Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

LỜI THẦY ĐÃ HƠN NỬA THẾ KỶ?

Dương Quốc Việt


Đã đăng trên tạp chí VHNA: Lời thầy đã hơn nửa thế kỷ?

Đất nước này nhỏ lắm, lạc hậu lắm, đã thế lại còn cắt cứ chia rẽ, thì hết! Đó là câu mở đầu, khai giảng ở một lớp học cấp 2, cách đây đã hơn nửa thế kỷ của thầy tôi. Chả là ngày ấy, lớp học của chúng tôi, học trò tứ  xứ sơ tán về, và đã xảy ra chuyện mất đoàn kết, giữa kẻ vùng này, người vùng kia. Sau này trải nghiệm càng nhiều, chúng tôi càng nhận ra, đó chỉ là cái thông điệp mở đầu, trong chuỗi những thông điệp sau này, mà thầy mong muốn chúng tôi thấm được cái đạo lý “Tổ quốc trên hết”.          

Rồi những ngày này, khi mà lãnh thổ quốc gia, luôn bị xâm lấn, đe dọa, thì cái tinh thần “Tổ quốc trên hết” của nhân dân lại trỗi dậy. Người Việt lại có dịp được thể hiện tinh thần quật cường và lòng yêu nước, cái mà đâu đó đã bị lẩn khuất, trong những lo toan cuộc sống cá nhân, trước những bon chen, tiêu cực, nhức nhối hàng ngày.   

Năm tháng đã trôi qua, không biết lũ chúng tôi đã giác ngộ được cái đạo lý này đến đâu, nghĩ lại-quả thật không khỏi giật mình. Người ta thường chứng minh cho lòng yêu nước, cũng như thấm nhuần cái đạo lý “Tổ quốc trên hết” của người Việt, qua chiến đấu-hy sinh bảo vệ đất nước. Quả không sai, nhưng liệu thế đã đủ chưa?          

Nhớ lại năm xưa, lời thầy dạy, mới thấy, nếu người ta thấm nhuần cái đạo lý “Tổ quốc trên hết”, thì chắc chắn sẽ không có “lợi ích nhóm”, sẽ không xuất hiện “chủ nghĩa hậu duệ”, cũng như không có tư tưởng “vùng miền”. Và hẳn người ta sẽ thấu hiểu được, cái giả dối, cái tham nhũng-lãng phí, cái vô trách nhiệm, cái kìm hãm, cái dại chợ-khôn nhà, cái khuyết tật-yếu kém của hệ thống công quyền..., là những nỗi “quốc nhục.”  Rồi đành rằng, kẻ xấu là việc của người, nhưng để cho kẻ xấu tùy tiện nhảy vào ao nhà, bất kể khi nào chúng muốn, thì hẳn lại là vấn đề của chủ nhà. Rằng, phải chăng chỉ vì chủ nhà hèn yếu hay bị lệ thuộc, mới để xảy ra cơ sự!? 

Hóa ra dường như người ta đã quá nông nổi-chủ quan, về lòng yêu nước-thương nòi, về sự giác ngộ cái đạo lý “Tổ quốc trên hết”. Và phải chăng, ca ngợi đất nước-con người, căm thù kẻ xâm lược, sẵn sàng ra trận để bảo vệ giang sơn-đất nước, mới chỉ thể hiện được một phần của cái đạo lý “Tổ quốc trên hết”!? Vậy phần còn lại sẽ là gì? Trả lời đầy đủ cho câu hỏi này, thiết nghĩ sẽ là bổn phận của tất cả chúng ta! Nhưng chắc chắn, đặt quyền lợi của quốc gia lên trên tất cả, kiến tạo được một nhà nước-phát huy được mọi nguồn nhân lực, dập tắt được ý chí xâm lược của ngoại bang, sẽ phải là một phần của câu trả lời! Và rõ ràng trong cái lộ trình đó, thì việc trước mắt phải làm ngay, là kiến tạo được một nền giáo dục, mà trước hết đào tạo ra được những lớp người, có giác ngộ đầy đủ và sâu sắc  bổn phận của cá nhân đối với đất nước.    

Sau cùng để góp phần trả lời câu hỏi vừa đề cập, tác giả xin được chia sẻ bài thơ dưới đây, được viết tặng cháu đích tôn, lúc cháu hơn 2 tuổi.

