Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

SUY NGHĨ VỀ MỘT TRƯỜNG SƯ PHẠM QUỐC GIA


Dương Quốc Việt
_______________________________
Đặt vị trí tương xứng cho Trường  ĐHSP Quốc gia là một việc hết sức nghiêm túc. Rõ ràng nó không thể chỉ là một trường thực hành, đào tạo nghề, mà nó phải là một đại học nghiên cứu, mạnh về khoa học cơ bản, trong đó đặc biệt mạnh về khoa học giáo dục!
Hệ thống các trường đại học Sư phạm trong suốt nhiều năm qua đóng vai trò quan trọng trong nền giáo dục nước nhà. Trong hệ thống này, Trường Đại học Sư  phạm Hà Nội (ĐHSPHN) có một vị trí đặc biệt. Nó dường như là cỗ “máy cái” của hệ thống Sư phạm. Ngày nay không ít khoa của trường, đang có những bước phát triển tốt về khoa học cơ bản. Nhưng vấn đề mà xã hội đang quan tâm, là sẽ định hướng phát triển Trường ĐHSPHN như thế nào, rằng nó được đặt ở vị trí nào trong hệ thống giáo dục ?
Từ lịch sử phát triển của Trường ĐHSPHN trong hơn 65 năm qua, thì rõ ràng trường này phải chịu trách nhiệm không nhỏ đối với giáo dục nước nhà. Nhưng sứ mệnh của Trường ĐHSPHN còn hay hết, và tương lai của nó sẽ ra sao? Trong hiện tại, người ta hay bàn thảo về loại hình của trường này, rằng nó cần được ưu tiên phát triển khoa học giáo dục, hay khoa học cơ bản, hay cả hai, hoặc nó có là một đại học nghiên cứu hay không ? Nhưng dù bất kể quan niệm như thế nào, thì rõ ràng một trường như ĐHSPHN, phải là trường dẫn đầu về khoa học giáo dục. Vấn đề là khoa học  giáo dục  ở Trường ĐHSPHN đã và đang phát triển đến đâu ?
Cũng cần nhấn mạnh rằng, phương pháp dạy học, phương pháp giáo dục cũng như việc tổ chức dạy học, luôn xuất hiện ở mọi loại hình đào tạo. Song những công việc đó dường như mới chỉ dừng lại ở đúc rút kinh nghiệm, thực hành, chưa thành một vấn đề khoa học. Trong khi đó cái mà chúng ta cần đó là khoa học giáo dục. Rõ ràng nó có vai trò như một khoa học cơ bản, gắn liền với các trường Sư phạm. Phải chăng đất nước đang gặp nhiều khó khăn trong cải tổ giáo dục, rồi ngay cả triết lý giáo dục, đó là vì khoa học giáo dục còn nhiều hạn chế. Khắt khe hơn, có người đã đặt câu hỏi: Chúng ta đã thực sự có khoa học giáo dục hay chưa ?
Nhân đây người viết kiến nghị rằng, các trường đại học Sư phạm nói chung, đặc biệt Trường ĐHSPHN, nếu vai trò là Trường  ĐHSP Quốc gia, thì nó cần phải là một trường đại học nghiên cứu, trong đó nhất thiết phải mạnh về khoa học giáo dục. Bên cạnh đó, phương pháp dạy học, phương pháp giáo dục… phải là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các khoa học chuyên ngành và khoa học giáo dục, cùng với thực tiễn phát triển xã hội! Rằng quyết không thể dùng chủ nghĩa kinh nghiệm, thay cho khoa học.
Cũng cần nói thêm rằng, nền học thuật của chúng ta chưa bao giờ đạt tới “hàn lâm”, cũng như khoa học giáo dục chưa thực sự phát triển, vì thế mà khuynh hướng thực dụng trong giáo dục luôn dễ có cơ hội nảy nở. Điều này thật nguy hại như  Einstein  đã từng cảnh báo: “Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở  thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có được một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời.  Anh ta phải được dạy để có được một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng” (A. Einstein, Thế giới như  tôi thấy, NXB Tri thúc 2007, trang 48).
Sơ bộ có thể thấy khoảng 250 tạp chí trong hệ thống ISI về nghiên cứu giáo dục-một sân chơi rộng mở. Rõ ràng với tư cách như  một khoa học cơ bản, thì khoa học giáo dục với các kết quả của nó, không có lý do gì, không thể cất cánh ra khỏi biên giới quốc gia.  Phương pháp giảng dạy các bộ môn chỉ có thể tin cậy được, nếu nó thể hiện được sự gắn kết cao giữa khoa học chuyên ngành với khoa học giáo dục, cùng với nhu cầu của thực tiễn.
Cuối cùng  người viết cho rằng, đặt vị trí tương xứng cho Trường  ĐHSP Quốc gia là một việc hết sức nghiêm túc. Rõ ràng nó không thể chỉ là một trường thực hành, đào tạo nghề, mà nó phải là một đại học nghiên cứu, mạnh về khoa học cơ bản, trong đó đặc biệt mạnh về khoa học giáo dục!
________________________
Xem thêm “Giả cày’ – Phiếm luận của Dương Quốc Việt – Hội-Nhà-Văn-Hải-Phòng