Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

PHẬT SỐNG CỦA TÔI

Dương Quốc Việt

Vào một buổi tối năm 1956, cái ngày mà “sai nha” xông vào nhà tôi lấy hết mọi thứ-ông nội tôi bị quy thành địa chủ, tôi và em trai tôi, được mẹ đưa sang quê ngoại ở làng bên, để cụ nuôi. Cụ là bà nội của mẹ tôi. Khi đó tôi 3 tuổi, còn em trai tôi 1 tuổi. Cụ chiều chúng tôi lắm. Đêm đêm cụ ôm anh-em tôi vào lòng, với chất giọng trầm buồn miền Trung, cụ kể những câu chuyện, mà tôi có thể hiểu được.

Ngôi nhà 5 gian với mảnh vườn-lối ra cổng với hai hàng tóc tiên xanh-mềm mại, đôi khi chỉ có ba cụ cháu. Tôi còn nhớ như in, những chiều hè tha thẩn một mình bên góc sân, góc vườn, khi mà cụ còn bận việc gì đó, hoặc phải dỗ dành em tôi. Những lúc như thế, tôi làm bạn với những chiếc lông gà, lông chim, rồi thả chúng lên trời theo làn gió, và dõi theo mê mải cho đến khi chúng mất hút trong không trung. Trong ký ức tuổi thơ của tôi, thì đấy là những cuộc chia ly, đầy nhung nhớ-những chiếc lông vũ được thả ra từ bàn tay tôi để chúng được bay về trời. Thậm chí đôi khi trước khi thả, tôi còn ngắm chúng rất kỹ, như thể một người bạn thân thiết nhất, sắp phải rời xa tôi vĩnh viễn.

Ký ức tuổi thơ của tôi còn là những đêm khuya vắng, với những tiếng tù và rùng rợn, báo hiệu những cảnh “tan cửa nát nhà”, đâu đó lại sắp xảy ra. Những lúc như thế, cụ thì thầm, bảo chúng tôi im lặng. Tôi nhớ nhà lắm! Vì vốn thương cháu, chiều cháu, cụ phải dẫn tôi về. Nhà bị tịch thu, những cánh cửa lim bị người ta tháo xuống làm ván nằm. Tôi chạy ra với cây na ở đầu nhà-muốn ôm lấy tất cả cành lá của nó… Rồi nằm xuống một cánh cửa và thấy cụ nói với những người canh gác: Các ông các bà nông dân cho cháu tôi nằm nhờ một lát-nó nhớ nhà quá! Ngày ấy những con cháu địa chủ phải gọi những người nông dân là “ông nông dân, bà nông dân”, thậm chí khi gặp họ còn phải khoanh tay-cúi đầu chào.

Tôi không biết mặt ông bà ngoại, nhưng cụ dường như đã gắng bù đắp cho các chắt, sự thiếu hụt này. Không chỉ tuổi thơ của tôi gắn với cụ, mà cả sau này. Khi còn là sinh viên, nhớ cụ, tôi lại đến gặp cụ, tại gia đình của cậu tôi ở khu tập thể Kim Liên. Mỗi khi gặp cụ, tôi bỗng trở lại như một đứa trẻ ngày nào.

Bà ngoại tôi mất lúc mẹ tôi còn bé, mẹ chỉ có hai chị em. Tuy ông ngoại tôi là viên chức khá, nhưng lại còn gia đình riêng với bà ngoại kế ở rất xa. Vì thế mẹ và cậu tôi lớn lên phần lớn trong sự nuôi dưỡng của cụ. Sau này, tôi nhận ra, mẹ tôi đã ảnh hưởng từ cụ rất nhiều.

Trong ký ức của tôi, cụ là một bà tiên, một vị phật sống, với khuôn mặt đầy đặn-làn da hồng hào-mái tóc bạc trắng như cước. Tuổi thơ gắn với cụ, nhưng quả thật, tôi không hề biết quê quán-gốc gác, cũng như tên thật của cụ. Mặc dù tôi cảm nhận được, ở cụ có sự sang quý khác biệt. Có lẽ không phải chỉ có tôi, mà tất cả các chắt của cụ cũng đều không biết về cụ như tôi. Tất nhiên, không thể, chúng tôi không hỏi cụ, cũng như không hỏi người lớn về chuyện này.

Thế rồi cái gì đến sẽ phải đến. Cụ mất năm 1984, thọ khoảng gần 100 tuổi. Ngày cụ mất, tôi và hầu hết các chắt của cụ đều có mặt để tiễn đưa cụ. Cụ tên là Đào Diệu Huy, quê ở Bình Định. Cụ là con gái của cụ Thượng Đào (gọi theo cách của mẹ tôi), một quan thượng thư họ Đào rất nổi tiếng của triều Huế. Cũng vì thế, các chắt của cụ, mới vỡ lẽ-hiểu ra, vì sao cụ đã phải “mai danh ẩn tích”, giấu đi nguồn gốc của mình, trong thời đại mới. Và cũng mãi sau này, tôi mới được biết cụ là con gái rất giống cha.