Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

NỖI SỢ HÃI

Dương Quốc Việt

Đã đăng trong Tạp chí VH Nghệ An-Số 413-25/5/2020: Nỗi sợ hãi

Câu chuyện về nỗi sợ hãi, không chỉ là những chuyện thường nhật, đơn lẻ-để rồi qua đi trong cuộc sống hàng ngày, mà còn là những chuyện dài-nhiều tập song hành-tồn tại cùng nhân loại. Trong suốt cuộc đời, con người luôn phải đối mặt với việc bỏ qua hay nhận diện, chiến thắng hay đầu hàng, những nỗi sợ hãi. Và rõ ràng, trong cuộc sống, không chỉ cần phải loại trừ nỗi sợ hãi-để hành động, mà còn cần nhận ra những điều đáng sợ, những nguy cơ-để ngăn chặn, thậm chí còn cần biết sợ-để chấp nhận-thua cuộc, hay còn cần cả biết kính sợ-để trân trọng-giữ gìn. Francis Quarles (1592-1644)-nhà thơ của nước Anh được biết tới với cuốn sách biểu tượng với tiêu đề Emblems, đã  để lại một danh ngôn-khiến hậu thế không thể không trăn trở-suy ngẫm: “Đừng sợ hãi bất cứ điều gì ngoại trừ thứ mà nỗ lực của anh có thể ngăn chặn; đừng tự tin về bất cứ điều gì ngoại trừ thứ mà số phận không thể đánh bại. Sợ hãi thứ không thể tránh cũng ngu ngốc chẳng kém gì yên tâm về thứ có thể bị tước đoạt”.

Thomas Hardy (1840-1928)-nhà thơ, nhà tiểu thuyết người Anh-một trong những văn hào tiêu biểu trong thời đại của Nữ hoàng Victoria, đã phát biểu: “Nỗi sợ hãi là mẹ của sự lo xa. Quả vậy, trong sự phát triển của cá nhân, hay xã hội, do biết sợ hãi trước những nguy cơ đe dọa, mà con người đã sớm biết hành động, để có thể ngăn chặn. Chẳng hạn, biết sợ cái đói nghèo, dốt nát, mà con người nỗ lực làm việc, học hành, tiết kiệm. Biết sợ tụt hậu, mà các quốc gia đã phải liên tục cải cách thể chế, kiến tạo đường lối để phát triển bền vững. Rồi vì thấu-sợ nỗi nhục mất nước, họa xâm lăng, mà con người luôn phải cảnh giác, xây dựng kế sách-giữ yên bờ cõi. Và có lẽ lời nhắn gửi: “Hãy để nỗi sợ hãi trước nguy hiểm trở thành động lực để ngăn chặn nó; người không biết sợ khiến nguy hiểm có được lợi thế”của Francis Quarles, sẽ còn mãi tính thời sự.

Đối lập với biết lo sợ trước nguy cơ, đó là những cảnh thái bình giả tạo, hội hè-đình đám-lãng phí, những kiểu tự tin-“điếc không sợ súng”, hay “ếch ngồi đáy giếng”… Rồi ngay cả cái thói quen khuếch trương chiến quả-thắng lợi, cũng là những lối hành xử của những kẻ không biết lo sợ trước nguy cơ. Tất nhiên, nhận thức cũng như ứng xử của mỗi con người, mỗi thực thể, trước những nguy cơ, sẽ không giống nhau, thậm chí còn đối nghịch nhau. Chẳng hạn, nguy cơ mất nước là nỗi sợ chung-lớn nhất của mọi dân tộc, nhưng có thể, lại là không phải, đối với một nhóm người nào đó-đặt sự tồn vong của họ, lên trên tất cả. Vì vậy, mới có cái cảnh “rước voi về giày mả tổ” hay “bán nước cầu vinh”, những điều không ít lần, đã xảy ra trong lịch sử dân tộc cũng như nhân loại.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926)-giảng viên-nhà văn với bút danh Nguyễn Lang-nhà thơ-nhà khảo cứu-nhà hoạt động xã hội-người vận động vì hòa bình, đã tổng kết rằng: “Con người luôn gặp khó khăn trong việc buông bỏ đau khổ. Với nỗi sợ hãi về những điều bất định, họ chọn chịu đau khổ trong những thứ quen thuộc. Có lẽ với cách hành xử-lựa chọn như vậy, do tính cách, do hoàn cảnh, mà không ít kiếp người, đã  cam chịu khổ đau. Danh ngôn này, dường như, nói về một hiện thực khá phổ biến, đối với hầu hết con người, ở các dân tộc-chậm phát triển, vốn là những thực thể sợ mạo hiểm, đặt sự an toàn lên trên tất cả, mà không coi trọng sự phát triển. Và lịch sử cho thấy, những dân tộc mang tính cách như thế, không chỉ tụt hậu, mà còn liên tục bị ngoại bang xâm lăng.

