Thứ Năm, 17 tháng 11, 2022

GIỜ MỚI KỂ RA…

Dương Quốc Việt

Mùa xuân năm 1978, ngày ấy anh giáo còn quá trẻ, đã phải dẫn một đoàn giáo sinh thực tập sư phạm, ở tất cả các môn học, tại Điên Biên Lai Châu. Trong đoàn, dẫu trò có kém tuổi thầy cũng không bao nhiêu, lại còn không ít trò hơn tuổi thầy. 

Chao ôi thiếu nước, đói, buồn, lại gặp mùa “ruồi vàng-bọ chó-gió Tây Trang. Thôi thì phải lấy khiêm tốn, học hỏi làm đầu, cộng với sự cố vấn của các anh chị giáo sinh đã có thâm niên nhất định, nên nhiều việc sự vụ cũng ổn. Vốn ý thức được cảnh ngộ-thân phận, anh thu mình-im lặng, để giáo sinh và thầy cô sở tại, được thể hiện tự nhiên, như không có anh ở đó. 

Những tưởng-ở cái “xứ mù”, người ta sẽ khiêm tốn học hỏi, chẳng dám khoe khoang, vả lại họ còn có cái gì mà khoe kia chứ. Quả thật lúc đó, anh giáo đã có suy nghĩ bồng bột như vậy! 

Ấy thế mà đã xuất hiện những bài toán khiến các giáo sinh của cả đoàn không ai giải được. Vẫn cho là “chuyện con trẻ”, anh giáo cũng chẳng quan tâm, thậm chí anh còn nghĩ-“việc của con trẻ cứ để con trẻ tự giải quyết”, nên anh vờ như không hay biết. 

Nhưng rồi tiếng ồn ào to dần, hóa ra những bài toán kia, người ta còn định nhằm vào cả anh giáo nữa. “Cây muốn lặng gió chẳng dừng”, anh giáo phải lập kế-ngỏ ý với ông hiệu trưởng, rằng anh muốn “đóng góp” với trường bằng buổi ngoại khóa. Ông hiệu trưởng mừng lắm, đồng ý ngay, vì đó cũng là việc được tính vào điểm thành tích thi đua mà. 

Trong buổi ngoại khóa về các loại toán, anh đã “tế nhị” lồng vào những lời giải cho tất cả các bài toán đã đề cập ở trên. Thậm chí, anh còn đưa ra cả những lời bình phê phán cái mất tự nhiên-không hay ở một số bài… Thế là cái “tai nạn” môn toán được giải quyết! 

Dẫu vậy, cái điều bất ngờ khác, lại đến. Số là một cô giáo văn “sừng sỏ”, đã chê bai đủ điều các giáo sinh do cô phụ trách, đặc biệt cô ta còn ghi vào hồ sơ thực tập của họ. Khiến các giáo sinh này chỉ còn “chờ chết”! Bạn nghĩ xem, anh giáo phải làm thế nào để cứu họ đây? 

Buổi họp tổng kết đã tới, người ta vô cùng bất ngờ, vì đã tận mắt chứng kiến, cái cảnh anh giáo chỉ ra các lỗi chính tả, cái sự mâu thuẫn trong từng lời nhận xét, của mỗi cái hồ sơ đang “chờ chết” kia. Thậm chí anh còn “hỏi thăm” cô giáo kia đã được đào tạo ở đâu… 

Tất nhiên hồ sơ phải làm lại, với lời nhận xét mới, và khỏi phải nói, người được phê vào hồ sơ, đã phải “cải tà quy chính” như thế nào. Còn anh giáo thì cũng chẳng vì thế mà thấy vui, thậm chí anh còn thấy ngượng, cho nên mãi đến hôm nay, anh mới kể ra.