Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

SUY TƯ VỚI CHỮ “CỐT”

Dương Quốc Việt


Đã đăng trong TS: Suy tư với chữ “cốt”

Mở đầu Cáo Bình Ngô, đã tuyên rằng “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân“. 

Sự thực, tôi đã được nghe bình giảng “áng thiên cổ hùng văn” này đến hai lần (ở lớp 7 và lớp 8), cách nay đã trên nửa thế kỷ. Nhưng trong ký ức tuổi học trò, ngay từ ngày đó, tôi đã rất băn khoăn về chữ CỐT, mà chẳng thể thổ lộ được cùng ai. 

Bạn có thể sẽ hỏi tôi-băn khoăn vì điều gì? 

Thú thực-khi đó tôi còn rất mơ hồ! Bởi có lẽ, trong tâm hồn còn ngây thơ thuở ấy, tôi đã đặt kỳ vọng quá cao về tính nhân văn-vì dân vào tác phẩm chăng? Tất nhiên, ở thời điểm đó, tôi làm sao mà ý thức được đầy đủ cái “ý nghĩa chính trị” kia chứ(!) 

Sau này, trưởng thành hơn, tôi đã tự đặt câu hỏi: Người ta sẽ hành xử như thế nào nếu chỉ CỐT Ở AN DÂN?

Và chắc chẳng cần phải bàn nhiều, ai cũng có thể nhìn thấy ngay, cái “nhân nghĩa” đã chỉ ra trong bài cáo, chỉ là một đáp án, một phương pháp để đạt được sự an dân. Rõ ràng vì CỐT Ở AN DÂN, người ta có thể hành xử bằng nhiều cách khác nhau, điều này tùy thuộc vào thời đại, thể chế, cũng như phẩm hạnh của kẻ cầm quyền. Vả lại, chẳng có chế độ chính trị nào, mà không muốn an dân, chỉ có cách làm là khác nhau mà thôi!

Hóa ra, dường như “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân“, chỉ như một tuyên ngôn chính trị, hơn là đề cao nhân nghĩa. Nó như dạy người ta một cách thức làm an dân, chứ không hẳn để xiển dương nhân nghĩa(!) 

Đành rằng, nhân nghĩa là một mỹ đức cao cả, một giá trị luôn được con người nỗ lực đeo đuổi, ở mọi thời đại. Nhưng xét cho cùng, ở vào thời đại phong kiến, thì cái ngai vàng mới là tất cả. Vì vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi Cáo Bình Ngô, coi “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân“. Bởi đó là bố cáo của một triều đại mới, một tuyên ngôn, trước bàn dân-thiên hạ, của đấng thiên tử-người được lãnh cái sứ mệnh “chăn dân trị đời”-toàn quyền sinh sát, đối với con dân. 

Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948)-nhà chính trị và lãnh đạo tinh thần người Ấn Độ đã chỉ ra rằng: “Quyền lực có hai dạng. Một sinh ra từ nỗi sợ hãi bị trừng phạt và một sinh ra từ những hành động yêu thương. Quyền lực dựa trên tình yêu hàng nghìn lần hiệu quả và lâu dài hơn quyền lực dựa trên sợ hãi”. Nhìn nhận như thế, để thấy được những tư tưởng tất yếu, cũng như những tư tưởng vượt thời gian, đặc biệt nhằm tránh đi những cái nhìn sai lệch, thiếu khách quan, không đáng có, trước “áng thiên cổ hùng văn“-nổi tiếng trong lịch sử dân tộc.