Thứ Năm, 16 tháng 6, 2022

CHỐN NÔ TÀI

Dương Quốc Việt

Ấy là người ta muốn nói đến các cơ quan nhà nước, các trường công xưa và nay. Bởi tại các thực thể này, từ thủ trưởng đến nhân viên, đều là những kẻ làm thuê cho nhà nước(!) 

Cũng cần nói thêm rằng, chỉ có ông chủ mời cần nhân viên làm việc tốt, còn nô tài với nô tài thì chúng chỉ cần sự trung thành. Thành thử, CHỐN NÔ TÀI khó tránh khỏi cảnh “chém giết” nhau, nhất là khi nó bị bỏ đói. 

Vốn dĩ “Dân nghèo thì mưu trí xảo trá phát sinh“, như Quản Tử đã tổng kết. Thế nên, chốn “nô tài bị bỏ đói”, sẽ biến thành nơi “miệng hùm nọc rắn”! Và nơi này, khi đó sẽ trở thành nơi lãn công, ăn chặn-ăn bẩn-ăn cắp, nói chi đến kiến tạo-xây dựng, nhân văn-văn hóa!? 

Dân “chốn nô tài” luôn thích có người đấu tranh. Bởi khi đó, không chỉ có người “chết thay”, mà họ còn được xem “kịch”. Thậm chí có kẻ còn nhân đó để “dạy đời”, để thể hiện mình. Đặc biệt những kẻ cơ hội được dịp để lấy lòng lãnh đạo, “mượn gió bẻ măng”. Tiếng nói đẩu tranh-phản biện ở chốn này, vì thế không chỉ phải chịu đơn độc-thị phi, mà còn bị nhiều làn đạn(!)

Thành thử “Thân ta ta phải lo âu, miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này”, là tình cảnh chung của những kẻ “thấp cổ bé họng”, ở những nơi đó. Dẫu thế, cũng vẫn không thiếu kẻ ưa thích, nên vẫn chẳng dễ để có chỗ ở chốn ấy! 

Vậy nếu bạn là người có năng lực chuyên môn, có khát vọng sáng tạo, tư tưởng tự do, dám tự chịu trách nhiệm với cuộc đời…, cùng với thể chất tốt, thì không có lý do gì bạn lại dại dột chôn thân vào những chốn nô tài như thế(!) 

Cuối cùng, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng: Muốn đất nước phát triển lành mạnh, nhất thiết phải giảm thiểu tối đa các “tụ điểm nô tài”, đặc biệt tránh để các “cơ sở nô tài” làm kinh tế. Và cũng chỉ khi đó tình trạng “nô tài bị bỏ đói” mới có điều kiện để khắc phục!