Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

ÁN TỬ HÌNH DÀNH CHO CHA TÔI?

Dương Quốc Việt

Cha tôi sinh năm 1924, tức tuổi Giáp Tý, là con trai trưởng của ông nội tôi. Thời Pháp ông học trường Bách Nghệ và làm nghề Điện tại Hà Nội. Năm 1956, khi ông nội tôi bị quy địa chủ, thì cũng là lúc cha tôi gặp phải một kiếp nạn kinh hoàng! 

Cha tôi bị bắt giam, không chỉ do con địa chủ, mà còn bị cáo buộc là Quốc dân đảng. Tiếp đó, người ta đã đốt một ngôi nhà của một gia đình địa chủ khác, rồi đưa cha tôi-đang bị giam đến đó chụp ảnh. Họ làm thế, rồi vu cho cha tôi đốt nhà và dùng tấm ảnh làm bằng chứng, như thể bị bắt quả tang. Tôi còn nghe nói, tấm ảnh này còn được đưa lên báo-nhằm minh chứng tội ác của con cháu địa chủ. Như vậy ông đã bị cáo buộc 3 tội danh: con địa chủ, quốc dân đảng và đốt nhà. Nguy cơ cha tôi mang án tử hình là hiện hữu!

Nhưng đâu chỉ có vậy, trong nhà giam, ông còn phải gánh thêm một nỗi sợ hãi khác. Đó là nỗi lo-hai thằng con trai còn quá nhỏ của ông, tức tôi và em tôi, bị đầu độc-hãm hại. Tôi còn nhớ như in, hình ảnh ông nội tôi và cha tôi hai chân bị cùm. Thỉnh thoảng tôi được mẹ đưa đến thăm, cho đến khi cha tôi bị đưa đến một nơi xa, thì tôi không được đến thăm cha nữa. 

Mẹ tôi cùng những thân hữu của gia đình tôi, rất lo cha tôi không chịu đựng được, rồi nghĩ quẩn mà tự tử. Nhưng lạ thay, tại thời điểm đó, mẹ tôi mỗi ngày nhận được một mẩu giấy được vê tròn-thả nơi đầu ngõ nhà bên ngoại, ghi những tin tức-nuôi niềm hy vọng cho cha tôi và gia đình tôi. Trong lúc đang tuyệt vọng, mẹ cũng chẳng kịp nghĩ nhiều, mà chỉ bọc mẩu giấy đó vào nắm cơm-tiếp tế cho chồng, và cũng chỉ mong mang đến cho cha tôi chút hy vọng, để ông khỏi tự sát.

Thế rồi cái gì đến sẽ phải đến, ơn trời, cha tôi đã được thả ra. Ngày gặp lại cha, tôi còn ngượng ngùng (thuở bé tính tôi rất hay thẹn), nấp vào cánh cửa nhìn ông, đến khi ông ra đỡ, tôi mới bật khóc. Cảnh đoàn tụ của gia đình ông tôi, tại ngôi nhà ông dựng từ năm 1924, không chỉ có gia đình, mà còn khá nhiều khách. Trong ký ức của tôi thì đó là một ngày hội ấn tượng nhất trong đời. 

Rồi sau một vài năm sống ở quê, năm 1960 cha tôi được nhận vào làm việc ở Sở Điện Lực Hải Phòng. Ông đặc biệt yêu nghề, là người đã từng tham gia thiết kế hệ thống điện cho một số công trình quốc gia-quan trọng, phụ trách thi công nhiều đường điện ở Miền Bắc trong những năm chiến tranh. Nhưng quá trình thăng tiến của ông luôn bị vướng. Bởi mỗi lần người ta về quê thẩm tra lý lịch, thì chính quyền địa phương, vẫn luôn đưa ra nhiều khúc mắc. Mà đâu chỉ có cha tôi, cái kiếp nạn ấy, còn ảnh hưởng đến cả thế hệ chúng tôi sau này!

Cha tôi mất năm 2006. Người ra đi thanh thản như một ông tiên, sau bữa cơm tối. Sinh thời, ông cũng như mọi người trong gia đình, không muốn nhắc đến những câu chuyện về CCRĐ. Đặc biệt càng không muốn chúng tôi thù hận ai cả. Dẫu vậy, tôi vẫn phải chứng kiến những cái chết tức tưởi-thương tâm, cũng như những cảnh nheo nhóc-điêu tàn nơi quê nhà, cùng với những lời thì thẩm bên tai tôi của những người hàng xóm, rằng đó là những cảnh bị quả báo. Tôi nghe mà xót xa, mà thương cho tất cả những người dân quê tôi ngày ấy!