Thứ Năm, 5 tháng 1, 2023

NHÌN NHẬN VỀ THẾ HỆ?

 Dương Quốc Việt

Thú thực cho đến hôm nay, tôi đã từng nghe, từng đọc, từng thấy, biết bao diễn ngôn về thế hệ. Nào là thế hệ vàng, thế hệ lót đường, thế hệ anh hùng, thế hệ ăn theo, thế hệ được thụ hưởng này, thụ hưởng nọ…

Nghe để mà nghe, thấy rồi để mà thấy, nói thì cứ nói, diễn thì cứ diễn…, chẳng ai “đánh thuế”, hay kiểm tra người nghe ngấm đến đâu, phản ứng thế nào, kẻ diễn có tròn vai hay không.

Dẫu vậy, có lẽ cũng nên tìm hiểu, cái tâm tính cố hữu của con người sẽ như thế nào, khi nhìn nhận thế hệ mình và các thế hệ khác. Để qua đó có một cái nhìn độ lượng-cảm thông, cũng như góp phần thức tỉnh, trước cái thực trạng chung, một căn bệnh thuộc về con người.

Vậy thì, chúng ta cùng lần giở lại những đúc kết của tiền nhân về vấn đề này xem sao! 

Và bạn hãy xem đây-có một phát hiện bất ngờ thú vị. Rằng “Mỗi thế hệ đều tưởng tượng mình thông minh hơn thế hệ trước mình, và sáng suốt hơn thế hệ sau mình“. Cái điều đã được phát biểu bởi George Orwell (1903-1950)- tiểu thuyết gia, phóng viên, nhà viết luận văn người Anh, được biết tới với tác phẩm “Trại súc vật” và “Một Chín Tám Tư”.

Ngoài ra, Igor Stravinsky (1882-1971)-nhà soạn nhạc Nga, một trong những nhà soạn nhạc hàng đầu thế giới của thế kỷ 20, còn cho biết về một thực tế: “Bởi chính là do một đặc điểm của tự nhiên, mà chúng ta thường cảm thấy gần gũi với những thế hệ xa xưa hơn là thế hệ ngay trước chúng ta“.

Các phát biểu trên của George Orwell và Igor Stravinsky, dường như nói về căn bệnh chủ quan-có phần hoang tưởng của con người với thế hệ của mình. Điều này cũng không thật khó hiểu, nếu nhìn từ dục vọng của loài người.

Tuy nhiên, với những con người sáng suốt vượt trội, họ sẽ có cái nhìn “thoát tục”.

Chẳng hạn, James Madison Jr. (1751-1836)- tổng thống thứ 4 của Hoa Kỳ, người được ca ngợi là “Cha đẻ của Hiến pháp Hoa Kỳ”, đã để lại danh ngôn rằng: “Mỗi thế hệ đều cần phải đón nhận gánh nặng từ những cuộc chiến của chính mình, thay vì để chúng tiếp tục, buộc những thế hệ khác phải gánh chịu“.

Có lẽ cần phải hiểu, mỗi thế hệ chỉ có thể làm tròn hay không làm tròn sứ mệnh, hay bổn phận của chính mình, trước lịch sử, mà không nên nói quá về những điều gì khác.

Cuối cùng, xin được kết thúc câu chuyện này, bằng khẳng định rất đáng suy ngẫm của Quintus Curtius Rufus-nhà sử học người La Mã sống vào khoảng thế kỷ đầu tiên sau công nguyên, tác giả bộ “Lịch sử về Alexander Vĩ đại”: “Hậu thế trả giá cho tội lỗi của cha ông“.