Brian Tracy (1944)-một tác giả viết về chủ đề tự-giúp-bản-thân, chủ tịch của công ty Brian Tracy International, đã đúc kết: “Thất bại không phải là thứ kéo con người lại; chính nỗi sợ thất bại mới là thứ làm bạn tê liệt”. Còn Lev Davidovich Landau (1908-1968)-nhà vật lý Liên xô nhận giải Nobel năm 1962, thì đã bày tỏ thẳng thắn rằng: “Ai cũng có khả năng sống đời hạnh phúc.Tất cả những lời nói rằng những ngày tháng ta đang sống mới khó khăn làm sao, chỉ là một cách khéo léo để biện minh cho nỗi sợ và sự lười biếng”. Đọc những lời này, khiến người ta liên tưởng đến những tiếng thở than của những con người, thời bao cấp, chịu đựng cuộc sống eo hẹp và rất ít cơ hội, bị kìm kẹp trong sợ hãi-biếng lười và nghèo khổ, ở Việt Nam cũng như một số nước Đông Âu trước đây.

John Adams (1735-1826)-luật sư, chính khách, nhà ngoại giao, nhà lý luận chính trị và tổng thống thứ hai của nước Mỹ, cho biết một sự thật rằng: “Sự sợ hãi là nền tảng của hầu hết các bộ máy chính quyền”. Sự thật trần trụi này, đã giải thích được nhiều điều, đặc biệt là cách hành xử bạo lực-trấn áp của những nền độc tài, gieo rắc nỗi sợ hãi xuống công chúng, nhằm bảo vệ quyền lực của mình. Tuy nhiên, cần nói thêm rằng: “Quyền lực có hai dạng. Một sinh ra từ nỗi sợ hãi bị trừng phạt và một sinh ra từ những hành động yêu thương. Quyền lực dựa trên tình yêu hàng nghìn lần hiệu quả và lâu dài hơn quyền lực dựa trên sợ hãi”. Điều mà Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948)-nhà chính trị và lãnh đạo tinh thần người Ấn Độ đã chỉ ra. Nhưng “Quyền lực dựa trên tình yêu” chỉ có thể có được, ở những nền dân chủ thực sự. Còn ở những nền độc tài, thì trái lại, chồng chất nỗi sợ hãi, bởi không chỉ người dân sợ cường quyền-bạo ngược, mà ngược lại, kẻ thống trị cũng luôn phải sống trong nỗi lo sợ sự phản kháng từ nhiều phía, khiến xã hội nghẹt thở, thậm chí khủng bố, vì thế chúng không thể tồn tại lâu dài.

René Karl Wilhelm Johann Josef Maria Rilke (1875-1926)-một trong những nhà thơ người Áo lớn nhất của thế kỉ 20, đã bày tỏ: “Con người cần phải có hành động chống lại nỗi sợ hãi một khi nó nắm được anh ta”. Mạnh mẽ hơn thế, Thomas Carlyle (1795-1881)-triết gia, nhà văn châm biếm, nhà viết luận, sử gia và nhà giáo người Xcốt-len, đã khẳng định rằng: “Nghĩa vụ đầu tiên của con người là chinh phục nỗi sợ; anh ta phải ném bỏ nó, nếu không, anh ta không thể hành động”. Nhưng chống lại nỗi sợ hãi, dường như lại là một trong những việc khó khăn nhất, đối với đa số con người. Vậy làm thế nào để chiến thắng nỗi sợ hãi?

Và Eleanor Roosevelt (1884-1962)-đệ nhất phu nhân, nhà nhân đạo, nhà hoạt động xã hội Mỹ, đã chỉ ra cách vượt qua nỗi sợ hãi như thế này: “Tôi tin rằng bất cứ ai cũng có thể vượt qua sợ hãi bằng cách làm điều mình sợ; nếu như anh ta tiếp tục làm điều đó cho tới khi có những trải nghiệm thành công sau mình” và “Chúng ta trở nên mạnh mẽ, từng trải và tự tin nhờ từng trải nghiệm mà chúng ta thực sự dừng lại để nhìn thẳng vào mặt nỗi sợ… chúng ta phải làm điều mà chúng ta nghĩ mình không thể”. Có lẽ đây là một trong những đúc rút quý giá, khả thi, cho những người, quyết vượt qua nỗi sợ hãi nào đó, trong hoàn cảnh và năng lực cụ thể của bản thân. Nhưng rõ ràng, kiên trì hành động và có phương pháp, là không thể thiếu. Và quả thật trong cuộc sống, đã không ít những tấm gương, thông qua nỗ lực luyện rèn, mà đã vượt qua được những nỗi sợ hãi, tưởng chừng như không thể, để làm nên những thành quả lớn lao.

