Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

KỶ NIỆM VỚI “BẬC TỬ TẾ”

Dương Quốc Việt

Lúc còn nhỏ tôi hay được nghe, những người trong đại gia đình, mà trước hết là cha mẹ tôi, nhắc đến chữ Tử Tế, trong rất nhiều câu chuyện thường nhật. Mẹ tôi vốn là người rất khó tính với con cái, mỗi khi bà không bằng lòng với chúng tôi về điều gì, nhất là về hành xử, bà hay nói “tử tế quá”, hay “tử tế thế”, là tôi rất sợ, vì đó chính là lời chỉ trích của bà. 

Nếu tôi nhớ không nhầm, thì chữ “tử tế”, lại ít được dùng trong nhà trường-kể cả trong các bài học. Có lẽ thời học trò của chúng tôi, dường như là thời kỳ của những bài văn Tụng Ca, hay Tố Cáo, cũng như mọi suy nghĩ và hành động đều được định hướng theo chuẩn “đoàn-đội”, vì thế mà chữ Tử Tế không có đất để sử dụng chăng!? 

Vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, tôi cũng không còn nhớ rõ-một lần nào đó đàm đạo cùng một vài bậc đàn anh về chất lượng con người trong các tiểu thuyết cũng như ngoài đời, và chữ Bậc Tử Tế đã được anh em chúng tôi sử dụng. Tất nhiên, chúng tôi cũng chẳng hề bàn thảo thế nào là “bậc tử tế”.

Thế rồi từ đó trong nhiều giao tiếp, nhất là những khi đàm đạo, “bậc tử tế” đã được tôi sử dụng, để khẳng định thứ bậc-một con người, hay một nhân vật nào đó. Chẳng hạn bàn luận về những nhân vật trong Tam Quốc diễn nghĩa, thì Lỗ Túc là bậc tử tế, nhưng Chu Du và Gia Cát Lượng thì tôi không xếp vào bậc tử tế, mặc dù hai người này có mưu lược vượt trội so với Lỗ Túc…

Hồi tưởng lại về một khoảng thời gian-độ mươi năm, từ đầu những năm 70 đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chẳng hiểu sao, tôi rất hay dùng chữ “bậc tử tế”-trong những câu chuyện vui với bạn bè, và bù lại cũng rất được các bạn hưởng ứng.

Vì thế nhiều khi gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, các bạn lại vui đùa kể bữa nọ bữa kia gặp những “bậc tử tế”, hoặc không phải “bậc tử tế”, như cố ý nhắc lại chữ này với tôi, nhằm để đùa vui và làm tăng thêm độ thân mật-gần gũi. Thậm chí có bạn còn hỏi đùa tôi- ông A, ông B gì đó có được là “bậc tử tế” không?

Rồi cũng từ lâu lắm rồi, chắc cũng vào khoảng 40 năm qua, “bậc tử tế” dường như không còn được tôi sử dụng, cũng như không được nghe thấy ai nói đến nữa. Nhưng có lẽ suy nghĩ cho tử tế, nói cho tử tế, ăn mặc cho tử tế, làm việc cho tử tế, sống cho tử tế… chẳng phải là những nỗ lực và kỳ vọng của mỗi cuộc đời sao?

Trải nghiệm càng nhiều tôi càng nhận ra, sự tử tế, mới chính là cái đã và đang bị thiếu hụt nhiều nhất trong xã hội này. Và phải chăng, chỉ khi nào cái TỬ TẾ lên ngôi, và những người có vai trò lãnh đạo-dẫn dắt công chúng ở tất cả các lĩnh vực, đều là những BẬC TỬ TẾ, thì xã hội mới có cơ hội phát triển lành mạnh và tiến bộ!?