Thứ Ba, 7 tháng 12, 2021

XỨ NGHỆ VỚI TÔI

Dương Quốc Việt

Mẹ tôi quê ở Hưng Yên. Ông nội mẹ làm sếp ở nhà máy điện Bến Thủy-thành phố Vinh. Sau này khi nhắc đến cụ, người ta gọi cụ là cụ Cai. Và cha truyền con nối, con trai cụ, tức ông ngoại tôi cũng giữ chức vụ đó tại nhà máy này. Bà ngoại tôi mất năm 1938. Vì thế ông lấy bà trẻ. Mẹ tôi cũng có thời sống với cha ở Vinh và đi học tại đây. 

Bà ngoại kế của tôi-người làng Vĩnh Tuy-xã Vĩnh Thành-huyện Yên Thành-Nghệ An. Thời kháng chiến chống Pháp, bố-mẹ, cậu và chị gái tôi đã tản cư vào Vĩnh Tuy. Năm 1953 tôi được sinh ra và cô Tuyết là người đón tôi chào đời ở đó. Cùng năm này, ông ngoại tôi mất.

Trong ký ức tuổi thơ, tôi còn nhớ như in bao điều mẹ tôi kể về mảnh đất Vĩnh Tuy, về Thành Vinh. Nơi tôi sinh ra với những hàng rào rau ngót tốt tươi, nhưng ở đó người ta không dùng làm rau ăn, và mẹ thường tắm cho tôi bằng nước rau này. 

Đặc biệt Vĩnh Tuy, còn là nơi đã “đánh dấu” vào góc trên bên trái trán của tôi, như thể nhắc tôi luôn phải nhớ nơi này! Số là vì, lúc tôi độ 6 tháng tuổi, cậu đã cầm một con ba ba còn nhỏ, dứ dứ trước mặt cháu, bất ngờ bị nó thò đầu ra đớp vào trán cháu, để lại một vết sẹo. 

Mẹ tôi kể, ngày ra Bắc, tôi đã khóc suốt mấy dặm đường, ngoái đầu về “Nơi chôn rau cắt rốn” của tôi. Rồi bà kế cũng đưa tiễn một đoạn đường dài, bà cũng khóc rất nhiều, như điềm báo trước sự vĩnh biệt, cùng với những hoạn nạn nào đó sẽ ập đến. 

Thực ra, ngày ấy mẹ tôi buồn lắm, không muốn ra Bắc, mà muốn qua Lào, rồi sang Thái…, nhưng cha tôi không đồng ý. Bởi dường như bà đã linh cảm thấy những điều chẳng lành, đang đón đợi gia đình chúng tôi ngoài đó. Và quả nhiên, sau này ông nội tôi bị quy kết thành địa chủ, cùng với biết bao trắc trở, truân  chuyên khác, đeo bám gia đình chúng tôi, trong nhiều năm sau đó.

Ngày mẹ còn trẻ, mỗi khi nhắc lại những năm tháng, sống ở Vinh, hay Vĩnh Tuy, bà không khỏi tiếc nuối, và càng thêm thương chúng tôi-trong cảnh ngộ hiện tại nơi quê nhà. Mẹ luôn mong mỏi, một ngày nào đó, dẫn tôi thăm lại đất xưa. Nhưng tiếc thay, bởi chiến tranh, nên bà đã không thể thực hiện được ước nguyện này. 

Nhớ lại khi xưa, kể về những chuyện liên quan đến vùng đất Thanh-Nghệ-Tĩnh, mẹ tôi thường nhắc đến một câu đầy bí ẩn: “Của Thanh-Thanh hóa, của Nghệ-Nghệ tan”. Còn với tôi, cho đến nay, được ngồi trên tàu chậm, ngắm nhìn dải đất Miền Trung, vẫn luôn là những điều mà tôi ao ước, dẫu có bao nhiêu lần lặp lại như thế.