Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

CÂU HỎI VỀ MỘT LỜI TIỄN ĐƯA?

Dương Quốc Việt

Và chiều nay 
trước phút vội đi xa
Người còn nghe
thánh thót
Krup-skai-a
Đọc trang sách
Tình yêu cuộc sống”.

Đó chính là những vần kết trong bài thơ “Với Lenin” của nhà thơ Tố Hữu (1920-2002). Mà câu chót của nó, đã nhắc đến tác phẩm: “Tình yêu cuộc sống” của John Griffith “Jack” London (1876-1916)-nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Mỹ.

Và thật không đơn giản, khi “Tình yêu cuộc sống”, đã được người ta đọc, như để tiễn đưa một con người vô thần-tranh đấu quyết liệt như Lenin (1870-1924) về cõi vĩnh hằng. Tất nhiên, theo logic, thì cái khung cảnh hiện thực đó, Tố Hữu chỉ là người được nghe kể lại(!) 

“Tình yêu cuộc sống” với nguyên tác bằng tiếng Anh: “Love of Life”, đã mô tả cái “khát sống” dường như không giới hạn của con người. Nhưng ngoài cái thông điệp mà bạn đọc thường thấy, như chính cái tiêu đề của nó, thì sự hiện diện những cảnh ghê sợ, còn hơn cả cái chết-bao phủ toàn bộ tác phẩm, khiến người ta tin rằng, nó còn ẩn chứa nhiều thông điệp khác nữa.

Vì thế, mà không ít người càng thêm tò mò-muốn biết, tác giả của nó, trước hết, đã quan niệm về sự sống và cái chết như thế nào? Và phải chăng, câu trả lời dường như phần nào đã được giải đáp, qua những dòng để lại dưới đây của ông: 

“Cuộc sống là một điều lạ lùng! Tại sao lại khát khao cuộc sống như vậy? Đó là trò chơi mà không người nào thắng. Sống là lao lực vất vả và chịu đựng khổ đau, cho tới khi tuổi già trườn tới và chúng ta đặt tay xuống tro lạnh của lửa tàn. Sống thật khó khăn! Đứa trẻ đau đớn hít hơi thở đầu tiên, người già đau đớn hổn hển với hơi thở cuối cùng, cùng tất cả ngày tháng tràn đầy rắc rối và buồn thương; ấy vậy mà khi con người tiến vào vòng tay rộng mở của cái chết, lại loạng choạng, ngã dụi, đầu quay về sau, chiến đấu tới giây phút cuối cùng. Cái chết đầy tử tế! Chỉ có cuộc sống và những điều của cuộc sống mới đau đớn. Thế nhưng chúng ta vẫn yêu cuộc sống và căm ghét cái chết. Thật lạ lùng!”.

Đến đây, hẳn nhiều người sẽ nhận ra, “Tình yêu cuộc sống” của Jack London, như còn ẩn chứa cái thông điệp “sống không bằng chết”, rất đáng ghê sợ đối với loài người. Cũng vì thế, mà hậu thế sẽ không khỏi giật mình, tự hỏi, là vô tình hay hữu ý, người ta đã tiễn đưa Lenin bằng một áng văn tàn khốc đến như thế (?!) 

___________

Chiều 2/7/2021