Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

BỘ MÔN PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY TRONG CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM

Dương Quốc Việt

Bộ môn phương pháp giảng dạy trong các trường sư phạm, Tia Sáng, 8 (20. 4. 2017)41-42. Online:  Bộ môn phương pháp giảng dạy trong các trường sư phạm

__________________
Thực tế nước ta trong nhiều năm qua, ở tất cả các khoa của các trường đại học Sư phạm đều có Bộ môn Phương pháp giảng dạy, mà những người bảo vệ luận án tiến sĩ, hay nhận học hàm phó giáo sư, giáo sư thuộc chuyên ngành này, đều được xem là thuộc về khoa học giáo dục, tức là những kết quả nghiên cứu mới của họ, như những đóng góp mới cho khoa học giáo dục. Mặt khác, có không ít những bộ môn phương pháp giảng dạy, đã và đang là những cơ sở đào tạo tiến sĩ rất mạnh, rồi không ít thành viên của họ nhanh chóng đạt được học hàm cao. Như vậy về logic thì những cơ sở này ắt phải là những cơ sở có nghiên cứu khoa học mạnh. Hơn nữa, vì đặc thù của bộ môn này, như  chính tên gọi, người ta có thể thấy sự ảnh hưởng không nhỏ của nó đến  giáo dục. Rằng đó chính là những điều khiến xã hội quan tâm đến thực chất của chuyên ngành này.
Lựa chọn các phương pháp giảng dạy, hay các phương pháp học tập, trong quá trình dạy và học, đương nhiên phải là sự gắn kết cao giữa khoa học chuyên ngành với khoa học giáo dục, cùng với thực tiễn. Nếu chỉ trong một tiết dạy, thì ảnh hưởng của việc lựa chọn phương pháp giảng dạy đúng hay sai, không lớn. Nhưng nếu đưa ra một phương pháp giảng dạy mới, hay một phương pháp học tập mới, và được phổ biến như một kết quả khoa học, thì đó là một vấn đề cực kỳ hệ trọng. Vì vậy tối thiểu trước hết nó cần phải được công bố, thông thường là trên các tạp chí có uy tín, và đương nhiên phải được phản biện kỹ càng  qua các chuyên gia. Rồi ngay cả khi đã được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, thì việc ứng dụng những kết quả đó, người ta cũng cần phải hết sức thận trọng. Điều này cũng như các phương pháp điều trị bệnh trong ngành Y vậy!
Điều gì sẽ xảy ra, khi hầu hết các kết quả nghiên cứu mới của các tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư của chuyên ngành phương pháp giảng dạy ở ta không có khả năng công bố trong các tạp chí quốc tế. Chẳng hạn, theo thống kê của GS Hoàng Xuân Phú: “Ngành giáo dục học có 272 tạp chí ISI, nhưng tất cả 34 PGS và GS được phong năm 2016 của ngành này gộp lại chỉ có mỗi 1 bài ISI/Scopus” (xem bài “Nghịch lý giáo sư, phó giáo sư: Sững sờ trước những con số”, Chuyên mục Giáo dục, Thanh Niên, 11-4-2017). Rõ ràng với tư cách là một khoa học, thì khoa học giáo dục với các kết quả của nó, không có lý do gì, không thể cất cánh ra khỏi biên giới quốc gia. Vậy thì những bài báo đã công bố của các tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư của chuyên ngành phương pháp giảng dạy ở dạng nào, chúng có phải là những bài báo khoa học (original articles) hay không, có thể mang ra để tính điểm công trình trong việc xét học hàm PGS/GS  được không ? Và nếu chúng được áp dụng thì rủi-may trong giáo dục sẽ ra sao, và ai là người chịu trách nhiệm ?
Một thực tế nhức nhối, là sự xuất hiện những phương pháp dạy và học kiểu “mỳ ăn liền”, được sử dụng công khai ở không ít trung tâm, thu hút không ít người học, đặc biệt là trẻ em, không thể không liên quan đến các bộ môn phương pháp giảng dạy. Cần nhấn mạnh rằng, ngay cả lối dạy học có khuynh hướng  thực dụng, cũng luôn được cảnh tỉnh, huống chi lại là phương pháp kiểu “mỳ ăn liền”.  Xin lắng nghe Einstein  cảnh báo: “Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở  thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có được một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có được một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng” (A. Einstein, Thế giới như  tôi thấy, NXB Tri thúc 2007, trang 48).
Như vậy việc giảng dạy ngay cả khi đã đạt được kiến thức chuyên môn cho người học vẫn chưa đủ, mà còn cần phải hướng tới mục tiêu cao cả trong giáo dục con người. Điều này càng đòi hỏi gắt gao về độ chuẩn xác của phương pháp giảng dạy. Do đó những kết quả nghiên cứu, được sản sinh ra từ các “chuyên gia phương pháp giảng dạy”,  không có khả năng công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, cần phải được đánh giá lại đúng thực trạng của nó. Rằng nếu nó chỉ được “đắp chiếu” để đấy, và chủ nhân của chúng chỉ lấy những học hàm, học vị cốt để có danh, hay hưởng lương thì đi một nhẽ (!) Nhưng những kết quả ấy cùng chủ nhân của nó, được thừa nhận và được trọng dụng trong giáo dục, thì hệ quả sẽ ra sao? Ngoài ra, sự không tương thích giữa năng lực nghiên cứu khoa học với việc có nhiều học hàm học vị cao cũng như đào tạo tiến sĩ rất mạnh, là những điều rất không bình thường ở nhiều thành viên của chuyên ngành này, chắc chắn để lại nhiều hệ lụy cho  xã hội,  rõ ràng đó  còn là một vấn đề của quản lý giáo dục.
Xin nhắc lại rằng, phương pháp giảng dạy các bộ môn chỉ có thể tin cậy được, nếu nó thể hiện được sự  kết hợp nhuần nhuyễn giữa khoa học chuyên ngành với khoa học giáo dục, cùng với nhu cầu của thực tiễn. Việc tùy tiện đưa ra và phổ biến các phương pháp giảng dạy mới, là điều không thể, nhất là nếu nó còn chưa được công nhận bởi một hệ thống phản biện đủ mạnh. Vì vậy các Trường đại học Sư phạm, cần phải đánh giá đúng thực trạng của Bộ môn Phương pháp giảng dạy, từ chương trình và giáo trình trong đào tạo đại học, đến những đề tài luận án tiến sĩ… Nên chăng cần phải xác định rõ đối tượng và nhiệm vụ của bộ môn này một cách khoa học, trên cơ sở tham khảo từ các nền giáo dục tiên tiến, từ đó định ra những yêu cầu tối thiểu về trình độ của giảng viên. Vì vai trò quan trọng của nó, trong việc đào tạo nghề cho những nhà giáo tương lai, nên nó cần phải được đặc biệt quan tâm, từ khâu tuyển chọn giảng viên, đến việc đòi hỏi gắt gao tính chuẩn mực và công bố quốc tế đối với các kết quả nghiên cứu mới!
_____________________________________