GỬI CHÁU ĐÍCH TÔN  

Hà Nội-6- 4-2018-DQV

Ông viết những dòng này
Thuở cháu đang học nói
Rất có thể đến khi cháu hiểu
Ông đã lìa xa thế gian
Cháu đã lựa chọn
Đầu thai nơi đất Việt
Đất của cha ông-máu đỏ da vàng
Đất của những huyền thoại:
Hồng Bàng
Lạc Long Quân-Âu Cơ
Đồng bào-Đồng chí…
Đất của nghĩa tình
Của những anh hùng
Những người cần lao-giàu lòng yêu nước…
Đất của truyền thống:
Chị ngã em nâng
Sáng tạo thông minh
Và lòng dũng cảm…
Từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau
Có người bảo: “đất nước hình tia chớp”(*)
Đất của những điệu hò não ruột miền Trung
Những giọng Cải Lương-tiếng than vong quốc
Những lễ hội triền miên không dứt
Những cuộc say bỏ mặc ngày mai
Những mâm cỗ bên quan tài người chết…

Cháu học đi!
Không chỉ nghe huyền thoại
Những trang văn sáo rỗng vô hồn
Những dòng sử chỉ lấp lánh sao chiến thắng
Có phải chăng bạn-thù là mãi mãi
Và lịch sử sao chỉ là chiến sử!?

Cháu học đi!
Từ kho tàng nhân loại
Những áng văn lấp lánh chí làm người
Những trang sử đắng cay chân thật
Không chỉ chiến tranh mà cả dựng xây
Rằng vĩ nhân không phải bao giờ cũng đúng!?

Cháu học đi!
Để hiểu cội nguồn
Để khỏi tụng ca những điều hoang tưởng
Học để hiểu mình hiểu người
Kẻo trưởng thành trong hào quang giả dối
Để khỏi đổ tại người khi chửa nên thân!

Cháu học đi!
Để hiểu giống nòi
Những làn điệu dân ca vọng hồn xứ sở
Để bớt đi niềm tự hào ngơ ngẩn
Kẻo ngỡ mình hay
Mà không gắng từng ngày!?

Học để hiểu:
Nghĩa tình-đoàn kết…
Trăm vạn điều hay
Có thật chăng
Hay chỉ là huyễn hoặc
Như bao kẻ gian tự nhận thật thà!?

Cháu học đi để hiểu:
Sao bao niềm vui trên đống tro tàn
Bên những đổ vỡ của đồng bào đồng chí
Kẻ thắng người thua
Lòng dạ phân ly 
Tim Người tan nát- Mẹ Âu Cơ!?

Cháu học đi để hiểu:
Sao bao lần mất nước
Sau liệt oanh là một chuỗi ngày buồn
Kẻ công thần tranh nhau chia quả thực
Con dân lầm than bên những tượng đài
Máu đổ trong chiến trận
Tiếng khóc than ai oán thời bình!

Cháu học đi để hiểu vì sao
Giàu biển cả mà không người cưỡi sóng
Vượt trùng dương chinh phục bến bờ xa
Rừng đại ngàn mà sao vắng hùm thiêng
Tiếng gầm thét vọng vang bốn cõi!?

Cháu học đi!
Để biết mình non kém
Để biết cúi đầu
Mà gắng học người những điều huyền diệu
Để thấu những dại khờ
Những thiển cận nổi nông
Sao mãi sa vào chu kỳ mất nước!?

Cháu học để hiểu:
Thế nào là độc lập
Khi còn cơ hàn độc lập sao đây!?
Cháu học đi!
Để phân biệt háo danh hay hiếu học
Những lý thuyết “đầu Ngô mình Sở”
Có phải đặc thù!?

Cháu học đi!
Sao có thể vẻ vang
Khi vẫn còn nghèo nàn lạc hậu
Để thấu lẽ đời
Không hẳn người nghèo là tử tế
Rằng không phải giàu sang là mang tội!?

Cháu học đi!
Để hiểu ý trời
Thế giới muôn loài chủ-tớ
Phận tôi đòi khi vùng lên làm chủ
Thế giới này phút chốc tan hoang!

Cháu học đi để hiểu:
Chung đức tin là nơi tụ hội
Những linh hồn lạc lối bơ vơ
Thiếu đức tin vô vọng bốn bề
Ấy đức tin là cội nguồn chân lý!

Cháu học đi!
Để hiểu nghĩa quê hương
Và thấu hiểu nghĩa-tình yêu tổ quốc!
Cháu học đi!
Để hiểu nghĩa bạn bè
Và trân quý những tâm hồn đa cảm!

Cưng của ông ơi!
Biển học vô bờ
Ngẫm suy lắng đọng
Kiếp người nhân-quả
Cháu nhớ đừng quên!
________________
(*) Là tên một bài thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.


Lời thầy đã hơn nửa thế kỷ? – Bài viết Dương Quốc Việt (.com)    
 Lời thầy đã hơn nửa thế kỷ? – Bài viết Dương Quốc Việt (bl.com)


Đã đăng trên trang TN: LỜI THẦY ĐÃ HƠN NỬA THẾ KỶ?