Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019

NHƯ TIÊN TRI CÁCH ĐÂY HƠN HAI THẾ KỶ?

 Dương Quốc Việt

Đã đăng trên VHNA:  Như tiên tri cách đây hơn hai thế kỷ?

Winston Leonard Spencer-Churchill (1874-1965)-một nhà chính trị người Anh-người nổi tiếng nhất với cương vị thủ tướng trong chiến tranh thế giới thứ hai, đã có phát biểu rằng: “Hãy học lịch sử, hãy học lịch sử. Trong lịch sử có tất cả những bí mật của tài trị quốc“. Và dường như mọi vấn đề của ngày hôm nay, tuy hình thức và cấp độ có vẻ khác xưa, nhưng chúng chỉ là sự lặp lại của những hiện tượng đã qua. Bởi thế mà hiểu biết lịch sử, sẽ giúp người ta, thu được nhiều bài học quý giá. Chẳng hạn, những tổng kết dưới đây, mặc dù có từ thế kỷ 18 hoặc xa hơn nữa, nhưng nó vẫn như những vấn đề thời sự còn nóng hổi của hiện tại. Qua đó có thể thấy, những bài học từ lịch sử, với hậu thế có ý nghĩa và giá trị lớn lao như thế nào.

Denis Diderot (1713-1784)-nhà văn và nhà triết học nổi tiếng người Pháp, đã để lại danh ngôn rằng: “Ở bất cứ đất nước nào khi mà tài năng và đức hạnh không có sự tiến bộ, thì tiền bạc sẽ là thần thánh. Người dân hoặc có tiền hoặc khiến người khác tin rằng mình có tiền. Sự giàu sang sẽ là đức hạnh cao quý nhất, nghèo khó là sự xấu xa thấp hèn nhất. Người có tiền sẽ thể hiện điều đó theo mọi cách có thể. Nếu sự phô trương đó không vượt qua tài sản của họ, mọi thứ vẫn sẽ ổn. Nhưng nếu sự phô trương đó vượt qua tài sản của họ, họ sẽ hủy diệt chính mình. Ở một đất nước như vậy, những cơ đồ lớn nhất, cũng có thể tan biến trong nháy mắt. Những người không có tiền sẽ tự hủy hoại bản thân với những nỗ lực tuyệt vọng để che giấu sự nghèo khổ của mình. Đó cũng là một kiểu sung túc-dấu hiệu giàu sang bên ngoài cho số ít, mặt nạ che sự nghèo khó cho số đông, và nguồn tham nhũng cho tất cả“. Và từ thực tế lịch sử cho thấy, phát biểu này,  quả như một tiên tri thiên tài.

Nếu nhìn lại lịch sử Việt Nam, thì Thân Nhân Trung (1419-1499) cũng đã từng đúc kết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Hay theo như Quang Trung-Nguyễn Huệ (1753-1792): “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc“. Những danh ngôn này, không chỉ như những nguyên lý căn bản, mà còn là những lời răn dạy-cảnh báo hậu thế. Qua đó khiến người ta lo ngại, cho cái thực trạng của một đất nước, khi mà những vị trí trọng yếu trong bộ máy quản lý nhà nước, thiếu vắng những người tài đức.

Hình ảnh một quốc gia, mà ở đó tài năng và đức hạnh, hoặc được coi là lỗi thời, hoặc không còn là giá trị cao cả, hoặc khủng hoảng-thiếu vắng, hoặc không có điều kiện nảy sinh và phát triển, cũng như không được trọng dụng, phải chăng đã được Diderot mô tả, rằng khi đó đồng tiền lên ngôi-quyết định mọi giá trị của xã hội. Đó là một xã hội giả dối, phù phiếm, một xã hội tham nhũng, bạo tàn, bệnh hoạn, con người phát triển méo mó. Sự suy thoái này dường như là một tất yếu-khách quan, khi mà tầng lớp dẫn dắt công chúng, không còn là tầng lớp tinh hoa-tài đức nữa.

Cuối cùng để bày tỏ lòng biết ơn và ngưỡng vọng, tác giả xin được chia sẻ mấy vần-đồng cảm với những nhắn gửi sâu xa của tiền nhân về vai trò của hiền tài.

Vận suy-tài đức chìm sâu
Giang san chèo lái vắng người cậy trông
Con rồng cháu phượng chơi ngông
Tân trang mặt nạ khéo lừa lẫn nhau
Đảo điên lẫn lộn vàng thau
Nhân gian dâu bể kiếp người về đâu?
___________
Hà Nội-5/7/2019