Tôi tin rằng, bạn cũng như tôi, chắc chắn, cũng đã từng vượt qua một nỗi sợ hãi nào đó, để đạt được một thành công, trong một ước mơ nào đó của mình. Và bây giờ, bạn thử ngẫm lại xem, nó có phải như thế này chăng: “Phần lớn những khi bạn đối diện với nỗi sợ hãi của mình, bạn sẽ phát hiện ra thực chất nó chẳng phải là mối đe dọa lớn lắm. Tất cả chúng ta đều cần động lực sâu sắc, mạnh mẽ cho phép chúng ta vượt qua trở ngại để có thể sống với giấc mơ của mình”. Đó cũng chính là điều mà Leslie Calvin “Les” Brown (1945)-nhà diễn thuyết, tác gia nổi tiếng người Mỹ-từng là chính trị gia, thành viên Hạ viện Ohio, đã tổng kết!

Để tiếp tục câu chuyện của chúng ta, xin mời bạn hãy kiểm tra, để biết độ xác thực đến nhường nào, cái thời khắc “liều lĩnh”-nhất thiết phải có, đối với tất cả chúng ta, để vượt qua được nỗi sợ hãi, đã được mô tả lại bởi Oprah Gail Winfrey (1954)-nữ giám đốc truyền thông, diễn viên, nhà sản xuất truyền hình và nhà từ thiện-được mệnh danh là “Nữ hoàng của mọi phương tiện”-người Mỹ gốc Phi giàu nhất thế kỷ 20: “Ý nghĩa thực sự của lòng can đảm là thấy sợ hãi, và rồi bước lên trước khi đầu gối run lên và trái tim đập mạnh–thậm chí ngay cả khi không ai hiểu được bước chân ấy trừ chính bạn. Tôi biết điều đó không dễ. Nhưng có hành động bạo dạn là cách duy nhất để thực sự tiến lên về hướng viễn cảnh lớn lao mà vũ trụ dành cho bạn”.

Có lẽ cần nhìn lại một sự thật rằng, trong nhiều trường hợp, con người sợ hãi-không dám hành động-không dám lựa chọn, còn là vì những thứ người ta sợ mất. Nhưng hãy nghe đây, những lời thức tỉnh của Steve Jobs (1955-2011)-một doanh nhân và nhà sáng chế lỗi lạc người Mỹ: “Nhớ rằng tôi sẽ chết, đó là công cụ quan trọng nhất tôi từng có để giúp mình thực hiện những lựa chọn lớn trong cuộc đời. Bởi vì hầu hết tất cả mọi thứ-tất cả những hy vọng phù phiếm, lòng kiêu hãnh, nỗi sợ mất mặt hay thất bại-tất cả những thứ này sẽ mờ nhạt đi khi ta đối diện với cái chết, chỉ để lại điều gì thật sự quan trọng. Nhớ rằng bạn sẽ chết, đó là cách tốt nhất tôi biết để tránh cái bẫy suy nghĩ rằng bạn vẫn còn thứ để mất. Bạn thực chất chẳng có gì. Không có lí do để không đi theo trái tim.

Nỗi sợ hãi luôn có trong mỗi con người, không bao giờ hết. Cũng như sự can đảm hay tự tin-không có sự phân chia đồng đều, sợ hãi cũng vậy-liều lượng ở mỗi cá thể không như nhau. Tuy nhiên, ngoài yếu tố bản năng-như sự ký gửi của tạo hóa, sự xuất hiện nỗi sợ hãi trong mỗi con người, có những nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như, sự định kiến, tín ngưỡng, văn hóa, tính cách, môi trường xã hội, giáo dục… Bên cạnh những nỗi sợ hãi là cần thiết, là tất yếu, là xứng đáng, thì cũng có không ít những nỗi sợ không đáng có. Elbert Green Hubbard (1856-1915)-nhà văn, nhà phát hành, nghệ nhân và triết gia người Mỹ, đã cảnh tỉnh hậu thế rằng: “Sai lầm lớn nhất bạn có thể phạm phải trong đời là luôn sợ hãi mình sẽ phạm sai lầm”. Quả vậy, thử hỏi trong cái thế giới đầy bất định này, nếu không dám mạo hiểm, luôn sợ sai lầm-thất bại, thì con người sẽ làm được những gì(?!)