Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

VAI TRÒ NHẬN THỨC CHÍNH TRỊ CỦA CÔNG CHÚNG

Dương Quốc Việt

Chính những học giả và những chính trị gia Trung Quốc, đã tự nhận xét về dân của họ rằng: sở dĩ đất nước TQ phát triển chậm, là vì đa phần con người của nước họ trong suốt nhiều thời đại, chỉ là những “động vật kinh tế”, mà rất ít quan tâm, hay ấu trĩ về chính trị.

Người ta rất dễ nhầm lẫn, những kẻ biết những tiểu xảo, bè cánh, hay biết ăn nói lươn lẹo, lấy lòng, để rồi kiếm được một vị trí quyền lực nào đó, là những kẻ biết làm chính trị. Điều này thường xảy ra ở những nơi có nền chính trị thấp kém, con người không có ý thức chính trị, cũng như không có tâm thế của chủ nhân, hay chỉ mang cái tâm của những kẻ tôi tớ, trục lợi.

Bàn về những vấn đề như thế này, là cả một câu chuyện rất dài. Chỉ xin đơn cử, cuộc bầu cử của người Mỹ năm 2016, đã chọn ra Donald Trump, một biểu tượng của xu thế chính trị mới. Sự kiện đã khiến cho ngay cả giới truyền thông Mỹ cũng như quốc tế bất ngờ. Đến nay nhìn lại, người ta càng thấy dân Mỹ rành về chính trị như thế nào.

Trong khi đó người Nga đã bỏ qua một cơ hội chính trị vàng, đó là cách mạng Tháng Chạp năm 1825, hay người Trung Quốc với cách mạng Tân Hợi năm 1911 cũng vậy. Kết quả là, cho đến tận hôm nay, cả Nga và Trung đều chưa có một thể chế chính trị tốt, vững vàng, để đất nước phát triển thịnh vượng và lâu dài, theo kịp thời đại.

Dường như ý thức chính trị của công chúng, trong suốt chiều dài lịch sử, chính là mấu chốt để sản sinh ra những thể chế chính trị tiến bộ nơi họ. Ý thức này, cao hay thấp, phụ thuộc vào những yếu tố nào? Thật không dễ trả lời, nhưng chắc chắn là có sự tham gia của tôn giáo và văn hóa. Và nhớ rằng Mahatma Gandhi (1869-1948), đã phát biểu: “Ai nói rằng tôn giáo không liên quan gì với chính trị, người đó chẳng biết gì về tôn giáo“.

3/3/2019