Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

KẺ BIẾT ĐÁNH CƯỢC VỚI CUỘC ĐỜI ?

Dương Quốc Việt 

Tôi không còn nhớ rõ, mình đã được đọc “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư (1911-1991) từ khi nào? Một bài thơ chỉ có chín câu, nhưng nó đã đi vào huyền thoại của thi ca Việt Nam: 

Em không nghe mùa thu 
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

Tôi cảm như “Tiếng thu” của đất trời, không ai có thể “nghe” thấy, ngoài “Con nai vàng ngơ ngác” kia. Và phải chăng chú “nai vàng ngơ ngác”-thánh thiện ấy, cũng chỉ có thể đột nhiên xuất hiện, trong cái tâm hồn của những người như Lưu Trọng Lư, thuở nào.

Cũng kể từ đó, trong ký ức của tôi, hình ảnh tác giả của “Tiếng thu” luôn gắn với hình ảnh “nai vàng ngơ ngác”, trước cuộc đời. 

Thế rồi, bỗng một ngày, do được đọc một Stt của Đạo diễn Điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn, tôi được biết đến một tuyên ngôn của Lưu Trọng Lư: “Ta thà bị lừa còn hơn không tin vào con người“. Và cùng với việc liên tưởng đến một danh ngôn của đại thi hào Johann Wolfgang (von) Goethe (1749-1832): “Bị bạn bè lừa gạt vẫn tốt hơn đi lừa gạt bạn bè“, tôi mới ngộ ra, nhà thơ của chúng ta, thật tỉnh táo biết nhường nào. 

Quả thật cả hai con người này, đều là những kẻ rất biết “đánh cược” với cuộc đời. 

Bởi hơn tất cả, trong cuộc đời ngổn ngang những mờ ảo-khó phân biệt thực hư này, thì mỗi một con người cá nhân, không thể không tự xây dựng cho mình một đức tin. Đặc biệt những nghệ sĩ, hay những người làm công việc sáng tạo. Vì chính đức tin sẽ tạo nên, cũng như định hướng cảm xúc sáng tạo trong họ.

Đến đây, chắc bạn cũng như tôi, không thể không nghĩ rằng, các tác giả của những tác phẩm văn chương nghệ thuật bất hủ, ắt hẳn đều phải là những con người dũng cảm, để yêu lấy cuộc sống và biết “đánh cược” với cuộc đời này, như Goethe và Lưu Trọng Lư đã sống.