Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

KẺ SỐNG SÓT

Dương Quốc Việt

Đã đăng trong Tạp chí văn hóa Nghệ An-Số 398-10/10/2019:  Kẻ sống sót

Lịch sử nhân loại, cũng như dân gian, đã ghi nhận biết bao tên tuổi, mà cuộc đời của họ  không chỉ được người đời tôn kính về nhân cách-đức độ-khoan dung…, mà còn là những câu chuyện cho hậu thế học hỏi, suy ngẫm. Những con người này, dẫu là bậc khai quốc-công thần, hay kẻ hoàn lương làm lại cuộc đời, thì họ cũng thường là những người phải nếm trải những khó khăn gian khổ, và là những kẻ sống sót-khi đi ngang qua bão tố cuộc đời. Họ cũng có thể là kẻ viên mãn, hay người bất hạnh, nhưng đã được xã hội đón nhận như những con người chiến thắng thử thách, những nhân chứng-khẳng định cho những giá trị cao đẹp của loài người.

Người phương Đông có câu:“Ngọc bất trác bất thành khí.” Còn Elisabeth Kübler-Ross (1926- 2004)-một nhà tâm thần học nổi tiếng người Mỹ gốc Thụy Sĩ, người tiên phong trong nghiên cứu cận tử, đã để lại danh ngôn rằng: “Những con người đẹp nhất là những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát, và đã tìm được đường ra khỏi vực sâu. Những người này có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời, cuộc đời đã làm họ tràn đầy sự cảm thông, sự dịu dàng và quan tâm yêu thương sâu sắc. Người đẹp không tự nhiên mà có.” Dường như đó là những thông điệp nhắn nhủ hậu thế rằng, người có trải qua “kiếp nạn” mới có thể trở thành hiền tài.

Cũng xin nói thêm rằng, Helen Adams Keller (1880-1968)-nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả người Mỹ, là một người khiếm thị, khiếm thính và đã được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ XX, đã đúc kết:“Tính cách không thể phát triển một cách dễ dàng và yên lặng. Chỉ qua trải nghiệm thử thách và gian khổ mà tâm hồn trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành và thành công đạt được.” Vì thế để được trao và hoàn thành một vị trí quyền lực nào đó, cá nhân không thể-không phải trải qua những thử thách, để chứng tỏ cái tính cách, cái “hơn người”, cái xứng đáng của mình. Nếu không họ sẽ trở thành kẻ gây họa. Nhất là trong thời đại cạnh tranh khốc liệt này!

Trở lại thực tế lịch sử, hậu duệ đa phần của các triều đại suy vong, thường là những kẻ non nớt, thừa hưởng, mà thiếu được trải nghiệm, rèn rũa nghiêm khắc như cha ông họ. Trong chế độ Phong kiến, thiên hạ được coi là của nhà vua, vì vậy việc lên ngôi ở các đời sau, chỉ là cha truyền con nối. Bởi thế mới xuất hiện những ông vua “ngồi nhầm chỗ”-không xứng làm vua. Còn trong thời đại mới, thì chính những nền độc tài, đã sản sinh ra cái “chủ nghĩa hậu duệ”, làm biến dạng và tha hóa quyền lực nhà nước. Và chỉ có những nền dân chủ thực sự, mới có thể chế ngự được tình trạng nhức nhối này!

Truyện Tam quốc kể lại rằng, được thừa hưởng ngai vàng từ vua cha Lưu Bị, Thục đế Lưu Thiện-một vị vua ăn chơi, không biết lo việc triều chính. Một ông vua mà như Tư Mã Chiêu đã phải thốt lên: dẫu Gia Cát Lượng có phục sinh cũng không cứu được nước Thục. Nhà Thục bị diệt, Lưu Thiện được triều đình nhà Ngụy cho làm An Lạc huyện công. Tấn chủ Tư Mã Chiêu vẫn còn đề phòng Lưu Thiện, nên một hôm ông cho mời Lưu Thiện đến phủ của mình dự tiệc và xem các cung nữ múa điệu múa của nước Thục. Nhân đó, Tư Mã Chiêu hỏi Lưu Thiện có còn nhớ đất Thục không, thì ông ta đã ngay lập tức trả lời: ở đây rất vui, nên tôi không còn nhớ gì đến đất Thục nữa. Khi đó Khước Chính -một viên quan nước Thục nghe thấy lời nói của Lưu Thiện thì không hài lòng, nên khuyên ông ta rằng, nếu Tư Mã Chiêu có còn hỏi thì nên nói: mồ mả tổ tiên vẫn còn ở Thục nên không ngày nào không nhớ. Lát sau Tư Mã Chiêu lại hỏi, Lưu Thiện đáp y như vậy. Chiêu bèn bảo: sao giống lời Khước Chính thế, Lưu Thiện thản nhiên, thú nhận hết việc này.

Ngược với Lưu Thiện, Tư Mã Chiêu vốn là người vào sinh ra tử, có tài kinh bang tế thế, người đã kế thừa xuất sắc sự nghiệp của cha anh. Vì thế trước cảnh ngây ngô đến tột đỉnh của Lưu Thiện, đã làm Tư Mã Chiêu bật cười, rồi mặt mày biến sắc, lát sau ông gục xuống bàn tiệc, như bị trúng phong. Nhiều người xem đoạn phim này cho rằng, có lẽ trước gã Lưu Thiện-một hôn quân đến nhường ấy, đã khiến ông nhức nhối-đứt mạch máu não!? Hóa ra kẻ “ngồi nhầm chỗ” còn gây phản cảm, nhức nhối, hạ nhục nhân phẩm, thậm chí hủy diệt sự sống của bậc quân tử.

Thực tế cho thấy, từ những người bình thường, đến những thiên tài xuất chúng, để tạo lập được những thành tựu ích nước lợi nhà, cũng như trở thành những công dân tử tế, đều phải vượt qua những thử thách. Thành quả càng lớn, thì thử thách gặp phải càng nhiều. Cũng ví như cây càng cao, càng phải hứng chịu nhiều gió bão. Và xin lắng nghe thông điệp của một nhà thuyết giáo nổi tiếng người Mỹ, người đã từng hai lần giữ vị trí giáo sĩ của thượng viện Mỹ-Peter Marshall (1902-1949): “Khi chúng ta mong ước cuộc đời không nghịch cảnh, hãy nhớ rằng cây sồi trở nên mạnh mẽ trong gió ngược, và kim cương hình thành dưới áp lực.”

Đành rằng cuộc sống chẳng ai muốn phải hứng chịu khổ đau. Nhưng xã hội loài người vốn nghiệt ngã. Để có một thủ lĩnh tài ba-sáng suốt, cũng như để có được những áng văn-những vần thơ trác việt…, thì những chủ nhân của chúng dường như không thể thoát khỏi những thứ thách cay nghiệt của cuộc sống. Đó như còn là những thử thách bắt buộc mà tạo hóa tạo ra cho họ, trước khi họ được trao cái sứ mệnh, làm đẹp cuộc đời. Rằng có thể gọi họ là những kẻ sống sót!