thiêng, một lũ chuột chui vào một pho tượng phật làm tổ ở đó. Thế là chúng hàng ngày không chỉ được ăn uống thỏa thích những đồ cúng lễ và tự do phóng uế bừa bãi, mà còn được người người phủ phục dưới chân. Lâu ngày, lũ chuột quên mất thân phận chuột của mình, mà nghĩ mình là phật thật. Còn đức phật thì bỏ đi, vì ngài làm sao chịu nổi sự ô uế!? Thế là, tuy tượng phật vẫn còn đó, nhưng ngôi chùa thì ngày càng nhơ nhớp, mất thiêng, khiến dân chúng trong vùng gặp nhiều tai họa.
Bất công, công bằng, chấp nhận, thích nghi, và cơ hội, luôn đồng hành với muôn loài. Riêng ở loài người văn minh, do còn thêm những quyền mặc định chung cho tất cả mọi cá nhân, chưa kể còn do con người ngày càng xa rời với thiên nhiên, thậm chí còn phá hủy thiên nhiên, hay "sáng tạo" ra những lý thuyết chủ quan-phi tự nhiên, vì thế mà ứng xử của cá nhân trước những hiện thực khách quan nảy sinh trong xã hội loài người, càng trở nên rắc rối và khó đoán định đúng sai.
Xã hội loài người là vậy, và nó sẽ đi đến đâu, ấy là việc của tạo hóa, chưa hẳn đã là việc của con người. Nhưng rõ ràng, dù tự tin, hay bất lực trước thiên nhiên cũng như xã hội của mình, con người vẫn phải sống, vẫn phải cạnh tranh và phát triển. Và có lẽ trong công cuộc sinh tồn khốc liệt, đầy rủi ro và hiểm họa ấy, cái đạo lý "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", sẽ như một cẩm nang, cứu rỗi con người, trước những vấp ngã, thất bại. Chưa kể nó còn giúp người ta bình tâm, cũng như hóa giải những xung đột, những cảnh tương tàn, tỉnh táo trước những vấp ngã-đổ vỡ-thất bại, thậm chí còn rút ra được những bài học bổ ích từ chúng, để đi đến những lựa chọn sáng suốt, hay đón nhận được những cơ hội mới.